Sunday, October 24, 2021

LES SAUVAGES BAHNARS - DÂN LÀNG HỒ


LES SAUVAGES BAHNARS - DÂN LÀNG HỒ
Tác giả: Piere Dourisboure
-----------
DÂN LÀNG HỒ được viết bởi linh mục Piere Dourisboure, vị linh mục người Pháp, mà từ khi thụ phong linh mục năm 24 tuổi, Ngài đã được Chúa chọn, để dành hết cả cuộc đời cho vùng đất cao nguyên Trung bộ, Việt nam.
Sách được chuyển ngữ tiếng Việt bởi Ban dịch thuật của Tòa Giám Mục Kontum.
Có trong tay cuốn sách này đã 10 năm tròn, mà mình thực sự đọc nó cũng gần đây thôi. Rất xin lỗi người tặng sách 😁.
Mình bắt đầu đọc khi mối tình của mình dành cho dân Làng Hồ bắt đầu sâu đậm.
Giữa những muộn phiền của cơn đại dịch, mình đọc lại tác phẩm này. Có vẻ như bây giờ mình hiểu được nhiều hơn một chút.
Piere Dourisboure khởi viết tại vùng rừng núi bắc Tây Nguyên vào năm 1865 và hoàn thành tại Chủng viện Hội Thừa sai Paris ngày 28/1/1870.
Năm 1929, 40 năm sau ngày mất của tác giả, bản hồi ký này được ra mắt tại Paris và dường như ngay lập tức, nó gây xúc động cho cả người trong và ngoại Đạo.
Cuốn sách đến Việt nam khá muộn.
Theo Nguyễn Quang Tuệ, bản dịch của một người ẩn danh được in tại Sài Gòn năm 1972 là ấn bản đầu tiên của Dân Làng Hồ. Sau đó, dựa trên văn bản này, có ít nhất hai lần sách được “tái bản” không chính thức, lần lượt dưới các tên gọi Truyền giáo Tây Nguyên (bản copy cuốn in năm 1972) và Lửa thiêng Tây Nguyên (nhóm Alpha – 2007).
Bản dịch mình đang có là của Ban Dịch Thuật Tòa Giám mục Kontum, in năm 2010.
Tên DÂN LÀNG HỒ được giữ nguyên như ban đầu, chỉ một số thay đổi về ngôn ngữ và thêm hình ảnh, nhưng vẫn tôn trọng 29 chương của nguyên tác.
Trong tiếng Ba Na, KONTUM nghĩa là LÀNG HỒ.
KON: Làng, cũng như Plei, hoặc Powlei (Ba Na) và Buôn ( Ra Đê , J’rai), một đơn vị quần cư của đồng bào Tây nguyên.
TUM: Hồ , ao hồ rất nhiều tại vùng đất này, được hình thành từ các nhánh của dòng sông Dakbla. (Chú thích của ban dịch thuật).
DÂN LÀNG HỒ ghi lại hành trình truyền giáo thăng trầm gian khổ của các vị Thừa sai Tây phương từ những ngày đầu thế kỷ 18.
Nếu bạn là người yêu mến và nặng lòng với vùng đất Tây nguyên, chân chất này, thì bạn không nên bỏ qua cuốn này.
Mình yêu mến vùng đất Kontum, yêu nhiều nữa là đằng khác.
Mình hình dung được những dòng người hiền hòa nhẫn nại, âm thầm xé rừng, vượt núi, băng ngàn chỉ với một lời nguyện:
" Hãy đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân " (Mt 28,19)
------------
Đọc thật kỹ để mà thương, để mà thấy việc Thiên Chúa làm lớn lao và kỳ diệu biết bao nhiêu.

Thursday, October 21, 2021

Đà Nẵng. Chiều biển mình


Một năm qua kỳ lạ quá.

Covid làm nhiều thứ mất đi và nhiều thứ quay lại.
Nhìn biển mình thôi cũng thấy.
Con đường dọc biển lại trở nên rộng thênh thang.
Dãy khách sạn, nhà hàng hải sản im vắng. Cửa đóng then cài. Không đèn đuốc. Không còn cảnh khách ngà ngà chen kín bàn, nên cả tiền điện hình như họ cũng không còn để trả.
Nhiều công trình khách sạn dở dang, ngồn ngang gạch đá.
Tiếng nhạc xập xình ầm ĩ với vài ca sĩ áo quần nghèo nàn uốn éo trên cái sân khấu không giống ai, đã biến mất.
Biển mình được mở rộng hoàn toàn thay vì bị chặn từng khúc tương ứng từng khách sạn.
Biển không còn là biển của Cocobay, của Furama, của Sandy ... nữa .
Biển lại là Mỹ Khê, Mỹ An như tên gọi cũ, suốt từ Sơn trà đến Non nước.
Như ngày xưa.
Bãi cát rộng mênh mang.
Những con sóng xô bờ dịu dàng không làm ai hoảng sợ.
Gió mát rượi cười đùa ngã nghiêng trên từng lọn tóc.
Người dân Đà nẵng ra biển, tắm, chơi, đi dạo, chuyện trò.
Biết bao nhiêu điều trong một ngày, họ buông cả vào đây.
Thú thật, tôi mơ Đà nẵng tôi mãi như thế, bình yên. Bình yên!

HẠT KINH BÊN ĐỜI

HẠT KINH BÊN ĐỜI 

LM Giuse Hoàng Kim Toan - 

Nguồn Giáo phận Cần Thơ  

Mỗi hạt kinh trong đó không biết có bao tâm tình ký thác. Có hạt buồn rơi, khóc cho người con hoang đàng, tội lỗi. Có hạt khóc rơi cho lòng ăn năn. Có hạt xen lẫn âu lo, nỗi buồn. Có hạt mang niềm tin yêu và hạnh phúc. Mỗi hạt là những chiêm nghiệm của đời sống qua Mẹ Maria đến với Chúa.

Hạt kinh trên con đường đi làm, đọc bằng trí nhớ, chiêm niệm trong hơi thở, giữa con đường chen lấn xe qua lại, lời kinh vẫn từng hạt đếm trên mỗi ngón tay đang cầm lái, len lỏi trong dòng đời.

Hạt kinh âm thầm theo những quang gánh hàng rong, lẫn trong lời rao, xen trong những mẩu đối thoại, đếm qua những hạt trong tâm hồn, trên những khuôn mặt thân quen và những người xa lạ.

Những hạt kinh lặng lẽ đợi chờ của bác xe ôm, đếm qua từng ngón tay, hơi thở đều đặn trong ánh mắt nhìn hy vọng, những hạt buồn lo của một ngày không biết có đủ sống. Những hạt hy vọng lần theo ánh chiều rơi.

Hạt kinh buồn trong những nơi bệnh xá, trong tay người bệnh, trong miệng người trông, những hạt kinh đều đặn nhỏ theo giọt nước từ chai truyền dịch. Những hạt lo âu, vượt qua thử thách. Những hạt kinh vội vã trong giờ lầm chung, lăn theo giọt nước mắt.

Hạt kinh trên những chuyến xe, những cuộc lữ hành, râm ran trong lời kinh đầm ấm, nguyện cầu từng hạt theo bánh xe lăn giữa cuộc đời. Những hạt tròn xoay chảy qua từng ngón tay, đang hướng về phía trước.

Những hạt kinh, đâu ai ngờ trên môi miệng em bé, trước khi dậy và khi đi ngủ. Những hạt kinh trên đôi tay già nua, run rẩy vì tuổi tác. Những hạt kinh của người cha, người mẹ, đang lần theo bước chân con từ nhiều phương trời xa cách.

Hạt buồn, hạt vui, hạt mừng, hạt sáng. Bao nhiêu hạt là bấy nhiêu hoàn cảnh giữa cuộc đời theo từng lời kinh. Xâu chuỗi, kết hạt, để rồi là cuộc đời đang tiếp bước trên con đường cứu độ, đi qua những thử thách, vượt qua những cám dỗ, trông cậy trong niềm tín thác.

Có hạt đọc trong cộng đoàn rộn ràng lời kinh, có hạt đọc trong âm thầm qua hơi thở. Có hạt của người câm không lên tiếng, của người bệnh tai biến đang ngọng nghịu, hạt của người thiểu năng. Có hạt của tù nhân, hạt của những người đang trong ca làm, những người đang nghỉ dưỡng. Kết chuỗi lại, để rồi trở thành cộng đoàn đang cầu nguyện trong mọi nơi, mọi lúc.

Có những hạt kinh và rất nhiều hạt kinh đang dệt nên cuộc đời, đang viên thành trong tiếng “xin vâng” và trong lời nguyện xin “cứ làm cho tôi, theo lời sứ thần truyền”. Những hạt kinh của đời thường và là những hạt kinh sốt mến

Saturday, October 9, 2021

HIỂU VỀ TRÁI TIM - MINH NIỆM.

HIỂU VỀ TRÁI TIM - MINH NIỆM.
Chương ÁI NGỮ.


--------
"Một lời nói đẹp, chân thành, có tính chất xây dựng niềm tin yêu là đóa hoa thơm ngát trong khu vườn văn minh của nhân loại."
Nên nhớ, cái đẹp (mỹ) phải được sinh ra từ cái thật (chân) và tốt lành (thiện) thì mới là cái đẹp đích thực.
Ta thấy có nhiều người ăn nói cực kỳ khéo léo, hấp dẫn. Dường như lúc nào trên môi họ cũng có sẵn “hũ mật”. Ngược lại có người chỉ nói rất thật chứ không chú trọng đến nói đẹp, kể cả khi điều đó làm nát lòng kẻ khác.
Họ cho rằng đẹp mà không thật thì đó là sự lừa đảo khôn ngoan .
Có nhiều người không có khả năng sử dụng lời nói đẹp, mỗi khi họ lên tiếng là người khác cảm thấy rất nặng nề và mệt mỏi.

❤ Ái ngữ còn là lời nói rất cẩn trọng khi nhận xét.
Dù biết người kia hành động sai trái, thì ta cũng không được tự cho mình cái quyền chê trách tùy tiện hay tuyên bố lạnh lùng
Những lời nói gây nát lòng người khác thường xuất phát từ cảm xúc nóng giận nhất thời, như một loại phản ứng tự vệ dễ dàng và hữu hiệu.
Nhưng khi bình tĩnh lại, ta vẫn luôn cảm thấy hối tiếc.
Dù sự hối lỗi chân thành của ta có khiến họ cảm động và bỏ qua, nhưng sự thật là họ không dễ dàng quên được.
Đúng là ngôn từ ấy không phải là tất cả con người ta, nhưng ta phải chịu trách nhiệm cho tất cả những ngôn từ làm nát lòng người khác đó.

Tuyệt vời nhất vẫn là sự kết hợp hài hòa giữa cái đẹp và cái thật.

❤ HÃY LẮNG NGHE LỜI MÌNH NÓI.
Nếu thấy cách nói năng của ta còn quá vụng về, mỗi lần nói ra chỉ gây thêm sự hiểu lầm hay tổn thương kẻ khác, thì ta hãy nên thực tập im lặng một thời gian để nhìn lại mình.
Làm chậm một chút, nói chậm một chút, xem xét phản ứng của chính mình.
Nếu có chút năng lực quan sát, ta nên nhìn vào chính ta. Dường như có rất nhiều phiền não trong ta, đó thường là nguyên nhân chính khiến ta không thể nói năng dễ thương.
Nếu tập quan sát nghiêm túc và đúng đắn, ta sẽ thấu hiểu về mình rất nhiều trong những ngày im lặng như thế.
Ta sẽ không khỏi giật mình nhận ra từ bấy lâu nay ta đã tự ban cho mình cái quyền nói năng tùy hứng mà không cần quan tâm đến cảm xúc của kẻ khác , nhất là những người thân sống bên cạnh.

❤ TẬP LUYỆN
Hãy phát biểu từ tốn để kịp kiểm soát thái độ của mình.
Nói từ tốn để có thể chú ý đến phản ứng của đối phương.
Nhẫn nại một chút sẽ thấy giọng nói của mình rõ ràng, tròn đầy và chắc chắn hơn.
Nói từ tốn sẽ thấy tự tin và thoải mái hơn khi trò chuyện với những đối tượng có uy lực lớn.
Điều thú vị hơn nữa là ta bỗng nhận ra rằng, mỗi lời nói khi được đặt trong phạm vi quan sát hợp lý thì nó sẽ tạo nên sức mạnh rất lớn. Nó vừa có thể thu phục những năng lực bạo động, vừa có thể nâng đỡ những niềm đau.
-------------------------
Những ngày bị cách ly