Nguồn gốc của món Bò Bía
Hồi nhỏ, nghe người ta rao món bò bía, tui thèm chảy nước miếng. Ngày đó khoái ăn thịt bò nhưng thịt bò mắc mỏ lại nghe rao bò bía tưởng là cuốn thịt bò. Mãi đến lần đầu ăn bò bía mới biết nó chỉ có tôm khô, củ sắn và lạp xưởng nhưng nó vẫn ngon khó tả, nhất là lúc chấm cuốn bò bía ngập vô tương đen có ớt xay hòa cùng hành phi vàng ươm.
Bò bía (tiếng Phúc Kiến: pȯh-piáⁿ, 薄皮卷, tiếng Hán Việt là Bạc bính, nghĩa là bánh mỏng) là món cuốn theo phong cách ẩm thực Triều Châu (Quảng Đông) và Phúc Kiến, Trung Quốc, hiện phổ biến ở Đài Loan, Singapore và Malaysia. Tại Phúc Kiến, món này thường dùng ở Hạ Môn, còn ở Quảng Đông, món ăn phổ biến tại vùng Triều Sán ở phía đông của tỉnh trong lễ thanh minh. Tại Việt Nam, món này có thể do các di dân Triều Châu hoặc người Peranakan (hay còn gọi là Baba Nyonya, tục gọi người Bà Ba) du nhập vào.
Bò bía làm kiểu truyền thống nay hiếm thấy ở Việt Nam. Loại bánh tráng để cuốn món bò bía nguyên bản kiểu Phúc Kiến là loại bánh tráng bía mềm mịn làm từ bột mì (mà các bà nội trợ thường dùng để cuốn chả giò). Thành phần của cuốn bò bía rất phong phú: xà lách, giá, trứng, tôm, tôm khô, đậu phộng, tương ớt, tương đen bên cạnh thành phần chính là hỗn hợp củ sắn cà rốt. Cuốn bò bía nguyên bản khá to, gấp 3 lần cuốn bò bía Sài Gòn. Do vậy người bán thường cắt làm nhiều phần cho dễ ăn.
Trở về Sài Gòn, bò bía mặn được làm bằng các nguyên liệu gồm lạp xường, trứng gà tráng, cà rốt, rau xà lách, củ sắn, hay su hào, tôm khô, rau thơm… tất cả thái nhỏ và cuộn trong bánh tráng làm từ bột mì. Gia vị dùng kèm là tương đen ăn kèm đậu phộng, hành phi và ớt xay. “Việc sử dụng bánh tráng thường thay cho bánh tráng bía để cuốn bò bía ở miền Nam cũng có thể lý giải do nguồn dự trữ gạo địa phương phong phú, người Hoa đã sử dụng để thay thế cho nguyên liệu bột mì trong bánh tráng bía, cũng từ đó thay đổi cách gói bò bía”.
https://saigonchuyenchuake.wordpress.com/2015/07/30/nguon-goc-cua-mon-bo-bia/?fbclid=IwAR0gDgICx7BPeaiYe5PNRotNoGhKnFKPIiYu96CFFaDia07SwS51r3r8v_I
No comments:
Post a Comment