Thursday, May 4, 2017

Y KHOA : CON ĐƯỜNG CHÔNG GAI ĐẾN CUỐI CUỘC ĐỜI - PHẦN 1




Con gái  lớn chọn ngành Triết.
Triết học là một ngành đặc biệt mà mình không có cơ hội để hiểu biết. Con gái chọn lựa ngành này, âu cũng là chương trình của Chúa. Không biết sẽ ra sao với ngành học mà đường vào cứ ngày càng hẹp. Nhưng với lòng cậy tin vào sự quan phòng và xếp đặt của Đấng Tối cao, mình tin con mình sẽ ổn và tốt đẹp.
Thực sự ao ước có con gái nối nghiệp Y khoa. Đơn giản chỉ vì những gì con học mẹ có thể hiểu và chia sẻ. Nên cũng động viên con gái nhỏ theo nghiệp Y khoa.

Đúng, con đường nào cũng chông gai. Nhưng riêng Y khoa là con đường chông gai đến cuối cuộc đời. Chỉ khi chấm dứt thực hành Y khoa, nghiệp Y mới chấm dứt.

Y khoa là nghiệp. Nghiệp vì nó đòi hỏi cả kiến thức và đạo đức đều xuất sắc.
Không ai giỏi là có thể học Y , yêu ngành y được liền. Nó là một quá trình học hỏi, rèn luyện của cả khối óc và trái tim.
Mình thi vào Y khoa như là một cái duyên. Một cái duyên thực sự.

Hai năm nữa là mình kỷ niệm 30 năm ra trường y khoa.
30 năm được mang bảng tên với danh hiệu Bác Sĩ Y khoa. Thời gian dài chứ không phải ngắn.
Hồi tưởng lại một chút quá trình học làm bác sĩ, dù rằng có thể không đầy đủ, nhưng cũng là một phần lớn của một đời người.

Thi Y khoa, thi 3 môn Toán, Hóa, Sinh. Khó! Thực sự khó.  Nên mình thi rớt 1 lần. Và lần sau thì đậu. Đậu cao.

Hớn hở vào năm thứ nhất, mình phải học tất cả các môn cơ sở, bắt buộc, không có quyền lựa chọn. Kể ra đây không biết có sót không : Ngoại ngữ,Giải phẫu. Sinh Lý. Sinh Hóa. Dược Lý. Giải phẫu bệnh.Vi Sinh, Hóa Sinh, Mô Phôi, Miễn Dịch. Toán và toán thống kê, Hóa hữu cơ. Vật lý. Ngoài ra còn có chính trị, lịch sử, Triết học Mác lê nin,  ..bla bla... 
Trong đó có lẽ môn cần hiểu thấu đáo nhất chỉ là giải phẫu và sinh lý. 2 môn này học cho chính mình. Các môn khác có thể học đủ trả bài cho thầy cô. 

Qua năm thứ hai : Tiếp tục học Giải phẫu và giải phẫu bệnh. Sinh lý và sinh lý bệnh. Tiếp tục dược lý  lâm sàng. Học các môn cận lâm sàng : huyết học, sinh hóa, vi trùng, giải phẫu bệnh, X quang ...và rất nhiều môn gì nữa đó. 

Bắt đầu tiếp xúc bệnh nhân để học thực hành tất cả những việc dành cho hộ lý và y tá (trải drap giường khi không có bệnh nhân, có bệnh nhân và có bệnh nhân hôn mê, chăm sóc bệnh nhân về các sinh hoạt tiêu, tiểu tại giường, học đo mạch nhiệt, tiêm chích, lấy máu xét nghiệm...) Tất tần tật những việc của Y tá và hộ lý. 
Buổi sáng ở bệnh viện. Chiều ở trường học các môn cơ sở và lý thuyết thực hành. 

Năm thứ 3:
Năm này khá đặc biệt, mình bắt đầu đến bệnh viện thực tập tất cả các buổi sáng. Tiếp xúc bệnh nhân, khai thác bệnh sử bằng hỏi bệnh. Khám bệnh nhân tìm các triệu chứng lâm sàng. Tập làm hoàn tất bệnh án. Tổng hợp. Cho xét nghiệm. Chẩn đoán. Hàng ngày đều phải khám bệnh lại và ghi chép diễn tiến. 

Tất các các buổi chiều học ở trường: Học cách thăm khám. Bốn kỷ năng cơ bản : Nhìn Sờ Gõ Nghe phải nhuần nhuyễn. Học triệu chứng lâm sàng. Học xét nghiệm lâm sàng

Buổi tối trực vài buổi trong tuần. Những tối còn lại ở nhà học hoặc lên thư viện.
Nếu không trực, chủ nhật có thể được nghỉ. Nếu trực thì đi suốt tuần. 


Thời gian biểu này kéo dài suốt những năm còn lại của sinh viên Y khoa. 
Từ năm thứ 5 thì mùa hè cũng đi thực tập bệnh viện. 
Người ta nói đối với sinh viên Y khoa một năm có 2 mùa : Mùa học và mùa thi 
Thư giãn, giải trí tự sắp xếp. Và tất nhiên luôn luôn phải  biết tự cân bằng. 

Có 3 môn cần nắm vững trong năm 3: Giải phẫu bệnh, sinh lý bệnh và Dược Lý, rất quan trọng sau này. Nếu nắm được giải phẫu, sinh lý, sinh lý bệnh thì dược lý không khó 

Học thật tốt tiền lâm sàng, cách khám bệnh.

Đi lâm sàng Y3 cần nhất là học cách khám đúng, phát hiện triệu chứng đúng, bắt đầu gắn triệu chứng vào bệnh, bắt đầu học tư duy chẩn đoán từ triệu chứng vào bệnh. 
Năm nay khám càng nhiều càng tốt, hỏi càng nhiều càng tốt trên nguyên tắc : tự thân vận động là chính, các BS không phải lúc nào cũng đúng nhưng chắc chắn nhiều kinh nghiệm hơn mình, và tiếp tục đứng trên cơ sở của lý thuyết giải phẫu và sinh lý, lâm sàng sẽ được dạy và hướng dẫn song song từ các bác sĩ ở trường và các bác sĩ ở bệnh viện hàng ngày.


Đây là giai đoạn tự nhiên tư thế tác phong thay đổi, nhiều kỹ năng phát triển lên
Kỹ năng nói. Phải nói, phải hỏi sao cho người ta khai ra với mình tất cả điều mình cần. Bệnh nhân lớn nói kiểu người lớn. Nhỏ nói kiểu nhỏ. v.v...
Kỹ năng quan sát, lắng nghe: phải quan sát, phải lắng nghe, hướng và không áp đặt bệnh nhân tập trung vào việc chính.
Kỹ năng ghi chép tốc ký.
Trong túi áo blouse, ngoài dụng cụ thăm khám bênh nhân, luôn luôn có viết và sổ ghi chép. Ghi chép những điều phát hiện, ghi chép những lời thầy cô giảng. Không có điện thoại trong túi . Hì tất nhiên hồi đó là như vậy. Còn bây giờ cũng nên tập trung vào việc đối thoại mình với bệnh nhân hơn bất cứ điều gì trong đời. Chữ viết bắt đầu xấu đi từ đây. Sổ của ai, người nấy đọc. 

Các đêm trực, cần mẫn khám bệnh nhân, theo dõi diễn tiến bệnh, đón nhận bệnh nhân mới. Đừng tỏ ra khó chịu khi bị bác sĩ, y ta sai vặt (đi lấy nhiệt, đo huyết áp, lấy xét nghiệm...) bởi bạn sẽ nhận lại được nhiều thứ rất hay. Nhiệm vụ trực của Y 3 là phục vụ bệnh nhân, phục vụ bác sĩ chẩn đoán và điều trị. 
................Có thể chưa nói được hết nhưng năm 3 thật là hay. 
Mình cảm thấy rất oai vì được tiếp xúc bệnh nhân. Mình cảm thấy rất tự hào. 
Mình cảm thấy có vẻ như mình làm bác sĩ được rồi. 
Mặt bắt đầu hốc hác, mắt bắt đầu trũng sâu....

Rồi năm 4, 5, 6 thì sao ? 

(còn tiếp)

Hình minh họa lấy từ net, mang tính chất tượng trưng. Thực tế nhọc nhằn hơn. 


 Nhìn Y tá thay băng

  Xếp hàng chờ đợi được khám bệnh nhân.
Bệnh nhân rõ ràng là không thích quá nhiều người đè bụng mình miết.


2 comments: