Wednesday, April 24, 2019

VÀI MÓN ĂN QUÊ MỸ LỢI

VẢ TRỘN

Lâu rồi có viết bài về món vả trộn tôm thịt. Đi chợ Vinh Thanh, Mỹ Lợi, thấy một rổ trái vả. Hỏi mua một chục. Nhìn lại thấy còn độ chưa tới chục trái nữa, nên nói O bán hết cho luôn mớ vả. 
O hàng vả trả lời: Dạ không, còn để lại cho người khác mua nữa chơ. 
😀😀😀
Về chỉ đủ làm 1 món vả trộn với tôm sông nhảy tí tách và mớ rau thơm Huế thơm lừng ăn với bánh tráng gạo nướng than.




CHUYỆN BÔNG THIÊN LÝ



Tương truyền rằng bông thiên lý tượng trưng cho tình yêu của người vợ, dù cách xa muôn ngàn dặm lý vẫn nhận ra được mùi hương của chồng. 
He he, tài ghê hí!
Vụ ni mình chịu á. Sát rạt bên cạnh hoạ may mình nhận ra mùi chàng. 😀😀
Nhưng bông thiên lý nấu canh hay xào tỏi thì mình nghe mùi nhanh hơn. 😀😀😀
Thiên lý mua ở chợ Vinh Thanh Mỹ lợi. 
Có một rổ nhỏ thôi cũng gắng làm ra 2 món. 
Bông lý xào tỏi. Chút ớt đỏ bỏ lên cho khéo. "Ngó trái ớt hấp dẫn. Không có hắn như đàn bà không son phấn" (câu ni của Phương.)
Canh chua bông lý với cá. 
Thôi thì ..., khỏi nói. 
Hắn ngon chi lạ.




CHUYỆN RAU LANG LUỘC
Chuyện rau lang chợ Vinh Thanh, Vinh Hiền,
Mua 5000 đ 3 bó rau lang (ở Đà nẵng là 10.000 đ/ 1 bó). khô khan, tươi tắn.
Sáng ni đem ra lặt thì nhận ra nhiều chiếc lá bị sâu ăn. Lâu lắm rồi mình mới thấy lá rau bị sâu ăn.
Không có chi tuyệt cho bằng. 
Luộc thôi.
Nước luộc rau lang mà trong vắt.
Nước ruốc kho để chấm rau.
😀😀😀❤️❤️❤️
Hết chuyện rau lang.





Sunday, April 21, 2019

CHUYỆN CỦA BẢO



Sẽ làm tất cả cho ước mơ này. 

Bao Nguyen: My experiences peer-facilitating in the UW Biology CURE (Course-based Undergraduate Research Experiences) and doing research in the UW Department of Pathology foster my interest in the sciences. My volunteer and internship work with underserved communities solidify my passion toward a service-oriented career. These passions have prompted my decision to pursue professional programs in healthcare.

file:///E:/2019/B%E1%BA%A3o/Leadership%20Team%20-%20UDSM.html


Tuesday, April 16, 2019

MỸ LỢI.

MỸ LỢI. 

Vùng đất đặc biệt của Huế, Huế là Huế mà cũng là Quảng.
Trưa nghiêng.
Mình ghé làng Mỹ Lợi thăm anh chị, thưởng thức món canh cá bống thệ với me đất mà chị chăm chút nấu. Vị ngọt của cá, vị chua của me cứ đằm thiệt đằm trên đầu lưỡi. 
Nồi cá bống kho khô, thịt heo luộc ăn với mắm rò và dưa giá.
Chao ơi là ngon không thể tả, ngon đến mức không dám nhớ tới luôn đó.

Mình chưa có nhiều thời gian ở đây, nhưng cảm nhận đầu tiên về Mỹ lợi là hiền hoà và mộc mạc. 

Giọng Mỹ Lợi là giọng nói đặc biệt.
Có lẽ vùng nước lợ lợ nửa biển nửa sông của Mỹ Lợi, không những mang lại cho Mỹ Lợi một sự trù phú về đất đai và sông nước mà còn làm cho cái giọng Huế trở nên Quảng.
Hải sản nước lợ ở Mỹ Lợi có tiếng ngọt và thơm.
Biển Mỹ Lợi vẫn còn nét hoang sơ với những cung đường bên núi bên biển tuyệt đẹp.

Mỹ Lợi cũng là nơi ba mạ mình từng ở và dạy học trong những năm đầu sống cùng nhau.
Cùng với anh chị, mình tìm về ngôi trường xưa nhất Mỹ lợi, trường PTTH Vinh lộc, lòng rất vui.
Không biết đây có đúng là nơi ngày xưa ba dạy học không? Ba dạy phòng nào?
Không biết ngày xưa ba mạ ở đâu quanh đây? Gần trường không?
Mọi thông tin đã về với hư vô cùng ba mạ. 

Nhưng hôm nay, đứng trên mảnh đất này, mảnh đất mà rất nhiều những câu chuyện mạ kể thời thơ ấu, đều khởi đầu bằng câu : " Cái hồi mạ ở Mỹ Lợi a tề, ...", mình nghe như mắt chợt cay cay. 

Mỹ lợi ! Huế cũng không Huế. Quảng cũng không Quảng. 
Cái giao duyên lờ lợ này làm cho người ta cứ thấy thú vị mãi không thôi.
❤️❤️❤️


Chợ Vinh Thanh

Trường Vinh Lộc
















Biển Lộc Bình



Saturday, April 13, 2019

CÂY THẦN TÀI KỶ NIỆM


Thảo ơi, cây thần tài trồng từ lúc Thảo còn nhỏ và Bảo chưa sinh. 
Lúc mới có nó, Thảo đứng đo và cây thần tài thấp hơn Thảo. 

Chỉ sau 1 năm, cây thần tài cao hơn Thảo. 

Thảo lại đứng đo và ngạc nhiên vì sao cây lại cao hơn Thảo. 
"À, Thảo biết rồi vì cây đứng trên cái chậu" nên cây "ăn gian" khi đo với Thảo. 

Lên nhà mới, cây thần tài được mang lên và tiếp tục trồng. 
Giờ thì hắn cao đến trần nhà dù vẫn chỉ đứng trong cái chậu như thế. Chậu đã quá chật với rễ. 
Sau khi thấy cây Thần tài nở 3 chùm hoa to đẹp, ba quyết định thay chậu cho cây thần tài.

Chiều tối nay,  hoa nở và rất thơm.
Nhớ Thảo nhiều . 






Friday, April 12, 2019

BÁNH TỔ CHIÊN


Khi mà tết đã lắng đi, chút vấn vương của áo quần bánh mứt cũng đã không còn trên mắt môi mọi người thì cái bánh tổ chân chất đậm vị vẫn nhẫn nại chờ bàn tay người chế biến. 

Cái thương của bánh tổ là vậy. Lẳng lặng bền bỉ như cái tình người Quảng nam. 

Cắt vài lát, chiên nhanh trong dầu phụng, lửa nóng. Nóng vừa đủ thôi. Nóng quá sẽ dễ cháy vì bánh có đường. Ít nóng thì dầu ngấm nhiều vào bánh sẽ gây ngán. Nóng vừa đủ giòn mặt ngoài mà trong vẫn mềm mướt. 

Đây là sự khác biệt làm cho bánh tổ trở nên rất ngon hoặc trở nên rất ngán đó. Ai ăn bánh tổ chiên nói là ngán thì e là bạn đã chiên sai cách hoặc bánh chưa đủ độ để chiên. 

Nóng, giòn, thơm mùi gừng, vị ngọt dịu nhẹ , mềm mướt trong lưỡi. Bánh tổ chiên thấm đẫm tình quê là như rứa đó.

BÁNH TỔ QUẢNG NAM.




Là đặc sản truyền thống mùa tết của người dân xứ Quảng. 

Truyền thuyết rằng, đây là bánh mà Âu Cơ làm để phát cho trăm đứa con ăn khi chia nhau lên rừng xuống bể. 😁😁
Cũng có tích rằng vào cuối thế kỷ 18, thời Quang Trung đại phá quân Thanh, người dân Quảng Nam ủng hộ vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, đã chế biến loại bánh này để bảo đảm lương thực trong suốt chặng đường dài hành quân, đầy chông gai, hiểm trở. 👍👍

Truyền thuyết nào cũng hay và thú vị cả phải không? Ai có biết truyền thuyết nào nữa thì kể thêm nha. 
Cách ăn bánh tổ: cắt ra ăn liền, nướng hoặc chiên giòn. 

Nếu ăn sống, sẽ cảm nhận rõ vị ngọt thanh của đường, vị cay của gừng và dẻo mềm của nếp. 
Nếu nướng trên lửa than sẽ dậy lên mùi thơm đặc trưng của nếp, đường gặp nóng sẽ càng ngọt và dẻo hơn, ăn kèm bánh tráng nướng. 

Hoặc xắt lát chiên giòn. Miếng bánh phồng lên, phảng phất hương thơm, giòn tan trong miệng. Một lát bánh chiên kẹp với lát bánh tráng nướng. Ăn một lần là nhớ mãi.

Mỗi khi Tết đến, xuân về, người Quảng làm bánh tổ, tặng nhau bánh tổ, và cùng gia đình chia nhau chiếc bánh tổ là hình ảnh mãi in sâu trong ký ức của người Quảng nam, trong đó có chồng mình. 
Anh ấy vẫn háo hức ăn bánh tổ mỗi mùa tết về.


Thursday, April 11, 2019

NHÀ THỜ PHONG LỘC NAM ĐỊNH




NHÀ THỜ GIÁO XỨ PHONG LỘC. NAM ĐỊNH

Là nhà thờ cửa ngõ của Nam định, giáo phận Bùi Chu. 
Toạ lạc trên một khuôn viên rộng rãi. 
Nhà thờ mới được xây lại khang trang vững chắc. 










NHÀ THỜ FATIMA BÌNH TRIỆU SÀI GÒN

NHÀ THỜ FATIMA BÌNH TRIỆU SÀI GÒN


Được khởi công xây dựng năm 1966 trên khu đất từng cung nghinh tượng Đức Mẹ Fatima năm 1962, mang tước hiệu Nhà thờ Chúa Kitô với một tháp chuông cao 30 mét. 
Sau năm 1975, bị trưng dụng làm trường Đại học luật,nhà thờ Fatima được chuyển qua khu vực đồi Đức Mẹ. 
Khi nhà trường xây dựng, toàn bộ nhà thờ và nhà xứ bị đập bỏ. Riêng tháp chuông cao thì dù hết sức cố gắng, vẫn không đập bỏ được 
Cho tới hôm nay, tháp chuông vẫn đứng sừng sững uy nghiêm giữa sân trường Đại học Luật.
Chuyện này mình không nói thêm nữa vì người ta kể nhiều rồi nha. Mọi người có thể tự tìm hiểu.
Mình tới đây vào một buổi xế chiều.
Nhà thờ Fatima Bình Triệu đã được xây dựng lại rất to và rất đẹp.
Dù khuôn viên quanh nhà thờ rất chật nhưng nhà thờ Fatima vẫn giữ gìn được khu vực tượng Đức Mẹ Fatima xưa, đồng thời, hàng năm vẫn đón nhận hàng trăm ngàn tín hữu về đây hành hương cầu nguyện với Đức Mẹ Fatima.








Wednesday, April 10, 2019

CHÈ HUẾ

CHÈ HUẾ 

Nói tới Huế người ta cũng hay nhắc tới chè lắm đó. 
Chè Huế có rất nhiều loại. 

Chè Huế thì phải là độc vị (không hỗn hợp như chè miền Nam), là mềm tan trên lưỡi, là ngọt thanh và là trong veo. 

CHÈ ĐẬU NGỰ 




Chớm hạ về, không thể không nhắc đến chén chè đậu ngự nấu từ hột trái đậu ngự tươi với đường phèn. 
Đậu ngự ngày xưa chỉ dùng để tiến Vua. Ngày nay thì ai ăn cũng được. Chỉ là không phải ai cũng nấu được cho đẹp cho thanh, cho đủ tiêu chuẩn tiến Vua.
Sáng ni đi chợ mua được mớ đậu ngự tươi. Ít đường phèn. 
Rứa là ra chè đậu ngự. 
Mình thích nấu hơn là thích ăn. Hôm nay cũng vậy, nấu chè cho vui, chẳng tiến cho ai món chè thanh trong này cả. 
Nên rồi cũng lại ngậm mà nghe từng hạt đậu ngự mềm tan trên lưỡi trong chiều nắng cuối xuân.

CHÈ ĐẬU VÁN




Lâu lắm rồi mình không nấu chè đậu ván. 
Đậu ván ngon bây giờ mua cũng khó.
Chẳng biết hồi này người ta làm khô đậu bằng cách phơi hay sấy? Cũng không rõ độ an toàn của đậu bây chừ ra răng nữa. 
Thôi kệ. 
Ngâm. Bóc vỏ. Hấp chín mềm. Nước. Đường nâu vàng. Chút bột năng làm sánh sánh. 
Ăn chén chè đậu ván, nhớ mấy O Huế gánh chè đi bán, nhớ gói chè bỏ bịch nilon nhỏ, cắn một góc rồi mút mút. 
Cảm giác đó cứ như mới hôm qua. 
Hôm nay mình nấu chè đậu ván. Nôn nao nhớ mạ, nhớ Huế, nhớ ngày thơ.


CHÈ KÊ BÁNH TRÁNG






Tết Đoan ngọ! 
Có một ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch thôi mà cũng Tết 
Tết Đoan Ngọ Huế, Tết Đoan Ngọ Quảng cũng khác nhau. Chỗ thì ri. Chỗ thì tê.
Mấy buổi tối liền, nằm mơ, được tặng con vịt. Nhưng không thấy ai tặng. 
Năm ngoái, không mơ thì được tặng vịt, không những 1 mà 2 con. 
Bởi ta nói... C'est la vie! 
Mình chỉ có thể có chè kê bánh tráng (Huế), bánh ú tro chấm đường (Quảng) và trái vải. 
Thiệt là .... 
Rứa thôi đó. 
Nhưng chè kê xúc bánh tráng ngon ghê luôn.😁😁😋😋





CHÈ BÔNG CAU 



Câu ni cóp của bạn Hương: "Biết thân phận không được xinh đẹp, ăn rất nhiều, lại không biết ba xạo đòn phép, tui cả đời lo học, chăm chỉ làm việc, và sống cần kiệm..."
Đến câu ni của tui: luôn tự nấu ăn, nên nấu món chi tui cũng ưa cho đẹp.
Rứa mà chén chè bông cau hôm qua lại rất xấu.
Hạt đậu xanh không nguyên vẹn như mong muốn. Nên phần bột chè không được trong
Chè bông cau dễ nấu ngon mà khó nấu đẹp.
😁
Tuy nhiên, ăn cũng đã hết rồi.


Friday, April 5, 2019

BÚN CHẢ HÀ NỘI

BÚN CHẢ đình Đông Xã, làng Yên Thái




Thú thật là mình không ấn tượng gì trong lần đầu tiên ăn bún chả cách đây gần 20 năm và những lần sau đó. Bởi theo mình, bún chả không khác gì bún thịt nướng mà lại lỉnh kỉnh, từ cách ăn cho đến cách trình bày. Thường thì mình ăn món bún chả Hà nội theo cách của mình: cho tất cả vào một tô. 

Rồi có một hôm, mình gặp được một hoàng tử, à quên, một anh chàng Hà nội thanh lịch và dễ thương, chủ nhân một quán bún chả. Như thường lệ, mình lại xin thêm một cái chén để bỏ bún vào trộn chung như kiểu ăn bún thịt nướng. Chắc vì nghe cái giọng Huế rặt của mình nên anh chàng dễ thương nhiệt tình trả lời: Em hướng dẫn chị cách ăn bún chả nhé. Ăn bún chả đúng là phải gắp kèm rau xanh với một đũa bún rồi nhúng vào bát nước chấm đầy ắp thịt nướng, mới đưa vào miệng. Nếu chị không ăn như thế thì em xin phép không phục vụ món bún chả cho chị. 

Chưng hửng, nhưng mình nghe lời anh chàng này ngay lập tức (điểm yếu của mình trước trai đẹp). Gắp từng gắp bún nhỏ, chút rau thơm, nhúng vào chén nước chấm kèm miếng chả thơm lừng, đưa lên miệng và nhai chậm rãi. Và ui mèn ơi, mình fall in love bún chả từ đó. 

Hôm qua đến đình làng Đông Xã, một ngôi đình cổ xưa trên phố Thuỵ Khê, thờ hai vị Thành Hoàng, vãn cảnh trước giờ ra sân bay, có quán bún chả mộc mạc trong sân đình. 

Hic, làm sao từ chối được. Thưởng thức hai tô và mua về Đà nẵng hai tô.
Vietjet ưu ái cho mang nước mắm lên máy bay mà không một chút phàn nàn. 

Không sang cả như phở, bún chả là món ăn Hà nội “lấm lem” hơn bởi những miếng thịt nướng nâu vàng, thơm lừng trên bếp lửa than hoa. Chén nước chấm, nồng nàn chua ngọt thanh thật thanh, để không làm mất đi vị ngọt của thịt. Thịt, bún, rau, nước chấm. Tất cả gắn kết với nhau tạo thành một hương vị hài hòa, tinh tế, tràn đầy tự hào của đất kinh kỳ Hà nội.