Thursday, August 25, 2022

𝗟𝗢𝗩𝗘 - William Maxwell

YÊU THƯƠNG

Dịch giả : Vĩnh Bá.
𝘾𝙤̂ 𝙑𝙚𝙧𝙖 𝘽𝙧𝙤𝙬𝙣, cô viết tên cô lên bảng, từng mẫu tự một rất đẹp, theo kiểu chữ Palmer. Cô giáo lớp 5 của chúng tôi. Kiểu chữ viết tên cô mà khắc lên bia đá cũng hợp.
Khi cô điểm danh, giọng cô rất dịu dàng như đôi mắt mầu nâu sẫm xinh đẹp của cô. Cô khiến tôi liên tưởng đến hoa 𝙥𝙚𝙣𝙨𝙚́𝙚. Khi cô gọi bạn Alvin Ahrens đứng đậy trả bài, bạn ấy nói: “Cháu biết nhưng cháu không phát biểu được,” cả lớp cười khúc khích, nhưng cô khích lệ: “Cố lên,” và chờ đợi để biết chắc là bạn ấy không biết câu trả lời, cô mới nói với một trong những cánh tay đang giơ lên vẫy vẫy: “Hãy nói cho bạn Alvin biết một phần năm nhân với ba phần tám là bao nhiêu.” Nếu chúng tôi đến trường trễ, mặt đỏ bừng, thở hổn hển, chưa kịp viện cái cớ mà chúng tôi đã nghĩ ra trên đường tới trường, thì cô đã nói: “Cô chắc các cháu không tránh được việc đến trễ. Khép cửa lại và về chỗ ngồi đi.” Nếu cô giữ chúng tôi lại sau giờ học, chẳng phải là để trách mắng, mà để giúp chúng tôi hiểu bài hơn.
Ai đó để một quả táo đỏ lên bàn của cô, cốt để cho cô thấy khi cô vào lớp, cô mỉm cười rồi cất quả táo vào hộc bàn để khỏi ai thấy. Một ai khác để lên bàn cô hoa cúc tây màu tím, cô cắm hoa vào trong cốc nước của cô. Sau đó thì quà tặng đến rất đều. Cô là cô giáo xinh đẹp duy nhất trong trường. Cô không bao giờ bắt chúng tôi phải im lặng hoặc phải ngưng cái trò ném cục tẩy vào nhau. Chúng tôi không dám nghĩ đến chuyện làm điều gì khiến cô buồn lòng.
Ai đó nói khéo sao đó khiến cô tiết lộ ngày sinh của cô. Chờ lúc cô ra khỏi phòng học, cả lớp biểu quyết tặng cô hoa từ vườn ươm. Biểu quyết lần hai thì hoa được chọn là hoa hương đậu. Khi cô thấy chiếc hộp của cửa hàng hoa chờ sẵn trên bàn, cô nói: “Ồ?”
“Mở hộp đi cô,” cả lớp cùng nói.
Những ngón tay búp măng dường như mất rất lâu mới mở được dải băng. Cuối cùng cô giở được nắp hộp và thốt lên ngạc nhiên. “Đọc thiệp đi cô!” chúng tôi la lớn.
𝘾𝙝𝙪́𝙘 𝘾𝙤̂ 𝙑𝙚𝙧𝙖 𝘽𝙧𝙤𝙬𝙣 𝙨𝙞𝙣𝙝 𝙣𝙝𝙖̣̂𝙩 𝙫𝙪𝙞 𝙫𝙚̉, 𝙩𝙖̣̂𝙥 𝙩𝙝𝙚̂̉ 𝙇𝙤̛́𝙥 𝙉𝙖̆𝙢, thiệp viết.
Cô cúi xuống ngửi hoa rồi nói: “Cô cảm ơn tất cả các em rất, rất nhiều,” và rồi cô nhắc chúng tôi trở lại với giờ học tập viết cho ngày hôm đó.
Sau khi tan học, chúng tôi kéo thành một đoàn dẫn cô đi phố để xem xuất chiếu buổi chiều phim “Những Tấm Lòng Của Thế Giới” của đạo diễn D. W. Griffith. Chúng tôi không cho cô tự mua vé. Chúng tôi bao hết.
Chúng tôi muốn cô dạy chúng tôi mãi mãi. Chúng tôi có ý định dẫn cô theo với chúng tôi lên lớp 6, lớp 7, lớp 8 và lên tiếp trung học. Nhưng đã không được như thế. Một ngày nọ có một cô giáo đến dạy thay. Chúng tôi mong ngày hôm sau cô giáo thực của chúng tôi sẽ trở lại. Nhưng cô không đến. Tuần này sang tuần khác, cô giáo dạy thay vẫn cứ ngồi nơi bàn của Cô Brown, gọi chúng tôi đứng dậy trả bài, ra bài kiểm tra, chấm điểm rồi trả bài, và chúng tôi vẫn cư xử như hồi có Cô Brown vì chúng tôi không muốn khi trở lại cô biết rằng chúng tôi đã không ngoan với cô giáo dạy thay.
Sang mùa thu, chúng tôi lên lớp 6 mà cô vẫn không trở lại. Mẹ của bạn Benny Irish biết được cô đang sống chung với một bà thím và một ông chú nơi một nông trại ở ngoài thị trấn chừng một dặm, nói cho mẹ tôi biết, rồi mẹ tôi kể với một người khác nữa mà tôi nghe lỏm được. Một chiều nọ sau khi tan học, Benny và tôi cưỡi xe đạp đi thăm cô. Ở nơi con đường rẽ dẫn đến nghĩa trang và đến cơ sở của hội giáo dục Chautauqua, có một nhà kho lớn sơn đỏ treo một tấm bích chương khổng lồ quảng cáo cho rạp xiếc, vẽ hình toàn bộ phía bên trong căn lều của Gánh Xiếc Sells-Floto và chi tiết các màn trình diễn ở cả 3 sàn diễn. Vào mùa hè, ngồi trên băng ghế sau của chiếc xe mui trần Chalmers của ba tôi, tôi thường rướn cổ khi xe chạy ngang qua đoạn đường cong ấy, hy vọng nhìn thấy mọi con hổ và diễn viên đu bay cuối cùng, nhưng không bao giờ thấy được. Tấm bích chương đã tơi tả vì thời tiết, lòng thòng những dải giấy rách.
Trời sắp tối khi chúng tôi đạp xe vào con đường nhỏ dẫn đến ngôi nhà nông trại nơi Cô Brown đang ở.
“Mày gõ cửa đi,” Benny nói khi chúng tôi bước lên hàng hiên.
“Không, mày gõ đi,” tôi nói.
Chúng tôi đã không hình dung khi gặp cô thì sẽ như thế nào. Hẳn chúng tôi sẽ không ngạc nhiên nếu đích thân cô ra đến cửa, đưa hai tay lên tỏ ra bất ngờ khi nhận ra ai đến thăm, nhưng thay vào đó, một bà lớn tuổi hơn nhiều ra mở cửa, “Hai cháu cần gì?”
“Chúng cháu đến thăm Cô Brown,” tôi nói.
“Cô dạy lớp chúng cháu,” Benny giải thích.
Tôi có thể thấy bà này đang cân nhắc có nên đuổi chúng tôi về, nhưng rồi bà nói: “Để tôi xem cô ấy có muốn tiếp hai cháu không,” nói xong bà ấy để chúng tôi đứng đợi rất lâu trên hàng hiên. Bà trở ra, nói: “Hai cháu vào được rồi đấy.”
Khi chúng tôi đi theo bà ngang qua phòng khách phía trước, tôi nhận ra trong ánh sáng mờ mờ một chiếc đàn phong cầm kiểu cổ, giống loại đàn ở các nhà thờ miền quê, thảm linoleum trên sàn nhà, những chiếc ghế dựa cứng nhắc không thoải mái, và chân dung những người trong gia đình lồng trong khung kính lớn hình bầu dục.
Căn phòng tiếp đó được rọi sáng bằng một ngọn đèn dầu nhưng trông có vẻ tối hơn nhiều so với căn phòng không đèn chúng tôi vừa mới băng qua. Dựa lưng vào mấy chiếc gối trên một cái giường đôi lớn là cô giáo của chúng tôi, nhưng đã thay đổi hẳn. Hai cánh tay cô như hai que củi, và toàn bộ sức sống dường như chỉ còn đọng lại trong đôi mắt, quầng thâm bao quanh, đôi mắt đang mở rất lớn. Vẻ nhận biết gắng gượng được chỉ thoáng qua rất nhanh trên mặt, nhưng tôi cảm thấy ngỡ ngàng vì cô không tỏ ra vui mừng khi gặp hai đứa tôi. Cô không còn thuộc về chúng tôi nữa. Cô thuộc về căn bệnh của cô.
Benny nói, “Cháu mong cô sớm khỏe lại.”
Vị thiên thần đã bảo bọc những cậu bé hiểu bài nhưng không phát biểu được, giờ đây bảo đảm là hai chúng tôi không chạm tay vào bất cứ thứ gì, rồi một lát sau chúng tôi trở ra, lên xe đạp đi trong ánh hoàng hôn tới đoạn đường cong rồi về hướng thị trấn.
Vài tuần sau, tôi đọc được trên tờ báo 𝙇𝙞𝙣𝙘𝙤𝙡𝙣 𝙀𝙫𝙚𝙣𝙞𝙣𝙜 𝘾𝙤𝙪𝙧𝙞𝙚𝙧 rằng Cô Vera Brown, giáo viên lớp 5 trường Central School, đã qua đời vì bệnh lao, hưởng dương hai mươi ba năm, bảy tháng.
Đôi khi tôi đi cùng mẹ tôi đến đặt hoa lên mộ ông bà tôi. Những lối đi rải than vụn chạy quanh co qua nghĩa trang mà chỉ mẹ tôi mới rành còn tôi thì không biết ngả nào mà lần, và tôi thường đọc những cái tên trên bia mộ: Brower, Cadwallader, Andrews, Bates, Mitchell. Thương tiếc tưởng nhớ đến. Bé gái sơ sinh của. Người vợ yêu dấu của. Nghĩa trang rất rộng mà mộ thì nhiều vô kể, nếu chưa từng đến lần nào thì phải mất rất lâu mới định vị được một ngôi mộ nào đó. Nhưng tôi biết, theo cách tôi thường biết món gì ở trong những gói bọc giấy, rằng người đàn bà luống tuổi đã cho chúng tôi vào nhà và đã chăm sóc Cô Brown trong những ngày cô nằm bệnh cuối đời, đã đến nghĩa trang đều đặn, trút nước bẩn ra khỏi cái lon thiếc đặt lún sâu thấp hơn mặt lớp cỏ nơi chân mộ của cô, rồi thay bằng nước sạch từ một cái vòi nước gần đó, cắm những cành hoa bà mang theo sao cho vui mắt người sống và đôi mắt đã nhắm của người chết.

No comments:

Post a Comment