Thursday, September 28, 2017

Bài viết của Bs Trần Văn Phúc

NƯỚC MỸ THIẾU BÁC SĨ
=====================

Các bác sĩ ở Mỹ kiếm được rất nhiều tiền. 

Theo số liệu của Cục Thống kê Lao động, cứ 10 người Mỹ có thu nhập cao, thì 9 trong số đó là bác sĩ.

Lương khởi điểm mới ra trường của bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu, làm việc ở khu vực nông thôn, vào khoảng 200.000 USD mỗi năm. Con số ấy tương đương với 4,5 tỉ đồng tiền Việt, nhưng vẫn bị coi là thấp nhất.

Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình có thu nhập cao nhất, lương khởi điểm mới ra trường khoảng 490.000 USD, tương đương với hơn 11 tỉ đồng tiền Việt.

Số tiền quá lớn như vậy, cứ tưởng mọi công dân Mỹ phải mơ ước làm bác sĩ, học sinh phải lao vào ngành y mới đúng! Thế nhưng Hiệp hội các trường Y khoa Hoa Kỳ (AAMC) lại vừa mới đưa ra cảnh báo: đến năm 2025 nước Mỹ có thể phải đối mặt với việc thiếu hụt 100.000 bác sĩ, một phần ba trong số đó là bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Sẽ có ngày người Mỹ không nhìn thấy bác sĩ.

Ở thời điểm hiện tại, trên bản đồ y khoa Mỹ có tới một phần ba các tiểu bang chỉ đảm bảo chưa đến 50% bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Xin đưa ra một vài con số báo động đỏ:

- Connecticut = 15%

- Missouri = 30%

- Rhode Island = 33%

- Alaska = 35%

- North Dakota = 37%

- Nebraska = New Mexico = Florida = 42%

- New York = 43%

- Washington = South Dakota = 45%

- North Carolina = D.C = 50%

Có rất nhiều lí do làm cho nước Mỹ thiếu bác sĩ. Nhưng lí do chính, đó là việc trở thành bác sĩ cần một quá trình học tập quá dài: 4 năm đại học đại cương + 4 năm học chuyên y khoa + thêm 3 – 7 năm học nội trú = tổng cộng 11 – 15 năm học tùy theo từng chuyên ngành.

Trước khi vào trường y, học sinh thường đăng kí học các chương trình tiền y khoa (Pre-Medicine), sau đó các em phải trải qua kì thi MCAT (Medical College Admission Test).

MCAT là kì thi trắc nghiệm, các câu hỏi liên quan đến hóa học, sinh học, vật lí, tư duy phân tích và phê phán, kĩ năng nói, kĩ năng viết, những vấn đề về đạo đức; tất cả đều làm trắc nghiệm trên máy tính trong vòng 5 giờ.

Bước chân vào trường y, sinh viên phải bò ra học. Trong 2 năm đầu đạo tạo chuyên y, sinh viên chủ yếu học các môn khoa học cơ sở như sinh hóa, sinh lí, vi sinh, kí sinh trùng, giải phẫu… và thực hành theo từng môn học tại phòng thí nghiệm. Cuối năm thứ 2, sinh viên phải tốt nghiệp kì thi quốc gia USMLE (United States Medical Licensure Examinations), rồi mới được học tiếp.

Trong 2 năm còn lại, sinh viên được học về triệu chứng, bệnh học, điều trị. Quá trình thực hành vẫn chủ yếu trên mô hình, quan sát và học thực tế tại các bệnh viện dưới sự giám sát và hướng dẫn của các thầy. Kết thúc 2 năm học cuối này, sinh viên cũng phải tốt nghiệp kì thi quốc gia USMLE.

Tiếp theo, để có thể hành nghề thì tất cả sinh viên đều phải đăng kí học nội trú. Đây là thời gian chủ yếu học thực hành, làm trợ lí cho bác sĩ và được bác sĩ hướng dẫn trực tiếp, thời gian từ 3 – 7 năm tùy từng chuyên ngành.

Quá trình học vất vả như vậy, nhưng đó chưa phải đã kết thúc. Bác sĩ còn phải mất nhiều năm rèn luyện chuyên môn, phải đọc sách mỗi ngày, phải tham gia các khóa đào tạo liên tục theo quy định hàng năm. Nên nhớ, bác sĩ ở Mỹ không đủ 200 giờ học trong 5 năm, sẽ bị cấm khám chữa bệnh.

Thời gian học quá dài, khối lượng kiến thức quá lớn, số tiền chi phí cho học tập quá tốn kém; nên đa số người Mỹ coi việc đầu tư trở thành bác sĩ không hiệu quả so với các ngành nghề khác. Bởi vậy mà nước Mỹ hiện đang thiếu bác sĩ, mỗi năm nhập khẩu thêm khoảng 1000 bác sĩ đến từ các nước, qua chương trình thị thực Conrad 30 J-1 Waiver.
-----

SO VỚI CHÚNG TA
===============

Việt Nam vẫn duy trì mô hình đào tạo bác sĩ có từ thời Pháp, gần đây cải tiến một chút nhưng thực sự chất lượng đào tạo đang bị thụt lùi, hệ thống y tế thì lạc hậu.

Lí do thứ nhất của hiện tượng thụt lùi, là chúng ta đang đại học hóa phổ thông trung học, rồi lại phổ thông hóa những kiến thức đại học đại cương.

Cụ thể là cấp 3, như môn toán là ví dụ, học sinh phải học quá sâu hình học giải tích, tích phân – vi phân, tổ hợp và xác xuất thống kê. Toàn bộ kiến thức ấy lên đại học sẽ được nhắc lại trong phần toán đại cương. Các môn khác cũng tương tự như thế!

Lý do thứ hai, là chúng ta chỉ chọn một vài bác sĩ tốt nghiệp loại khá giỏi để đào tạo nội trú 3 năm, số còn lại chưa biết khám chữa bệnh thì lại thả nổi để họ tự đi kiếm việc làm.

Hãy thử tưởng tượng, một bác sĩ sau khi tốt nghiệp đại học nếu được đào tạo nội trú 7 năm ở Bv Việt Đức, thì họ sẽ mổ được hầu hết những ca đại phẫu cực khó như cắt ¾ dạ dày nạo vét hạch tới D2, cắt đại tràng…

Nhưng ngược lại, tốt nghiệp 6 năm chưa biết khám đúng động tác, những bác sĩ ấy đi về bệnh viện huyện làm việc, thì cả đời cũng chỉ mổ được viêm ruột thừa, bệnh nhân của họ sẽ có đầy tai biến.

Bởi vậy mà ở Việt Nam, bệnh nhân sợ bác sĩ tuyến dưới, họ phải chạy hết về các bệnh viện trung ương. Bác sĩ ở bệnh viện trung ương đa phần rất xuất sắc, không thua kém gì bác sĩ ở nơi đâu trên thế giới. Nhưng bác sĩ tuyến cơ sở, họ càng ngày càng mai một về năng lực, vì không có bệnh nhân, không thể triển khai được các kĩ thuật khó.

Lí do thứ 3 của sự thụt lùi, là cách thức tuyển đầu vào thiếu sự cân đối giữa kiến thức và đạo đức, hay một số kĩ năng khác.

Rõ ràng, điểm trúng tuyển đại học y những năm gần đây rất cao, thậm chí phải là điểm tuyệt đối mới đỗ. Điều đó có nghĩa rằng, ngành y đã đưa ra được cái Barem kiến thức để lựa chọn những người giỏi nhất vào học. Vậy sao không đưa thêm những Barem về đạo đức, Barem về khả năng tư duy và phê phán, Barem về kĩ năng nói – viết – trình bày?

Lí do thứ tư làm cho hệ thống y tế trở nên lạc hậu, đó là chế độ đãi ngộ. Bác sĩ với thâm niên 18 – 20 năm công tác, mà lương chỉ vỏn vẹn 6 triệu đồng mỗi tháng, 72 triệu cả năm; so với 4,5 – 11 tỉ của bác sĩ Mỹ mới ra trường - mức lương ấy chẳng ai chết vì đói, nhưng tất cả các bác sĩ sẽ đói cho đến tận lúc chết.

Sẽ đến lúc y tế phải xóa bỏ những vụ xô sát trong bệnh viện. Rõ ràng bệnh nhân và người nhà của họ có thể sai, nhưng bác sĩ không thể hành động sai; vì bác sĩ giỏi hơn họ, có văn hóa hơn họ, có tri thức hơn họ.

Sẽ đến lúc y tế phải xóa hẳn tình trạng bác sĩ thò tay nhận vài đồng bạc lẻ dưới gầm bàn. Tiền đủ sức làm mờ mắt với bất cứ ai, nhưng bác sĩ thì không.

Để làm được 2 điều ấy, nếu nhà nước chỉ mải mê đi xây dựng thể chế quản lí thì sẽ thật là sai lầm. Hãy đảm bảo cho bác sĩ không phải lo lắng về tiền bạc, thì chuyện xô sát với bệnh nhân và chuyện nhận phong bì, cả 2 tự khắc sẽ bị triệt tiêu.
------------------------

P/s: Bảng lương của nhân viên y tế thangs9/2017.

No comments:

Post a Comment