Monday, January 27, 2025

SPRING, SUMMER, FALL, WINTER…SPRING. Phim Hàn quốc 2003

SPRING, SUMMER, FALL, WINTER…SPRING.

Phim Hàn quốc 2003


-------
Bài viết của Sư Giác Nguyên.
"Buổi chiều ghé ngang bưu điện, ngoài những thư từ tạp nhạp, còn có một gói giấy mỏng như cuốn sách, không biết của ai gửi. Tôi quẳng tất cả vào chiếc thùng giấy sau xe. Trên đường về, có một cú phone đường dài, thì ra anh Dũng, một người quen đã lâu không gặp mặt. Anh bảo vừa gửi tôi một cuốn phim và hỏi đã nhận được chưa. Anh nói lúc xem phim cứ nhớ đến tôi và bất chợt muốn nghe tôi chia sẻ đôi điều gì đó.
Tôi không phải tín đồ của điện ảnh, chẳng mấy khi xem, nói gì là nghiện. Nhưng lúc xem xong cuốn phim đó, xem và hiểu theo cách riêng của mình, chẳng hiểu sao cứ bâng khuâng mấy giờ liền...
Cuốn phim của Hàn Quốc, cái tựa thậm thượt và nghe phát nản: Spring, Summer, Fall, Winter... and Spring. Và đúng như cái tựa, chuyện đời của các nhân vật trong phim cứ từng bước phù trầm đổi thay qua từng dấu mốc thời gian hệt như bốn mùa trong năm. Cả cuốn phim cơ hồ chỉ nói đến hai người, mà nổi bật có lẽ chính là nó!
Nó hồn nhiên lớn khôn như một hòn cuội, một cánh bướm, một con nhái bén bên hồ. Sư phụ là tất cả đối với nó, và chỗ ở của hai thầy trò có lẽ thơ mộng đáng vào bậc nhất thế giới: Một am gỗ xinh xắn và cổ kính nằm giữa hồ nước mênh mông, bốn bề là cây rừng và đá núi ([1]).
Nó nghịch ngợm đáo để, nhưng cũng nhiều ngộ tánh. Có lẽ đó là lý do để sư phụ xem nó như chút bận lòng của ông giữa cuộc phù sinh nhất thiết giai không này. Nó lầm lỗi, ông phạt nó, dạy nó. Nó khóc một, ông đau mười, nhưng ông vui vì nó hiểu chuyện nhanh lắm và cũng giàu lòng nhân. Hai cái đó cộng lại cũng đủ biến nó thành ông thầy tu rồi còn gì.
Dòng đời nhanh và gọn như từng mùa mưa nắng trong cõi nhân gian. Thoắt cái, cậu bé kháu khỉnh ngày nào bây giờ đã ra một chàng trai trẻ vạm vỡ, khôi ngô, dù vẫn tiếp tục hồn nhiên tắm gội trong suối nguồn đạo tình thâm hậu của người sư phụ mà mái đầu giờ đã pha sương. Một chuyện nhỏ nhưng lại là một biến cố lớn đã xảy đến với chốn thanh tu tịch mịch này vào một ngày có khách đàn việt ghé chân.
Họ là hai người phụ nữ, một khỏe một bệnh. Sau cuộc thương lượng đơn giản, cô gái mắc trọng bệnh kia được gửi lại chùa để uống thuốc núi. Cô ở lại một mình và sau dăm ngày lạ lẫm với nếp sống tẻ nhạt lặng lẽ ở đây, cô đã tìm thấy một niềm vui mới. Vị sư già xem cô như một đứa con, và chàng thanh niên vô tư lự kia đã đem cái hồn hậu của núi rừng mà đối xử với cô như một cô em gái. Thế rồi tiếp nối theo đó là những ngày vui bất tận của hai người. Con thuyền nhỏ của chàng đã đưa nàng đến từng bờ cây, hốc đá, nơi đã một thời là thế giới tuổi thơ của chàng, để cùng nghe chim hót, nước chảy.
Chàng lần đầu gặp mặt và sống gần một người không phải sư phụ, và đó lại là một thiếu nữ có nhiều cá tánh. Chàng đã chết ngất trong ánh mắt, nụ cười và cả giọng nói của người bạn mới. Đổi lại, cơn bệnh trầm kha của nàng đã bay biến đâu mất, và thay vào đó là một sức sống mãnh liệt với một thứ ân tình khó gọi tên, đã kín đáo nẩy mầm với ngay người bạn khác phái vẫn gặp gỡ, rong chơi với nhau mỗi ngày. Vào một chiều nắng quái bên hồ, giữa khung cảnh trời nước bao la gợi cảm, họ đã cuồng nhiệt yêu nhau ngấu nghiến, quên mất người sư phụ bên kia hồ đang sửa soạn buổi kinh chiều.
Chuyện vụng trộm giữa hai người dĩ nhiên không thể giữ kín mãi. Hôm đó, sau một cuộc vui cháy bỏng ngay trên con thuyền nhỏ giữa hồ, hai cô cậu đã hồn nhiên ôm nhau ngủ say, bỏ mặc sóng nước vô tình muốn đưa đẩy về đâu cũng được. Chẳng biết cơn gió quái ác nào đã xô con thuyền tự trôi về phía am. Và người sư phụ đã nhìn thấy cảnh tượng mà ông tuyệt không ngờ được. Ông đã gọi hai người đến để hỏi thăm bệnh trạng của nàng, và sáng hôm sau đã buộc nàng rời am về phố. Nàng đã ra đi trong cái dõi nhìn đau đớn của chàng.
Đạo tâm của gã tiểu tăng bây giờ chỉ còn là một bọt nước sẵn sàng vỡ tan. Hắn đã từ một phút rong chơi bến tục mà quên mất nẻo về bờ giác. Trách gì người Trung Hoa xưa giờ vẫn truyền khẩu câu nói tiểu Hòa thượng miệng niệm Phật mà lòng không có Phật. Phật vẫn ngồi đấy thiêng liêng trong ánh nến của ngôi cổ am, nhưng trong mắt gã tiểu tăng kia, giờ chỉ còn một bóng hồng áo lục đã khuất nẻo từ lâu, mà đến tận buổi khuya này, chừng như vẫn còn lẫn khuất đâu đây với một làn hương nhẹ nhàng mộng mị. Rạng sáng hôm sau, lặng lẽ rời am với bức tượng Phật cổ trên tay như chút vốn liếng trên đường đời trước mặt, gã tiểu tăng đã bỏ am, bỏ thầy lên đường không một lời chào. Gã đi theo tiếng gọi của Vô minh.
Nhưng tất cả những tình tiết nhiều kịch tính từ đầu bài đến đây, thực ra, chỉ là cái nền cho một nội dung nằm ngoài mọi dự tưởng.
Năm tháng lại trôi đi như từng mùa xuân thu. Người sư phụ ngày nào giờ đã là một lão tăng quắc thước. Một chân nhân thâm hậu đạo lực và một cụ già hom hem hẩm hiu – cùng lúc tồn tại trong một hình hài còm cõi già yếu đó. Ông vẫn sáng sáng chèo thuyền vào xóm hóa duyên, lặng lẽ mong manh trên con thuyền nhỏ giữa hồ như một cái bóng câm lặng. Sáng hôm đó, mở gói giấy báo đựng bánh khất thực để chuẩn bị độ trai, ông bất chợt đọc được lệnh truy nã của nhà đương cuộc đối với một hung thủ sát nhân. Tin đăng kèm ảnh. Ông lặng lẽ đưa mắt nhìn ra mặt hồ mênh mông, như để cố nhớ lại khuôn mặt bầu bĩnh của cậu đệ tử bé xíu năm nào. Ông thấy hết, biết hết, nhưng không sao đổi khác chuyện đời.
Rồi đúng như nhà sư già đã định liệu, hắn đã trở về. Gã đệ tử vô hạnh kia đã trở về ngôi cổ am để gặp ông và mang trả lại thầy bức tượng Phật ngày nào. Ông hỏi chuyện, hắn khóc như đứa trẻ và trả lời không giấu diếm. Bỏ chùa ra đi ngày ấy, hắn đã tìm gặp được nàng và lấy nhau hạnh phúc. Nhưng cái hồn hậu, đơn bạc của núi rừng đã không cho hắn biết được cái mặt trái nghiệt ngã của chợ đời, khi hắn thật ra không có được những gì nàng muốn. Tình phai rồi tình phụ, nàng bỏ hắn để theo một người khác. Yêu cho nhiều để hận cũng lắm, hắn giết nàng rồi tìm về với sư phụ như một phản ứng tự nhiên của đứa bé nhớ mẹ.
Bây giờ hắn đã trở về, đang ngồi đó đau đớn trước mặt ông. Chiều nay hắn khóc vì đã giết nàng, hận nàng, như ngày xưa hắn đã từng khóc vì yêu nàng, xa nàng. Nhà sư già đã lặng lẽ và kiên nhẫn xoa dịu những cơn bồng bột ngu khờ của hắn như vẫn xem hắn bé bỏng như thuở nào. Ông biết tất cả những gì phải đến nhưng không thể sửa được chuyện đời. Ông chỉ có tấm lòng và tận lực, thế thôi. Ông đã nuôi hắn từ bé, nhìn hắn lớn khôn và vụng dại. Trước sau, với hắn, ông như một người mẹ già góc núi: Cưu mang, đỡ nâng, tha thứ và chờ đợi. Bao năm qua ông chẳng phải vẫn đợi chờ ngày hắn trở về đó sao. Chỉ vì ông hiểu, ông biết, và ông có cõi lòng một bà mẹ.
Như đã đọc được một tương lai nào đó, ông lặng lẽ pha mực rồi khẽ khàng chép lại từng chữ bài Bát-nhã Tâm Kinh ngay trên khuôn sân bằng gỗ của ngôi cổ am, và vẫn bằng thứ khẩu lệnh nghiêm khắc ngày nào, ông bắt hắn dùng chính con dao đã gây án kia để khắc lại từng chữ đại tự mà ông vừa phóng bút trên sân. Hắn khắc chưa xong chục chữ, người ta đến đọc lệnh bắt. Nhà sư già bình thản như không, ông nghiêm trang đề nghị họ hãy đợi hắn khắc xong bài Tâm Kinh, như lời ông bảo đảm, chỉ một đêm thôi. Thời gian chờ đợi đó của mọi người, có lẽ là một trong những giây khắc đẹp nhất trong phim. Đẹp và thật nhiều ý nghĩa.
Sáng hôm sau hắn bị áp giải lên đường và bắt đầu những ngày tù tội. Thời gian trôi đi bao lâu không ai nói được, nhưng rồi gì cũng qua. Mùa đông năm kia, có một viễn khách phong trần ghé về cổ am.
Khách bồi hồi bước qua mặt nước hồ giờ đã đóng băng, và trước sau cổ am vắng ngắt như tờ. Nhìn ra mặt hồ bát ngát, khách chết điếng khi nhìn thấy xác con thuyền xưa đang khuất trong băng giá với những vết lửa cháy nham nhở dở dang. Khách chắp tay cúi đầu như cố hình dung một chuyện cũ. Ngày đó, nhà sư già đã âm thầm hóa thân ngay trên con thuyền với một mồi lửa ngay sau lúc tiễn biệt đứa học trò trên sân.
Vậy là phút cuối, hắn cũng đã trở về. Có điều là lần trở về muộn màng, hắn về cho chính hắn. Sư phụ đã không còn nữa. Hắn quyết định lớn khôn lần nữa trước vong linh của người sư phụ mà hắn không còn cơ hội gặp lại, dù đâu đó quanh quẩn trong ngôi cổ am lúc nào cũng có một con rắn lặng lẽ nhìn hắn như chứng minh, như chia sẻ và cùng vui buồn. Sư phụ đấy chăng?
Hắn đã quay lại con đường mà ngày xưa hắn chưa từng bước đi, dù nó luôn thuộc về hắn. Hắn trần trụi phơi mình trong băng tuyết để tạc tượng, luyện công và sớm chiều hai buổi tụng niệm, như thể không còn kịp nữa. Hắn đi tìm mình, và cũng để gặp lại bóng hình của người sư phụ tình thâm tợ hải. Từng mẩu nến khuya, những tiếng mõ canh tàn hay trong chiều muộn đã từng phút giây đưa hắn trở về ngôi nhà ấu thơ với tất cả niềm nỗi thống hối, bùng vỡ.
Và giai đoạn cuối cùng của cuộc trở về ấy đã đến lúc hoàn mãn. Trong một buổi kinh khuya hắn bỗng nghe tiếng người gọi cửa. Chút bụi trầm luân đã rớt xuống bên hiên cổ am để đưa hắn lại cuối đường. Người thiếu phụ với đứa bé mủm mỉm trên tay đã tìm đến chùa giữa một đêm tuyết lạnh. Không sao nhìn thấy khuôn mặt của nàng. Ở đó lúc nào cũng là một tấm lụa mỏng màu tím. Nàng là ai? Hắn tò mò muốn biết nhưng đành chịu. Lo cho mẹ con nàng một chỗ nằm tạm trong cổ am, một bên bàn Phật, hắn không biết phải làm gì hơn. Chỉ còn biết nhìn nàng và nghe nàng khóc. Giá còn sư phụ!
Sáng hôm sau, nghe tiếng trẻ con khóc bên ngoài, hắn chạy vội ra sân chùa. Trên mặt nước hồ giờ đã thành băng ấy, đứa bé không mẹ đang từng bước bò về phía cổng, nơi hắn đã khoét băng làm một giếng nước dùng qua mùa đông.
Hắn kéo cái xác người lên khỏi giếng. Người thiếu phụ đêm qua đã lọt chân xuống đây khi muốn bỏ con lại cổ am và một mình lẻn đi trong khuya. Đến bây giờ thì tấm lụa che mặt nàng đã có thể gỡ xuống. Hắn đã thấy gì, đó vẫn là một ẩn số của câu chuyện.
Chỉ trong một tích tắc, câu chuyện ấu thơ của hắn từ mấy mươi năm trước bất ngờ sống dậy mãnh liệt với từng chi tiết nhỏ. Ngày đó thằng bé trong cổ am đã trốn thầy vào núi xuống hồ rong chơi. Như điềm báo của một định nghiệp, nó đặc biệt thích thú trò chơi cột đá vào bất cứ con gì bắt được để xem con vật phải vất vả ra sao mà sống còn với một gánh nặng quá sức mình. Sư phụ đã phạt thằng bé đeo một hòn đá nặng trên lưng để hiểu được nó đã làm gì trên chúng sinh khác. Ngày ấy, trong tâm tưởng một thằng bé, đó chỉ là một bài học về hạnh từ bi. Nó đã biết khóc khi không kịp cứu sống con rắn đã bị nó cột đá. Nó cứ tưởng suốt đời mình sẽ không bao giờ tái phạm trò chơi độc ác đó nữa. Nhưng ngày trưởng thành, biết yêu biết ghét, nó đã làm ngược lại.
Hắn lạnh người khi thấy rõ mình đã cột đá vào không biết bao người. Hai người thân thương nhất trong cuộc đời hắn đã phải vì hắn mà oằn lưng với những hòn đá nặng chết người. Lẽ ra hắn chỉ nên để mọi người, kể cả chính hắn, cùng được thanh thản nhẹ nhàng mà đi. Nhưng tất cả đều ngược lại. Bây giờ sư phụ không còn nữa, hắn phải tự phạt mình, để thấm thía tận cùng cái gì là vướng vít, đè nặng.
Thật khó lòng tìm thấy một hình ảnh nào trong đời có thể bi tráng hơn thế. Hắn một mình kéo lê một hòn đá lớn, tìm lên đỉnh núi giá lạnh không người. Trên tay ôm ghì bức tượng Quán Âm. Một hình ảnh khốc liệt. Tôi muốn gọi hắn lúc này là một hành giả, một hành giả vác tượng lên ngàn. Một hành giả đang ngược nguồn để hành hương giữa mùa đông cuộc đời, mà cũng là mùa đông tâm linh. Nhạc phim lúc này cũng bất chợt trầm hùng vang vọng một thứ âm thanh xa vời, mộng mị. Bài Bát-nhã Tâm Kinh trong giọng đọc tiếng Hàn của người con gái nào đó như đi về từ một cõi chiêm bao với từng câu chữ Xá-lợi Tử! Sắc Bất Dị Không, Không Bất Dị Sắc... Lần đầu tiên tôi cảm nghe dòng kinh Bắc truyền đó thơ mộng và quyến rũ đến vậy.
Theo từng bước lê chân nặng nhọc của hắn qua những ngõ mòn sỏi đá, lời kinh kia như nương gửi gió rừng mà lan tỏa, phủ đầy một cõi huyền âm. Tiếng kinh thấm đẫm lòng người, len vào từng khe đá, thớ gỗ. Lời kinh làm rung chuyển mọi cõi miền không gian, đánh thức mọi mê lầm ngái ngủ, cho tất cả cùng bật dậy một sức sống tỉnh thức. Biển khổ mênh mông, mà quay đầu lại là bờ. Và bến bờ ấy đã hiện ra trong mắt hắn. Hắn cung kính an vị bức tượng lên mỏm đá trang trọng nhất trên đỉnh núi và cúi đầu chiêu niệm. Hắn đã bỏ lại tất cả gánh nặng trên từng dặm đường đến đây. Hắn đã diễn dịch huyền nghĩa bài Tâm Kinh ra nhiều tâm ấn cụ thể giữa đời: Tha thứ, can đảm, bao dung, thấu hiểu, cưu mang và buông bỏ. Hắn muốn vác thay cho muôn loài tất cả những gánh nặng. Hắn sám hối và đáp đền cho vạn hữu đã cưu mang hắn, trong đó sư phụ và người đàn bà đã đi qua đời hắn đang là hai giọt nước cùng hòa tan vào đại dương. Và lần đầu tiên trong đời mình, hắn bất chợt thấu hiểu tận cùng câu minh chú ở cuối bài Tâm Kinh đó: Gate gate pāragate pārasaṃgate bodhi svāha. Lên đường, lên đường đi, hãy qua sông để tìm về bờ bến khác!
Hắn về lại cổ am, và một mùa xuân mới lại bắt đầu trên chính cậu bé mồ côi vừa nhập môn bất đắc dĩ kia. Nó chính là hắn mấy mươi năm trước. Một chu kỳ mới, một tuần hoàn mới. Mọi thứ lại tái hiện trong bối cảnh hồ nước tan băng, hoa cỏ sung mãn, hồ rộng núi xanh và mọi thứ lại bắt đầu. Ngoài kia nắng đã lên giữa một mùa xuân có rừng phong và núi đá xanh rêu. Trong cổ am, con rắn già chậm rãi bò ngang bàn Phật, lặng lẽ, thành kính."
TOẠI KHANH
------------

SIXTY

 Facebook The Quotes of my life



“Bí quyết để già đi một cách đẹp đẽ là tận hưởng cuộc sống—Trân trọng mỗi khoảnh khắc vui vẻ, tìm thấy vẻ đẹp trong những điều giản dị, và lấp đầy những ngày tháng của mình bằng tiếng cười và tình yêu.
Đừng đếm những năm tháng đi qua đời mình mà hãy làm cho mỗi năm trở nên có ý nghĩa.
Khi bạn sống trọn vẹn, với một trái tim rộng mở và một tinh thần biết ơn, thì tuổi tác chỉ là một con số, và tinh thần của bạn sẽ trường tồn theo thời gian."

“The secret to aging beautifully is to enjoy living—to embrace each moment with joy, to find beauty in the simple things, and to fill your days with laughter and love.
It’s not about counting the years but making every year count. When you live fully, with an open heart and a grateful spirit, age becomes just a number, and your spirit remains timeless."

ONE DAY - MỘT NGÀY NÀO ĐÓ

 Dịch từ Facebook Awesome Quotes & Notes.



Mọi thứ đều có thời của nó – sở thích, niềm vui và những thú vui nho nhỏ. Một khi, thời đó qua đi, ngay cả khi bạn đạt được những ước mơ này, thì sự hài lòng cũng không còn như trước nữa.

Cái bánh pizza được nếm lúc 19 tuổi sẽ không còn cảm giác đã như đang trên thiên đường ở tuổi 33 nữa.

17 tuổi đạp xe hay dạo bước trong công viên với một người đặc biệt sẽ là một cảm giác quyến rũ kỳ diệu mà mình không thể có được ở tuổi 38.

Sự hồi hộp của một chuyến đi chơi cùng những người bạn tuổi 20 là một trải nghiệm không gì sánh được. Thì ở tuổi 42, năng lượng và sự phấn khích như thế có thể sẽ không còn nữa.

Ngưới ta thường nói: Một ngày nào đó, tôi sẽ có một khu vườn tuyệt đẹp sau nhà. Nhưng lại chẳng bao giờ trồng một bông hoa trên ban công. Cho đến khi ước mơ thành sự thực, thì thời gian hình như đã lấy đi niềm đam mê bạn từng dành cho nó.

Ao ước có nhiều tiền để mua những món quà đắt tiền cho ba mẹ, nhưng khi bạn đã có điều kiện thì bố mẹ có thể đã không còn để nhận những món quà thơm thảo của bạn nữa.

Những thú vui nho nhỏ của cuộc sống là những báu vật, giữ cho trái tim của bạn luôn trẻ trung và sống động.
Nếu không có được những niềm vui giản dị này, trái tim bạn sẽ trĩu nặng một nỗi khát khao thầm lặng. Đó là lý do tại sao việc ôm lấy những niềm vui bé nhỏ này, trong khi bạn còn có thể, lại là quan trọng.

Nếu bạn đang tiết kiệm để một ngày nào đó bạn có thể thưởng thức một bữa ăn xa xỉ, thì tại sao hôm nay, bạn không tiết kiệm thêm một chút nữa để tự thưởng cho mình ngay bây giờ? Hương vị ngọt ngào sẽ ngọt ngào hơn khi bạn thưởng thức đúng lúc.

Nếu bạn yêu một người nào đó, đừng chờ đến một thời điểm hoàn hảo nào cả. Hãy mời họ một tách cà phê, cùng dạo chơi trên biển, hoặc cùng ngồi ngắm hoàng hôn buông xuống ngay bây giờ. Những khoảnh khắc nhỏ bé này sẽ trở nên những câu chuyện không thể nào quên trong cuộc đời của bạn.

Nếu bạn có một số tiền, hãy gọi người bạn thân nhất và nói, “ Đi chơi đi. Làm một chuyến nhé”
Hãy khoác balo và lên đường ngay hôm nay.

Đừng chờ đến khi bạn có được khu vườn trong mơ, hãy bắt đầu bằng những chậu cây nhỏ ở phòng khách của bạn. Đừng trì hoãn mua cho ba mẹ bạn những món quà có ý nghĩa cho đến khi bạn có khả năng mua một món quà xa xỉ. Hãy sử dụng tất cả những gì bạn đang có bây giờ để tặng ba mẹ, điều đó sẽ có ý nghĩa hơn rất rất nhiều lần.

“Một ngày nào đó” là một từ không có gì chắc chắn.
Cuộc đời trôi qua nhanh lắm đối với những ai vẫn đang chờ đợi. Sự thật là sẽ không có cái gì chắc chắc xảy ra cho đến khi bạn ngừng chờ đợi và bắt đầu sống.

Nguyên bản :
There’s a time for everything in life—hobbies, joys, and small pleasures. But once that time passes, even if you achieve your dreams, the satisfaction may not feel the same.
The pizza that tastes like heaven at 19 might not feel as indulgent at 33.
At 17, riding a bike or walking through the park with someone special feels magical. At 38, it may not hold the same charm.
The thrill of a road trip with college friends at 20 is an experience unmatched. At 42, it might not carry the same energy or excitement.
People often say, “One day, I’ll have a beautiful backyard garden,” yet never plant even a single flower on their balcony. By the time the dream comes true, life may have drained the time or enthusiasm for it.
Dreaming of earning money to buy expensive gifts for your parents is a noble thought, but by the time you’re ready, they may no longer be there to receive them.
Life’s little pleasures are treasures. They keep the heart youthful, vibrant, and alive. Left unfulfilled, these simple joys leave the heart burdened with silent longing. That’s why it’s so important to embrace them while you can.
If you’ve been saving for a fancy meal someday, why not save a little less and treat yourself today? The taste will be far sweeter when enjoyed in the moment.
If you love someone, don’t wait for the perfect time. Ask them for coffee, take a walk on the beach, or sit together and watch the sunset. These small moments will become the unforgettable stories of your life.
If you have a little extra money, grab your best friend and say, “Let’s go on a road trip.” Pack your bags and hit the road today.
Don’t wait for a dream garden to materialize—start with one small potted plant in your living space. And don’t hold off buying your parents a meaningful gift until you can afford something extravagant. Use what you have now; the gesture will mean so much more.
“One day” is uncertain, and for those who keep waiting for it, life often passes by. The truth is, nothing truly happens until you stop waiting and start living.

TÌNH KHÚC MÙA XUÂN

 TÌNH KHÚC MÙA XUÂN - nhạc sĩ Ngô Thụy Miên


"Tình yêu đó cho em
tháng năm trên từng phím Xuân lay
đóa môi xinh giòng tóc mây bay"
Lời tình tự sâu lắng và nhẹ nhàng của một chàng trai mang tình yêu của mình trao cho một người con gái được Ngô Thụy Miên diễn tả một cách trau chuốt đến tuyệt vời.
Tình yêu trên từng phím Xuân lay.
Lay chứ không phải Gõ.
Người ta nói Gõ phím chứ ai nói Lay phím bao giờ. Nhưng rõ ràng Lay là một thứ rung động ngân vang và kéo dài chứ không như Gõ.
Đóa môi xinh chứ không phải là Đôi môi xinh.
Và Giòng tóc mây bay chứ không phải là Mái tóc mây bay.
Chừng đó thôi cũng đủ lòng tê tái rồi.
“Mùa Thu lá heo may gọi về
Mùa Đông nắng hanh trên tuổi thề
Mình đan nắng ru mây ước mơ xa vời
Một hôm gió Xuân sang
Mây lang thang cài tóc em mang
đến thăm em chiều nắng miên man
Rồi Thu đến sao em giận hờn
Rồi Đông đến sao em lạnh lùng
Đường phố vắng thênh thang ru buồn gót chân”
Những tháng ngày yêu nhau trôi trên những mùa thu, những mùa đông, và những mùa xuân hanh hao bàng bạc , họ bên nhau cùng “đan nắng ru mây” và xây “ước mơ xa vời”.
Nhưng
“Chiều còn mưa bay
ướt bước chân mòn lãng du
Ướt áo cho tình thấm sâu
ướt đóa môi hồng hững hờ
Rũ ướt cung đàn
buồn dâng mây tím giăng ngang
buồn vương ân ái phai tàn”
Tình yêu như vậy đó.
Là cuối cùng đôi khi mình chia tay mà không biết lý do gì.
“Mùa Thu vẫn chưa nguôi giận hờn
Mùa Đông vẫn chưa thôi lạnh lùng
Giòng lá cuốn em mang - trôi dài mãi trôi.”
Tình yêu đến và đi như một thứ định mệnh dịu dàng nghiệt ngã.
Và mỗi một mùa Xuân về, tình xưa dù đã tan nhưng tình yêu thì dường như vẫn còn đó, thấp thoáng dịu dàng trong màu lá xanh Xuân.

Sunday, December 22, 2024

𝗖𝗛𝗥𝗜𝗦𝗧𝗠𝗔𝗦 𝗚𝗜𝗙𝗧

𝗖𝗛𝗥𝗜𝗦𝗧𝗠𝗔𝗦 𝗚𝗜𝗙𝗧

Robert Turner
QUÀ GIÁNG SINH
Dịch giả : Vĩnh Bá


Không có tuyết và nhiệt độ thì ôn hòa ở mức 20°C, trong một số sân vườn gần đó, cây cối vẫn xanh tươi, những cây cọ cũng xanh, nhưng bạn vẫn biết đó là đêm áp lễ Giáng Sinh. Cửa các ngôi nhà dọc theo đường phố treo những vòng hoa, một số đang sáng đèn. Những bóng đèn đỏ, lục và xanh thắp sáng nhiều ô cửa sổ. Qua một số cửa sổ, ta có thể thấy những cây thông Giáng Sinh lấp lánh ánh đèn. Và tất nhiên, còn có tiếng nhạc phát ra từ một số ngôi nhà, những bài hát quen thuộc, 𝘞𝘩𝘪𝘵𝘦 𝘊𝘩𝘳𝘪𝘴𝘵𝘮𝘢𝘴, 𝘈𝘷𝘦 𝘔𝘢𝘳𝘪𝘢, 𝘚𝘪𝘭𝘦𝘯𝘵 𝘕𝘪𝘨𝘩𝘵.
Mọi sự lẽ ra phải tốt đẹp, bởi vì Giáng Sinh ở một thành phố của tiểu bang Florida cũng giống như Giáng Sinh ở bất cứ nơi nào khác, một khoảng thời gian tuyệt vời, một khoảng thời gian đầy yêu thương. Vẫn là tuyệt vời ngay cả khi bạn là một cảnh sát. Ngay cả khi bạn phải trực vào đêm áp lễ Giáng Sinh và không thể ở nhà với vợ con. Nhưng không nhất thiết là tuyệt vời nếu bạn đang cùng bốn cảnh sát khác phải bắt cho được một tên tù vượt ngục, hoặc có khả năng cao hơn là phải giết hắn vì hắn đang chịu án chung thân nhưng không chịu quay lại nhà tù.
Đi cùng xe với tôi là McKee, một thám tử Bậc Ba, chỉ mới được nâng bậc khỏi công việc tuần tra đường phố được vài tháng nay. Trẻ, mắt trong, má hồng. Kiểu chàng trai Mỹ điển hình và rất, rất nghiêm túc với nghề nghiệp. Như thế là tốt; một cảnh sát phải nên như vậy. Chúng tôi đậu xe cách khoảng bốn nhà tính từ ngôi nhà thuê nơi bà Bogen và ba đứa con đang sống.
Cùng khoảng cách đó ở phía bên kia ngôi nhà là một chiếc sedan, trong đó có Trung úy Mortell và Thám Tử Bậc Một Thrasher. Mortell là một người ở tuổi trung niên, miệng lưỡi chua cay, gầy như que củi, và hầu như không còn chút biểu cảm con người nào sót lại trong đôi mắt. Ông ta là người chỉ huy. Thrasher thì hơi mập, một cảnh sát bình thường.
Trên con đường phía sau nhà Bogen, là một chiếc xe tuần tra khác, trong xe là hai cảnh sát Bậc Một khác, một gã là Dodey và gã kia là Fischihan. Họ ở đó phòng trường hợp Earl Bogen thoát khỏi tay chúng tôi và chạy qua một số sân nhà đến dãy nhà khác. Tôi không nghĩ hắn sẽ làm được điều đó.
Sau một lúc, McKee nói: "Tôi không rõ ở miền Bắc tuyết có đang rơi không. Tôi cược là có." Anh ta đổi thế ngồi. "Không ra vẻ Giáng Sinh nếu không có tuyết. Giáng Sinh với đám cây cọ thì thật kỳ cục!"
"Giáng Sinh đầu tiên cũng đã là như thế," tôi nhắc anh ta.
Anh ta ngẫm nghĩ về điều đó. Rồi nói: "Phải. Phải. Đúng vậy. Nhưng tôi vẫn không thích thế."
Tôi định hỏi anh ta tại sao lại chọn đến sống ở miệt dưới này, thì sực nhớ đến mẹ anh ta. Bà ấy cần thứ khí hậu này; đó là thứ duy nhất giữ cho bà sống.
"Trung sĩ biết không," McKee nói tiếp. "Tôi nghĩ nãy giờ; cái gã Bogen này chắc hẳn điên rồi."
"Ý cậu là vì hắn còn tính người? Vì hắn muốn gặp vợ con vào dịp Giáng Sinh?"
"Chà, hắn thừa biết hắn có thể bị bắt. Hắn mà bị bắt thì càng khốn khó cho vợ con hắn, phải không? Tại sao hắn không thể gửi quà hay gì đó cho họ rồi gọi điện thoại cho họ sau? Hở?"
"Cậu chưa lập gia đình, phải không, McKee?"
"Chưa."
"Và cậu cũng chưa có con. Vậy thì tôi không thể trả lời câu hỏi đó cho cậu được."
"Tôi vẫn nghĩ hắn ta điên rồi."
Tôi không trả lời. Tôi đang nghĩ làm thế nào để truy lùng tên chỉ điểm thối tha đã mách cho chúng tôi về việc Earl Bogen sẽ về thăm nhà vào dịp Giáng Sinh, sẽ truy lùng hắn suốt cả năm tới đây, và truy lùng cho khéo để khỏi vướng vào rắc rối. Đối với tôi, đó là một con chuột thật sự, một kẻ đã chỉ điểm những chuyện như thế. Tôi sẽ khiến hắn phải khổ sở cho dù tôi có phải trả giá.
Rồi tôi nghĩ về điều Trung úy Mortell đã nói với tôi một giờ trước. "Tim này," ông nói. "Tôi e rằng anh không phải là một cảnh sát giỏi. Anh quá đa cảm. Giờ đây anh phải biết một cảnh sát không nên đa cảm. Bogen có đa cảm không, khi hắn làm tàn phế suốt đời người quản lý công ty tài chính trong vụ cướp gần đây nhất của hắn? Hắn có lo lắng gì cho vợ con của người đó không? Đừng ngu ngốc nữa, được không, Tim?"
Đó là câu trả lời cho đề xuất của tôi là cứ để cho Earl Bogen vào gặp gia đình, cho hắn đón Giáng Sinh rồi bắt hắn khi hắn ra khỏi nhà. Tôi nói: chúng ta có mất gì đâu, hãy cho hắn một cơ hội. Tất nhiên, tôi đã biết Mortell sẽ không đồng ý, nhưng dù sao tôi vẫn phải thử đề nghị. Mặc dù tôi biết trung úy Mortell cũng nghĩ như tôi—rằng khi đến lúc Bogen ra đi, thì việc bắt hắn có thể sẽ khó gấp đôi.
Giọng nói trẻ trung và buồn nản của McKee cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi: "Anh có nghĩ hắn sẽ mang vũ khí không? Thằng Bogen ấy."
"Tôi nghĩ vậy."
"Tôi mừng là Mortell đã bảo chúng ta không được mạo hiểm với hắn, rằng chỉ cần hắn có động thái định rút súng, chúng ta sẽ bắn hạ hắn. Ông ấy là một cảnh sát già dày dạn, Mortell ấy."
“Người ta vẫn nói vậy. Nhưng cậu đã bao giờ nhìn vào mắt ông ta chưa?"
"Mắt ông ấy thì sao?" McKee hỏi.
"Thôi bỏ qua," tôi nói. "Một chiếc xe buýt đã dừng lại kia kìa."
Chúng tôi biết Earl Bogen không có xe hơi; chúng tôi không tin hắn sẽ thuê xe hoặc đi taxi. Ai cũng nghĩ hắn đang túng thiếu. Một chiếc xe buýt từ trung tâm thành phố dừng lại ở góc đường. Khi hắn đến, rất có thể hắn sẽ đi xe buýt đó. Nhưng hắn không có mặt trên chuyến này. Chỉ có một người phụ nữ xuống xe và rẽ vào Đại Lộ. Tôi thở dài nhẹ nhõm và nhìn vào mặt đồng hồ dạ quang. Mười giờ năm mươi. Một giờ mười phút nữa thì chúng tôi sẽ được thay ca; vụ việc sẽ không xảy ra trong ca trực của chúng tôi. Tôi hy vọng sẽ như vậy. Điều đó là có thể. Tên chỉ điểm có thể đã sai về toàn bộ chuyện này. Hoặc có thể đã xảy ra điều gì đó khiến kế hoạch của Bogen thay đổi, hoặc ít nhất là hoãn chuyến thăm của hắn sang ngày hôm sau. Tôi dựa lưng vào ghế đợi chuyến xe buýt tiếp theo.
McKee hỏi: "Trung sĩ đã từng giết ai chưa?"
"Chưa," tôi đáp. "Tôi chưa bao giờ phải làm vậy. Nhưng tôi đã có mặt khi người khác làm thế."
"Thế ư? Cảm giác thế nào?" Giọng McKee nhuốm chút hào hứng. "Ý tôi là hỏi về người nổ súng ấy? Anh ta cảm thấy thế nào về việc đó?"
"Tôi không biết. Tôi không hỏi anh ta. Nhưng tôi sẽ cho cậu biết anh ta trông ra sao. Anh ta trông như thể sắp nôn mửa, như thể đáng lẽ phải nôn mà không nôn được."
"Ồ," giọng McKee có vẻ thất vọng.
"Còn người bị bắn thì sao? Hắn ta đã làm gì? Tôi chưa bao giờ thấy ai bị bắn cả."
"Hắn ta ư?" tôi nói. "Ồ, hắn thét lên."
"Thét lên ư?"
"Ừ. Cậu đã bao giờ nghe tiếng thét của một đứa trẻ khi bị cánh cửa đóng ập vào ngón tay chưa? Hắn ta hét lên như vậy đấy. Hắn bị bắn vào háng."
"Ồ, tôi hiểu rồi," nhưng giọng McKee không có vẻ gì là cậu ta đã thực sự hiểu. Tôi nghĩ rằng McKee sẽ trở thành kiểu người được gọi là một cảnh sát giỏi—một anh chàng tốt bụng, tỉnh táo và hoàn toàn vô cảm. Đây là lần thứ một triệu, tôi tự nhủ rằng mình nên ra khỏi ngành. Không phải sau ca trực tối nay, không phải tháng sau, tuần sau hay ngày mai, mà ngay bây giờ. Đó sẽ là món quà Giáng Sinh tuyệt vời nhất trên đời mà tôi có thể tặng cho bản thân và gia đình. Và đồng thời tôi biết mình sẽ không bao giờ làm được điều đó. Tôi không biết chính xác tại sao. Sợ không thể kiếm sống khi ra khỏi ngành; sợ sẽ trở thành gánh nặng cho mọi người khi về già như cha tôi đã từng—đó là một số lý do nhưng không phải là tất cả. Nếu tôi nói rằng làm cảnh sát quá lâu khiến nó thấm vào máu bất kể bạn ghét nó thế nào, thì nghe có vẻ giả tạo. Và nghe sẽ còn tệ hơn nếu tôi nêu một lý do khiến tôi vẫn ở lại trong ngành là hy vọng có thể bù đắp cho một số người khác, rằng đôi khi tôi có thể làm điều gì đó tốt đẹp.
"Nếu tôi mà bắn Bogen," McKee nói, "hắn sẽ không thét lên đâu."
"Tại sao không?"
"Anh biết cách bắn của tôi rồi mà. Ở cự ly gần như vậy, tôi sẽ bắn thẳng vào mắt hắn."
"Chắc chắn cậu sẽ làm vậy. Chỉ có điều cậu sẽ không có cơ hội. Chúng ta sẽ tóm hắn, một cách yên lặng. Chúng ta không muốn có tiếng súng nào trong khu dân cư như thế này vào đêm áp lễ Giáng Sinh."
Rồi chúng tôi thấy ánh đèn của chuyến xe buýt tiếp theo ở góc phố. Một ông và một bà xuống xe. Người phụ nữ rẽ vào Đại Lộ. Người đàn ông, cao trung bình nhưng rất gầy, hai tay ôm nhiều gói đồ, bắt đầu đi dọc theo đường.
"Hắn đến kia," tôi nói. "Ra khỏi xe, McKee."
Chúng tôi cùng xuống xe, mỗi người một bên. Người đàn ông đang từ góc đường đi về phía chúng tôi không thể thấy được chúng tôi. Con đường tối âm u vì những hàng cây thông Úc trồng dọc lối đi.
"McKee," tôi nói. "Cậu biết mệnh lệnh là gì rồi đấy. Khi chúng ta tiếp cận hắn, Thrasher sẽ đến gần Bogen trước và dí súng vào lưng hắn. Sau đó cậu chộp lấy hai tay hắn và nhanh chóng còng lại. Tôi sẽ đứng sau vài bước để yểm trợ cho cậu. Mortell sẽ đứng sau Thrasher để yểm trợ cho anh ấy. Cậu hiểu rồi chứ?"
"Rồi," McKee nói.
Chúng tôi tiếp tục bước đi, lúc đầu hơi nhanh, sau đó chậm lại, để có thể tiếp cận Bogen đang đi về phía chúng tôi, sao cho đúng lúc, nghĩa là khi hắn đã đi quá vị trí xe của Mortell và Thrasher, nhưng vẫn chưa đến được ngôi nhà nơi gia đình hắn đang ở.
Khi chúng tôi chỉ còn cách Bogen vài thước, hắn đi qua một khoảng trống, nơi ánh trăng lưỡi liềm xuyên qua các cành cây. Bogen không đội mũ, chỉ mặc áo khoác thể thao, áo sơ mi và quần dài. Hắn đang mang chừng sáu gói hàng, không gói nào quá lớn nhưng tất cả đều được bọc bằng giấy màu sặc sỡ, giấy bạc và ruy-băng. Tóc Bogen cắt ngắn kiểu đầu đinh, chứ không dài như trong ảnh trong hồ sơ cảnh sát, và hắn đã để ria mép; nhưng tất cả những điều đó chẳng che giấu được bao nhiêu.
Ngay lúc đó hắn nhìn thấy chúng tôi và bước chân tỏ ra do dự. Rồi hắn dừng lại. Thrasher, đi ngay sau lưng hắn, suýt va vào hắn. Tôi nghe giọng ồm ồm của Thrasher: "Bỏ những gói đồ xuống và giơ tay lên, Bogen. Ngay lập tức!"
Hắn thả rơi các gói đồ. Chúng rơi lăn lóc quanh chân hắn trên vỉa hè và hai gói bị rách toạc. Một chiếc xe đua đồ chơi lộ ra trong một gói. Nó vẫn còn được lên dây cót một chút vì khi nó bung ra khỏi gói, cái động cơ nhỏ kêu rù rì và chiếc xe đồ chơi tí hon phóng qua vỉa hè chừng hai ba bước. Từ một gói khác, một con búp bê nhỏ rơi ra, nằm ngửa trên vỉa hè, đôi mắt to được tô màu nhìn lên trời. Tôi nghĩ đó là loại búp bê được gọi là búp bê đẹp như tranh; dù sao, nó được mặc áo cô dâu. Từ một trong những gói khác, một thứ chất lỏng bắt đầu rỉ ra vỉa hè và tôi đoán đó là một chai rượu vang Giáng Sinh dành cho Bogen và vợ hắn.
Nhưng khi thả rơi các gói đồ, Bogen không giơ tay lên. Hắn quay ngoắt lại và tiếng khuỷu tay hắn đập vào mặt Thrasher nghe thật ghê rợn. Sau đó tôi nghe tiếng súng của Thrasher khi ông bóp cò theo phản xạ, nhưng tia chớp từ nòng súng của ông thì hướng lên trời.
Tôi nâng súng lên ngay khi Bogen thò tay vào trong áo khoác nhưng tôi chưa kịp bắn thì McKee đã nổ súng. Đầu Bogen bật ngửa ra sau như thể ai đó vừa đấm vào cằm hắn bằng gót bàn tay. Hắn loạng choạng lùi lại, xoay người và ngã xuống.
Tôi cầm đèn pin đi tới chỗ Bogen. Viên đạn do McKee bắn đã xuyên vào mắt phải của Bogen và giờ đây ở đó chỉ còn một lỗ hổng ghê rợn. Không thể cưỡng lại được, tôi lia ánh đèn pin chỉ trong thoáng chốc vào mặt McKee. Thằng nhóc trông tái nhợt nhưng mắt thì sáng lên vì phấn khích và cậu ta không hề có vẻ buồn nôn chút nào. Cậu ta cứ liếm môi, một cách lo lắng. Cậu ta cứ nói mãi: "Hắn chết rồi. Giờ anh không cần phải lo lắng về hắn nữa. Hắn chết rồi."
Đèn nơi cửa trước của các ngôi nhà gần đó bật sáng và người ta túa ra. Mortell la lớn: "Hãy vào nhà đi. Không có gì để xem cả. Việc của cảnh sát. Vào nhà đi."
Tất nhiên, hầu hết bọn họ không tuân lệnh. Họ đến và nhìn, mặc dù chúng tôi không cho họ đến gần thi thể. Thrasher báo cáo qua máy bộ đàm cho Sở chỉ huy. Mortell bảo tôi: "Tim, hãy đi báo cho vợ hắn. Và bảo bà ấy phải xuống đây để nhận dạng lần cuối cho chúng ta."
"Tôi ư?" tôi nói. "Sao anh không cử McKee đi? Cậu ta không phải típ người nhạy cảm. Hoặc sao anh không tự đi? Dù sao thì toàn bộ kế hoạch nhỏ bé khéo léo này cũng là ý tưởng của anh, Trung úy nhớ chứ?"
"Anh đang chống lệnh đấy hả?"
Rồi tôi nghĩ ra một điều. "Không dám," tôi nói. "Không sao. Tôi sẽ đi."
Tôi rời khỏi họ và đi đến ngôi nhà nơi vợ con Bogen đang sống. Khi bà ấy mở cửa, tôi có thể nhìn vào phòng khách được bày trí đơn giản, rẻ tiền, nhưng lúc này trông không rẻ tiền nữa, nhờ ánh sáng từ cây thông được trang trí. Tôi có thể thấy những món quà được đặt ngay ngắn quanh cây thông. Và nhìn qua góc phòng ngủ, tôi thấy đôi mắt to đầy e dè của một bé gái khoảng sáu tuổi và một bé trai lớn hơn chừng hai tuổi.
Bà Bogen có vẻ hơi sợ hãi khi thấy tôi đứng đó. "Vâng? Có chuyện gì vậy?"
Tôi liền nghĩ đến các tờ báo. Tôi nghĩ: "Có gì phải ngại? Dù sao ngày mai vụ việc cũng sẽ lên báo." Rồi tôi nhớ ra rằng ngày mai là Giáng Sinh, sẽ không có tờ báo nào được phát hành, và hiếm ai bận tâm đến việc bật radio hay ti-vi.
"Đừng lo lắng," tôi nói với bà ấy. "Tôi chỉ đi thông báo cho mọi người trong khu phố biết chuyện gì vừa xảy ra. Chúng tôi đã bắt quả tang một tên trộm đang hành sự, thưa bà, và hắn chạy theo đường này. Chúng tôi đuổi kịp hắn ở đây và phải bắn hắn. Nhưng mọi chuyện đã xong rồi. Chúng tôi không muốn ai ra ngoài, gây thêm xáo trộn, vậy xin hãy đi ngủ lại, được không ạ?"
Miệng và mắt bà mở to. "Ai—ai vậy?" giọng bà rất khẽ.
"Chẳng phải ai quan trọng," tôi nói. "Chỉ là một tên côn đồ trẻ tuổi."
"Ồ," bà nói và tôi có thể thấy sự nhẹ nhõm hiện lên trên mặt bà và lúc đó tôi biết linh cảm của mình đã đúng: Bogen đã không cho bà biết hắn sẽ đến; hắn muốn gây bất ngờ cho bà. Nếu không vậy thì hẳn bà đã đoán ra ngay sự việc.
Tôi chúc bà ngủ ngon rồi quay đi, nghe tiếng bà khẽ đóng cửa sau lưng tôi.
Khi tôi quay lại gặp Mortell, tôi nói: "Tội nghiệp Bogen. Hắn đã tự chui vào bẫy một cách vô ích. Gia đình hắn thậm chí không có ở nhà. Tôi đã hỏi một bà hàng xóm và bà ta nói mấy mẹ con đã đi đến nhà mẹ của bà Bogen và sau Giáng Sinh họ mới về."
"Ồ, thật bất ngờ," Mortell nói, nhìn những người từ xe cứu thương của nhà xác đang đưa Bogen lên cáng.
"Đúng vậy," tôi nói. Tôi tự hỏi Mortell sẽ làm gì với tôi khi ông biết điều tôi đã làm, mà thế nào rồi ông cũng biết. Lúc ấy tôi không bận tâm lắm. Điều quan trọng là bà Bogen và những đứa trẻ được vui lễ Giáng Sinh như đã dự định. Ngay cả khi tôi quay lại vào ngày mốt để báo cho bà ấy biết chuyện gì đã xảy ra, thì cũng sẽ không làm mất đi niềm vui ấy.
Có thể những gì tôi đã đem đến cho họ không nhiều nhặn gì, nhưng nó cũng là một điều gì đó giúp tôi cảm thấy dễ chịu hơn đôi chút. Không nhiều, nhưng cũng có đôi chút.