Thú thật là mình không ấn tượng gì trong lần đầu tiên ăn bún chả cách đây gần 20 năm và những lần sau đó. Bởi theo mình, bún chả không khác gì bún thịt nướng mà lại lỉnh kỉnh, từ cách ăn cho đến cách trình bày. Thường thì mình ăn món bún chả Hà nội theo cách của mình: cho tất cả vào một tô.
Rồi có một hôm, mình gặp được một hoàng tử, à quên, một anh chàng Hà nội thanh lịch và dễ thương, chủ nhân một quán bún chả. Như thường lệ, mình lại xin thêm một cái chén để bỏ bún vào trộn chung như kiểu ăn bún thịt nướng. Chắc vì nghe cái giọng Huế rặt của mình nên anh chàng dễ thương nhiệt tình trả lời: Em hướng dẫn chị cách ăn bún chả nhé. Ăn bún chả đúng là phải gắp kèm rau xanh với một đũa bún rồi nhúng vào bát nước chấm đầy ắp thịt nướng, mới đưa vào miệng. Nếu chị không ăn như thế thì em xin phép không phục vụ món bún chả cho chị.
Chưng hửng, nhưng mình nghe lời anh chàng này ngay lập tức (điểm yếu của mình trước trai đẹp). Gắp từng gắp bún nhỏ, chút rau thơm, nhúng vào chén nước chấm kèm miếng chả thơm lừng, đưa lên miệng và nhai chậm rãi. Và ui mèn ơi, mình fall in love bún chả từ đó.
Hôm qua đến đình làng Đông Xã, một ngôi đình cổ xưa trên phố Thuỵ Khê, thờ hai vị Thành Hoàng, vãn cảnh trước giờ ra sân bay, có quán bún chả mộc mạc trong sân đình.
Hic, làm sao từ chối được. Thưởng thức hai tô và mua về Đà nẵng hai tô.
Vietjet ưu ái cho mang nước mắm lên máy bay mà không một chút phàn nàn.
Không sang cả như phở, bún chả là món ăn Hà nội “lấm lem” hơn bởi những miếng thịt nướng nâu vàng, thơm lừng trên bếp lửa than hoa. Chén nước chấm, nồng nàn chua ngọt thanh thật thanh, để không làm mất đi vị ngọt của thịt. Thịt, bún, rau, nước chấm. Tất cả gắn kết với nhau tạo thành một hương vị hài hòa, tinh tế, tràn đầy tự hào của đất kinh kỳ Hà nội.
No comments:
Post a Comment