Thursday, October 12, 2017

MÙA HÈ THIỆN NGUYỆN CỦA BẢO - 11

B tài quá  . Cứ quan sát ghi nhận hết. Sau ni mình sẽ có dịp đọc về sự khác nhau giữa technician và PA. Khi ghép thông tin đọc được và thông tin nhìn thấy lại với nhau thì sẽ hiểu hoàn toàn luôn.

-----------------------------------------------------------------------------------

Nhật kí thiện nguyện kéo dài
Đọc thư Bảo về việc làm bệnh viện, mẹ có cái vui thích là được nói về những điều mình đã đi qua. Thú vị !
Dưới bác sĩ là PA. PA có khả năng thực hành khá nhiều nhưng không có khả năng chẩn đoán và chỉ định điều trị thì rất giới hạn. 
Technician tương tự nurse, họ thực hành dưới sự chỉ định của bác sĩ và PA (có lẽ vậy) . Technician thiên về kỹ thuật (Vn gọi là Kỹ thuật viên). Nurse thiên về chăm sóc điều trị. Tất cả đều phải thực hiện đúng y lệnh của bác sĩ. 

Công việc khâu vết thương là cơ bản và không khó , nên họ quen rất nhanh. THực hiện một vết khâu dưới chỉ định của bác sĩ thì khỏe nữa, chẳng có chi căng thẳng. Nên chuyện trò thôi. 

THường sẽ khâu 2 lớp nếu vết thương sâu. Lớp cơ bên trong khâu chỉ tự hủy, sẽ tiêu dần đi khi vết thương lành. Lớp da bên ngoài khâu chỉ không tự hủy, sẽ không tiêu đi mà phải cắt bỏ sau khoảng 7 ngày tùy nơi và tùy vết thương. 

bệnh nhân thường có khuynh hương lo lắng hoặc sức chịu đựng họ kém hoặc họ ưa làm ầm ĩ lên để tạo sự chú ý. Vì thế họ hay rên la ầm ĩ. 
Mình phải nhận định bênh nhân đau thực sự, có vấn đề khẩn cấp thực sự hay chỉ là la ó linh tinh để có thái độ. 
Bệnh khẩn cấp thì phải lưu ý. 
Bệnh không có gì, cứ để họ la thoải mái. 

Hì hì, Bảo thật là vui. Cứ làm quen các nhân viên y tá thoải mái. Không ngại. Những gì khong được làm họ sẽ báo mình. Bảo không lo lắng sợ hãi chi. 

Vậy nha. 
Thương
Mẹ 

8/22/17

Hôm nay Bảo vẫn giúp việc như thường lệ.

Bảo nghe người ta đưa một cô gái gào khóc điên loạn vào phòng chăm sóc, đóng cửa cho khỏi ồn. Có vẻ như người đó đang hoảng sợ. Giống em bé khi bị đưa vào tiêm kim.  Lâu lâu người đó gào "No! No more medicine!". Đã nhiều lần nghe bệnh nhân làm ồn rồi nên Bảo thấy cũng bình thường. Nhưng tự nhiên Bảo thấy hai ông bà đứng ngoài cửa ôm nhau, người mẹ đau đớn khóc nấc vài tiếng. Nhìn thương, tội lắm.  Một lát sau Bảo thấy một ông khác đứng cầu nguyện cùng hai ông bà đó. Bảo nghĩ họ là "chaplain", người đến hỗ trợ tinh thần (spiritual guide) cho những người đang gặp khó khăn ở bệnh viện.  Nhưng rồi chuyện cũng qua, người lại lặng tiếng, cửa phòng mở, hai ông bà ngồi ghế mở điện thoại bấm bấm.

Đôi khi có những cặp đôi nằm sóng soài với nhau trên một giường bệnh.

Đôi khi Bảo nghe có lời cầu nguyện buổi sáng phát trên loa khu cấp cứu. Không phải ngày nào cũng nghe. Cầu nguyện cho một ngày làm việc tốt, "with renewed mercy".

Bình oxy: Hôm nay đi qua đi lại thì Bảo thấy phòng chứa vật liệu trong phòng cấp cứu đã hết bình oxy. Trong danh sách các việc làm của tình nguyenj viên có việc "Chất bình oxy vào phòng chứa". Bảo chưa bao giờ làm việc này nhưng muốn thử việc mới. Hướng dẫn viên hồi đầu hè cũng không có hướng dẫn Bảo cách cầm bình oxy. Bảo chỉ biết bình oxy cần phải bỏ vào trong xe đẩy có khay đựng, không được để không ở ngoài vì nếu nó té, va chạm mạnh sẽ gây nổ. Các phòng chứa vật liệu ở đây có bảng cảnh báo: 
Bảo đem một xe bình oxy đã sử dụng xuống kho trung tâm vật liệu (Center Supply Room) để đổi lấy bình đầy. Mấy bình oxy nặng, đẩy qua mấy mép cửa lồi lõm (ví dụ thang máy) hóa ra phải có cách mà lúc đầu Bảo không biết, nên cứ đụng đùng đùng. Bảo lại gặp phải cái xe đẩy rớt quai (xe như vậy cần phải gọi người sửa chửa để đảm bảo an toàn). Bảo vào nhà kho rồi, có cô đó giúp đỡ hướng dẫn Bảo tận tình cách đẩy xe. Cô chỉ Bảo vào cái kho nhỏ chứa bình oxy sau đó cho Bảo tự làm từ đây. Bảo thấy hơi sợ sợ, giống vào cái hòm bom, chắc bữa sau không làm việc này. Nhưng rồi Bảo chất bình xong đi lên ổn cả.

He he, bệnh viện là nơi muôn màu muôn vẻ đau đớn. 
Người làm trong bệnh viện được rèn luyện dần để "bơ" đi nhiều thứ. 
Người làm Y tế được rèn luyện để chịu đựng đủ thứ hầm bà lằng. Bệnh nhân không ai giống ai dù họ bị bệnh như nhau. 
Người làm Y tế có bản lĩnh hơn người. 
Dần dần Bảo sẽ ít chú ý vì mọi thứ quen dần đi: Không lạ lùng, không căng thẳng, không lo âu. Những giây phút mủi lòng vì bệnh nhân sẽ qua đi. Không có thời gian dành cho mủi lòng. 
Ai cũng rên la rồi ai cũng yên dần. 

Mẹ thấy Bảo rất giỏi. 

Quay lại chuyện bình Oxy: 
Đẩy bình Oxy là khó. Phải biết cách, nếu không thì có thể gây cháy nổ và đổ bể những thứ chung quanh nếu va chạm. Đừng quá cố gắng nếu như thấy khó. 
Không làm được là bình thường. 
Chẳng ai tài giỏi để làm hết mọi thứ. 

Ờ , mẹ chưa từng sử dụng bình Oxy  trừ khi là sinh viên , phải học cách sử dụng bình Oxy. 
 Bác sĩ chỉ cho chỉ định bệnh nhân thở Oxy. 
Y tá thực hiện y lệnh của bác sĩ,  phải biết sử dụng bình oxy để cho bệnh nhân thở Oxy. .

Bác sĩ dành đầu óc để suy nghĩ, phán đoán, ra quyết định
Y tá chăm chỉ làm theo y lệnh, không suy nghĩ gì nhiều. 
Nhân viên phục vụ làm những việc thuộc trách nhiệm của mình, không xen vào việc khác. 

Phân cấp rất rõ ràng. 
Khi đi học mình phải nắm hết mọi thứ. 
Khi ra trường mình làm công việc của mình và hướng dẫn người khác làm việc của họ. 

Bác sĩ biết chích thuốc. Nhưng Y tá sẽ chích nhanh hơn vì họ thường xuyên làm. 

Hì hì, chuyện Y khoa thật nhiều . 

Rất vui vì có dịp huyên thuyên với Bảo. 
Thanks Bảo nhiều nhé
Thương. 
Mẹ

9/1/17

Hôm nay Bảo lần đầu dỗ một người đang sợ. 

Có một bà bệnh nhân được cho nằm một giường dọc hành lang. Bảo chỉ thấy mũi bà này bị chảy máu, ngoài ra vẫn đi được. Cạnh giường bà là phòng bệnh cấp cứu Trauma, phòng này lúc đó đang chuẩn bị có bệnh nhân vào nên nhân viên đi ra vào tùm lum. Bà này bắt đầu ngồi dậy, ôm người co ro, hỏi han một bệnh nhân cạnh đó; sau đó bà bỏ đi chỗ khác, nói là sợ quá. Người ta chuyển cho bà giường chỗ khác; bà vẫn ngồi co ro trên giường. Bảo đi qua đi lại không biết bà cần gì không. Có lạnh không? Trông bà không có vẻ đau đớn lắm. Bà có vẻ sợ, nhưng làm gì cho hết sợ được chứ? Hay là lấy cái mền cho bà che thân? 
Chần chừ một hồi thì Bảo để ý thấy bà khạc nhổ nước bọt vào khăn giấy nên Bảo tới hỏi bà có buồn nôn không Bảo sẽ đưa bao, nhưng bà nói không. Bà đứng dậy khỏi giường, chỉ vào phía giường nói tôi sợ. Khăn giường hơi ướt, giường có nhiều khăn giấy bẩn dính ướt và ít máu, và một cái áo khoác. 
Bảo hỏi áo này của bà? Bà sợ sệt , nói tôi không cần nó, đem cái áo đi đâu cũng được. Bảo tộn khăn giấy bẩn vào thùng "Biohazard" vì thấy nhớp nhớp (Bảo vẫn còn hơi lơ mơ về cách phân loại rác, nhưng có lẽ từ từ rồi học cũng được; vì sao bình đựng nước tiểu đã đổ hết nước tiểu lại bỏ vào thùng Biohazard, nhưng một miếng băng gạc dính một ít máu lại bỏ vào thùng thường; có thể do máu đã khô rồi?...). Bảo thiếu suy nghĩ nên tộn luôn cả hộp khăn giấy đang dùng dở vào luôn. Sau đó Bảo chùi giường, thay ra nệm sạch, và đem gối mền. Bà nằm co ro, Bảo đắp mền cho bà. Bà sợ sệt nói, mấy cái tiếng báo động bíp bíp trên loa là sao vậy? (Những tiếng này Bảo vẫn thường nghe mỗi ngày trong phòng) Bảo nói với bà đừng lo, nhân viên sẽ chăm lo tất cả mọi thứ, tiếng báo động là để họ biết chuyện gì đang xảy ra thôi mà.

Sau cùng Bảo hỏi: Bảo có thể giúp bà được gì nữa hay không? Đây là câu hỏi mà ban đầu Bảo không biết dùng. Bảo chỉ chờ bệnh nhân nhờ vả. Nhưng sau này Bảo nhận ra khi hỏi câu đó thì thường bệnh nhân sẽ hỏi xin thêm một điều gì đó. Câu nói này vẫn thường được những người làm việc customer service hỏi (ví dụ qua điện thoại).

Bảo cũng có một sự hơi chần chừ khi tiến đến hỏi bệnh nhân cần gì không. Khi thấy bà bệnh nhân sợ sệt đó, ban đầu Bảo cũng đi lại tần ngần thôi, Bảo nghĩ can thiệp cũng có chừng mực thôi vì đây là nhiệm vụ của y tá, còn bệnh nhân cần gì thì có thể lên tiếng. Bảo thường chỉ đem ghế, mền, hoặc nước. 

Có lần Bảo đi ngang vào phòng, bệnh nhân gọi Bảo nhờ gọi y tá giúp đi tiểu. Họ luôn có nút bấm báo hiệu để gọi cho nhân viên từ bên ngoài (call light), nhưng thấy Bảo thì họ nhờ Bảo. 

Bảo thật là dễ thương. 
Nhiều người mắc chứng sợ hãi(.panic disorder, phobia)
Chứng sợ hãi, được xếp vào một dạng rối loạn thần kinh. Họ luôn cảm thấy sợ hãi, lo lắng , bồn chồn. Sự việc đến với họ dù rất nhỏ, rất bình thường, họ cũng cảm thấy hết sức nặng nề. 

Bảo đọc thêm chỗ ni xí cho biết

Nói chung, để điều trị bệnh này cần thời gian và sự phối hợp hiểu biết giữa thầy thuốc và gia đình.
Bảo xử lý trường hợp này như vậy là rất đúng mực. 
Và thực sự mình không làm thêm được gì hơn. 
Bảo luôn lưu ý một điều : luôn có khoảng cách với bệnh nhân , khoảng cách không gian và khoảng cách vị trí . 

Việc rác thải: Bảo có thể không biết phân biệt về rác thải y tế. Nhưng chẳng khó khăn gì : Vật sắc nhọn, vật có dính máu và dịch tiết bệnh nhân thì Bảo luôn thận trọng. Mai mốt sẽ học thêm. 

Bảo giúp đõ mọi người như vậy là quá tốt. Như vậy là tốt lắm lận. 

Sắp tới, khi kết thúc 100 giờ, mình có cần lấy giấy xác nhận không? Nếu có thể thì cứ xin để đó. 
Việc Bảo có đi làm thêm thì tùy thời gian còn lại của Bảo. Mẹ nghĩ có thể nghỉ ngơi được rồi. Nhưng nếu Bảo thấy vui Bảo cứ đi thêm . 

Bảo giỏi lắm. 

Vậy thôi 
Thương nhiều


Mẹ 


9/5/17

Trong một phòng bệnh có một thằng nhỏ đang chơi xe hơi bò lê lết dưới sàn. Người mẹ ngồi trên ghế còn nằm giường chắc là ông chồng . Bảo thấy thường vẫn có người chùi sàn ra vào thường xuyên, tuy nhiên có lẽ sàn bệnh viện vẫn bẩn lắm, có thể có máu giọt xuống. Cho nên B hỏi một y tá nếu thấy em bé như vậy thì nên làm gì. Y tá nói nhân viên cũng khuyến khích không nên đeer em bé chơi như vậy, tuy nhiên nếu có thì có thể đem một tấm khăn hoặc mền trải dưới sàn cho nó.

Vậy là Bảo đem một tấm mền hỏi người mẹ có cần không,  và trải ra trong khi người mẹ cho thằng bé rửa tay. Bảo cũng không rõ nên trải thế nào cho khỏi cấn lối đi nhưng Bảo cứ để đó tuỳ họ xử lí. 
Một lúc sau chắc do mền cấn chỗ nên dẹp qua bên, nhưng Bảo vẫn thấy em bé chơi dưới sàn. 


Bảo thật là tốt bụng. 

Trong trường hợp này, ý của mẹ thì Bảo chỉ nên nhắc nhủ người mẹ : Cho bé chơi trên sàn nhà bệnh viện là rất bẩn. Không nên như thế. Rồi thôi, không đem mền chi cả . 
Nhớ luôn luôn giữ khoảng cách của người làm y tế với bệnh nhân. Mình không phải là bảo mẫu của người khác. 

Có 2 chuyện cần nói cho Bảo hiểu là ri : 
1/ Chuyện bẩn của bệnh viện: Trừ những khoa phòng cần vô khuẩn tuyệt đối, còn lại thì môi trường bệnh viện thực sự là bẩn . Nhưng cái bẩn không nhìn được bằng mắt mà nó ở trong không khí. 
Bệnh viện luôn hết sức làm sạch môi trường nhưng không thể đảm bảo là vô trùng. 
Cho nên chơi đùa trong bệnh viện thì không nên, bò lê dưới sàn càng không nên,.
Chơi trên thảm trong nhà khác chơi trên thảm trong bệnh viện. Thảm trong bệnh viện tưởng là an toàn. Nhưng không. Chủ yếu vẫn là không khí bị nhiễm bẩn. 
2/ Chuyện bà mẹ : 1 bà mẹ để con bò lê dưới sàn bệnh viện thì bà mẹ đó chưa biết quan tâm tới đứa bé. Mình có thể nhắc nhủ và chỉ nên nhắc nhủ thôi. Chơi trên tấm mền cũng không có nghĩa là sạch. Tốt nhất là bà mẹ không nên mang trẻ con vào bệnh viện. Nếu mang vào phải luôn giữ chúng trong tay mình. 

Tóm lại, mình cần làm đúng vị trí chức năng của mình. 
Hi hi, Bảo rất tốt bụng và hết lòng vì công việc . Nhưng cố gắng đứng đúng vị trí của người làm công tác y tế trong giao tiếp với mọi người chung quanh. 

Vậy nghe
Thương. 



Mẹ

No comments:

Post a Comment