Thursday, October 22, 2020

NHÀ THỜ ĐÁ TAM ĐẢO



NHÀ THỜ TAM ĐẢO
————
Là công trình kiến trúc duy nhất của Pháp được xây dựng năm 1937, tại Tam Đảo, còn sót lại trong chủ trương “tiêu thổ kháng chiến” của Việt Minh giữa 145 toà biệt thự Pháp nguy nga, tráng lệ bị phá hủy hoàn toàn.
Từ 1954 đến 2008, ngôi nhà thờ đá đẹp đẽ này bị chính quyền Cộng sản VN trưng dụng cho rất nhiều mục đích trừ việc thờ Phượng Thiên Chúa .
Ngày 8/8/ 2008, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc chính thức trao trả nhà thờ lại cho giáo phận Bắc Ninh.
Cuối năm 2008 , Thánh lễ Tạ ơn và làm phép nhà thờ, giáo dân tham dự đông đảo trong và ngoài nhà thờ như muốn ôm chặt lấy ngôi thánh đường vừa được chính quyền trao trả lại.
Phần Phụng vụ Thánh Thể, những đám mây bay tới quấn lấy nhà thờ, ùa vào đầy nhà thờ. Khi thánh lễ kết thúc thì mây cũng tan.
Chúa đã tỏ mình ra với con cái của Ngài.
(Thông tin từ trang web Gp. Bắc Ninh)
“Của Caesar, trả về Caesar;
của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”
—————
Mình muốn dành thời gian để suy ngẫm mọi điều cũng như để tìm hiểu thêm về ngôi nhà thờ đá cổ đẹp như một giấc mơ trên thiên đàng: Nhà thờ Tam Đảo.
Mình không phải là người chụp ảnh chuyên nghiệp để có thể có được những bức ảnh hoàn hảo hơn về ngôi nhà thờ mang lại nhiều cảm xúc cho mình.
Đến Tam Đảo vào một buổi chiều nghiêng mùa thu. Tam đảo lạnh và yên tĩnh .
Nhà thờ Tam Đảo đẹp từng viên đá, đẹp từng góc nhìn
Từ lâu mình rèn luyện cho mình một thói quen chỉ quan sát những gì có chủ đích. Lặt vặt chung quanh mình bỏ qua rất nhanh. Những vô duyên xấu xí nếu có hiện ra thì cũng biến mất trong mình sau một cái chớp mắt .
Thật khó tả cảm xúc đặc biệt của mình khi bước vào bên trong ngôi thánh đường .
Mọi thứ ấm áp đến lạ lùng. Thánh lễ vẫn được dâng hàng ngày.
Nếu bạn có dịp về Tam đảo, bạn có thể ở lại một đêm tại nhà khách Nữ Vương Hoà Bình được xây dựng bên cạnh nhà thờ, tựa lưng vào cánh rừng thông bát ngát.
Bạn có thể lang thang khắp Tam đảo.
Có rất nhiều thứ bạn cần cảm nghiệm, để thoát ra khỏi mọi xô bồ của cuộc sống.
Trong cái lạnh trong veo của Tam đảo, mình thấy lòng mình bình an đến lạ.
Mình sẽ quay trở lại đây một ngày nào đó, rất gần.



Add caption

















Friday, October 16, 2020

LÀNG GỐM BÁT TRÀNG. CẦU LONG BIÊN

 LÀNG GỐM BÁT TRÀNG.

CẦU LONG BIÊN
------------

Không có gì mới đối với các bạn của mình . Nhưng mình viết vì mình thích thôi. Hi hi
Làng gốm Bát tràng ở tả ngạn sông Hồng, cách Hà nội có 10 km.
Nếu đến đó bằng xe honda, bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm cầu Long Biên. Nhưng tiếc là mình đến đó bằng xe hơi, nên chỉ có thể thò mặt ra chụp hình cầu Long Biên khi xe chạy trên cầu Chương dương.
Cầu Long Biên thật là ấn tượng. Nhiều đoạn gãy đổ do chiến tranh. Bắc ngang qua sông Hồng, cầu Long Biên có những đoạn nằm trên những bãi bồi phù sa sông Hồng.
Cầu do Pháp xây dựng (1898-1902), đặt tên là cầu Doumer, theo tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer.
Nhưng giờ mình đang muốn nói đến làng gốm Bát Tràng chứ không phải cầu Long Biên. Nên hẹn Long Biên ngày trở lại ha.
Làng Gốm Bát Tràng có tới gần 600 năm tuổi.
Lần đầu tiên mình đến Làng Gốm này cách đây đã 15 năm.
Nay quay lại thì làng đã thay đổi rất nhiều.
Giàu có hơn. Khang trang hơn.
Dù mất đi nét xưa nhưng mình vẫn mừng vì sự phát triển của làng nghề này.
Mình đến đây vào những ngày vắng khách du lịch. Nhưng những chiếc xe tải to, vẫn liên tục chất hàng chở đi khắp nơi. Một số đi trong nước, một số chuyển đi nước ngoài.
Thôi thế mình cũng mừng.
Sà vào thiên đường gốm sứ từ thô mộc cho đến bóng bẩy nước men, mình cầm lòng dữ lắm chứ nếu không mình sẽ ôm về rất nhiều.
Cầm cái chén gốm tráng men sứ Nhật, chuẩn bị xuất đi Nhật, bâng khuâng tự hỏi các cửa hàng gốm sứ Nhật đang thịnh hành ở Việt Nam đã lấy hàng từ đâu ? Nhật hay Bát Tràng?
Dù buổi trưa hanh nắng, và thời gian ghé Bát Tràng rất ngắn, mình cũng thấy rất là vui.
Mong làng nghề này tiếp tục duy trì và phát triển.






CẦU LONG BIÊN







Thursday, October 15, 2020

NHÀ THỜ CHÍNH TÒA HÀ NỘI.

 NHÀ THỜ CHÍNH TÒA HÀ NỘI.

----------



Hà Nội đang thu.
Bạn biết không, thu Hà nội thật sự dịu dàng. Dịu dàng trong trong từng sợi nắng. Dịu dàng trong từng hạt mưa.
Mình có một buổi tối và một sớm tinh mơ ở đây.
Không đủ để lang thang từng con đường, để tìm xem hoa sữa đã trổ bông chưa ?
Không đủ để gọi bạn bè ngồi bên tách trà nói chuyện trong cái lạnh se se của thu mới vào mùa.
Hà Nội rất đẹp trong mắt mình.
Hay mình chỉ nhìn những cái đẹp của Hà nội để mến thương thôi?
Mình không biết .
Trời cho Hà nội bốn mùa đều đẹp.
Mong sao người ta biết giữ gìn.
Vài cái ảnh chụp ở nhà thờ chính tòa Hà nội , một buổi tối và một buổi sáng







BÚN THANG

 BÚN THANG

———


Lần đầu ăn Bún Thang Hà nội.
Không sang trọng như phở Hà Nội, không tinh tế như bánh tôm Hồ Tây, không tiếng tăm như bún chả, bún ốc, món bún Thang đặc trưng của Hà nội thực sự làm mình ngỡ ngàng bởi độ đẹp và vị thanh tao của nó.
Người Hà nội viết: “ Bún Thang là bản hòa âm của ngũ sắc đánh thức giác quan, luôn được coi là thứ quà tinh tế, thanh nhã bậc nhất trong tinh hoa ẩm thực đất kinh kỳ. Bún Thang cần nhiều nguyên liệu, đòi hỏi người chế biến phải rất tỉ mỉ. Người ăn cũng phải là tinh tế, cầu kỳ mới cảm nhận hết được vị ngon và đầy đủ mùi vị mà nó mang lại” (trích đoạn một bài trong dulichvietnam.com).
Trên phố Hàng Hành, một quán ăn sạch sẽ tươm tất, bát Bún Thang mang ra, được mình ăn từng miếng, húp từng muỗng.
Cô chủ quán tận tình giải thích từng thứ, cách nấu khi mình hỏi thăm. Chân thành xin lỗi em vì tôi đã không có thời gian quay lại, ăn thêm một bát Bún Thang của em như đã hứa.
Về Đà nẵng, hôm nay hí húi làm Bún Thang. Ôi là ngon!
BÚN THANG
----------
Cách nấu và nguyên vật liệu rất đơn giản và dễ tìm. Chỉ đòi hỏi bạn một chút tẩn mẩn tỉ mỉ thôi .
Điều làm Bún Thang khác biệt với các bún khác là mọi thứ trong bát bún đều cắt sợi nhỏ. Sợi bún nhỏ. Thịt gà, củ cải, trứng tráng mỏng (chả trứng), tôm chấy, đều phải mảnh mai.
Hương vị độc đáo của nó là thêm rau răm và mắm tôm (ruốc). Khi ăn không có rau răm và mắm tôm, nó là bún canh gà. Thêm vị rau răm mắm tôm, nó là Bún Thang.
Đó là tất cả những gì mình biết về Bún Thang, món ngon Hà Nội.
Còn Bún Thang nhà mình làm thì ngon rồi.
Cứ thấy ôn nhà mình cắm cúi ăn ba, bốn tô là biết.
Ôn cứ nói : "Ngon hí.". "Ngon hí.".
Thương.



Wednesday, October 14, 2020

HÀ NỘI : ĐÌNH THỔ KHỐI.

 ĐÌNH THỔ KHỐI.

----------


"Trên trời có đám mây xanh.
Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng
Ước gì anh lấy được nàng
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân"
Ấn tượng lớn nhất trong mắt mình khi đến Đình Thổ Khối, là cái hồ bán nguyệt tuyệt đẹp, được xây với toàn gạch bát tràng, và nước thì trong veo.
Hàng cây xanh dày đổ bóng bên hồ.
Bao quanh hồ là lối đi cũng được lát bằng gạch Bát Tràng, không một chút rêu phủ dù trải qua bao năm tháng.
Hồ Bán Nguyệt ở đây đẹp lắm.
Nó đẹp như tình Anh và Nàng ngày đó.
Hẳn là ngày xưa Anh lấy được Nàng, nên Anh xây cái hồ bán nguyệt này cho Nàng rửa chân như đã hứa đây.
"Có rửa thì rửa chân tay,
Chớ rửa lông mày, chết cá ao anh".
Hì, chắc Nàng hiểu nên giờ cá vẫn bơi lội tung tăng dưới hồ.
Chuyện tình đẹp quá hì.
❤️❤️
Cạnh thẳng của hồ có hai lối đi xuống hồ. Những bậc tam cấp nhỏ nhắn như được đo cho vừa với bàn chân của Nàng. Tiếc là Nàng đã đi xa, nên chi lối rửa chân bị đóng lại. Giá như rào mở, thì mình đã thò chân xuống rửa rồi.
Đình Thổ Khối nằm ven đê, hữu ngạn sông Hồng.
“Dưới góc nhìn phong thủy, có người cho rằng đây là thế đất “Rồng chầu”. Bởi dải đê sông Hồng là thân Rồng, giếng đình và đầm đền Cây là mắt Rồng, đình, chùa đối xứng nhau là gò má Rồng, đê quai sau đình là hàm Rồng. Đây là một cách nhìn mang tính khái quát văn hóa cổ truyền" ( Trích di tích lịch sử văn hóa Hà nội)
Khuôn viên đình Thổ Khối rất rộng.
Nhiều tòa nhà ngang dọc nối kết nhau thành các cung. Trong đó có thờ các vị Thần Hoàng.
Khoảng sân trước rộng đủ để tổ chức các lễ hội, được lát toàn gạch bát tràng thô, rất đẹp.
Nắng thu hanh hanh vàng ngả dài trên mái ngói cổ.
Tòa Đại đình là dãy nhà ngang, bằng gỗ, gắn kết nhau bằng cách kết các mộng gỗ chứ không có đóng đinh.
Mái đình được lợp ngói bát tràng. Những miếng ngói hình như vảy cá, to bằng bàn tay, xếp đều tăm tắp.
Kiến trúc đình, mình không rành lắm, chỉ biết là nhìn thấy đã hút hồn rồi. Tường đình được xây bằng gạch, những viên gạch thô nhỏ chắc chắn. Một số trụ gỗ đã thay bằng trụ xi măng để được chắc chắn hơn.
Ngồi bệt xuống sàn tòa Đại Đình trong gió dịu dịu của mùa thu, nhìn qua khoảng sân vắng, hồ bán nguyệt lặng im.
"Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương"
Người coi đình đi vắng, để tấm bảng ghi số điện thoại cho ai cần vào đình.
Đình Thổ Khối, ven đê, hữu ngạn sông Hồng.
Ai có đi qua đây thì nhớ ghé.
Nó đẹp lắm luôn.