Saturday, July 30, 2022

𝗦𝗧𝗥𝗔𝗡𝗚𝗟𝗘𝗥'𝗦 𝗛𝗔𝗡𝗗𝗦 - Marion M. Markham

BÀN TAY KẺ SIẾT CỔ

Trích từ tạp chí 𝗛𝗜𝗧𝗖𝗛𝗖𝗢𝗖𝗞’𝗦 𝗠𝗬𝗦𝗧𝗘𝗥𝗬 𝗠𝗔𝗚𝗔𝗭𝗜𝗡𝗘, số tháng Giêng, 1979, nxb Dell, NY. 1979.
Dịch giả: Vĩnh Bá





Trước khi tôi trở thành một biên tập viên, tôi là một nhà báo gạo cội chuyên viết về các trọng án—chuyên tâm truyền tải công lý và sự thật. Tôi tin tưởng vào thứ ngôn ngữ báo chí khuôn sáo. Cho đến khi tôi tường thuật vụ án Engler.
Đôi khi, nửa đêm thanh vắng khi ánh trăng rằm chiếu qua cửa sổ phòng ngủ, tôi nằm thao thức suy nghĩ về y. Muộn quá rồi không thể công bố câu chuyện được nữa. Darrin Engler đã chết, bị hành quyết vì đã sát hại sĩ quan cảnh sát Bernard Pattan. Nói thế cũng đủ để biết chuyện xảy ra đã lâu rồi. Đã nhiều năm không còn ai bị tử hình. Quả thực, Engler là kẻ sát nhân cuối cùng bị lên ghế điện trong tiểu bang này.
Y có những ngón tay thuôn dài duỗi ra nắm vào theo kiểu làm dáng của các ca sỹ trên sân khấu. Thậm chí khi làm cái động tác bối rối ấy, những ngón tay vẫn trông rất duyên dáng—những ngón tay của một nhạc sỹ piano hay của một bác sỹ phẫu thuật. Hoặc một kẻ siết cổ. Cuộc đời Engler đã có thể đi theo một trong hai hướng này.
Y chơi đàn piano tại một quán bar trên đường Argyle Street để trang trải học phí những năm học y khoa. Tôi có nghe y trình diễn đôi ba lần và y chơi đàn hay thật, quá hay lẽ ra không nên phí tài năng ở một nơi như thế.
Khi đánh đàn, y như chìm vào một giấc mộng, một thế giới xa xăm lãng mạn mà tôi chỉ loáng thoáng thấy. Tôi chỉ có thể cảm nhận thế giới ấy, một nơi chốn sâu thẳm trong nội tâm, mà từ đó âm nhạc của y thoát ra. Y có đủ tài năng để trình diễn trên sân khấu, nhưng y đã chuyển đôi tay tuyệt vời ấy sang ngành y. Vâng, có hai con đường mở ra cho y, thế mà y đã đi sai đường. Có ai biết tại sao một người có thể tạo ra thứ âm nhạc tuyệt vời như thế và có một tương lai rạng rỡ như một bác sỹ phẫu thuật lại trở thành một kẻ siết cổ giết người?
Nhưng tôi muốn biết. Tường thuật vụ án giết người của y là nhiệm vụ đầu tiên tòa soạn giao cho tôi, và vài năm sau tôi đã viết về vụ hành quyết. Đấy là một bài báo hay—chứa đầy những lời lẽ đạo đức hoa mỹ về một người trẻ tuổi có đôi tay vàng đi lầm đường lạc lối—nhưng chưa đủ hay như đúng ra nó phải thế. Tôi đã không viết rằng cái cơn xung động lãng mạn mà đã khiến âm nhạc của y đáng nhớ cũng chính là cơn xung động đã xui y giết người.
* * *
Tôi đã tìm cách gặp mặt Engler suốt nhiều tháng. Cuối cùng, một ngày trước cuộc hành quyết, tôi nhận điện thoại từ vị luật sư của y do tòa chỉ định. Engler bằng lòng gặp tôi.
Viên luật sư hy vọng tôi có thể tìm ra câu chuyện thật, mà ông có thể trình lên cho thống đốc để xin giảm án cho y vào phút chót. Cũng như tôi, viên luật sư không hề tin rằng một kẻ mà những ngón tay điêu luyện có thể tạo ra thứ âm nhạc như thế lại có thể dùng chúng để giết người.
Engler gặp tôi trong phòng thăm phạm nhân nhỏ hẹp của nhà tù. Bàn tay y nắm lại rồi duỗi ra một cách bất giác.
Tôi nói, “Đây là cơ hội cuối cùng để anh kể hết những gì đã thực sự xảy ra.”
Y có vẻ không nghe tôi nói gì.
Tôi bàng hoàng khi thấy y đã già đi như thế nào. Tôi vẫn nhớ mái tóc vàng hung của y trông ra sao dưới bóng đèn chiếu duy nhất đằng sau cái quầy tối. Trong phòng xử án tôi chỉ nhìn thấy phía sau đầu y hoặc vẻ mặt nhìn nghiêng khi y ngẩng đầu lên khỏi đôi tay. Chỉ khi y được giải đi sau lời tuyên án tôi mới thấy cái nhếch mép đã khiến tôi nghĩ y đang cười nhạo tất cả chúng tôi. Nay ở trong tù, cái kiểu nhếch mép ấy đã biến mất và cái óng ánh của mái tóc cũng không còn. Ba năm chờ đợi trong khu biệt giam tử tù có thể làm một người già sọm đi.
Tôi nói, “Anh muốn được người ta nhớ đến như thế này hay sao? Kể cho tôi nghe câu chuyện của anh—câu chuyện thực, chứ không phải như nội dung lời thú tội.” Y vẫn xoắn hai bàn tay lại với nhau. Tôi muốn thét lên—để bắt y đừng xoắn hai bàn tay nữa mà hãy nhìn tôi. “Tôi đã nghe anh đánh piano. Anh chơi bài ‘Sweet Lorraine’ và một số bài hát khác mà tôi không biết. Tôi vẫn luôn nghĩ những bài ấy là sáng tác của anh.”
Bấy giờ y mới nhìn tôi. Đôi mắt y trông còn già hơn phần còn lại của gương mặt.
“Những bài ấy do tôi sáng tác, đa số. Những bài ca không lời, không tên.” Y nhếch mép. “Ông có thể viết thành chuyện như thế. Một người viết những bài ca không lời, đón nhận cái chết không cần giải thích.”
“Không bài nào có lời cả hay sao?”
“Ban đầu thì không. Rồi cô ấy bước vào quán bar, và tất cả lời bài hát đều nói về cô ấy.”
“Cô ấy?”
“Cô ấy đang mặc một cái váy màu xanh nhạt. Tôi chưa từng thấy nàng mặc gì ngoài cái váy xanh mỏng manh ấy. Nàng bảo tôi xanh là màu nàng ưa thích. Màu này tương phản rất gắt với mái tóc đen của nàng.
“Nàng luôn ngồi ở cái bàn nhỏ gần quầy bar, gọi những món uống mà nàng không hề đụng tới. Như thể nàng đang thuê một chỗ ngồi. Nàng không hề nhấp ngụm nào. Khi ấy tôi không biết nàng không thể uống được.”
Không phải Engler đang nói với tôi. Thậm chí y cũng không để ý rằng tôi đang ghi chép. Y đang hồi tưởng và đôi mắt bất an của y không nhìn thấy tôi nữa.
“Đa số các cô gái vào quán bar để tìm người trò chuyện. Nàng không hề trò chuyện với ai. Tôi cảm thấy nàng chỉ muốn có mặt nơi đông người. Có vẻ như nàng đang cô đơn và không biết phải làm gì với nỗi cô đơn của mình. Tôi đã không thể hiểu được một cô gái xinh đẹp nhường ấy lại có thể cô đơn, nhưng tôi hiểu cảm giác là thế nào khi không bao giờ có thể dễ dàng chuyện trò với người khác. Tôi đã từng như thế. Cho đến khi tôi gặp nàng.”
Lắng nghe y, tôi nghĩ rằng cô gái ấy hẳn là rất đặc biệt. Có cái gì đó, gần như là một sự kính cẩn trong giọng nói của y, mà nói lên được nhiều điều hơn ngôn từ.
Một thứ Bảy nọ, khi y rời khỏi chỗ làm, cô gái đang chờ bên ngoài quán bar. “Không phải chờ tôi,” y nói. “Chỉ là tôi tình cờ đi ra và thấy nàng đứng đó, có vẻ như không biết phải đi đâu về đâu.”
Y mời nàng uống cà-phê, nhưng cô gái nói cô thích đi dạo hơn. Dưới ánh trăng rằm, chiếc váy xanh của nàng trông gần như màu trắng, và bước chân nhẹ nhàng đến độ trông nàng như đang trôi lơ lửng.
Cô gái tỏ ra ngạc nhiên khi Engler hỏi tên nàng. “Nàng cười lớn và nói tên nàng là Catherine. Nàng rất ngạc nhiên là tôi không hề biết đến nàng. Nàng nổi tiếng lắm. Tên nàng đã từng xuất hiện trên tất cả các báo.” Y ngừng nói, như thể đang lắng nghe.
Hai người đã đi bộ về hướng tây đến Ravenswood rồi ngược lên hướng bắc. Y cứ hỏi đi hỏi lại họ của nàng là gì, nhưng nàng chỉ nói về gia đình—rằng cha mẹ nàng đã buồn như thế nào kể từ khi vụ việc xảy ra, và rằng nàng nhớ người em gái như thế nào. Đến gần một nghĩa trang nàng dừng chân, cảm ơn y đã đưa nàng về. Rồi nàng đẩy mở cánh cổng sắt gỉ sét, biến mất vào trong bóng tối đằng sau bức tường. Y chờ một lúc, nghĩ rằng đây là một trò đùa gì đó, nhưng nàng không trở lại.
Nàng ghé quán bar vào mỗi dịp cuối tuần, nhưng nàng không để y đưa về nhà nữa. Nàng bảo nơi nàng đến rất đáng sợ, nhưng nàng có thể xoay xở một mình và nàng muốn y chỉ đi bộ cùng nàng đến nhà ga đường sắt trên cao thôi.
Engler nói, “Lần nọ nàng hỏi tôi có đọc báo viết về nàng hay chưa, và có vẻ phật ý khi tôi bảo chưa. Nhưng nàng vẫn trở lại. Khi tôi đánh đàn, nàng nhìn tôi chăm chăm bằng đôi mắt xinh đẹp ấy. Nàng biết tôi đang đánh đàn chỉ để cho nàng nghe thôi. Dẫu sao, chúng tôi hiểu nỗi cô đơn của nhau. Một đêm nọ nàng nói hôm ấy là ngày giỗ của nàng. 27 tháng Sáu. Đúng 5 năm kể từ khi tên nàng xuất hiện trên các báo.
Y tìm được câu chuyện ấy trong thư viện đại học. Ảnh của nàng chiếm hai cột báo trên trang nhất. Catherine Kirbie. Mười chín tuổi. Bị một cảnh sát viên sát hại. Viên cảnh sát—Pattan—đã chặn nàng vì tội lái xe quá tốc độ cho phép trên Đường Sheridan. Nàng đã cố trốn chạy. Súng của hắn ta vô tình phát nổ khi hắn tóm lấy nàng. Viên đạn dội vào tường của một tòa nhà rồi nẩy ngược trở lại trúng đầu nàng.
“Tôi yêu nàng, và nàng là một hồn ma,” Engler nói. “Tôi hiểu vì sao giọng nàng đôi khi văng vẳng mơ hồ và hổn hển, và tại sao gương mặt nàng, dưới ánh trăng, bừng lên một thứ ánh sáng siêu thực, như thể được đánh phấn màu ánh bạc. Nàng đã chết 5 năm rồi.” Engler nhìn tôi, mắt y nhuốm một niềm đau xót.
“Pattan bị đình chỉ công tác 30 ngày. Một tên cớm hiếu sát giết một cô gái xinh đẹp đầy sức sống mà chỉ bị đình chỉ 30 ngày. Nàng không phải là thiếu niên đầu tiên bị hắn nã đạn. Vài năm trước đó có một cậu bé, nhưng thằng bé không chết.”
Engler không nhận biết tôi đã ngừng ghi chép. Tôi không dùng được những gì y kể. Tuy nhiên, nếu tôi đã dùng để viết ra, liệu rằng luật sư của y có thể đem bài viết của tôi trình cho thống đốc tiểu bang để xin giảm án? Y có thể vẫn còn sống nếu như tôi đã viết ra những sự việc theo lời y kể.
Nhưng nếu còn sống thì cuộc sống của y sẽ ra sao? Nghề bác sỹ của y kể như chấm hết. Và y có thể đã biết rõ về hồn ma mà y yêu thương.
Tôi biết được đôi điều về Catherine Kirbie mà y không biết. “Bạt mạng” là từ thích hợp hơn “đầy sức sống” để mô tả cô ấy. Cô ta đã bỏ chạy vì bằng lái đã bị tịch thu sau quá nhiều lần vượt quá tốc độ cho phép. Cô ta là người ích kỷ và ngổ ngáo khó bảo, nhưng ở nơi cô ta toát ra một sức mê hoặc nào đó. Cha mẹ rất cưng chiều cô ta. Cô em gái, Carole, 14 tuổi lúc Catherine qua đời, chưa bao giờ nguôi ngoai được cái chết của chị mình. Anh chàng người yêu thời trung học của Catherine vẫn đều đặn hằng năm đem hoa đặt lên mộ vào dịp sinh nhật nàng.
Cô em gái cũng có sức mê hoặc tương tự khi cô ấy lớn lên. Yêu một trong những cô gái nhà Kirbie có nghĩa là yêu đến trọn đời.
“Đấy là cố sát!” y hét lên. “Pattan thoát tội cố sát chỉ vì hắn là cảnh sát.” Hai bàn tay y nắm chặt lại lần nữa. “Đôi lần nàng khóc khiến tôi tan nát cõi lòng. Tôi không muốn nghĩ đến cảnh nàng nằm trong cái nơi lạnh lẽo ấy và khổ sở đến nhường ấy.” Y đứng lên đi tới đi lui. Rồi y quay sang tôi. “Nếu là anh thì anh sẽ làm gì?”
Tôi muốn bảo y rằng y là một kẻ ngốc không ai bằng—rằng dùng đôi tay ấy để giết người là một sự phí phạm. Nhưng tôi không biết hẳn tôi sẽ làm gì nếu như cô ấy chọn tôi làm công cụ trả thù.
“Nếu là anh thì anh sẽ làm gì?” y lập lại. Tôi không trả lời được. Tôi đã yêu cô em nhà Kirbie trong thời gian diễn ra vụ xử Engler, khi mà cô em này ngồi đằng sau, đội một cái mũ rộng vành để che mái tóc nhuộm và phần lớn gương mặt. Đôi khi không biết phải làm sao mới đúng.
Tại lễ cưới, khi Carole Kirbie được hỏi nàng nghĩ gì về vụ án Darrin Engler, nàng trả lời rằng công lý đã được thực thi. Không ai rõ ý nàng muốn nói đến Engler hay Pattan. Tôi nghĩ Engler không đọc được bài báo này trên trang sinh hoạt cộng đồng. Bức ảnh cưới thì khá mờ nhòe.
Tôi thắc mắc tại sao Engler không hề nói cho ai khác biết về Catherine.
“Nếu tôi nói tôi giết Pattan vì hồn ma cô ấy nhờ tôi giết, thì hẳn người ta cho rằng tôi là kẻ điên khùng. Tôi thà chết hơn là trải đời mình trong nhà thương điên. Tôi đã làm những gì cần làm. Bây giờ tôi cũng muốn tìm sự bình an. Có lẽ bình an cùng nàng.” Khi ấy tôi mới hiểu nụ cười nhếch mép của y sau khi thẩm phán tuyên án.
Cửa phòng giam mở ra và nhân viên trực nói thời gian thăm viếng của chúng tôi đã hết. Tôi sợ Engler sẽ đưa tay phải ra cho tôi bắt. Nhưng không, tay trái y siết lấy tay phải rồi y quay đi. Đến cửa y dừng lại.
“Tôi có một vài cuộn băng—không phải thu bài ‘Sweet Laraine’, mà là những bài khác tôi thường đánh đàn, và một vài bài hát do tôi sáng tác. Tôi sẽ nhờ quản giáo chuyển cho anh.”
* * *
Tôi nghĩ y biết tôi sẽ không viết về hồn ma của y. Thay vào đó tôi đã viết những điều y đề nghị—về một người sáng tác những bài ca không lời và đã chết, mà không nói ra điều gì đã xui khiến y giết người để trả thù. Làm sao tôi có thể viết khác đi được?
Tôi không thể thú nhận rằng vợ tôi—gần giống hệt những bức ảnh của người chị, ngoại trừ màu tóc—đã xui khiến một người đàn ông giết người.
Ít nhất, tôi nghĩ chắc hẳn đó là Carole trong chiếc váy xanh mỏng manh và mặt đánh phấn màu ánh bạc. Tôi không bao giờ hỏi. Tôi chẳng hề dám mở nghe những băng nhạc của Engler khi vợ tôi ở nhà. Tôi chỉ muốn tin hồn ma của Catherine đã đòi công lý.
Tuy nhiên đôi khi, lúc nửa đêm, tôi nhớ đến hai bàn tay của Engler và rồi tôi không ngủ lại được nữa. Và trong đầu tôi, tôi đang viết một câu chuyện thật—chính là chuyện này.


No comments:

Post a Comment