Wednesday, October 4, 2017

MÙA HÈ THIỆN NGUYỆN CỦA BẢO - 9

7/14/17

Hôm nay là một ngày ổn định. Bảo hỏi thêm các nhân viên được vài câu, các y tá trò chuyện với Bảo một chút và giúp Bảo kiếm việc làm, có một bệnh nhân lại động viên Bảo tiếp tục làm công việc (có lẽ bệnh nhân đã từng đến phòng cấp cứu trước đây và đã gặp sự giúp đỡ nhiệt tình của các tình nguyện viên khác), và nhiều bệnh nhân vẫn đau đớn rên rỉ, ho hen, bầm dập, già cỗi. Nhìn đáng sợ, buồn. 

Tại khu vực bệnh tâm thần, y tá dặn Bảo có một bà bệnh nhân, bà này xin chi Bảo nhớ đừng đưa, chỉ cần gọi y tá thôi, vì bà này có khuynh hướng lấy mọi thứ trong tay làm vũ khí. Y tá còn kể có một ông bệnh nhân khác chuẩn bị đưa vào viện có khuynh hướng chống đối nhà nước. Tuy nhiên một số bệnh nhân khác thì vẫn ok, an toàn. Bảo nghe vậy nhưng thường Bảo cũng không vào phòng bệnh nhân khu vực này trừ khi y tá nhờ đưa cái mền/ly nước và cho phép Bảo vào.  

Chúc mừng Bảo bắt đầu quen dần với công việc. 
Quen rồi sẽ thấy mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát cả việc làm lẫn cảm xúc. Điều này giải thích cho Bảo hiểu việc tại sao Y tá, bác sĩ có thể bông đùa khi làm việc. Vì mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát. 
Không có chi lo quá khi bệnh nhân rên la. 
Không có chi buồn quá khi bệnh nhân đau đớn già cỗi. 
Mình sẽ thấy vui vì giúp được cho nhiều người, chữa lành được cho nhiều người. 

Ngành nghề này sẽ rèn luyện cho đầu mình luôn luôn ở trạng thái TỈNH VÀ TĨNH. 

Đối với một số bệnh nhân bị rối loạn nhân cách, sẽ có những người có chuyên môn lo liệu. Mình chưa được đào tạo để xử lý những trường hợp như thế thì tốt nhất là tránh xa. Và luôn ở tư thế co giò chạy khi có sự cố. 

Hồi mẹ đi thực tập ở khoa tâm thần, những bệnh nhân nguy hiểm thường được nhốt riêng trong phòng có song sắt, hạn chế sự tấn công. Chỉ bác sĩ và y tá chuyên khoa mới được giao tiếp. Nhưng mình có thể đứng ngoài song sắt đẻ quan sát , chuyện trò. 
Khi ổn định, họ cũng nói chuyện. Khi lên cơn, có bất cứ cái gì trong tay, họ đều có thể tự hại họ hoặc hại mình. 
Ví dụ: Có bênh nhân bi hoang tưởng muốn tự sát, tìm nhiều cách để tự sát nhưng không thành. Cuối cùng thì họ úp mặt vô tô canh để chết ngạt. 

Đó là Y khoa. 

7/18/17 Bệnh viện.

Bảo đọc là khi đáp lại yêu cầu của bệnh nhân, mình cần phải thông báo ước tính khoảng thời gian bệnh nhân cần chời đợi. 

Hôm nay Bảo đi ngang qua một phòng bệnh thì bệnh nhân kêu lại nói cho xin nước. Một ông già râu ria bờm xờm, hốc mũi trống hoác lòi xương. Bảo nói sẽ kêu y tá, và Bảo đi kêu y tá. Y tá nói Bảo để y tá đi kiểm tra xem bệnh nhân này có được uống nước không. Bảo quay lại bệnh nhân nói "Y tá sẽ đến với ông ngay". Nhưng sau đó Bảo nhận ra lời lẽ của Bảo quá ngắn gọn. Một lúc sau bảo đi ngang qua phòng, ông bệnh nhân lại kêu cho uống nước nữa, nhưng Bảo lại đi luôn, Bảo đi hỏi một y tá khác chớ Bảo không dám vô phòng nói chi thêm nữa. Lẽ ra Bảo phải giải thích với bệnh nhân là y tá cần phải kiểm tra xem ông có được uống nước không. Vì Bảo không biết y tá đó sẽ đi kiểm tra mất bao lâu, có lẽ Bảo nên nói: "as soon as possible"? 

Bảo cần phải tập phản xạ nói. Tập nói những câu giải thích, tập nhớ giới thiệu bản thân là tình nguyện viên mỗi khi nói chuyện với bệnh nhân, tập nói những câu trấn an. 

Nói chuyện với bệnh nhân khó hơn là đi chất đồ đạc. Những ngày đầu Bảo còn "thử nghiệm" mở lời với bệnh nhân và người nhà. Sau này Bảo hay nhìn họ và mỉm cười nhưng chờ họ mở lời trước.  Bảo cố gắng quan sát những ai (người nhà) có vẻ bị lạnh hoặc cần cần cái ghế rồi mới mở lời. Nhưng đôi khi có lẽ những người nhà bệnh nhân không biết là họ cũng được phép xin cà phê, nước hoặc mền, cho nên Bảo cũng cần phải mở lời. 

Bảo tiếp tục gặp những nhân viên thân thiện. Hôm nay có một cô medical scribe Bảo chưa nói chuyện bao giờ, thấy Bảo trong phòng nước/cà phê nên bắt chuyện chơi, hỏi về chuyện Bảo volunteer. Có một lần trước đây Bảo đi mua đồ ăn tại căn tin, ông ở quầy bánh sanwhich thấy Bảo là volunteer cũng bắt chuyện. Có lẽ Bảo cũng nên tranh thủ hỏi han mấy nhân viên ở đây về con đường đến với công việc của họ. 
   
Và có lẽ Bảo cũng nên hỏi các nhân viên nhận xét cách làm việc hiện tại của Bảo để Bảo tiến bộ. Sau khi Bảo hoàn thành 100 giờ thiện nguyện, Bảo sẽ được phép xin Letter of Reccomendation. 



Chúc mừng Bảo. 
Công việc có vẻ nhẹ nhàng và quen thuộc dần. 
Có hai chuyện mẹ cần phân tích : 
1/ Chuyên môn: Bệnh lý  và nhu cầu
Y tá nói đúng khi họ nói để họ xem tình trạng bệnh nhân có được phép uống nước không rồi mới cho. 
Có nhiều bệnh buộc phải uống nước, dù không khát, dù không muốn. 
Có bệnh thì ngược lại. 
Dần dần mình mình sẽ biết để cho phép bệnh nhân uống, ăn, lúc nào, giờ nào và liều lượng như thế nào. Thức ăn cũng vậy . Ăn được cái gì và không ăn được cái gì . 

Ví dụ bệnh nhân có đường máu cao, Bảo mời họ cái bánh ngọt hay ly cafe sữa. Họ rất mừng nhưng mình đã sai. 
Bệnh nhân bị ỉa chảy, nôn ói, khát nước. Mình cho nước gì và cách uống ra sao . Vd lâu lâu uống từng ngụm một hay làm một hơi hết ly. 

Rất rất là khác nhau. 
Nên tất cả nhu cầu của bệnh nhân đều phải báo Y tá. 

Lâu dần Bảo sẽ hiểu. 
2/ Giao tiếp: 
Phải tập nói nhiều hơn một chút. Và không lập đi lập lại. 
Vd : "Ông đợi y tá sẽ tới kiểm tra , ngay khi có thể. Ông chịu khó nhé" Đồng thời vói một nụ cười. Nên cười thiệt tình . Bệnh nhân nào cũng tội. 

Nói chuyện với bệnh nhân hay bất cứ ai rõ ràng là khó khó khó hơn rất nhiều so với chất đồ đạc chứ. Người và vật mà. 
Người thì sẽ có đối thoại. Vật thì không . Người thì phải suy nghĩ. Vật thì không . 

"Bảo cần phải tập phản xạ nói. Tập nói những câu giải thích, tập nhớ giới thiệu bản thân là tình nguyện viên mỗi khi nói chuyện với bệnh nhân, tập nói những câu trấn an."

Chính xác ! Và không có chi sốt ruột. Bảo sẽ quen dần thôi. 

Tập nói chuyện với tất cả mọi người. Mỗi người sẽ là một bài học nói chuyện. 

Việc hỏi các nhân viên về cách làm việc hiện tại của Bảo . 
Mẹ nghĩ là không cần một cách cứng nhắc thế
Họ sẽ sửa cho Bảo khi cần thôi. 
Nếu có chăng thì khi kết thúc một ngày làm việc, Bảo nên tập chào mọi người, cám ơn đã giúp đỡ hướng dẫn cho Bảo và có thể hỏi luôn hôm nay Bảo có làm phiền ai chuyện gì không ? Nói một cách thoải mái và vui vẻ. 

Vậy nghe. 
Chúc bảo mọi sự tốt lành. 

No comments:

Post a Comment