Thursday, March 23, 2023

CÁI QUÁ KHỨ ĐÃ CHẾT 𝗧𝗛𝗘 𝗗𝗘𝗔𝗗 𝗣𝗔𝗦𝗧



CÁI QUÁ KHỨ ĐÃ CHẾT

𝗧𝗛𝗘 𝗗𝗘𝗔𝗗 𝗣𝗔𝗦𝗧
Al Nussbaum
𝗔𝗟𝗙𝗥𝗘𝗗 𝗛𝗜𝗧𝗖𝗛𝗖𝗢𝗖𝗞’𝗦 𝗠𝗬𝗦𝗧𝗘𝗥𝗬 𝗠𝗔𝗚𝗔𝗭𝗜𝗡𝗘, số tháng 8, 1968, nxb H.S.D Publications, Inc., Fla. Vĩnh Bá dịch.

Khi tới chỗ ngôi mộ, Felix Kurtz ngồi lên một tấm bia kế bên và chửi thề. Ở tuổi 85, tuổi tác không làm giảm cái khả năng tuôn ra một tràng báng bổ giàu tưởng tượng; nhưng chửi rủa không giúp ổn định hai cẳng chân đang run rẩy, hoặc chữa lành chứng hụt hơi, và hai thứ này là nguyên do cơn tức giận của ông. Chỉ những suy nhược của ông mới làm ông tức giận nhiều hơn những khuyết điểm của người khác. Tâm trí của ông thuộc loại linh hoạt và nôn nóng, bị nhốt trong một cơ thể không đáp ứng được những yêu cầu của nó, và ông không thích bị nhắc nhở đến sự thể này.
Năm mươi năm, nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ lễ tang. Suốt thời gian này ông không hề đặt chân đến nghĩa trang, nhưng ông dễ dàng tìm được ngôi mộ um tùm cỏ dại cùng với tấm bia đã phong sương. Khi một cuộc đời đã được tạo nên bởi một thành công vĩ đại, rồi thành công tiếp nối thành công, thì mọi thất bại là điều không thể nào quên. Ông luôn luôn liên kết Kurtzville, thị trấn công ty do ông nội ông thành lập, với cái thất bại ban sơ ấy, chứ không với những lợi nhuận khổng lồ từ việc bán than đá trong hai cuộc thế chiến. Vì thế, ông cảm thấy vui khi lợi nhuận giảm sút đã buộc ông đóng cửa các hầm mỏ vào cuối những năm 40 và dời trụ sở kinh doanh đến Pittsburgh. Ngày nay, Kurtzville ở Pennsylvania là hình ảnh tương đương của những thị trấn ma ở miền tây, và ông đã trở về để di dời một trong những công dân của nó.
Dĩ nhiên, ông đã có thể giao việc cải táng cho một trong rất nhiều phó chủ tịch của vô số công ty của ông. Hoặc ông chẳng phải làm gì cả. Nhà nước rồi cũng di dời ngôi mộ này cùng với tất cả những ngôi khác nằm đúng trục xa lộ sắp mở. Ông nhận thức rõ tính chất phi lô-gích của việc ông có mặt ở đó nhưng cái phi lô-gích ấy không làm ông phiền lòng. Từ lâu ông vẫn tin ông là một người có lý trí. Ông biết những cảm xúc này nọ luôn chi phối những hành động và phản ứng của ông. Chỉ về sau, khi một quyết định đã được đưa ra hay một hành động đã được thi hành, thì ông mới cố tìm lý lẽ để biện minh. Trong trường hợp này, ông không có lý lẽ nào cả; đơn giản là ông muốn có mặt.
Một chiếc xe thớt, trang bị tời và cần cẩu quay, rẽ vào cánh cổng rỉ sét của nghĩa trang, lắc lư trên lối mòn rải sỏi tiến về phía Kurtz. Khi nó chạy ngang qua chiếc limousine màu đen nơi tài xế của Kurtz đang chờ, anh ta nhanh chóng quay cửa sổ lên để ngăn bụi và sỏi đá văng tung tóe. Chiếc xe tải dừng lại gần ngôi mộ.
Ba công nhân xuống khỏi buồng lái. Trong khi hai người bận rộn soạn cái thùng gỗ ở sau buồng lái lấy ra cuốc chim và xẻng, người thứ ba đến gần Kurtz. “Ông Kurtz? Mộ nào hở ông?”
Kurtz chỉ ngôi mộ khi những người kia đến gần, họ thả dụng cụ loảng xoảng xuống bên chân mộ.
Người thứ nhất ngồi xổm bên cạnh bia mộ, ngón tay dò theo dòng ngày tháng trên mặt bia. “Xưa thế này thì bên dưới chẳng còn gì mấy.”
“Còn quá đi chứ,” Kurtz cãi lại. “Quan tài bằng gang đúc tại một xưởng trong thị trấn. Sáu người khiêng mới nổi đấy.”
“Dẫu sao, sẽ mất khá nhiều thời gian, thưa ông. Nếu ông vào đợi trong xe, tôi sẽ gọi ông khi chúng tôi sắp tời nó lên.”
“Đừng kéo cả ngày đấy—tôi trả công các anh theo giờ, anh biết rồi,” Kurtz nói, rồi đi về phía chiếc limousine . . .
* * *
Từ nơi cửa sổ văn phòng nhìn ra cổng chính dẫn vào khu mỏ, Felix Kurtz thấy Myron Shay chỉnh lại cà-vạt bằng những ngón tay luống cuống khi anh ta giải thích mục đích công việc với một viên cảnh sát công ty. Không cần phải giải thích. Mọi người trong thị trấn công ty đều biết về chàng họa sỹ đã từng đến giữa những ồn ào của vụ sập hầm mỏ vừa qua để vẽ minh họa cho một tờ nhật báo ở Washington, D.C. Họ cũng biết rằng Kurtz đã bỏ tiền ra dụ dỗ anh ta dừng việc ở tờ báo, lấy cớ thuê anh ta vẽ chân dung em gái là Emily, nhờ vậy mà khôn khéo tránh được dư luận ồn ào, lẽ ra đã đưa đến việc ban hành những luật lệ bắt buộc trang bị những biện pháp an toàn rất tốn kém trong các hầm mỏ.
Mấy phút sau một viên thư ký, kính cẩn cầm dọc bên hông cái lưỡi trai chống chói màu lục, đến báo rằng Myron Shay hiện đang ở tầng dưới. Kurtz bảo anh ta gọi Shay lên. Ông hài lòng với cái vận may, dẫu nguyên do vận may này là gì đi nữa, đã đưa Shay đến gặp ông trong khi ông định mời anh ta đến.
Myron Shay chừng hai mươi lăm, trẻ hơn Felix Kurtz mười tuổi, và hai người rất khác nhau. Kurtz cao lớn, vạm vỡ, thích còm-lê sẫm màu, thích hợp cho những lần đi xuống các hầm mỏ. Vóc người Shay mảnh dẻ, thích mặc những màu nâu nhạt, xanh và vàng tươi, mang ghệt phủ dày cài bằng nút ngà đúng điệu ăn diện đỏm đáng. Kurtz chải ngược mái tóc đen ra sau, để một bộ ria lớn mà hai mút vuốt cứng bằng sáp, trong khi mái tóc vàng của Shay thì rẽ giữa, và bộ mặt hồng hào của anh có vẻ không cần đến dao cạo.
“Tôi cho rằng anh là một nghệ sỹ có tài,” Kurtz nói, chớp ngay lấy cơ hội. “Tôi nghĩ anh có nói anh sáng tác hiệu quả với mọi chất liệu.”
Shay đứng trước cái bàn gỗ đào hoa tâm của Kurtz, chuyển trọng lượng từ chân này sang chân kia. “Vâng, thưa ông, đất sét, đá, sơn dầu, than củi—”
“Có phải anh thường bỏ ra một tháng mới vẽ xong một bức chân dung nhỏ?”
“À, thưa ông, tôi—”
“Không sao, không sao,” Kurtz khoác tay bảo anh ta im lặng, một cử chỉ biểu lộ sự nôn nóng. “Tôi không định trả thù lao cho anh nếu anh không hoàn thành công việc thỏa đáng trước thứ Sáu tuần này.” Anh họa sỹ nhật báo không còn là mối đe dọa trực tiếp cho ông nữa, nhưng Kurtz muốn anh ta đi khỏi trước khi có gì xảy ra làm thay đổi tình hình.
“Ồ, tôi không nghĩ đến chuyện đòi tiền ông, thưa ông,” Myron Shay nói.
Kurtz cau mày. “Ý anh là sao?”
Shay quơ quơ hai bàn tay với vẻ lúng túng, như một người bị buộc phải nói khi anh ta quen với việc diễn ý bằng cách khác. “Em gái ông và tôi—Emily và tôi yêu nhau. Chúng tôi muốn kết hôn. Tôi—tôi đến để xin ông chấp thuận.”
Kurtz cười lớn, không phải vì vui, rồi đứng lên, đi vòng ra từ sau bàn giấy. “Anh muốn cưới em gái tôi?”
“Vâng, thưa ông. Tôi yêu cô ấy và—”
“Yêu nó? Anh tưởng anh là người đầu tiên giả vờ quan tâm đến nó chỉ vì nó là em gái tôi hả? À, tôi xin làm người đầu tiên cho anh biết em tôi chưa thành niên và không có tài sản riêng. Và vì tôi thuê anh vẽ chân dung nó, đừng nghĩ là tôi không biết nhan sắc nó rất tầm thường.”
“Thưa ngài! Emily không xinh đẹp, nhưng cô ấy là một người rất nhiệt tình và nhạy cảm.”
“Dẹp cái trò điên rồ này đi! Em gái tôi sẽ không dây vào kẻ chủ nghĩa cơ hội hạng hai nào hết. Tôi cho rằng anh nghĩ tôi sẽ dùng tiền mua chuộc để anh tránh xa Emily. Nếu anh nghĩ thế là anh nhầm. Tôi là chủ nhân của thị trấn này và mọi thứ trong đó. Không gì xảy ra ở đây mà tôi không biết hoặc không được tôi chấp thuận.”
Kurtz nhanh chóng vươn hai bàn tay hộ pháp ra chộp lấy hai cổ tay của chàng nghệ sỹ. “Anh đang đe dọa một thứ của tôi, nên tôi cũng làm điều y hệt với anh.” Ông ta đưa cao hai cánh tay lên cho đến khi những ngón tay thon dài của Shay mềm nhũn rũ xuống trước mặt anh. “Anh có 15 phút để về căn gác đang dùng làm phòng vẽ, thu dọn đồ nghề vào xe, theo đường ra khỏi thị trấn. Nếu anh không đi ngay, tôi sẽ cho xay mấy ngón tay này làm thịt xúc xích.”
Để nhấn mạnh ba từ sau cùng, Kurtz quay ngược chàng trai lại và đẩy anh ra khỏi phòng, chỉ dừng lại đủ lâu để mở cửa. Mặt trắng bệch, Shay đi ngang qua những viên thư ký đang thì thầm với nhau, rời khỏi các văn phòng khu mỏ, không một lần ngoái lui.
Kurtz ra hiệu cho một viên thư ký: “Gọi điện cho Cô Kurtz. Bảo cô ấy đến đây ngay lập tức.”
Vài phút sau anh nhân viên trở về. “Thưa ông, cô ấy không có nhà. Cô hầu nói cô ấy đi làm mẫu để vẽ chân dung.”
Kurtz giật cái mũ ra khỏi giá và rời văn phòng, đập chiếc mũ vào đùi bên phải như một cái roi cưỡi ngựa. “Tôi sẽ về lại,” ông ngoái lại gọi lớn, rồi nhảy xuống từng hai bậc cấp một. Ông dừng lại nơi cổng chính ra lệnh cho hai viên cảnh sát khu mỏ đi theo, rồi ra hiệu gọi chiếc sedan. Kurtz lên xe ngồi trước với tài xế, hai viên cảnh sát ngồi sau.
Vừa lúc họ đến con đường nơi có phòng vẽ của ông họa sỹ, thì Shay và Emily đang tách khỏi vệ đường trong một chiếc xe mui trần. Shay ngoái lui chỉ một lần, rồi xe anh tăng tốc.
“Đuổi theo! Chặn chúng lại!” Kurtz hét lên với tài xế.
Anh tài xế đạp lút chân ga, nhưng chiếc sedan to lớn đuổi không kịp chiếc xe nhỏ hơn. Hai chiếc phóng như bay trên con đường lát đá, Kurtz nắm tay đấm vào táp-lô. “Chặn chúng lại!” ông hét lên. “Chặn chúng lại!”
Hai phát súng tiếp liền nhau nổ chát chúa át cả tiếng động cơ gầm rú. Kurtz ngạc nhiên quay lui thấy một viên cảnh sát đang tỳ người ra ngoài cửa sổ, tay lăm lăm súng. Trước mặt họ, chiếc xe nhỏ hơn lạng sang bên một lần, giảm tốc rồi dừng lại.
Tài xế của Kurtz trườn tới, dừng lại sau chiếc xe nhỏ, và bốn người lao tới. Họ thấy Myron Shay đang ẵm Emily trong tay, trong khi cái đốm màu đỏ trên váy lớn nhanh dần.
Sau đó, tại bệnh viện của công ty, Bác Sỹ Moreau bước ra khỏi phòng riêng và khẽ đóng cửa phòng sau lưng mình, cái cau mày gần như bị chìm khuất trên một gương mặt đã bị thời gian khắc thành những rãnh sâu. Kurtz và Shay cùng bước về phía ông bác sỹ, nhưng ông dán cặp mắt đỏ ngầu vào người trẻ hơn và nói với chàng, phớt lờ Kurtz. Hai người trao đổi một vài tiếng Pháp nói nhanh, rồi vị bác sỹ lớn tuổi vỗ vai Shay và Shay đi tới cửa phòng bệnh.
Kurtz dợm bước theo, nhưng viên bác sỹ bước tới chắn trước mặt. “Chuyện xảy ra như thế nào?” bác sỹ hỏi bằng tiếng Anh.
Kurtz liếm môi. “Một tai nạn . . . một hiểu lầm đáng buồn. Emily đang bỏ trốn với—với anh họa sỹ ấy! Tôi đang cố đuổi kịp xe họ, và một cảnh sát của tôi tưởng đã xảy ra một vụ phạm pháp.”
“Tôi cho rằng chính cậu Shay mới là người suýt gặp nạn—y như những thanh niên mà ông đã đánh đập sau khi họ tỏ ra quan tâm đến em gái ông,” bác sỹ lạnh lùng nói.
Cảm giác sốc giảm dần, và Kurtz không thích cấp dưới trả treo với mình. “Này, lão già nát rượu, đừng nói đạo lý với tôi. Tôi thuê ông khi không ai thèm thuê ông.” Ông không nhắc đến việc ông trả lương cho ông bác sỹ thấp hơn nhiều nếu như ông đã thuê ai khác. “Ông chỉ có hai việc trong thị trấn này—chăm sóc người bệnh và chôn cất người chết. Hãy tự giới hạn trong hai chức danh: bác sỹ-nhà thầu tống táng, không gì khác nữa.”
“Vâng, thưa ông,” bác sỹ nhũn nhặn nói, nhưng đôi mắt thu hẹp của ông chợt ánh lên.
“Tốt. Chúng ta đã hiểu nhau, Nào, làm sao mà ông và Shay thân nhau đến thế? Anh ta cũng là người nước ngoài hả?”
“Anh ta học ở Paris và nói được tiếng Pháp,” Moreau giải thích. “Chúng tôi gặp nhau khi anh ta đến đây và nhận thấy chúng tôi có những sở thích chung.”
Kurtz nhìn chăm vào cái mũi hằn những đường gân máu của viên bác sỹ. “Những sở thích chung? Như là—whiskey và rượu gin?”
“Cờ vua và chuyện trò,” bác sỹ nói. “Tiếng Pháp rất thích hợp để nói về nghệ thuật và văn học.”
Kurtz vẫy một ngón tay ra vẻ hách dịch ngay dưới mũi của Moreau. “Tiếng Anh của ông thích hợp ra sao để nói về y học? Tình trạng em gái tôi thế nào? Khi nào thì nó có thể rời khỏi đây?”
“Viên đạn xuyên qua ghế ngồi trước khi trúng phải cô ấy. Đạn đi vào không sâu lắm, và không cơ quan thiết yếu nào có vẻ bị tổn thương, nhưng cô ấy mất nhiều máu,” bác sỹ nói. “Tôi khuyên không nên di chuyển cô ấy ít nhất là một tuần. Cô ấy cần được nghỉ ngơi tuyệt đối—không được kích động. Rồi, nếu không có biến chứng . . .” Ông chìa ra một bàn tay, lòng bàn tay để ngửa thành một cử chỉ không lời nhưng ngầm ý sâu xa.
Kurtz ngừng lại. “Được rồi, bác sỹ, nhưng tôi khuyên ông nên tỉnh rượu.”
Viên bác sỹ thẳng người lại tức thì. “Tôi không bao giờ uống rượu khi tôi có bệnh nhân.”
“Đã nói thì nhớ giữ lời,” Kurtz nói.
Những ngày sau đó là những ngày không vui cho Felix Kurtz. Rõ ràng là tin về tai nạn của Emily đã lan truyền. Mọi người đều biết ông đã nhận lãnh cái thất bại đầu tiên—anh họa sỹ đã không phải lánh xa vì sợ. Mỗi khi Kurtz quay lui thật nhanh, ông bắt gặp người ta mỉm cười với ông, và những tốp thợ mỏ im bặt mỗi khi ông xuất hiện. Kurtz đã biết nhân viên của ông ghét ông, nhưng ông hơi ngạc nhiên khi thấy rằng cái rủi ro của em gái ông lại là một nguồn vui vì cái khó xử nó gây ra cho ông.
Kurtz không muốn bị người ta cười cợt, nhưng hiện giờ ông đành bó tay. Thương thế của Emily vẫn nặng, chưa thể xuất viện, và Myron Shay đã thực sự vào ở trong bệnh viện để được gần nàng. Kurtz đành phải trì hoãn việc chia loan rẽ thúy này cho đến khi cô gái khỏe hẳn. Để rồi ông xem ông sẽ còn bị đem ra làm đối tượng chế nhạo bao lâu nữa. Trong khi đó, cái vẻ sợ hãi ông gây ra nơi đôi tình nhân khi ông ghé thăm mỗi ngày đã giúp ông cam chịu được nỗi nhục nhã. Cả ông lẫn cặp đôi đều biết những ngày bên nhau của họ đang phải đếm lui dần.
Và rồi điều bất ngờ xảy ra. Mười ngày sau tai nạn, Kurtz được gọi đến bệnh viện. Ông được đón bởi Bác sỹ Moreau mặt lạnh như tiền, báo cho ông biết rằng Emily đã qua đời đêm hôm trước. Kurtz giở tấm drap lên nhìn hình nhân bất động trong một lát; rồi, hoàn toàn không lộ chút cảm xúc, ông ra lệnh cho Bác Sỹ Moreau thu xếp đám tang.
Myron Shay rời thị trấn, không tham dự lễ tang; do đó chứng minh cho Kurtz thấy ông đã nghĩ đúng về anh ta ngay từ đầu . . .
* * *
“Ông Kurtz! Ông Kurtz!” giọng người tài xế, và Kurtz thức giấc thấy anh ta đang lay cánh tay ông. “Họ sắp nâng quan tài lên.”
“Đừng la lớn, đồ ngu. Tao chỉ để cho mắt nghỉ ngơi.” Ông khó nhọc lết ra khỏi xe, đến với mấy công nhân nơi cái huyệt đã đào rộng.
Chiếc xe tải đang ở bên cạnh huyệt và những sợi xích nặng nề đã buộc vào cái quan tài rỉ sét để chuẩn bị nâng nó lên sàn xe tải. Hai người được cử vận hành cái tời và khung cẩu quay trong khi người kia chực sẵn để xoay cho quan tài đúng hướng.
“Ơ, các anh còn chờ gì nữa? Làm đi chứ. Thì giờ là tiền bạc, các anh biết rồi. Và cẩn thận—nặng lắm đấy.”
“Không còn nặng như xưa đâu,” viên đốc công nói. “Trong huyệt có rất nhiều vụn sắt rỉ, quan tài chỉ còn một lớp mỏng thôi.”
Ông này vẫy tay ra hiệu và tời bắt đầu cuốn, kéo căng dần đoạn chùng của dây xích. Rồi cái màu đỏ bầm của quan tài gang nhô lên khỏi mặt đất, đong đưa nhè nhẹ trên khung cẩu quay trong khi viên đốc công giơ một tay ra để giữ yên nó. Đột nhiên, mép huyệt sụt xuống vì sức nặng của một bánh sau. Khi bánh sau lún xuống, xe tải nghêng đi, quan tài lia sang một bên, va vào một bia mộ cạnh đó, rồi rơi oạch xuống đất.
Hai người trên sàn xe níu lấy cái tời, há hốc nhìn sững quan tài. Kurtz tiến tới nhìn xuống. Nắp áo quan vỡ một mảng dài chừng sáu tấc, để lộ dáng nằm ngửa của một cô gái trẻ, mặc một chiếc áo tay dài, cổ cao, đúng mốt nửa thế kỷ trước. Một vành tai đã hỏng vì một mảnh của cái đậy mặt, và ông sờ cái tai bằng những ngón tay run run. Cái tai bằng sáp, giống như những đường nét sắc sảo khác của hình nộm, đã được chăm chút tạo hình với biết bao yêu thương bởi hai bàn tay nhạy cảm của một nghệ sỹ.

No comments:

Post a Comment