Thursday, January 4, 2024

𝗕𝗔 𝗣𝗛𝗔́𝗧 𝗠𝗜𝗡𝗛 𝗤𝗨𝗔́𝗜 𝗗𝗜̣ - 𝟯 𝗙𝗨𝗡𝗩𝗘𝗡𝗧𝗜𝗢𝗡𝗦 - Abdón Ubidia



Mời các bạn đọc ba câu chuyện nhỏ của nhà văn Tây Ban Nha Abdón Ubidia, trích từ tạp chí 𝗔𝗟𝗙𝗥𝗘𝗗 𝗛𝗜𝗧𝗖𝗛𝗖𝗢𝗖𝗞 𝗠𝗬𝗦𝗧𝗘𝗥𝗬 𝗠𝗔𝗚𝗔𝗭𝗜𝗡𝗘, số tháng 11, năm 2010, do Nathan Horowitz dịch sang tiếng Anh. (Vĩnh Bá dịch từ bản tiếng Anh)

-----------------------
𝗕𝗔 𝗣𝗛𝗔́𝗧 𝗠𝗜𝗡𝗛 𝗤𝗨𝗔́𝗜 𝗗𝗜̣
𝟯 𝗙𝗨𝗡𝗩𝗘𝗡𝗧𝗜𝗢𝗡𝗦
Abdón Ubidia
ĐỒNG HỒ ĐEO TAY
Khi những cái đồng hồ đeo tay kĩ thuật số đầu tiên xuất hiện, tôi mua ngay một chiếc ở tiệm của ông Hans Maurer. Vừa sở hữu nó thì tôi hiểu ra tầm quan trọng của quyết định của mình. Tôi không hề ngạc nhiên bởi sự vắng mặt của những cái bánh răng nhỏ xíu, núm lên dây cót, và lò xo. Tôi không hề ngạc nhiên bởi dòng điện đi qua những mê cung của mạch tích hợp và các tinh thể thạch anh, hoặc bởi sự mất đi tiếng tích tắc, mà qua nhiều thế kỉ đã là tiếng nhạc đích thực của thời gian.
Tôi ngạc nhiên bởi cái màn hình bé nhỏ đã thay thế cái mặt số đồng hồ.
Tôi giải thích cho ông Maurer nhăn nheo, bí ẩn và kiệm lời:
“Cái vòng tròn có khắc dấu khiến chúng ta nghĩ đến một khái niệm về một thế giới đang che chở, và về một phương diện nào đó, một khái niệm về hạnh phúc: Thời gian đi vòng mãi không dứt. Mỗi kết thúc là một khởi đầu mới. Không có sự gián đoạn giữa đi và đến. Quá khứ, hiện tại, và thậm chí cả tương lai phô bày trước mắt chúng ta theo một sự kế tục hình tròn. Những cây kim bé nhỏ, với những bước như kiến bò, từ bỏ cái không còn tồn tại, và tiếp tục theo đuổi cái tất yếu sẽ đến. Ông có thể thấy con đường đi và chỉ ra được sự quay về của mình. Khi ông thấy những chiếc kim đồng hồ, ông có thể tự nhủ rằng những ngày sẽ luôn tự lập lại với những buổi sáng và những đêm tối. Rằng những chu kì ấy tồn tại. Rằng chúng ta lập lại chính mình ở nơi con cái như cha mẹ chúng ta lập lại chính họ ở nơi chúng ta. Rằng chúng ta mãi mãi tồn tại.
“Rồi bỗng nhiên, xuất hiện cái màn hình kĩ thuật số quái quỉ làm thay đổi cục diện. Những con số xuất hiện đánh dấu cái hiện tại chính xác. Mỗi thời khắc tách biệt hẳn với thời khắc trước đó. Những con số xuất hiện rồi chìm vào hư vô không để lại dấu vết. Không có sự kế tục, chỉ có sự thay thế. Thời gian dường như mở toang. Nó đã mất đi con đường vòng của nó; nó thiếu mất những giới hạn. Nó hầu như không còn là một hiện tại tức khắc. Tương lai là một sa mạc trắng xóa và đông cứng. Quá khứ thì tan biến. Quá khứ là một hố thẳm trắng xóa mở toang, rồi, cứ mỗi bước chúng ta bước tới, quá khứ lại tan đi sau gót chân ta. Tôi không biết những người khác có thấy những gì tôi đang thấy hay không: một nỗi cô đơn bất tận. Bị từ bỏ. Hứng chịu mọi tổn thương. Những cái đồng hồ này ra đời để dạy cho chúng ta biết rằng chúng ta là những kẻ mồ côi. Cái bàn tròn vĩ đại, mà đã kết nối nhiều thứ, nay đã không còn.
Hans Maurer mỉm cười. Nhưng tôi nhất mực nói tiếp:
“Có thể rằng mỗi thời đại phát minh ra những công cụ để tự đo lường. Có thể rằng mỗi kỉ nguyên chọn lựa cách riêng để tự hiểu mình, theo những gì thích hợp với nó. Dạng bánh răng và mặt số hình tròn, và bộ máy của những đồng hồ cơ học với trục quay bắt buộc của chúng khi ấy sẽ không phải là một sự kiện ngẫu nhiên hay là kết quả của một nhu cầu thuần túy vật lí. Khi ấy nó sẽ là, ngoài những điều tôi đã nói trên, sự kết thúc cuộc tìm kiếm một trung tâm của trật tự, một ý nghĩa trung tâm biết sắp đặt mọi sự vật đúng chỗ chung quanh nó.
"Vậy thì, tôi e rằng, và tôi không hổ thẹn để thú nhận, những cái đồng hồ kĩ thuật số, ngoài việc đo lường thời gian, cũng đang đo lường một lục địa khác, mà tôi không hiểu lắm. Có lẽ đó là một sa mạc trắng xóa, trống rỗng, không có trung tâm và vô nghĩa.”
Thỉnh thoảng tôi ghé tiệm của ông Maurer vào buổi chiều, dù hai chúng tôi không hạp nhau. Tôi xem kĩ các kiểu đồng hồ ông ta chỉ cho tôi xem. Còn đâu cái niềm hi vọng muốn thấy cái gì đó khác biệt về chất lượng để thay cho cái đồng hồ kĩ thuật số ông ta đã bán cho tôi.
Mới đây, ông Maurer chơi xỏ tôi một vố bẩn: Ông ta đề nghị bán cho tôi cái đồng hồ duy nhất mà tôi không muốn. Một con quỉ hiểm ác nào đó mới phát minh ra cách đây không lâu. Có lẽ đây là dấu hiệu ngày suy tàn của chính thời gian đang đến gần. Cái đồng hồ này được trang bị những cảm biến để phát hiện những dấu hiệu sinh tồn của người đeo nó. Vì thế nó thực sự có kim. Nhưng những cây kim này chạy ngược chiều. Và chúng tăng tốc khi cái chết của chủ nhân đến gần.
Nụ cười của Maurer nở ra như một cái hố đen trên bộ mặt trắng bệch của ông ta khi ông ta đưa nó cho tôi.
Nhưng giữa cái nỗi kinh hoàng tế nhị hơn và thuộc về tâm lí hơn mà đang lặng lẽ đập đều nhịp trong cái đồng hồ kĩ thuật số của tôi, và cái đồng hồ kia, nặng mùi vật lí, thì tôi không biết chọn cái nào.
NHẠC VÔ THANH
The End (Kết Thúc), một trong những phòng hòa nhạc nơi âm nhạc vô thanh được trình diễn, thì không lớn và cũng không sang trọng. Một số người nói nó giống giảng đường của một trường trung học tỉnh lẻ hơn. Nhưng công chúng của nó thì trung thành và đôi khi cuồng tín. Các buổi diễn bắt đầu lúc 8 giờ tối và kéo dài hai hoặc ba giờ.
Sau đó diễn ra những tranh luận nẩy lửa chia khán giả thành những phe thù địch.
Mỗi buổi hòa nhạc diễn ra như thế này. Các nhạc công ngồi vào chỗ, nhạc trưởng bước tới bục chỉ huy rồi cúi chào, và khán giả cho phép mình bị mê hoặc bởi những chuyển động của cái gậy chỉ huy của nhạc trưởng. Không một nhạc công nào có nhạc cụ, mặc dù lúc ban đầu, nhiều năm về trước, họ làm bộ như đang chơi nhạc cụ. Giờ đây họ chỉ tự giới hạn vào hành động giở bản tổng phổ và theo dõi bằng mắt một số khoen tròn đánh dấu dọc theo một đường kẽ màu đen duy nhất, giống như những giọt mưa bám trên đường dây điện thoại. Những bản dàn bè này là những hướng dẫn không đáng tin cậy bởi vì sau vài phút, đèn mờ dần, và phần còn lại của buổi hòa nhạc diễn ra trong bóng tối. Bằng cách này, mỗi khán giả biết rằng sự tập trung chú ý của mình sẽ là tuyệt đối, và có thể tưởng tượng hết sức rõ ràng những âm thanh mà dàn nhạc đang gợi ý.
Khi buổi diễn kết thúc, đèn bật sáng, khẳng định với khán giả rằng những gì đã kết thúc trong tâm trí họ thì cũng đã kết thúc trong toàn bộ thính phòng.
Những buổi hòa nhạc này đã bị tố cáo với cảnh sát. Một nhân viên điều tra đã qui kết rằng những người tổ chức thuộc về một giáo phái đang quyết tâm xóa bỏ hoàn toàn nền âm nhạc phương Tây mà họ xem là độc tài chuyên chế và chịu trách nhiệm về sự biến mất của những loại âm nhạc khác của thế giới—loại âm nhạc không được ghi âm, man dại, âm nhạc của những nền văn hóa đã chìm sâu xuống biển thời gian.
Nhưng không một khán giả nào của The End tin vào những qui kết ấy hoặc tin rằng những nhạc công tài ba hiền lành và ông nhạc trưởng uể oải của họ có liên hệ với những kẻ cực đoan mà người ta biết là những kẻ phải chịu trách nhiệm về, ngoài nhiều điều khác nữa, sự đánh cắp cây phong cầm của Thánh Đường Thánh Thomas, về vụ ám sát nhạc trưởng Herbert Von Karajan (luộc chín trong vạc dầu hạt lanh) và về vụ kích nổ một quả bom nguyên tử nhỏ trong những phòng thu âm của hàng đĩa nổi tiếng của nước Đức là Deutsche Grammaphon.
AN NINH XE HƠI
Hệ thống hoạt động như sau. Khi tên trộm vào được trong xe—việc này tự nó không khó—và ngồi sau tay lái, một cơ chế điện tử khóa hết cửa lên xuống và cửa sổ. Động tác này có thể im lặng hoặc không.
Bước thứ hai diễn ra khi kẻ đột nhập cố khởi động máy. Đúng lúc này một ngọn đèn đỏ bắt đầu nhấp nháy trên mặt bảng điều khiển, và một giọng nói thu âm sẵn lặp lại ba lần cách nhau mỗi 30 giây, “Không còn lối thoát.” Người ta đã chứng minh rằng lặp lại ba lần là đủ vì sau khi cố khởi động xe nhiều lần, kẻ trộm khi ấy sẽ tìm cách thoát thân. Nhưng mọi cửa đã khóa chặt cả rồi.
Đây chính là lúc một cái kim tiêm nhô lên khỏi mặt ghế và tiêm vào một món bào chế đặc biệt làm tê liệt hai cẳng chân và dây thanh âm của kẻ trộm. Người ta nhận thấy trong một tỉ lệ rất cao các trường hợp này, tên trộm, dưới ảnh hưởng của thứ thuốc này, tin rằng hắn đang trải nghiệm một cơn ác mộng. Để đính chính sự ngộ nhận này, một giọng nói thu âm sẵn giải thích cho hắn những chi tiết về những gì sắp xảy ra. Rồi thì tất cả đã sẵn sàng cho bước cuối cùng, mà, đáng tiếc thay, không dễ chịu chút nào, nhưng chắc chắn là rất cần thiết.
Ghế tài xế trượt sang bên phải (sang trái nếu là xe bên Anh), để lộ ra một hệ thống gồm các pít-tông và bánh răng bắt đầu xay nát tên trộm thật nhuyễn, nén chặt hắn lại, rồi hòa tan hắn trong một dung dịch a-xít không mùi rất mạnh mà thành phần cấu tạo là bí mật của nhà sản xuất. Rồi ghế lái trở về vị trí cũ, thế nên khi chính chủ vào xe nổ máy, chủ xe sẽ không tìm thấy dấu vết gì của những gì đã xảy ra.
Nhà sản xuất cam kết rằng chỉ có một phần trăm trường hợp cơ chế này sẽ nhầm chủ xe là kẻ trộm.
— HẾT —

No comments:

Post a Comment