7/11/17
Hôm nay lần đầu tiên
Bảo đẩy xe lăn cho bệnh nhân. Y tá nhờ Bảo đẩy một bệnh nhân đang rời bệnh viện
ra cổng. Ban đầu y tá đưa luôn cái xe lăn cho Bảo, nhưng Bảo nhớ đọc trong
Guide Book là tình nguyện viên không được di chuyển bệnh nhân từ giường sang ghế, nên đã
nhắc y tá. Y tá giúp một bà da đen rất to lên ghế; bà chống gậy nặng nề di
chuyển. Có một người nhà đi bên, chắc là con gái bà. Giọng Bảo quá nhỏ,
nhẹ; sợ rằng điều này khiến người ta không tự tin vào Bảo. Không cần phải nói
to, nhưng giọng phải rõ ràng, có sự cương quyết. Bảo có nói "How are you
doing" nữa nhưng chắc nói nhỏ quá không ai nghe nên không trả lời. Bảo đẩy
dọc hành lang có nhiều người và tủ ghế, qua cái cửa hẹp hẹp, sợ huých, đi chậm
chậm. May mà không huých!
Trong quyển Guidebook
còn ghi "sau khi đưa bệnh nhân đến đích thì nhớ quay lại thông báo với y
tá", tuy nhiên Bảo đã quên điều này, cũng không ai hỏi, thôi kệ!
Bảo đang vào phòng
bệnh, im lặng chất tủ đồ như thường lệ thì một bệnh nhân trong phòng đó nói
"vào phòng người ta thì phải giới thiệu bản thân đã chứ". Bảo quay
qua giới thiệu thì hóa ra ông này vui tính,thích nói chuyện. Ông vui vẻ hỏi
han, sau đó kể chuyện hồi xưa ông cũng làm tình nguyện ở bệnh viện, ông làm
công việc về trị liệu bệnh tâm thần và lạm dụng thuốc (mental health/substance
abuse therapies), bây giờ đã nghỉ hưu. Sau đó ông động viên Bảo tiếp tục học và
làm tình nguyện.
Bảo thường hay nói
chuyện nhiều nhất với Nurses và Tech; họ đảm nhiệm vụ qua lại chăm sóc bệnh
nhân. Các nhân viên làm với Bảo tốt và nhiệt tình trả lời câu hỏi của Bảo lắm.
Họ hay nói cảm ơn Bảo đã giúp đỡ. Một số cô y tá có vẻ nhiệt tình hơn cô
kia nhưng nói chung Bảo hỏi chi họ cũng trả lời hết. Mà Bảo cũng phải lựa lúc
họ có vẻ không bận rộn làm việc khác để hỏi. Họ thường vui vẻ, đôi khi vẫn trò
chuyện, bông đùa, nên có lẽ Bảo cũng quên mất là công việc của họ không dễ chút
nào. Trách nhiệm lên con người mà? Nhớ ngày đầu tiên đến bệnh viện,vì điều này
mà Bảo cảm thấy sợ sợ, chùn bước (không biết một tài xế lái xe chở khách so với
tài xế chở hàng có cảm thấy tương tự không?)
Một số nhân viên có
bắt chuyện hỏi han Bảo học trường mô, vì sao đi volunteer?. Có cô nhân viên
chuyên làm việc vận chuyển đồ đạc vào kho chứa; Bảo hay đi ra đi vào kho chứa
để lấy đồ, không biết chỗ tìm lại hỏi hoài nên cô cũng quen và bắt chuyện với
Bảo. Cái kho chứa nhiều đồ quá hoa mắt luôn, nhiều khi nhìn mãi không thấy, hỏi
thì người ta lại chỉ ra ngay trước mắt, hic.
Có vài loại tủ Bảo
thường chất. Có tủ chất những dụng cụ bự khá dễ nhận thấy. Hôm nay Bảo tập
trung chất một tủ chứa dụng cụ IV, có những đồ nhỏ nhỏ như các loại đầu kim,
ống nghiệm nhỏ, bông băng loại nhỏ,...Có vẻ dễ lộn. Thường các đồ khác nhau sẽ
có màu khác nhau. Có mấy bình nước chuyền nhìn giống nhau quá, dung lượng như
nhau nhưng chứa chất khác nhau (sodium/dextrose. ôi phải học Hóa thôi) Để cho
chắc thì Bảo so sánh Reference Number in trên đồ dùng.
Bảo còn tự hỏi làm sao
mà cái máy tính trong phòng chính biết cập nhận thông tin phòng bệnh nào đã
được chùi dọn và phòng nào còn bẩn. Phòng nào bẩn thì màn hình bôi đen số; một
lúc sau khi Bảo đã chùi thì số đó trắng trở lại. Không biết là có hệ thống cảm
ứng gì, hay có các nhân viên y tá nào theo dõi hết mà Bảo không để ý. Lần sau
phải hỏi họ.
Thùng rác: thùng rác
trắng chứa rác bình thường (găng tay, bao bì). Thùng đỏ chứa Biohazard (ví dụ
chai lọ sau khi chứa nước tiểu). Tuy nhiên Bảo nghe y tá nói bông băng có dính
máu thì có thể cho vô thùng rác thường. Có thể đúng như vậy không, hoặc có thể
họ nghe Bảo nói không rõ nên không đúng như vậy...?
Vui và thích :D Mong
thư mẹ.
Hôm
nay lần đầu tiên Bảo đẩy xe lăn cho bệnh nhân. Y tá nhờ Bảo đẩy một bệnh nhân
đang rời bệnh viện ra cổng. Ban đầu y tá đưa luôn cái xe lăn cho Bảo, nhưng Bảo
nhớ đọc trong Guide Book là tình nguyện viên không được di chuyển bệnh nhân từ giường sang ghế, nên đã
nhắc y tá. Y tá giúp một bà da đen rất to lên ghế; bà chống gậy nặng nề di
chuyển. Có một người nhà đi bên, chắc là con gái bà. Giọng Bảo quá nhỏ,
nhẹ; sợ rằng điều này khiến người ta không tự tin vào Bảo. Không cần phải nói
to, nhưng giọng phải rõ ràng, có sự cương quyết. Bảo có nói "How are you
doing" nữa nhưng chắc nói nhỏ quá không ai nghe nên không trả lời. Bảo đẩy
dọc hành lang có nhiều người và tủ ghế, qua cái cửa hẹp hẹp, sợ huých, đi chậm
chậm. May mà không huých!
Đẩy xe lăn là một nghệ
thuật.
Người đẩy xe lăn là một
nghệ nhân.
Và người đi được xe
lăn là một nghệ sĩ .
Ba đã là nghệ nhân.
Mẹ đã là nghệ sĩ
Ba đẩy xe lăn di chuyển
mẹ và mẹ có thể tự đi xe lăn trong hành lang hẹp. Có thể tự cua quẹo.
Mừng Bảo đã là một nghệ
nhân như ba.
Giọng nhỏ nhẹ chỉ là một
phần. Chủ yếu vẫn là do bệnh nhân. DO BỆNH NHÂN.
Rất nhiều người lãng tai
hoặc họ không chú ý, họ không biết mình đang nói với họ.
Nhiều bệnh nhân ăn to nói
lớn , họ nghe những âm lượng nhỏ nhẹ không quen.
Tới bây giờ, mẹ vẫn là
bác sĩ nói giọng nhỏ nhẹ, nhiều bệnh nhân không nghe rõ thì mẹ mới ré to ra.
Nhưng mẹ có lời khuyên
như thế này : Khi mình nói với ai, mình nên gọi thẳng, nhìn thẳng bệnh nhân,
buộc họ phải lắng nghe, và đối thoại với mình. Thường thì lúc đó, họ sẽ nghe
được dù mình nói nhỏ nhẹ . NHỚ : NHỎ NHẸ VÀ DỨT KHOÁT.
Ví dụ : Con đang làm việc
đẩy xe hay giúp đỡ một bệnh nhân tên A. Con nên nói : " A , are you OK ?
", "A, "How are you doing? ". .. Thì họ mới nhận ra mình đang nói với họ. Chuyện này
rất bình thường.
Trong
quyển Guidebook còn ghi "sau khi đưa bệnh nhân đến đích thì nhớ quay lại
thông báo với y tá", tuy nhiên Bảo đã quên điều này, cũng không ai hỏi,
thôi kệ!
Cũng là một nguyên tắc
khi người nào nhờ mình làm chuyện gì, mình làm xong , cần báo với họ là mình đã
làm xong.
Nên Bảo phải nhớ nói với
Y tá, khi Bảo làm xong việc. Huống chi là Guidebook có ghi.
Bảo
đang vào phòng bệnh, im lặng chất tủ đồ như thường lệ thì một bệnh nhân trong
phòng đó nói "vào phòng người ta thì phải giới thiệu bản thân đã
chứ". Bảo quay qua giới thiệu thì hóa ra ông này vui tính,thích nói
chuyện. Ông vui vẻ hỏi han, sau đó kể chuyện hồi xưa ông cũng làm tình nguyện ở
bệnh viện, ông làm công việc về trị liệu bệnh tâm thần và lạm dụng thuốc
(mental health/substance abuse therapies), bây giờ đã nghỉ hưu. Sau đó ông động
viên Bảo tiếp tục học và làm tình nguyện.
Chuyện này vui thôi. Mình
là nhân viên phục vụ. Mình có quyền ra vào nơi làm việc. Không ai cấm mình đâu.
Bởi vậy nên mới có áo và bảng tên, có dán ảnh
Rõ là ông ấy đùa. Bảo
cũng nên tập đùa lại " Ô vậy sao? Vậy bây giờ nói lại nghe " Xin phép
ông cho tôi chăm sóc phòng ông " . Cười cười.
Bảo
thường hay nói chuyện nhiều nhất với Nurses và Tech; họ đảm nhiệm vụ qua lại
chăm sóc bệnh nhân. Các nhân viên làm với Bảo tốt và nhiệt tình trả lời câu hỏi
của Bảo lắm. Họ hay nói cảm ơn Bảo đã giúp đỡ. Một số cô y tá có vẻ nhiệt
tình hơn cô kia nhưng nói chung Bảo hỏi chi họ cũng trả lời hết. Mà Bảo cũng
phải lựa lúc họ có vẻ không bận rộn làm việc khác để hỏi. Họ thường vui vẻ, đôi
khi vẫn trò chuyện, bông đùa, nên có lẽ Bảo cũng quên mất là công việc của họ
không dễ chút nào. Trách nhiệm lên con người mà? Nhớ ngày đầu tiên đến bệnh
viện,vì điều này mà Bảo cảm thấy sợ sợ, chùn bước (không biết một tài xế lái xe
chở khách so với tài xế chở hàng có cảm thấy tương tự không?)
Trách nhiệm lên con người
là rất lớn.
Tuy nhiên trong công việc
luôn luôn cần sự thoải mái.
Trách nhiệm không có
nghĩa là lúc nào mặt mũi mình cũng nghiêm trang căng thẳng âu lo.
Trách nhiệm là biết tập
trung trong lúc làm việc, biết bông đùa giữa công việc.
Cho nên cười là một phần
của công việc , đặc biệt là việc với con người.
Một
số nhân viên có bắt chuyện hỏi han Bảo học trường mô, vì sao đi volunteer?. Có
cô nhân viên chuyên làm việc vận chuyển đồ đạc vào kho chứa; Bảo hay đi ra đi
vào kho chứa để lấy đồ, không biết chỗ tìm lại hỏi hoài nên cô cũng quen và bắt
chuyện với Bảo. Cái kho chứa nhiều đồ quá hoa mắt luôn, nhiều khi nhìn mãi
không thấy, hỏi thì người ta lại chỉ ra ngay trước mắt, hic.
Chuyện rất bình thường.
Sau 1 tháng sẽ quen hết .
Có
vài loại tủ Bảo thường chất. Có tủ chất những dụng cụ bự khá dễ nhận thấy. Hôm
nay Bảo tập trung chất một tủ chứa dụng cụ IV, có những đồ nhỏ nhỏ như các loại
đầu kim, ống nghiệm nhỏ, bông băng loại nhỏ,...Có vẻ dễ lộn. Thường các đồ khác
nhau sẽ có màu khác nhau. Có mấy bình nước chuyền nhìn giống nhau quá, dung
lượng như nhau nhưng chứa chất khác nhau (sodium/dextrose. ôi phải học Hóa
thôi) Để cho chắc thì Bảo so sánh Reference Number in trên đồ dùng.
Chuyện rất bình
thường.
Như mình nấu ăn, trên kệ
bếp nấu cơ man nào là muối, bột nêm, bột ngọt, đường, dầu, tiêu , bột tỏi, bột
ớt , bột điều, nước mắm, xì dầu, dầu hào, dấm dầu phụng dầu mẹ..... Wow, người
mới bắt đầu vô bếp sẽ lúng túng vô cùng . Nhưng rồi đâu sẽ vào đấy. chẳng cần
nhãn dán, nhắm mắt cũng biết tiêu đâu ớt đâu.
HOÀN TOÀN BÌNH
THƯỜNG.
Bảo
còn tự hỏi làm sao mà cái máy tính trong phòng chính biết cập nhận thông tin
phòng bệnh nào đã được chùi dọn và phòng nào còn bẩn. Phòng nào bẩn thì màn
hình bôi đen số; một lúc sau khi Bảo đã chùi thì số đó trắng trở lại. Không
biết là có hệ thống cảm ứng gì, hay có các nhân viên y tá nào theo dõi hết mà
Bảo không để ý. Lần sau phải hỏi họ.
He he, thường thì
phòng bệnh có camera quan sát diễn tiến. Nên có thể họ biết Bảo đã chùi dọn.
Cũng chẳng cần hỏi. Đôi khi đó là một cách quản lý và theo dõi công việc thôi.
Thùng
rác: thùng rác trắng chứa rác bình thường (găng tay, bao bì). Thùng đỏ chứa
Biohazard (ví dụ chai lọ sau khi chứa nước tiểu). Tuy nhiên Bảo nghe y tá nói
bông băng có dính máu thì có thể cho vô thùng rác thường. Có thể đúng như vậy
không, hoặc có thể họ nghe Bảo nói không rõ nên không đúng như vậy...?
Luôn có quy định về rác
thải Y tế rất cụ thể để xử lý chất thải đúng.
Ngay ở nhà cũng vậy là
rác sinh hoạt cũng có 3 thùng 3 màu rồi. Huống chi là rác thải Y tế mang nhiều
mầm bệnh và nguy hại hơn.
Bảo tham khảo trang này
cho biết: https://thuocchuabenh.vn/cham-soc-benh-nhan/xu-ly-chat-thai-y-te-trong-dieu-duong-co-ban.html. Đây là qui định của Bộ Y tế Việt nam. Không
biết ở Mỹ thì sao. Nếu có thời gian chắc tìm sẽ thấy những quy định Đây là vấn
đề quan trọng. Trong bệnh viện, có một khoa gọi là khoa chống nhiễm khuẩn ,
chuyên xử lý chất thải.
Vui
và thích :D Mong thư mẹ.
Mẹ cũng vui lắm. Và cũng
mong thư Bảo lắm . Thương nhiều
Mẹ
No comments:
Post a Comment