Thursday, October 12, 2017

MÙA HÈ THIỆN NGUYỆN CỦA BẢO - 10

THẢO 

B thật là tài  . Chắc chị T ko làm được việc ni - bị sợ nhìn thấy người đau "hốc mũi trống hoác lòi xương."

Phong cách chăm sóc của B khác. Có nhiều người nói mấy câu trấn an rất là tự nhiên, nhưng có thể họ không cần cù như B. Cũng tùy tính cách con người. Mỗi người có một thế mạnh riêng.

Mẹ nói chị Xíu giao tiếp bán hàng tốt nhưng việc thuốc men không làm được như chị Tuyền.

B làm tốt nhiệm vụ của mình là giỏi lắm rồi. Những mảng về giao tiếp cứ cố gắng dần dần và không buồn nản .

Càng lớn càng làm việc lâu thì càng dễ nói chuyện hơn, vì không sợ cái chi nữa. Cho nên khi các nhân viên bắt chuyện thì B cứ trả lời thoải mái.

7/21/17

Bảo nói chuyện thêm được với một vài bệnh nhân. Những bệnh nhân tỉnh táo thì có thể trả lời Bảo họ cần gì hoặc không cần gì. Một lần Bảo đi ngang qua phòng thì thấy một ông bệnh nhân yếu ớt đứng dậy cố gắng gỡ những băng dán trên người ông. Bảo hỏi ông cần gì không thì ông có vẻ hơi thẫn thờ không chú ý, nói là cần điện thoại gọi người chở về. Bảo thấy có thể ông này có vấn đề gì khác; những khi không chắc thì Bảo gọi y tá.  

Lâu lâu trên loa quanh các phòng lại nổi lên một giai điệu ru ngủ ngắn. Hóa ra giai điệu đó báo hiệu có một em bé mới được sinh. Khu hộ sinh nằm ở tầng khác. 

Bảo thấy lâu lâu có y tá đem bánh cookie hoặc làm một ổ bánh để giữa bàn trong phòng giải lao, chắc họ mời đồng nghiệp. Mấy món bánh cũng dễ mời được nhiều người ha!

Ô, vụ điệu nhạc nổi lên ni hay ghê. Chừ mới nghe lần đầu. Thật vui vì một phát hiện và thực sự cũng đáng ngưỡng mộ ý tưởng hí. 
Ờ, đi làm cũng vậy. Ở nhà có đồ chi ăn , đôi khi mang lên ăn chung . Sẽ vui hơn. 

Giao tiếp và quan sát bệnh nhân nhiều, Bảo sẽ dần nhận ra vấn đề cần của họ. 
Mỗi người có một vấn đề. Chẳng ai giống ai. Người trẻ, trẻ con, người già. Đàn ông, đàn bà....

Có những người già họ hơi bị lẫn. Cũng tội . Nhưng biết vậy thôi, theo họ cũng nhọc vì họ không biết họ cần gì. 

Bảo phải tập quan sát để phát hiện những vấn đề mình cần làm và những vấn đề mình không cần làm. 

Thương chúc Bảo những ngày vui. 

Cho Bảo hỏi xí: Khi nào Bảo có một số câu hỏi muốn hỏi y tá, mà không phải hỏi ngay tức thời (ví dụ hỏi họ nhận xét về Bảo, hoặc là một số câu hỏi gì đó về những nhiệm vụ của Bảo...) mà Bảo thấy có y tá trong phòng giải lao thì Bảo có nên hỏi họ vào lúc đó không? Hay là giờ giải lao thì chỉ để họ nói chuyện "giải lao" thôi... Hay là nên hỏi giờ đó hơn vì họ sẽ không bận rộn với bệnh nhân...

Ngoài ra Bảo mới phát hiện có một số buổi học 1 ngày dành cho cộng đồng hoặc tình nguyện viên, miễn phí (trên mạng nó ghi tình nguyện viên được khuyên nên học khoảng 2 khóa mỗi năm). Những khóa nằm trong thời gian Bảo còn nghỉ hè Bảo ghi ở dưới. Ngoài ra trong Volunteer Guide Bảo còn thấy Benefits bao gồm Traing Opportunities (CPR, First Aid) mà nó không khi là Bảo có được cho miễn phí hay không (khóa học 1 buổi, từ $25-$65). Thường CPR/First Aid phai trả tiền (có cả certificate nữa, chắc nhân viên hoặc sinh viên trường Y mới cần), nhưng để Bảo hỏi lại cho biết.

Ba trả lời :).

B hỏi các y tá lúc mô họ rảnh rỗi, không bận tiếp xúc với ai khác là ok. Cũng có trường hợp họ đang bận suy nghĩ việc khác mà mình không biết được, thì họ cũng sẽ vui vẻ từ chối hẹn dịp khác thôi :).

(Chị T cũng thấy không còn giờ mô khác thì hỏi trong giờ giải lao thôi vậy :). Chắc người ta sẽ vui vẻ giúp đỡ. Trò chuyện với người khác dù là về công việc chắc cũng được tính là giải lao).

Còn lớp học thì ba nói nếu thuận tiện thời gian và đi lại thì học cho biết cũng được. Nếu không thuận tiện thì thôi vậy. Những cái ni lên học bác sĩ người ta sẽ bày lại bài bản hơn hết.



tháng 8/11/2017

Đôi khi Bảo gặp bệnh nhân người Việt ở bệnh viện. Người Việt gặp nhau là hay hỏi han nhau, ví dụ hỏi sống ở khu nào. Gặp mấy người già, họ không biết tiếng Anh, tội.
Hôm nay có một bà nằm trên giường bệnh, đi lụ khụ đi vào toilet , cầm cái bao ọe ọe giữa đường. Một lúc sau Bảo nhận ra bà là người Việt. Bảo giúp bà đi bộ vào toilet, về giường, và thông dịch (ví dụ nói là y tá chuẩn bị thay băng, hoặc là hỏi y tá giúp cho bà). 
Bà nói gặp người Việt mừng quá, quanh đây toàn Mỹ sợ quá. Bà dang tay ôm hun Bảo. Bảo đứng nghe bà nói chuyện này chuyện nọ một lát. Bà kể có một ông cảnh sát người Việt cho bà một cái điện thoại di động (loại lật). 
Bà hỏi xin ít đồ ăn nhưng y tá không cho phép vì bà sắp ra viện. Bà nhờ Bảo đưa giúp bà về nhà, có được không, nhà gần bệnh viện lắm, mượn bệnh viện cái xe lăn hoặc không thì đi bộ với bà cũng được. Con cháu bà giờ này đang đi làm ở xa; hồi nãy có hàng xóm đưa bà vào bệnh viện. Bảo thấy bối rối nên xin phép đi hỏi y tá rồi Bảo trình bày với y tá, hỏi nên làm gì. Y tá nói bệnh viện không cho phép mang xe lăn ra ngoài khu vực, tốt nhất là cứ nói bà ngồi chờ ở ngoài phòng đợi. Bảo cũng nghĩ, không phải người nhà, Bảo giúp bà đi đứng mà lỡ té giữa đường thì chắc cũng lôi thôi với người nhà lắm, thôi để người nhà bà chở về.  

Khu phòng cấp cứu chính có 1 phòng toilet cho bệnh nhân và một cho nhân viên, có khi Bảo thấy người ta cho bệnh nhân vào dùng toilet trong phòng nhân viên (chắc lúc ấy đông người, kẹt). Khu bệnh nhân tâm thần có 1 toilet. Một khu khác có 2 phòng tắm. Nhân viên chùi dọn luôn đi quanh. 

Xem cách nói chuyện với những người có tính phản bác: Hôm nay khu bệnh nhân tâm thần có một người đàn ông da đen liên tục lải nhai sau bức màn. Một lúc sau Bảo thấy ông cãi cọ với một nhân viên, nói tại sao tôi bị trói xuống giường, tôi biết bệnh viện sẽ trói tôi hàng giờ nữa, tôi cũng có cảm xúc đấy nhé,  tôi có làm gì sai v.v Nhân viên nghiêm nghị nói cách nói chuyện và phê bình ngoại hình người khác của ông gây bất an cho chúng tôi. Cô nhân viên chỉ đứng chờ ông ta nói hết hơi rồi im lặng kéo màn bỏ đi. 

Lại nhận thư Bảo . Vui lắm. 

Ừ , thỉnh thoảng vẫn gặp người Việt. Họ chắc chắn sẽ rất vui mừng khi gặp Bảo.
Bảo giúp họ như vậy là tốt quá. 
Giúp với tư cách là tình nguyện  viên. 
Giúp với tư cách là thông dịch viên. 
Thật là quá tuyệt vời

Tuy nhiên , người Việt thường cũng nhiều chuyện. Mình thương họ nhưng luôn phải giữ một khoảng cách với họ. 
Đừng tỏ ra quá thân thiện. 
Đừng tỏ ra ưu ái người này hơn người kia. 

Những nguyên tắc cơ bản như cho đồ ăn, lấy cái này cái kia của bệnh viện, Bảo cần tuân thủ. 

" tốt nhất là cứ nói bà ngồi chờ ở ngoài phòng đợi. Bảo cũng nghĩ, không phải người nhà, Bảo giúp bà đi đứng mà lỡ té giữa đường thì chắc cũng lôi thôi với người nhà lắm, thôi để người nhà bà chở về"  là hoàn toàn đúng 

Với những người hay nói chuyện phản bác, hay phê phán, đòi hỏi..., cư xử như " Cô nhân viên chỉ đứng chờ ông ta nói hết hơi rồi im lặng kéo màn bỏ đi" là rất đúng mực. 
Bảo cần học cách bình thản như thế. 
Tất nhiên mỗi hoàn cảnh sẽ khác nhau một xí, nhưng nói chung, cần giữ cho mình một khoảng cách với bệnh nhân: Khoảng cách hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng (tri thức, ứng xử...) 

Thật là hay vì Bảo ngày một tiến bộ trông kiến thức và giao tiếp. 

Mong Bảo vui nhiều. 
Mẹ thương nhiều

BA : Bảo suy nghĩ đúng và đã hành động đúng, bà bệnh nhân người Việt, khi đau ốm có thể hàng xóm đưa đi được vì là chuyện khẩn thiết không thể chờ người nhà, nhưng khi xuất viện thì phải  chờ người nhà đưa về,vì không còn là chuyện khẩn thiết nữa và cần phải có trách nhiệm của người nhà.
Mình luôn sẵn sàng giúp đỡ , nhưng khi có dấu hiệu của sự lợi dụng lòng tốt, ở đây là lợi dụng để khỏi phải gọi người nhà đến sợ mất thời gian của họ, thì cần phải giữ khoảng cách như mẹ nói.
Bảo đã giao tiếp tốt và vững vàng trong trường hợp này, WELL DONE


8/15/17

Y tá Bảo nói chuyện cùng nói là khi nào có chi hay cô kêu Bảo lại xem nhé. Hôm nay cô chỉ Bảo xem một bệnh nhân được chăm sóc vết thương trên ngón tay. Ông này làm nghề giống cậu, áo và mũ dính mạt cưa, tay ông bị một cái kim hay bấm gì đó cắt sâu làm hơi rạn xương. Ông nói muốn tự chăm sóc ở nhà nhưng thôi cuối cùng lên bệnh viện. Nhân viên Tech (Bảo chưa rõ nhiệm vụ này khác thế nào so với y tá nhưng hình như học ít hơn) rửa ráy vết thương, PA khâu, nhân viên Tech dọn dẹp và băng bó. Bảo ngó PA khâu Bảo cũng hơi sợ sợ nên chỉ đợi họ nói ok mới xích tới gần và hỏi han. Chắc họ làm quen rồi nên vừa làm vừa nói chuyện vẫn được. PA khâu ngón tay 7 mũi, 2 loại chỉ; một loại chỉ khâu da trong, sẽ tự phân hủy; loại chỉ kia ở ngoài da, cứng cáp hơn và phải tháo sau khi lành. 

Nhiều bệnh nhân nằm trong im lặng nhưng đôi khi có người làm ồn. Trong phòng bệnh hôm nay có một người nào đó cứ la oai óai như đau gì lắm. Chung quanh có nhiều bệnh nhân khác. Bảo thấy y tá vào xem vài lần nhưng rồi kéo màn lại đi ra không làm gì, mà bệnh nhân lâu lâu cứ la lên như cố ý. Bảo cũng hơi ngại hỏi nên cũng không biết rõ lắm. Một lát sau bệnh nhân bước ra viện. Giường bệnh không hiểu sao dính nhiều bụi cát trắng. Y tá nhìn cũng không biết là chi, họ đoán bừa là thuốc nghiện.

Bảo cũng nghe nói có cũng có nhiều trường hợp bệnh nhân vào đây nhưng cuối cùng không có bệnh tình khẩn cấp nào.



No comments:

Post a Comment