Friday, November 17, 2017

Sang sông


Hôm qua dự đám cưới con gái của chị Q.H, người bạn hiền từ thuở còn là thiếu nhi. Lớn lên, mỗi người đi mỗi ngã, mỗi người làm mỗi việc. Tình cờ tìm gặp nhau lại đã là niềm vui lớn. Niềm vui ngày mỗi nhiều dần khi nhận ra rằng chị cũng như mình. Cái vốn liếng Huế xưa chẳng mờ đi một nét dù lập gia đình với người khác xứ và sống xa quê hương từ ngày theo chồng. Thi thoảng gặp nhau: “Răng em? Có chi lạ không em?”...”Cứ rứa em hí. An nhiên mà sống “...
Chị cũng có hai cô con gái. Thương nhau và ngoan hiền dịu dàng. Chị cũng có người chồng cao ráo, vui tính, yêu chị, và yêu cái Huế trong chị thật nhiều.
Thi thoảng đọc những tản văn ngắn chị viết, tôi nhận ra tôi trong đó.
Trước ngày đám cưới con gái, khuya lắm rồi, chị đưa lên facebook chị những tâm sự của người mẹ ngày mai đưa con gái sang sông. Tôi đọc mà nước mắt tôi rưng rưng.
Tôi nhớ mẹ ngày đưa tôi sang sông. Mẹ chỉ nói rằng, con còn thơ dại lắm, con phải coi gia đình người ta như gia đình mình để sống cho tốt với người ta. Dạ, con vẫn nghe lời mẹ để hôm nay gia đình người ta con đã gọi là gia đình mình.
Lời chị nhắn nhủ cho con gái trong một đêm mưa trước ngày con cưới, nghe như lời ru, thổn thức mà không buồn. “Con phải học lấy chữ yêu thương và hiếu hạnh đối với những người đã sinh ra cho con một người con trao cả thân tâm. Cái gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến trái tim và thẩm thấu những miền rung cảm chân thành. “
Tôi nghe như chị đang cười vui trong ngày hạnh phúc của con gái mà mắt chị vẫn vời vợi buồn. Vâng, xa rồi đứa con nhỏ xíu bé bỏng. Ngày mai, nếu con cười, mẹ sẽ cười. Nếu con khóc, mẹ sẽ ôm chặt lấy con.
Cuộc đời không ai nói được điều gì sẽ đến.
“Con phải học lấy tinh thần của NƯỚC để đi qua những khó khăn như lời mẹ dạy con đối nhân xử thế. Vì, nước không tranh giành với ai, nó lựa chỗ thấp để tới, gặp vật cản, nó uyển chuyển uốn mình chảy qua tựa như không, nên ở đâu nó cũng chảy tới được. Nước mềm mà kiên định, dũng mãnh …”
Ngày cưới con gái, chị cùng con gái hát Lời mẹ ru .
Nước mắt tôi chực tràn qua mi. Một lần nữa, tôi lại nhận ra tôi trong chị. “Thuở mẹ ru, mẹ ru con ngủ Con ngủ trên mây, con ngủ trên mây Tiếng khóc ban đầu Ban đầu còn đâu, còn đâu còn đâu.
Rồi một mai con đã lớn khôn rồi Con thôi thơ ấu Mẹ rời thật mau Mẹ rời chiêm bao. Đời mẹ ru con Bao lâu mỏi mòn Nên lâu cũng mỏi mòn Bây giờ mẹ nằm Lá đổ ngoài sân. Lá đổ ngoài sân. Lá đổ ngoài sân. Để ru mẹ ngủ.”
Cuộc đời cứ thế mà đi.
Qui luật của muôn đời trôi mãi, từ người phụ nữ này, qua người phụ nữ khác, qua người phụ nữ khác.
Qui luật tình yêu … trôi mênh mang.

Tuesday, November 14, 2017

KỶ NIỆM 115 NĂM ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI

Của bs Trần văn Phúc
===============================
Tôi đến Trường Đại học Y Hà Nội lần đầu tiên vào kì nghỉ hè năm 1987, khi tôi đang học lớp 10 ở quê. Nhìn qua khe cửa sổ, tôi thấy những sinh viên đang hăng hái thảo luận, một người trong số đó đang cầm trên tay tiêu bản bộ não.
Tôi thực sự ngạc nhiên, bởi đó là toàn bộ ý thức của con người, là sức mạnh của một cơ thể, là trí tuệ nhân loại; vậy mà nó đang nằm trọn trong bàn tay nhỏ bé của một sinh viên y khoa.
Hình ảnh ấy đã tác động mạnh đến tâm trí tôi, làm cho tôi suy nghĩ rất nhiều, nó trở thành một trong những lí do quan trọng nhất để tôi quyết định theo học ngành y.
Trước đó tôi muốn theo ngành toán để trở thành một nhà toán học.
Có nhiều lý do để các bạn của tôi lựa chọn nghề bác sĩ:
- Gia đình có người làm bác sĩ truyền cảm hứng.
- Bản thân hoặc người thân đã từng mắc căn bệnh nghiêm trọng.
- Chứng kiến một ai đó bị tước đoạt sinh mạng do những hoàn cảnh éo le.
- Có cái nhìn sâu sắc hơn thông qua hệ thống y tế.
Gia đình tôi không có ai làm bác sĩ, tôi cũng chẳng hiểu gì về ngành y; nhưng bản thân tôi đã mấy lần trở về từ cõi chết vì bệnh tật, tôi cũng từng chứng kiến không ít những người nghèo nằm ở nhà chờ chết giống như tôi lúc bé. Nhưng chỉ đến khi tôi tò mò muốn khám phá Trường Đại học Y Hà Nội, thì những suy nghĩ của tôi về công việc này mới trở nên rõ ràng nhất.
Trở thành sinh viên y khoa, tôi bắt đầu thấm hiểu đó là một môi trường vô cùng khắc nghiệt. Học y là những năm tháng kỉ luật và kiên nhẫn, cường độ học căng thẳng, hầu hết chống lại nhịp sinh học. Phần lớn thời gian ở trong bệnh viện. Không biết mấy giờ mới trở về nhà. Những cơn buồn ngủ sẽ được khắc phục bằng trà đặc và cà phê. Những thân hình gầy gò giống hệt những hài nhi thiếu tháng đang chiếu đèn, mũi bị ép vào những trang sách chứa đầy những biểu đồ, tay liên tục vẽ ra những từ viết tắt dài như vô tận.
Học y không phải là những năm tháng thú vị và vô tư, càng không phải là xu hướng dành cho những người muốn theo chủ nghĩa tự do, nên hầu hết học sinh ở lứa tuổi 20 không muốn lựa chọn.
Để làm bác sĩ không phải dễ. Bác sĩ phải biết chấp nhận những cuộc khủng hoảng đức tin và lòng tự tin. Chấp nhận kiệt sức, bởi cường độ làm việc sẽ nhiều hơn 8 giờ mỗi ngày, nhiều hơn 50 giờ mỗi tuần, làm cả ngày nghỉ thứ 7 và chủ nhật, làm nhiều hơn vào các ngày lễ và ngày tết.
Đây cũng không phải là sự nghiệp của những người thích di chuyển. Và đây càng không phải là sự nghiệp của những người thiếu trách nhiệm, ít sự tập trung.
Tiêu chuẩn lựa chọn để trở thành bác sĩ bao giờ cũng nghiêm ngặt nhất. Tại sao vậy? Tại vì hành nghề y khoa luôn phải đối diện với những rủi ro đặc biệt cao, nhiều khi là sự sống và cái chết. Nhiệm vụ của bác sĩ là chấm dứt sự đau khổ cho người bệnh, nhưng có thể là chấm dứt cuộc đời, nên đòi hỏi trí tuệ và sáng suốt, cùng với lòng nhân từ.
Bù lại, nghề y cũng đã cho tôi nhiều thứ. Đầu tiên là tôi có một nghề nghiệp vững chắc, có khởi đầu cuộc sống yên bình và tốt hơn so với những ngành nghề khác. Bác sĩ là tuyệt vời. Bác sĩ là thú vị. Các bác sĩ có thể giải quyết vấn đề của con người mỗi ngày. Và bác sĩ có thể tự cứu mình.
Trở thành bác sĩ là cách tốt nhất để tôi theo đuổi một công việc liên quan đến sự sống và cái chết của con người. Nghề y giúp tôi chứng kiến nhân loại một cách tốt nhất và tồi tệ nhất.
Tôi đến Trường ĐHY Hà Nội 30 năm trước vì tôi đang có nhiều câu hỏi lớn. Nhưng lần trở lại trường nhân dịp kỉ niệm 115 năm ngày thành lập này, thì tôi đã là một bác sĩ không còn ít tuổi, đã trải qua nhiều năm công tác.
Tôi đã gặp lại rất nhiều bạn bè đồng nghiệp, gặp tập thể lớp Y6C thân yêu của tôi với bao nhiêu những cảm xúc vụng dại như chính thuở ban đầu.
Đêm lửa trại ở Vườn chim Thung Nham thật là ấm áp. Và tôi sẽ chẳng thể nào quên những khoảnh khắc, bàn tay tôi mở ra, ngay lập tức có một bàn tay khác trượt xuống, gấp lại rồi úp vào tay tôi, hai lòng bàn tay hôn lấy nhau, để tôi cảm nhận được sự rung chuyển xuyên qua con tim đang thổn thức.
Nhưng có một điều tôi muốn nói, những thành công của tôi hôm nay chính là công lao to lớn của những người thầy, là bề dày truyền thống lịch sử của một trường đại học đầu tiên toàn xứ Đông Dương; và tôi chỉ muốn được bày tỏ lòng biết ơn vô hạn!
Xin được kính chúc các thầy, các anh chị, các bạn học, các bạn đồng nghiệp và các em; chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
XIN ĐƯỢC CÁM ƠN TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI!

Friday, November 10, 2017

Mưa Huế



MƯA HUẾ 
-------------
Ra Huế đúng ngày Huế có thời tiết rất Huế: lạnh và mưa lâm thâm. Người Huế ở Huế co ro xuýt xoa vì lạnh. Người Huế ở xa Huế chợt thấy mình may mắn khi trở về mà gặp lại cái lạnh buốt ẩm ướt thấu trong xương như ri.
Một buổi tối ấm áp và vui với bạn bè.
Sáng hôm sau, từ chối lời mời ăn sáng cafe vì sợ bạn mình vì mình mà phải lạnh quá. Bạn nói " Huế da diết quá". Ừ, đúng đó bạn. Huế da diết rứa đó mà răng thương chi lạ.
Mình quyết định đi lang thang một mình trong lạnh trong mưa. Mưa bay đủ không ướt.
Sống xa Huế mới thấy Huế thật gần. Xếp cây dù, để mưa lất phất trên mặt. Mưa lạnh dẫn người ta đến nhiều nỗi nhớ. Nhớ tuổi thơ, nhớ bạn bè, nhớ nghĩa, nhớ tình.
Dầm trong mưa, mình nghĩ đến cái tình của người xứ Huế. Không ồn ào, không nóng bỏng. Cái tình của Huế đằm thắm, nồng nàn và rất sâu.
Ghé mua vài trái vả, ít rau thơm, rau quế, thứ rau ở đâu cũng có mà không ở đâu thơm đậm đà như ở Huế.
Cô bé bán hàng vừa kiên nhẫn lựa rau cho một người khách lớn tuổi, vừa ngẩng lên nói với mình: " O đợi cho em xí hí. Mệ lựa hơi lâu chút O nghe!" bằng cái giọng không thương mới là lạ.
Rứa đó.
Xa Huế mới thấy Huế thật gần.
Xa Huế mới thấy Huế thương chi lạ nghĩa là thương ra răng.
Không một tấm hình nào chụp được ở Huế ngó cho đẹp vì dường như ảnh không ghi được nỗi nhớ trong mưa.

Tháng 1/2016

Thi Y khoa

Y KHOA


Nghe tới tên gọi thôi là đã thấy ngày dài đêm thâu rồi.
Tôi không so sánh với các ngành học khác bởi thực sự tôi không biết để so sánh. Tuy nhiên điều rõ ràng ai cũng biết là ngành y học dài ngày nhất trong tất cả các ngành . Và việc học Y không hề dừng lại, không thể dừng cho dù tóc nhuốm hai màu, học Y khoa vẫn không có chuyện ngưng lại.
Người học Y ngoài trí thông minh và tính cần cù , còn đòi hỏi sức bền trong suốt thời gian học và hành nghề Y.
Ôi Y khoa!
Chuyện rất dài và rất nhiều.
Nhưng hôm nay chuyện tôi muốn nói chỉ khoanh vùng vào viêc thi vào ngành Y như thế nào.
Cũng chẳng dám lạm bàn việc thi vào Y khoa ở các nước khác, riêng Việt nam thôi, việc thi vào Y khoa cũng hết sức là gian khổ.
Bạn muốn thi vào Y khoa để trở thành bác sĩ trước tiên bạn phải là người học xuất sắc ở các cấp học.
Bạn học giỏi. Nhưng không phải bạn chỉ là người quá thông minh. Quá thông minh đôi khi họ học ngành khác.
Bạn thông minh vừa đủ. Và bạn phải chăm chỉ, chăm chỉ cần cù thật sự.
Bạn phải có sức khỏe.
Không có sức khỏe bạn không thể làm việc từ sáng hôm nay, xuyên trưa, trực suốt đêm, sáng mai vẫn khám bệnh cho người ta. Họa may tới trưa bạn mới được về nhà. Đó là thời gian làm việc tối thiểu của dân Y khoa. Có lẽ không có ngành nào làm việc suốt ngày đêm mà hiệu quả không tính bằng tiền như Y khoa.

Chính vì vậy mà việc thi vào Y khoa, trải làm 2 ngày. Sáng thì Tóan 4 tiếng. Nghỉ 2 tiếng, chiều thi Sinh 4 tiếng. Sáng hôm sau thì Hóa 4 tiếng. Sau ngày thi, học trò vẫn cảm giác lâng lâng, như trang thái thi cử vẫn còn đâu đó.
Thời gian thi dài ngoằng này này cũng được xem như là một test khởi đầu . Và rõ ràng rằng:  bạn không qua được, bạn đừng học Y khoa

Cho nên bây giờ tôi nghe con gái dự định thi MCAT 7 tiếng / ngày, tôi thấy cũng bình thường.
7 tiếng/ ngày chẳng là gì để rèn luyện sức chịu đựng của cơ thể và não bộ.

Quay lại chuyện của tôi.
Tôi học xuất sắc toàn bộ các cấp học.
Tôi thông minh vừa phải (có phần hơi đáo để thôi)
Tôi chăm chỉ cũng ... khá là vừa phải.
Sức khỏe tôi tốt.
Thần kinh tôi tốt bởi tôi có khả năng cân bằng mọi thứ.

Và tôi thi Y khoa. Lần thứ nhất tôi thi rớt.
Việc tôi thi rớt nhiều nguyên nhân xuất phát từ sự chủ quan. Tôi đã không tận dụng hết thời gian làm bài của mình. Tôi đã không làm hết sức lực của mình.

Nhận ra được lý do đó tôi nghĩ mình sẽ thi trở lại với một kế hoạch rõ ràng hơn.
Kế hoạch của tôi, đơn giản là sự sắp xếp việc học đều , đủ các môn
Kế hoạch của tôi là sắp xếp thời gian học tối đa có thể
Nghỉ ngơi đủ.
Khi học, đầu óc không được rơi vào trạng thái mụ mị. Nếu cảm thấy mờ mịt, lập tức ngưng lại việc học để lấy lại sức khỏe cho não bộ.
Học Y khoa nhưng năm cơ bản rất chán vì thuần lý thuyết. Khi đã chuyển qua ứng dụng rồi thì thật là tuyệt vời.

Cố gắng