Saturday, December 31, 2022

Cuối năm !


Cuối năm !

Không có tiếc nuối cho những gì đã qua, những điều giúp mình hoàn hảo theo cách của mình bây giờ.
Ngày Tháng đã êm trôi bên đời mình.
Ngày Tháng đến.
Bình yên, lặng lẽ.
Không ồn ào, không lên tiếng. Đến nỗi có lúc thảng thốt giật mình. Ô hay, đông đã sang mùa ?
Ngày Tháng đi.
Khúc tình ca giao mùa chợt sâu lắng hơn, buồn hơn nhưng nhẹ nhàng hơn.
Những giấc ngủ đến nhanh hơn và sâu hơn.
Những giấc mơ không còn giật mình, trăn trở.
Ngày mai vui sẽ đến.
Mình nghe tim mình gõ đều từng tiếng;
như chưa từng lỗi nhịp bao giờ.

KHÚC HÁT THANH XUÂN


https://www.youtube.com/watch?v=hiDouSqDy2c

“Ngày ấy khi Xuân ra đời
Một trời bình minh có lũ chim vui
Có lứa đôi, yêu nhau rồi
Hẹn rằng còn mãi không nguôi.
Nhạc lắng hương xuân bồi нồi
Như vì tình ai tiếng hát lên ngôi
Nói với nhau, yêu nhau rồi
Một ngày còn mới tươi môi
Rồi nắm tay cùng nói vui
Những câu êm êm không rời vai.
Rồi lả lơi, hình dáng ai
Khuất xa biến vào nẻo khơi
Từ đó khi xuân tái нồi
Cho bùi ngùi thương nhớ tới xa xôi.
Nhớ tới câu thương yêu người
Một ngày tuổi mới đôi mươi.”
WHEN WE WERE YOUNG - JOHANN STRAUSS
Lời Việt KHÚC HÁT THANH XUÂN của Phạm Duy.
————-
Vũ trụ tuần hoàn. Xuân đến rồi đi.
Phạm Duy dùng chữ TÁI HỒI thật tuyệt để chỉ sự tuần hoàn của vạn vật.
Nhưng Xuân của đời người thì làm chi có chuyện TÁI HỒI ?
Nên người ta chỉ biết “bùi ngùi thương nhớ tới xa xôi”.
Nên người ta lục tìm lại trong ký ức những tươi đẹp của ngày xưa cũ để “nhớ tới câu thương yêu người”;
Và để biết mình đã từng sống hết mình trong tuổi thanh xuân.

Friday, December 23, 2022

Nguồn gốc của món Bò Bía

Nguồn gốc của món Bò Bía



Hồi nhỏ, nghe người ta rao món bò bía, tui thèm chảy nước miếng. Ngày đó khoái ăn thịt bò nhưng thịt bò mắc mỏ lại nghe rao bò bía tưởng là cuốn thịt bò. Mãi đến lần đầu ăn bò bía mới biết nó chỉ có tôm khô, củ sắn và lạp xưởng nhưng nó vẫn ngon khó tả, nhất là lúc chấm cuốn bò bía ngập vô tương đen có ớt xay hòa cùng hành phi vàng ươm.

Bò bía (tiếng Phúc Kiến: pȯh-piáⁿ, 薄皮卷, tiếng Hán Việt là Bạc bính, nghĩa là bánh mỏng) là món cuốn theo phong cách ẩm thực Triều Châu (Quảng Đông) và Phúc Kiến, Trung Quốc, hiện phổ biến ở Đài Loan, Singapore và Malaysia. Tại Phúc Kiến, món này thường dùng ở Hạ Môn, còn ở Quảng Đông, món ăn phổ biến tại vùng Triều Sán ở phía đông của tỉnh trong lễ thanh minh. Tại Việt Nam, món này có thể do các di dân Triều Châu hoặc người Peranakan (hay còn gọi là Baba Nyonya, tục gọi người Bà Ba) du nhập vào.

Bò bía làm kiểu truyền thống nay hiếm thấy ở Việt Nam. Loại bánh tráng để cuốn món bò bía nguyên bản kiểu Phúc Kiến là loại bánh tráng bía mềm mịn làm từ bột mì (mà các bà nội trợ thường dùng để cuốn chả giò). Thành phần của cuốn bò bía rất phong phú: xà lách, giá, trứng, tôm, tôm khô, đậu phộng, tương ớt, tương đen bên cạnh thành phần chính là hỗn hợp củ sắn cà rốt. Cuốn bò bía nguyên bản khá to, gấp 3 lần cuốn bò bía Sài Gòn. Do vậy người bán thường cắt làm nhiều phần cho dễ ăn.

Trở về Sài Gòn, bò bía mặn được làm bằng các nguyên liệu gồm lạp xường, trứng gà tráng, cà rốt, rau xà lách, củ sắn, hay su hào, tôm khô, rau thơm… tất cả thái nhỏ và cuộn trong bánh tráng làm từ bột mì. Gia vị dùng kèm là tương đen ăn kèm đậu phộng, hành phi và ớt xay. “Việc sử dụng bánh tráng thường thay cho bánh tráng bía để cuốn bò bía ở miền Nam cũng có thể lý giải do nguồn dự trữ gạo địa phương phong phú, người Hoa đã sử dụng để thay thế cho nguyên liệu bột mì trong bánh tráng bía, cũng từ đó thay đổi cách gói bò bía”.

https://saigonchuyenchuake.wordpress.com/2015/07/30/nguon-goc-cua-mon-bo-bia/?fbclid=IwAR0gDgICx7BPeaiYe5PNRotNoGhKnFKPIiYu96CFFaDia07SwS51r3r8v_I

Saturday, December 17, 2022

NGHE GÌ LÚC BỊ GIAM CẦM - 𝗖𝗔𝗣𝗧𝗜𝗩𝗘 𝗔𝗨𝗗𝗜𝗘𝗡𝗖𝗘 - Jack Ritchie

NGHE GÌ LÚC BỊ GIAM CẦM

𝗖𝗔𝗣𝗧𝗜𝗩𝗘 𝗔𝗨𝗗𝗜𝗘𝗡𝗖𝗘 Jack Ritchie
Dịch giả ; VĨNH BÁ
Adam Carlson lắng nghe tiếng chó tru văng vẳng, và mười lăm giây sau ông nghe tiếng động cơ máy bay. Tiếng động cơ nhanh chóng lớn dần lên cho đến khi chiếc máy bay bay ngang qua ngay trên căn nhà.
Trong ánh sáng chói chang của cái bóng điện trần trên đầu, ông liếc nhìn đồng hồ tay. 2:32 sáng.
Adam ngồi dậy trên chiếc giường cá nhân, nhìn quanh phòng một lần nữa. 12 feet x 14 feet (3,6m x 4,2m). Không cửa sổ. Một khối bê-tông vững chắc ngoại trừ cánh cửa gỗ sồi nặng nề. Gần như cách âm, nhưng không hoàn toàn cách âm. Con chó chắc hẳn ở gần đây.
Ông đã ở đây bao lâu? Có vẻ như đã nhiều ngày, nhưng thật ra chỉ chừng tám tiếng đồng hồ. Mọi sự bắt đầu tối qua. Sẽ kết thúc ở đâu?
Adam vừa mới đưa xe vào ga-ra và bắt đầu đi theo con đường nhỏ dẫn vào nhà thì chúng từ trong bóng tối bước ra. Hai tên, đầu trùm kín, súng trong tay.
Ông giật mình, đương nhiên, nhưng không thật sự sợ hãi. Ông đưa hai tay lên quá đầu. “Cứ lấy hết tiền, nhưng để cái ví lại.” Ông nghĩ đến nỗi phiền toái phải xin bản sao bằng lái xe và rất nhiều loại thẻ khác nhau cùng với thẻ căn cước nếu cái ví bị cướp mất.
Nhưng chúng không màng đến cái ví hay tiền bạc. Gã cao lớn vạm vỡ chỉ ra hiệu bằng khẩu súng tự động rằng hắn muốn Adam đi trước.
Họ đi ngược lại lối xe ra vào, qua hai trụ cổng, tới chỗ chiếc sedan màu tối đang đậu một bên con đường rải sỏi.
Adam đã bị bịt mắt, trói lại, và đưa lên nằm trên sàn xe phía sau. Thoạt đầu ông cố ghi nhớ hướng xe chạy. Nhưng xe chuyển hướng nhiều lần cho đến khi ông rối trí và bỏ cuộc.
Một giờ sau xe dừng lại và hai mắt cá chân ông được mở trói. Vẫn bị bịt mắt, ông bị dẫn đi theo một lối đi nhỏ và ông nghe tiếng mở cửa. Ông được dẫn xuống một số bậc cấp vào trong phòng này.
Khi chúng mở dây trói tay và gỡ băng bịt mắt cho ông, ông hấp háy mắt vì ánh sáng đột ngột. Khi mắt đã quen với ánh sáng, ông thấy một căn phòng trống trải với một cái giường đơn, một chiếc ghế dựa duy nhất, một cái bàn, giấy và bút.
Gã cao lớn lên tiếng lần đầu tiên. “Ngồi xuống,” hắn ra lệnh. “Ông sẽ viết một tin nhắn cho vợ ông. Chúng tôi sẽ đòi hai trăm ngàn đô-la.”
Adam trố mắt nhìn hai kẻ đang trùm kín đầu. “Hai trăm ngàn đô-la?”
Có lẽ đằng sau lớp vải trùm đầu là một nụ cười. “Đúng thế, thưa ông. Có lẽ giờ đây ông đã nghiệm ra lý do chúng tôi bắt giữ ông.”
Adam liếm môi. “Vợ tôi đã đi châu Âu với mẹ cô ấy tuần trước.”
Hai gã trùm kín mặt quay sang nhìn nhau. Chúng có vẻ lưỡng lự chăng? Gã cao lớn đưa súng lên. “Chúng tôi muốn hai trăm ngàn. Chúng tôi không cần biết ông làm cách nào để có tiền hoặc ai lo việc gom tiền cho ông, nhưng chúng tôi muốn có số tiền ấy.”
Adam ngồi xuống nơi bàn. “Harold Bannister. Ông ấy là luật sư của tôi, đồng thời cũng là người tư vấn lâu năm cho tôi.”
Khẩu súng lại huơ lên. “Cầm bút lên. Tôi sẽ nhắc cho ông viết.”
Và Adam đã viết:
Harold thân mến,
Tôi muốn anh thu xếp đủ hai trăm ngàn đô-la, không tờ nào có mệnh giá lớn hơn một trăm.
Rồi anh sẽ được hướng dẫn qua điện thoại phải làm gì với số tiền ấy. Đừng báo cảnh sát. Nếu anh làm thế, anh sẽ không còn gặp lại tôi nữa.
Adam Carlson
Gã cao lớn đọc cái tin nhắn rồi gật đầu. Hắn và tên đồng bọn rời khỏi phòng và Adam nghe tiếng cánh cửa nặng nề được khóa lại.
Adam lại nằm xuống cái giường đơn. Ông nhắm mắt để khỏi bị chói vì cái bóng điện trần duy nhất trên đầu.
Liệu chúng có giết ông sau khi nhận được tiền? Nhưng nếu chúng định làm vậy thì tại sao chúng lại chịu khó trùm kín mặt? Adam bám víu lấy ý tưởng này như một cái phao cứu mạng. Chừng nào chúng còn trùm đầu—chừng nào chúng còn chắc chắn rằng ông không thể nhận mặt được chúng—thì ông vẫn toàn mạng.
Adam giật mình tỉnh giấc khi ông nghe tiếng chìa khóa mở cửa. Ông nhìn đồng hồ tay. Tám giờ hai mươi lăm. Ông đã thiếp được một giấc. Ông cảm thấy tim đập thình thịch khi nhìn cánh cửa mở ra.
Chỉ một mình gã cao lớn bước vào với một cái khay. Hắn vẫn trùm kín đầu. “Bữa ăn sáng của ông đây,” hắn nói.
Hắn chờ cho đến khi Adam ra dấu đã ăn đủ no mới lấy cái dải băng bịt mắt trong túi ra. “Ông sẽ gọi đến văn phòng của ông. Bảo thư ký của ông rằng ông sẽ đi vắng ít nhất là một tuần. Bảo cô ấy ông sắp đi xa.”
Ông được dẫn ra cái chỗ ngay bên ngoài cửa phòng.
“Số điện thoại văn phòng là gì?” gã cao lớn hỏi.
Adam nói cho gã biết và rồi ông nghe tiếng quay số. Ông cảm thấy cái điện thoại dúi vào tay mình. Thư ký của ông, Madge, trả lời khi nghe chuông. “Madge này,” Adam nói, “tôi sẽ không đến văn phòng trong khoảng một tuần. Tôi sẽ đi nghỉ một chuyến ngắn ngày.”
“Vâng, thưa ông,” cô ấy nói. “Tôi liên lạc với ông ở đâu trong trường hợp cần thiết?”
“Cô không cần phải làm thế đâu. Hoãn hết mọi công việc. Hủy tất cả các cuộc hẹn của tôi.”
Gã cao lớn lấy lại điện thoại khỏi tay ông. “Có lẽ còn có ai khác ông nên gọi, phải không? Ông nhớ cho, vì sức khỏe của chính ông, chúng tôi không muốn ai đâm ra lo lắng cho ông và đi báo cảnh sát.”
Adam ngẫn nghĩ một lát. “Quản gia của tôi.” Ông đọc số nhà cho gã cao lớn và điện thoại một lần nữa được ấn vào tay ông.
“Bà Regan?”
“Vâng. Phải ông đấy không, ông Carlson?”
“Tôi đây.”
“Ông đang ở đâu thế? Sáng nay không thấy ông xuống nhà ăn sáng tôi đã đâm lo. Tôi bảo James đi kiếm ông, nhưng anh ta không thấy ông đâu cả. Anh ta nói chắc hẳn tối qua ông có về nhà, bởi vì mấy chiếc xe đang có trong ga-ra cả.”
“Tôi có về. Nhưng sáng nay tôi đi sớm. Một người bạn đến đón tôi nơi cổng.” Ông hít vào một hơi. “Bà Regan này, tôi sẽ vắng nhà chừng một tuần. Chỉ là đi nghỉ thôi.”
“Được rồi,” bà ấy nói. “Nhưng có thư của bà nhà đến chiều qua. Tôi để thư lại trên bàn trong phòng khách, tôi chắc ông đã không thấy.”
“Đúng thế. Tôi đã không thấy.”
“Ông có muốn lấy thư trước khi ông đi không?”
“Không. Cứ giữ đó cho đến khi tôi về.”
Một quãng im lặng ngắn. “Tôi có thể chuyển tiếp thư đến nơi ông đang lưu trú?”
“Đừng,” Adam nói. “Tôi không biết chính xác nơi tôi sẽ đến. Phần lớn thời gian tôi sẽ đi trên đường.”
Gã cao lớn dẫn ông vào lại trong phòng và cởi băng bịt mắt cho ông. Đến tối đồng bọn của hắn mang cơm vào.
Có lẽ chúng thay phiên nhau canh cửa, Adam nghĩ thầm; gã cao lớn ban ngày còn gã thấp bé ban đêm.
Adam lên tiếng. “Các ông đã nghe tin gì từ Bannister chưa?”
Gã thấp bé lắc đầu. Hắn chờ Adam ăn xong. Có vẻ rất sốt ruột. Hắn có thói quen cấu vào các đốt ngón tay của bàn tay phải.
Vào buổi sáng, gã cao lớn mang bữa điểm tâm đến cho Adam.
Adam ban đầu nhắp chút cà phê. “Các . . . các ông đã nhận được tiền chưa?”
Gã cao lớn lắc đầu. “Chưa. Chúng tôi gia hạn cho Bannister đến thứ Năm.”
Giờ, ngày, và đêm chậm rãi trôi qua. Rồi vào chiều thứ Năm khi gã cao lớn bước vào, giọng hắn rất gay gắt. “Bannister đang câu giờ.” Hắn lấy cái dải băng bịt mắt trong túi ra. “Tôi sẽ cho ông nói chuyện với ông ta và ông phải nói cho thuyết phục. Bảo ông ta chuẩn bị sẵn tiền trước 12 giờ trưa mai nếu không thì ông ta có thể quên luôn chuyện này. Ông hiểu ý tôi rồi chứ.”
Adam lau mồ hôi hai bàn tay. “Vâng. Tôi hiểu.”
Ở chỗ điện thoại, Adam chờ cho đến khi Bannister bắt máy, “Harold này, tại sao anh chưa chuẩn bị tiền?”
“Adam hả?” Bannister nói. “Phải ông đấy không?”
“Tôi đây.”
“Ông vẫn ổn chứ?”
“Vâng,” Adam nói. “Tôi vẫn ổn. Nhưng họ nói anh đang cố trì hoãn.”
Bannister tỏ ra do dự. “Không phải thế, Adam ạ. Nhưng tập trung cho đủ một món tiền như thế cần phải có thời gian. Và tôi cứ nghĩ mãi, giá cổ phiếu của ông ở công ty Altiline Chemicals hiện ở mức 28½. Tôi nghĩ nếu ta chờ được tới thứ Hai thì giá cổ phiếu có thể cao hơn.”
“Bán đi,” Adam xẵng giọng. “Ngay tức khắc.”
Bannister thở dài. “Thôi được, Adam. Còn cổ phần của ông trong Shorre Apartments thì sao, giá tốt nhất mà Rogers đưa ra cho tôi là 75.000 đô-la.”
“Cứ nhượng cho ông ta.” Adam nắm chặt ống nghe. “Harold này, anh phải chuẩn bị đủ tiền trước trưa mai. Nếu lo không xong, thì mọi sự sẽ quá muộn.”
Đường dây im lặng trong chừng năm giây. “Tôi hiểu rồi, Adam. Tôi sẽ tìm mọi cách gom tiền đầy đủ. Ông có thể tin tôi.”
Một giờ trưa hôm sau khi gã cao lớn mang cơm trưa đến cho ông, Adam đứng dậy khỏi cái giường đơn. “Bannister đã có sẵn tiền chưa?”
Gã cao lớn gắt gỏng. “Chúng tôi gọi điện và ông ta nói đã có tiền rồi. Nhưng chúng tôi sẽ biết ngay có hay không khi đi nhận tiền tối nay.” Hắn để cái khay lên bàn. “Nên cầu nguyện cho đừng xảy ra trục trặc.”
Đã quá 10 giờ đêm khi Adam nghe tiếng chìa trong ổ khóa cửa. Ông thấy tim mình đập thình thịch. Cả hai tên vẫn trùm kín đầu.
Mười phút sau Adam thấy mình bị trói chân tay và bịt mắt lần nữa, rồi bị đưa lên nằm trong thùng xe phía sau. Ông có cảm tưởng chúng lái đi mãi không dừng, nhưng cuối cùng xe cũng đậu lại. Ông bị lôi ra khỏi xe và thả xuống một bãi cỏ bên vệ đường.
Adam chờ đợi, sợ đến điếng người, không rõ còn có thể xảy ra chuyện gì nữa đây. Rồi ông nghe tiếng xe đi xa dần.
Ông nằm đó trong một chốc, thở ra một hơi dài nhẹ nhõm, rồi tìm cách tháo dây trói. Khi đã tự do, ông đứng dậy. Trăng rằm sáng vằng vặc và xuôi theo con đường miền quê chừng nửa dặm ông lờ mờ thấy bóng đen của một ngôi nhà nông trại và một nhà kho. Ông bắt đầu đi về phía ấy để xin giúp đỡ.
* * *
Quá hai giờ sáng cảnh sát mới thẩm vấn xong Adam. Khi ông được cho ra về, ông thấy Bannister đang chờ.
Bannister trông có vẻ mệt mỏi. “Cảnh sát chỉ trích tôi, Adam ạ. Bảo rằng lẽ ra tôi nên báo cáo vụ bắt cóc liền ngay khi nhận tin nhắn của ông.”
Ra khỏi tòa nhà, hai người lên xe của Bannister. Adam dụi mắt. Ông mệt rã rời, nhưng quá căng thẳng muốn ngủ cũng không được. “Tôi có thể mời anh vào quán uống rượu.”
Bannister xoay chìa khóa khởi động xe. “Giờ này có lẽ không còn quán nào mở cửa, nhưng ông có thể đến nhà tôi thử một trong các loại martini của tôi.”
Hai mươi phút sau, trong phòng khách của Bannister, Adam ngồi vào một chiếc ghế bành và cố thư giãn. Bannister đi tới cái tủ rượu. “Kẻ gọi điện cho tôi nói giọng miền trung tây. Chắc chắn là giọng trung tây. Thế tên kia nói giọng miền nào?”
“Tôi không biết. Tôi không hề nghe hắn nói lời nào.”
Rồi thì Adam nghe tiếng chó tru.
Ông khựng người khi nghe tiếng máy bay đang đến gần. Tiếng động cơ lớn dần cho đến khi chiếc máy bay gầm rú ngang qua trên đầu.
Adam nhìn đồng hồ tay. 2:32 sáng.
Ông tròn xoe mắt. Từ hôm thứ Hai đến nay, đêm nào ông cũng nghe tiếng chó tru và tiếng máy bay đến cùng một lúc.
Nơi tủ rượu, Bannister nhìn lướt qua những cái chai. “Cái chai vermouth quái quỷ trốn đâu rồi nhỉ?” Ông ta lơ đãng cấu vào những đốt tay của bàn tay phải.
“Ah, đây rồi.” Ông ta cầm lấy cái chai rồi quay lui. “Ờ, hãy hy vọng cảnh sát sẽ tóm được bọn tống tiền ông.”
Nãy giờ Adam đang nhìn sững cái sàn nhà, gần như nhìn thấy căn phòng nhỏ mà chắc hẳn là ở dưới tầng hầm. Rồi ông ngẩng lên nhìn ông luật sư thấp bé. Ông nhếch mép cười. “Ừ, tôi linh cảm họ sẽ tóm được.”

Saturday, October 29, 2022

𝐋𝐔𝐃𝐌𝐈𝐋𝐀

 𝐋𝐔𝐃𝐌𝐈𝐋𝐀

David Montross
Dịch giả Vĩnh Bá.



Thường thường Bà Nội tru tréo với con bé ngay khi cửa mở, hỏi Ludmila tại sao nó lang thang trong rừng, hoặc có phải nó học kém ở trường nên bị phạt không cho về sớm. Đôi khi bà lão không đợi nói hết những điều trên thì đã ném gối vào Ludmila, mà nó thì luôn luôn sẵn sàng để nhảy sang bên này hoặc bên kia để tránh. Nhưng hôm nay thì khác. Không có chiếc gối nào ném ra lúc chiều muộn này. Cũng không có tiếng tru tréo.
“Babushka?” Đánh liều nhìn Bà Nội, nó thấy những bím tóc mảnh mai màu trắng tết con rít lòa xòa bên dưới cái gối, và những chiếc chăn kéo cao như nó đã đắp cho bà nhiều giờ trước đó. Nó muốn nói, “Bà hãy tha lỗi cho cháu về chuyện sáng nay, Babushka nhé. Cháu không cố ý làm một đứa bé hư. Xin tha cho cháu và hãy nói gì đi. Cháu xin bà đấy.”
Bởi vì nếu Bà Nội không nói gì, thì bà sẽ không lên tiếng suốt nhiều ngày liền. Không nói một lời. Có lẽ im tiếng cho đến sau khi tuyết đã rơi, sau khi căn nhà nhỏ trở nên chật chội vì Papa và các anh của Ludmila đã trở về sau chuyến đi gặt lúa.
Lặng lẽ để khỏi đánh thức Bà Nội, nó để lên bàn một cái túi lưới chứa củ cải đường và bắp cải và một miếng thịt heo muối mỏng tanh quý báu, rồi vội vã đun thêm củi vào lò. Babushka thường than phiền là cảm thấy lạnh ngay cả khi thời tiết nóng nực nhất, và giờ đây khi việc kiếm cành cây rơi rụng trở nên khó khăn hơn, Ludmila phải lang thang xuyên rừng theo những vòng tròn mỗi ngày mỗi rộng hơn. Mùa xuân năm sau, nó sẽ dặn Papa và các anh nó để lại cho nó một đống củi lớn hơn trước khi họ đi gặt lúa vào mùa hè. Nếu Babushka muốn căn nhà mùa hè này ấm hơn mùa hè năm trước, thì bà sẽ muốn nhà ấm hơn nữa vào năm sau.
Nhưng khi ấy thì Ludmila sẽ lên mười ba tuổi, và chắc chắn nó sẽ tự đi đốn củi được. Ít nhất là những cành thấp của những cây linh sam hoặc bạch dương mọc đến sát khoảng đất trống. Nếu nó làm được việc này, đám đàn ông sẽ rảnh tay để đào một cái giếng mà ngày nào đó sẽ đưa nước vào tận nhà, hoặc dựng một cái rào chắn gì đó bao quanh đám đất trồng rau để ngăn thỏ và hươu nai phá vườn như chúng mới phá gần đây. Chà, gần như không có chút thức ăn nào cho mùa đông sắp tới. Ý nghĩ này khiến nó cảm thấy đói hơn thường lệ. Cũng không còn đồng rúp nào, phải chờ cho đến khi Papa về mới có tiền.
Cẩn thận không nhìn Bà Nội vì bà ghét bị bắt gặp đang ngủ, Ludmila rán miếng thịt heo, gọt vỏ củ cải đường và xắc bắp cải rồi luộc tất cả trên bếp lò, dùng chỗ nước cuối cùng trong xô. Hết sức im lặng, nó quàng lại chiếc khăn san rồi băng qua khoảng đất trống tới nơi dòng suối đang trào bọt qua những tảng đá, phát ra âm thanh như tiếng đàn 𝐛𝐚𝐥𝐚𝐥𝐚𝐢𝐤𝐚 của Shura.
Nếu nó cứ ở bên ngoài một lúc, Babushka có thể ngủ tiếp, và như thế sẽ rút ngắn khoảng thời gian bà ca cẩm trước khi hai bà cháu đi ngủ. Dù sao, ở ngoài nhà một mình như thế này thì thú vị hơn, suy nghĩ và nhìn những bụi cây và cây cối chung quanh. Ở đây mùi cũng dễ chịu hơn; bên trong nhà mùi rất khó ngửi.
Khi trở vào lại, nó giả vờ như mới ở trường và ở cửa hàng thực phẩm về, và Bà Nội có thể tru tréo hoặc ném gối như thường lệ. Sau đó thì hai bà cháu ăn xúp rồi đi ngủ; một hai ngày nữa hay một tuần nữa Papa và những cậu con trai sẽ về nhà. Có họ trong nhà Babushka sẽ bớt ồn ào hơn.
Nhưng như Papa đã nói mùa xuân vừa rồi, “Nếu con phải nằm liệt giường vì một đôi chân vô dụng, Ludmila bé nhỏ yêu dấu của ba, con cũng sẽ bức bối, than vãn và bẳn tính như bà.”
Papa mà nói thế thì hẳn phải thế. Chẳng phải ông là người cha tuyệt vời nhất trên đời hay sao? Giúp nó học bài và luôn luôn có mặt ở trường vào những ngày mùa đông u ám đúng ngay lúc nó bắt đầu cuốc bộ đoạn đường rất dài xuyên rừng để về nhà. Đồng chí Varvara, thầy giáo, nói rằng người ta phải sản xuất theo năng lực và hưởng theo nhu cầu. Nhưng Bà Nội thì chỉ ăn mà không sản xuất chút lương thực nào hết. Papa nói ở tuổi bà thì chuyện ấy là đương nhiên; hồi còn trẻ bà đã sản xuất rất nhiều.
Mùa hè này khi chim chóc và động vật ăn hết vườn rau và không còn ngũ cốc hoặc bất kỳ thức ăn nào cho bò hoặc cừu hoặc heo hoặc gà, thì ông cụ Nikolai ở cửa hàng thực phẩm nói rằng mùa đông sắp tới chó sói chắc chắn sẽ xuất hiện. Tối thiểu cũng ba năm rồi không ai trong làng trông thấy con sói nào, nhưng ai cũng biết khi người ta chết vì đói, sói sẽ luôn kéo tới.
Ludmila cũng chưa hề thấy con sói nào, nhưng nó đã nghe tiếng sói tru nhiều lần. Và Babushka hay nói rằng những đứa bé gái hư chỉ nên làm thức ăn cho dã thú là tốt thôi.
A, sẽ rất vui khi Papa và bảy người anh trở về. Có thể là vào tuần này, như cụ Nikolai đã nói, buồn bã lắc lắc cái đầu hói, bởi vì về sớm có nghĩa là mất mùa, và không đủ lương thực cho mọi người. Tuy nhiên Papa sẽ ngăn không để lũ sói đến gần ngôi nhà; ông đã luôn làm được như thế.
Một khi tất cả đã về thì sẽ không còn những buổi sáng tối tăm và cô đơn khi mà Ludmila, ngủ chung giường với Babushka, phải trở dậy, cạy cho vỡ lớp nước đá trên mặt xô nước để sẵn bên cạnh bếp lửa được ủ tro, rồi nấu món cháo 𝐤𝐚𝐬𝐡𝐚 sau khi nó đã chuồi cái bô vệ sinh vào dưới thân mình của Bà Nội.
Đôi khi bà cụ ngồi trên bô rất lâu và lải nhải mãi về cái cách Ludmila xếp chăn không gọn và xóc gối không tròn, đến độ con bé, sợ trễ học, phải chạy suốt cả chặng đường băng qua những cây bạch dương vàng hoặc linh sam xanh đến con đường chính, rồi ngang qua ngôi làng để đến lớp học ở trong hội trường tập thể. Rồi thì Đồng chí Varvara cho thêm bài tập về nhà để nó làm trong ánh đèn cầy. Giá như Bà Nội biết sản xuất đèn cầy và đừng ngồi quá lâu trên cái bô vệ sinh.
Ồ, ngôi sao đầu tiên đã mọc. Và những ngôi khác xa hơn, sáng dần lên mặc dù trăng đang lên, mà đêm nay trông vàng như những cây bạch dương vào ban ngày. Một đêm đẹp trời có những tiếng thì thầm vọng lại từ khu rừng.
Năm ngoái Papa và mấy cậu trai về muộn hơn một tháng so với thời điểm này, cất tiếng hát vang khi họ xuống khỏi mấy chiếc xe tải, bước mạnh bạo băng qua đám cây để vào làng. Khi thấy con bé vẫy tay chào, cả bọn phóng chạy để xem ai tới chỗ nó trước tiên. Ai tới trước sẽ nhấc bổng con bé lên, hôn nó tới tấp, dìm mất tiếng kêu ré của nó, một lúc lâu mới chịu buông nó ra cho người kế tiếp đang chờ đến phiên. Nhưng không ai trong bọn chạy đua để vào hôn Bà Nội.
Năm nay họ mà về sớm, như cụ Nikolai đã nói, thì vui biết mấy. Nhưng buồn thay cho những người phải chết đói mùa đông này. Có thể là một số người trong chính nông trang tập thể của họ.
Ai trong gia đình có thể phải chết?
Không thể là Papa vì ông rất khỏe mạnh. Mấy cậu trai cũng không bởi vì họ trẻ và khỏe. Cũng không phải Bà Nội, vì tuy không khỏe mà cũng chẳng trẻ, nhưng bà là người mạnh mẽ nhất nhà. Papa thường nói thế. Mỗi khi bà hỏi ông.
“Ai là người khỏe nhất trong nhà này?”
“Là mẹ, Mẹ thân yêu ạ.”
Babushka gật đầu và nhe răng cười, phô ra hàng nướu teo tóp, và bảy cậu con trai và Ludmila cũng cười lớn và reo hò, vì Papa luôn đứng ở vị trí mà Bà Nội không thể thấy ông, và ông nháy mắt khi trả lời để báo cho biết ông thực sự nghĩ gì.
Nhưng nếu tất cả đều mạnh khỏe thì chỉ còn một kẻ yếu đuối. Một con bé hư không biết tự đốn củi, và thường bực tức cái việc Babushka ngồi trên bô vệ sinh quá lâu mỗi buổi sáng, và ghét phải mang nước cho bà rửa ráy, phải đắp chăn cho ngay ngắn và lót gối xuống dưới những bím tóc trắng tết con rít.
Bà lão tội nghiệp, rất dễ để ghét bỏ bà, rất khó để nhớ rằng bà đã lớn tuổi và tàn tật. Nhưng ai có thể yêu được bà khi bà hôi hám như thế và hay tru tréo như thế? Sáng nay khi Ludmila đã trễ học mà Babushka còn ném gối vì, bà nói, gối cứng và không tròn đều, và Ludmila bắt đầu khóc. Nó đã ném trả cái gối về phía Bà Nội, nhìn cái gối rơi ập xuống gương mặt già nua. Vài phút sau nó cắm đầu cắm cổ chạy tới trường, khóc suốt cả quãng đường.
Thêm nhiều sao nữa. Và trong ánh trăng, những bóng đen trải dài rồi thu ngắn trước mặt nó khi nó rời khỏi dòng suối, rồi băng qua khoảng đất trống để tới cửa ngôi nhà nhỏ. Nó đặt cái xô xuống, không muốn bước vào trong.
Một tiếng mắng tru tréo hoặc một cái gối ném vào mặt nó? Một lời than phiền hoặc một đòi hỏi? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu nó mắng lại? Hoặc ném gối trả lại? Nếu nó không vào nhà, mà cứ ở ngoài này đợi Papa và các anh về thì sao?
Khi nào họ về nó sẽ vào nhà. Khi ấy thì căn nhà nhỏ sẽ vang tiếng nói tiếng cười, và đêm đến tiếng vĩ cầm của Oleg sẽ hòa cùng tiếng 𝐛𝐚𝐥𝐚𝐥𝐚𝐢𝐤𝐚 của Shura và tiếng vỗ tay theo nhịp của Papa. Rodion và Vukuly và Kyril sẽ nhảy điệu 𝐠𝐨𝐩𝐚𝐤, rồi sau đó nó sẽ nhảy điệu 𝐯𝐚𝐥𝐬𝐞 với mọi người, nhớ thứ tự từng người để bảo đảm các anh nó không tranh nhau làm người kế tiếp nhảy với nó. Không phải đêm nào họ cũng chơi nhạc và nhảy múa vì mỗi tuần một lần đám đàn ông sẽ tới làng để uống bia và chuyện trò với bạn bè.
Nếu nó chết vì đói mùa đông này thì họ sẽ nhảy múa cùng ai? Nó thút thít khóc rồi lau mũi vào một góc chiếc khăn san. Chết có lẽ không hẳn là một điều tồi tệ. Trên thiên đàng nó sẽ biết mặt mày mẹ nó ra sao mặc dù Đồng chí Varvara bảo rằng không có thiên đàng. Khi nó nói lại với Papa như thế, ông bảo, “Có thể là thế, nhưng mẹ của con là một thiên thần.” Chỉ có điều ông không nhớ bà ấy nhỏ người hay to béo, bình thường hay xinh đẹp, chỉ biết rằng bà ấy rất hợp với ông, và ông sẽ không bao giờ tìm được ai như bà ấy.
Babushka nói không một phụ nữ nào, và chắc chắn không phải người vợ kế của con trai bà, xứng đáng được yêu thương như thế. Dẫu sao, con trai bà không cần đến một người vợ kế, khi ông đã có đến bảy đứa con trai rồi. Một người vợ kế phỏng có ích gì cho ai ngoài việc sinh ra một đứa con cặn con còi vô dụng.
Cách đây hai năm khi Babushka trở dậy một sáng nọ, bà té từ trên giường xuống đất, cái giường mà bà và Ludmila cùng chia sẻ. Papa chạy vội vòng qua tấm màn chia hai căn nhà, còn Ludmila hoảng sợ đến nỗi nó ngậm ngón tay cái vào miệng, một cử chỉ nó đã quên làm từ lâu. Babushka nằm nhắm nghiền mắt và tiếng thở của bà vang như tiếng ngáy. Khi Papa quỳ bên bà và bắt đầu khóc, Ludmila cũng khóc theo.
Nhưng cuối cùng Bà Nội mở mắt rồi đảo mắt nhìn quanh. Rồi sau đó nữa bà gằn giọng, “Ludmila . . . Ludmila . . . nó xô tao . . .”
Một viên bác sỹ đến khám để đưa bà vào bệnh viện nhà nước, nói rằng bà bị đột quỵ và sẽ không còn đi lại được nữa. Ông còn nói thêm rằng không đủ giường bệnh cho người sống, huống hồ là người sắp chết, nên không cần đưa bà đi viện. Bà có thể ra đi bất kỳ lúc nào, vì một cơn sốc hoặc chỉ vì tim bà ngừng đập, hoặc bà có thể nấn ná thêm vài năm nữa cũng nên. Nhưng đó là vấn đề của gia đình; mối bận tâm của ông chỉ dành cho những người sẽ hồi phục và sẽ sản xuất trở lại.
Ludmila đã muốn hỏi: thế còn cháu thì sao? Bởi vì những mùa hè đã tồi tệ như thế rồi, nếu Bà Nội phải nằm liệt giường, thì mùa hè tới đây sẽ dài hơn và vất vả hơn bao giờ hết khi những người đàn ông đi vắng.
Hai năm trước. Một quãng thời gian vô tận, và không hề một lời “cảm ơn” hoặc “xin vui lòng” từ nơi cửa miệng Babushka. Chỉ có mắng mỏ và ném gối trừ khi Papa ở nhà và nổi giận. “Thôi đi cho, bà già. Mẹ quá khắc nghiệt với Ludmila. Nó đang làm nhiều việc hơn mẹ sẽ có thể làm.”
Babushka hầu như im tiếng suốt cả mùa đông, bà cảm thấy phật lòng. Rồi bà quay sang trò véo vào ban đêm, những ngón tay độc ác của bà tìm kiếm cánh tay, cẳng chân hoặc vành tai của Ludmila để véo. Bà cứ véo mãi cho đến khi Ludmila không chịu nổi nữa, đành phải xô bà ra xa. Nhưng bà già không bao giờ té xuống đất một lần nào nữa.
Ludmila thở dài, cúi xuống xách cái xô dưới chân lên. Mở cửa xong, nó do dự, chờ đợi cái gối bay vù về phía nó. Nhưng Bà Nội vẫn nằm yên như trước đó. Và cái gối vẫn áp chặt trên mặt từ sáng đến giờ.
Rất cẩn thận, Ludmila đặt cái xô xuống, nhấc cái nồi khỏi bếp lò, dùng vá múc xúp ra tô. Rồi nó lấy một cái muỗng và thưởng thức từng muỗng một. Không liếc nhìn cái giường lấy một lần, nó đứng dậy, múc ra tô phần xúp còn lại rồi ăn hết luôn.

Saturday, October 22, 2022

Love and Light.

 My parents were married for 55 years. One morning, my mom was going downstairs to make dad breakfast, she had a heart attack and fell. My father picked her up as best he could and almost dragged her into the truck. At full speed, without respecting traffic lights, he drove her to the hospital.

When he arrived, unfortunately, she was no longer with us.
During the funeral, my father did not speak; his gaze was lost. He hardly cried.
That night, his children joined him. In an atmosphere of pain and nostalgia, we remembered beautiful anecdotes and he asked my brother, a theologian, to tell him where Mom would be at that moment. My brother began to talk about life after death, and guesses as to how and where she would be.
My father listened carefully. Suddenly he asked us to take him to the cemetery.
Dad!" we replied, "it's 11 at night, we can't go to the cemetery right now!"
He raised his voice, and with a glazed look he said:
"Don't argue with me, please don't argue with the man who just lost his wife of 55 years."
There was a moment of respectful silence, we didn't argue anymore. We went to the cemetery, we asked the night watchman for permission. With a flashlight, we reached the tomb. My father caressed her, prayed, and told his children, who watched the scene moved:
"It was 55 years... you know? No one can talk about true love if they have no idea what it's like to share life with a woman."
He paused and wiped his face. "She and I, we were together in that crisis. I changed jobs ..." he continued. "We packed up when we sold the house and moved out of town. We shared the joy of seeing our children finish their careers, we mourned the departure of loved ones side by side, we prayed together in the waiting room of some hospitals, we support each other in pain, we hug each Christmas, and we forgive our mistakes...
Children, now it's gone, and I'm happy, do you know why?
Because she left before me. She didn't have to go through the agony and pain of burying me, of being left alone after my departure. I will be the one to go through that, and I thank God. I love her so much that I wouldn't have liked her to suffer..."
When my father finished speaking, my brothers and I had tears streaming down our faces. We hugged him, and he comforted us, "It's okay, we can go home, it's been a good day."
That night I understood what true love is; It is far from romanticism, it does not have much to do with eroticism, or with sex, rather it is linked to work, to complement, to care and, above all, to the true love that two really committed people profess ".
Peace in your hearts.
Love and Light.

Credit: Michelle M on quora