NƠI NÀO CÓ DI CHÚC
Dịch giả: Vĩnh Bá
Trích từ nguyệt san 𝗘𝗟𝗟𝗘𝗥𝗬 𝗤𝗨𝗘𝗘𝗡’𝗦 𝗠𝗬𝗦𝗧𝗘𝗥𝗬 𝗠𝗔𝗚𝗔𝗭𝗜𝗡𝗘, số tháng 11, năm 1957.
[Tác giả mượn một nửa câu châm ngôn “𝑾𝒉𝒆𝒓𝒆 𝒕𝒉𝒆𝒓𝒆’𝒔 𝒂 𝒘𝒊𝒍𝒍, 𝒕𝒉𝒆𝒓𝒆’𝒔 𝒂 𝒘𝒂𝒚.” (“Nơi nào có ý chí, nơi ấy có con đường”, tương đương với tiếng Việt: “Có chí thì nên”). WILL vừa có nghĩa “ý chí”, vừa có nghĩa “di chúc”.]
--------------------
“Tôi cần gặp ông Bartman,” người đàn bà nói khẽ. Rõ ràng bà ấy không được bình tĩnh.
“Bà có hẹn trước không?” Cô Cantwell hỏi.
“Không,” người đàn bà nói, “nhưng việc này rất quan trọng.”
“Tên?” Cô Cantwell hỏi, cây bút chì chờ sẵn trên tập giấy.
Người đàn bà do dự. “Jones. Rachel Jones.”
Cô Cantwell nhún vai. “Luật sư đang ở tòa án. Hoặc có thể đang trên đường về, trừ phi ông ấy ghé đâu đó ăn trưa. Luật sư có thể dành cho bà một vài phút giữa các cuộc hẹn buổi chiều.”
“Rất cảm ơn cô,” người đàn bà nói, vẻ nhẹ nhõm. “Tôi có thể. . .” Bà ta nhìn quanh căn phòng lễ tân chật hẹp để tìm ghế ngồi nhưng chỉ có hai ghế, cả hai đều ở đằng sau khoảng diện tích nhỏ ngăn lại bằng lan can sắt. Cô Cantwell ngồi một ghế và chiếm ghế kia là Bà Epperson, mỗi tháng ghé lại một lần để kiểm toán sổ sách cho một người làm nghề môi giới diễn viên với bầu sô, dùng chung văn phòng với ông Bartman.
“Trong kia,” Cô Cantwell nói, ra dấu về phía một trong hai văn phòng ngăn lại bằng kính phía sau phòng lễ tân. “Bà có thể vào đợi trong văn phòng luật sư. Bà cứ vào ngồi trong đó.”
“Này,” Bà Epperson từ bên bàn của mình nhoài người sang. “Không rõ bà ấy gặp rắc rối gì. Tại sao lại cần đến luật sư?”
“Nhìn bà ấy là thấy tiền,” Cô Cantwell nói. “Những người có tiền thường gặp lắm rắc rối.”
“Tôi thì mong được rắc rối như thế,” Bà Epperson nói.
* * *
Sau khi Lydia Peacock đã đóng lại cánh cửa kính mờ sau lưng mình, bà càng mất bình tĩnh hơn nữa. “Đáng lý ra Jerry nên đích thân đến,” bà nghĩ thầm. “Việc này của ông ấy mới đúng.”
Khi ngồi xuống, bà để cho đầu óc nghĩ ngợi lan man. Tốt hơn đừng nghĩ đến những việc sắp phải làm. Mấy ngày qua có quá nhiều chuyện để nghĩ đến—nào là những bức điện tín, những người bà con, các bữa ăn tối . . . đám tang bố chồng, cái lão già ương bướng tồi tệ . . . Ông lão đã không thích bà ngay từ đầu.
Bà liếc nhìn những cuốn sách luật xếp thành hàng trên tường. Làm luật sư có khó không, bà tự hỏi—có khó như làm doanh nhân như Jerry, hay một bác sỹ như Alfred anh trai của bà? Liệu có sai trái để làm cái việc bà sắp làm? Liệu có phi pháp, phi đạo đức . . .?
Không, bà biện minh, chẳng qua là để bảo đảm những gì nên xảy ra cần phải xảy ra.
Cửa mở ra và một người đàn ông bước vào. Bà đứng bật dậy.
“Thưa ông Bartman,” bà bắt đầu, “tôi là Lydia Peacock.”
Ông này trẻ hơn bà đã tưởng tượng. Ông ta ăn mặc tươm tất, gần như là chải chuốt, may bằng vải fla-nen màu xám và không hút loại xì-gà điếu dài như thói thường, mặc dù trong tay ông ta là một cái cặp đúng như thói thường.
“Tôi xin lỗi đã đường đột vào đây,” bà xin lỗi. “Tôi biết chúng ta không có nhiều thì giờ, nhưng việc tôi muốn thảo luận là việc có thể . . . có thể làm lợi cho ông.” Bà tỏ ra lúng túng khi nói những lời này.
Người đàn ông ngồi xuống.
“Bố chồng tôi mất cách đây ba hôm. Chắc chắn ông đã đọc tin trên báo.” Ông luật sư này không thể nào không thấy những cái cáo phó về H. D. Peacock—“có lẽ là thương nhân tiên phong đặc sắc nhất của thành phố,” các báo đã mô tả ông cụ như thế.
“Vâng,” ông ta nói.
“Chúng tôi biết,” bà chậm rãi nói tiếp, “về cái di chúc mới hơn. Chúng tôi biết cách đây gần một năm, trước khi qua đời, bố chồng tôi đã nhờ ông thảo một di chúc mới nêu tên một hội từ thiện nào đó như là người thụ hưởng—một di chúc mới thay thế di chúc cũ, mà di chúc cũ này để lại tất cả cho chồng tôi.”
Bà nhìn thẳng mặt ông ta. Ông ta có thể đoán biết, dĩ nhiên, những gì bà sắp nói ra. Nhưng ông ta sẽ phản ứng ra sao? Như một đặc trưng nghề nghiệp, vẻ mặt của ông ta không biểu lộ một cảm xúc gì.
“Lý do bố chồng tôi làm thế là do ông tưởng tượng ông bị coi thường, vì ông cảm thấy rằng ông bị phớt lờ khi chồng tôi làm một số thay đổi rất cần thiết cho cửa hàng.” Bà không nhắc đến những thay đổi ấy đã tước đoạt chút quyền kiểm soát cuối cùng của ông bố chồng đối với công việc kinh doanh.
“Thưa ông Bartman,” bà tiếp tục, “di chúc ấy không công bằng và sẽ không có giá trị ở tòa án. Mặc dù có lẽ ông đã không chứng kiến, Stella và Tom—cặp vợ chồng, chắc ông nhớ, đã sống cùng ông cụ và làm chứng cho di chúc—hai người này biết rằng ông cụ đã không còn ‘tỉnh’. Dĩ nhiên, họ cho chúng tôi biết ngay sự việc này, nhưng đã quá muộn không thể dung hòa được nữa.
“Nếu di chúc này được đưa ra, thì nó sẽ làm dấy lên tranh chấp, và ông cũng biết điều này có nghĩa là gì, thưa ông Bartman. Có nghĩa là hai, ba, hay thậm chí năm năm trước khi xác lập được ai sẽ là người thụ hưởng hợp pháp số bất động sản. Cũng có nghĩa là một cuộc tranh chấp dai dẳng và không đem lại lợi lộc gì cho cái hội từ thiện hiện đang là người thụ hưởng. Tôi biết, thưa ông Bartman, rằng những người làm chứng cho di chúc này sẽ sẵn sàng khai rằng bố chồng tôi lúc đó đang trải qua tình trạng lão suy rất trầm trọng khiến ông cụ không thể nào tự mình xử lý công việc—thậm chí không thể, đúng thế, tự mặc quần áo hoặc không nhớ chuyện này chuyện kia, hoặc tên tuổi mặt mày của người này người nọ.”
“Hồi nãy bà có nói gì gì đó về chuyện việc này . . . có lợi.”
Có lẽ, bà nghĩ thầm, mọi sự sẽ êm xuôi như Jerry đã tiên đoán. Ông luật sư đang tỏ ra quan tâm vì bà đã cho ông ta biết lập trường của hai người làm chứng. Đó chính là việc mà ông ta lo ngại nhất.
“Thưa ông Bartman, tôi thắc mắc không rõ ông có nhận thấy cái di chúc mới không những vô giá trị mà còn phi đạo đức nữa. Chẳng phải chuyện số tiền hoặc bất động sản—chúng tôi đã có cả rồi. Chỉ là, phần bất động sản, một căn nhà và các món sở hữu mà ông nhà tôi nhớ rõ từ hồi còn bé và luôn luôn được để lại cho người con trưởng, hiện đang bị ách lại vì cơn bốc đồng lúc sức tàn lực kiệt của một ông lão.” Ồ, không, chẳng phải số tiền 250.000 đô-la ấy—chỉ thuần chuyện tình cảm thôi.
“Thực tế là,” bà nói, nhìn thẳng vào mắt ông ta, “cái mong muốn thực sự của ông cụ là chúng tôi thừa kế tất cả.”
“Thế ư?”
Bà nín thở một lát. “Chúng tôi nhận ra rằng ông đã hoàn tất một dịch vụ cho bố chồng tôi và rằng khi giúp chúng tôi ông sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết khối bất động sản của ông cụ theo đúng cách mà hẳn ông cụ thật sự mong muốn. Chúng tôi sẵn sàng trả thù lao cho mọi dịch vụ của ông.”
Bà lấy từ trong ví tay ra một phong bì trao cho ông ta.
Ông ta đưa tay ra do dự cầm lấy. Rồi ông ta mở cái phong bì không dán kín, lôi số tiền ra. Ông ta nhìn chăm chăm số tiền trong tay, nhưng không đếm, và trong một phút chốc hồi hộp, bà lo sợ mọi sự sẽ kết thúc.
“Chỗ ấy là mười ngàn đô-la,” bà nói khẽ, “gồm toàn giấy bạc 100 đô-la.”
“Thôi được,” ông ta nói vẻ tư lự, ngẩng mặt nhìn cái cửa sổ, không nhìn bà. “Thôi được.”
Ông ta đã chịu nhận tiền. Jerry đã nói đúng. Nhưng còn một việc nữa.
“Thưa ông Bartman,” bà nói, bây giờ đã vững tâm hơn. “Cho chúng tôi nhận cái di chúc ấy.”
“Ồ, vâng,” ông ta nói, “cái di chúc. Xin chờ tôi một lát.” Ông ta đứng lên đi ra cửa, cẩn thận đóng cửa lại.
Jerry đã nói đúng, bà nghĩ thầm. Họ đều giống nhau cả—có tiền là được tất.
“Ủa,” cô Cantwell nói khi nhìn thấy ông ta bước ra khỏi văn phòng, trở lại phòng lễ tân. “Ông về sớm thế sao? Có lẽ luật sư sắp về thôi. Ông ấy chỉ ghé quán ăn trên đường về.”
“Không sao cả,” người đàn ông nói. “Tôi không chờ nữa.” Y nháy mắt với bà Epperson rồi đi ra.
“Hồi nãy y nói y chào bán món gì nhỉ?” bà Epperson hỏi.
“Tôi quên rồi,” cô Cantwell trả lời. “Cà-vạt hay thiệp chúc mừng hay gì gì đó.”
“Cái bọn chào hàng ấy,” bà Epperson nói. “Cô có thấy cái kiểu y nháy mắt với tôi không? Thực hỗn xược!”
No comments:
Post a Comment