Wednesday, August 19, 2020

BƯỚC VÀO CỬA HIỆU NHIỆM MẦU

 BƯỚC VÀO CỬA HIỆU NHIỆM MẦU (INTO THE MAGIC SHOP)

- JAMES R DOTY, MD.
Bản dịch Việt Ngữ : Cẩm Xuân.
--------------------

“....thằng bé ngưng tim, ngưng thở. Bác sĩ gây mê hét lên....
Máu tiếp tục tràn trên phần đầu đang hở của đứa trẻ...tôi hình dung những mạch máu chìm trong vũng máu kia, tôi nhìn đường đi của mạch máu của đứa trẻ bằng đôi mắt tâm trí, đôi mắt được lắp vào đường đi của mạch máu. Tôi tiến lên trong trạng thái mò mẫm, nhưng hiểu rằng cuộc sống có nhiều thứ hơn hẳn những gì mình có thể nhìn thấy.
Tôi thò tay vào vũng máu với cái kẹp, và kẹp chặt . Rút tay lên. Máu ngưng chảy, rồi như từ chốn xa xôi, tôi nghe tiếng tích tắc của máy đo nhịp tim. Yếu ớt. Không đều rồi mạnh dần lên...
Tôi cảm thấy nhịp tim của chính mình bắt đầu khớp với nhịp tim trên máy...”
———-
Là một quyển tự truyện của bác sĩ James R Doty, giáo sư lâm sàng tại khoa phẫu thuật thần kinh, Đại học Standford. Ông là người sáng lập và điều hành Trung tâm Nghiên cứu và giáo dục lòng trắc ẩn và vị tha (CCARE) tại Trường y, Đại học Stanford.
Mình nghĩ đây là cuốn sách hay của một bác sĩ viết dành cho các bác sĩ và tất cả những ai quan tâm đến sức mạnh của lý trí thông qua sức mạnh của trái tim, của lòng tốt và lòng trắc ẩn.
Mình có thói quen đánh dấu những trang những câu mình thích ngay trên sách của mình. Với cuốn sách này, mình đã phải đánh dấu gấp nếp rất nhiều.
Mình chợt nhớ câu nói “ From head to hand by heart” rằng mọi hành động có thể xuất phát từ tri thức nhưng thông qua trái tim, đôi tay mới có được hành động đúng đắn.

Tự truyện của Doty, sự gặp gỡ tình cờ của ông khi còn là một cậu bé với ảo thuật gia Ruth đã làm cuộc đời của ông sang trang. Những phép màu đầu tiên đã thay đổi tâm trí và trái tim ông.
Tuy nhiên, phép màu của Ruth mới chỉ dạy ông những bài học đầu tiên. Chính cuộc đời đã dạy ông những bài học sau đó.
"Có thể tôi không có khả năng thay đổi thực tại của bất kỳ ai, nhưng tôi biết mình có thể thay đổi thực tại của chính mình", ông trải lòng.
“Tôi rèn luyện lòng tốt và lòng trắc ẩn của tôi một cách nghiêm túc.”

Bước vào cửa hiệu nhiệm mầu, cũng chính là bước vào trái tim và cơ thể của con người. Đằng sau cánh cửa này, thực sự là những nhiệm mầu.
"Sống với một trái tim rộng mở có thể làm bạn dễ bị tổn thương nhưng nó sẽ không nhiều như khi bạn sống với một trái tim khép kín."
Vậy thôi, mình chưa thể viết gì thêm.
Nhưng bạn nên đọc.
Đọc sách với tuổi mình bây giờ nó không nhanh như xưa nữa.
Ngày xưa có thể thức cả đêm để đọc cho xong một quyển.
Bây giờ, nhiều khi một ngày, mình chỉ ngồi đọc mãi có 1 câu.

Friday, August 7, 2020

ĂN BỮA LỠ

 ĂN BỮA LỠ

---------

Huế có cái gọi là ăn bữa lỡ. Bữa lỡ thường gọi cho bữa ăn chơi vào khoảng 3 giờ chiều Huế.
Bữa lỡ chẳng kén chọn giàu nghèo sang hèn.
Ai cũng có quyền ăn bữa lỡ và bữa lỡ thì như nhau.
Cứ qua trưa một giấc, mấy O Huế mược áo dài, đội cái nón, gánh cái gánh, bắt đầu xuống phố. Đôi khi giữa tĩnh lặng lười biếng của buổi trưa, tiếng rao đằm thắm của mấy O Huế làm cho người ta thức dậy. A, đến giờ ăn lỡ.
Có thể ra ngồi trước sân hay đi ra đường tìm đồ ăn chơi cho bữa lỡ.
Thức ăn của bữa lỡ có thể là bánh canh, có thể là đậu hũ, bánh lọc bánh bèo, bánh nậm, ram ít ướt ...
Vì là bữa lỡ nên chi mọi thức ăn đều được tính sao cho đủ đỡ buồn cái miệng chứ không phải để ăn no. Nhưng không phải vì quá nhỏ, mà ăn cái rẹt cho xong mô nạ.
Huế ăn bữa lỡ chậm rãi lắm.
Ăn để thưởng thức. Thưởng thức vị ngon của món ăn mà ngẫm tới công của người làm bánh.
Nói rứa để nói là mình làm rất mệt, có ăn thì ăn từ từ một chút nghe.
Chiều ni Tịnh Anh làm bánh nậm.
Lẽ ra nó phải nhỏ bằng nửa thôi. Nhưng chắc do làm dâu Quảng nam lâu quá rồi nên tay chưn không còn như xưa nữa.
Nhưng thôi cũng đủ để ngậm mà nghe nhớ bữa lỡ của Huế mình xưa.