Saturday, July 30, 2022

𝗦𝗧𝗥𝗔𝗡𝗚𝗟𝗘𝗥'𝗦 𝗛𝗔𝗡𝗗𝗦 - Marion M. Markham

BÀN TAY KẺ SIẾT CỔ

Trích từ tạp chí 𝗛𝗜𝗧𝗖𝗛𝗖𝗢𝗖𝗞’𝗦 𝗠𝗬𝗦𝗧𝗘𝗥𝗬 𝗠𝗔𝗚𝗔𝗭𝗜𝗡𝗘, số tháng Giêng, 1979, nxb Dell, NY. 1979.
Dịch giả: Vĩnh Bá





Trước khi tôi trở thành một biên tập viên, tôi là một nhà báo gạo cội chuyên viết về các trọng án—chuyên tâm truyền tải công lý và sự thật. Tôi tin tưởng vào thứ ngôn ngữ báo chí khuôn sáo. Cho đến khi tôi tường thuật vụ án Engler.
Đôi khi, nửa đêm thanh vắng khi ánh trăng rằm chiếu qua cửa sổ phòng ngủ, tôi nằm thao thức suy nghĩ về y. Muộn quá rồi không thể công bố câu chuyện được nữa. Darrin Engler đã chết, bị hành quyết vì đã sát hại sĩ quan cảnh sát Bernard Pattan. Nói thế cũng đủ để biết chuyện xảy ra đã lâu rồi. Đã nhiều năm không còn ai bị tử hình. Quả thực, Engler là kẻ sát nhân cuối cùng bị lên ghế điện trong tiểu bang này.
Y có những ngón tay thuôn dài duỗi ra nắm vào theo kiểu làm dáng của các ca sỹ trên sân khấu. Thậm chí khi làm cái động tác bối rối ấy, những ngón tay vẫn trông rất duyên dáng—những ngón tay của một nhạc sỹ piano hay của một bác sỹ phẫu thuật. Hoặc một kẻ siết cổ. Cuộc đời Engler đã có thể đi theo một trong hai hướng này.
Y chơi đàn piano tại một quán bar trên đường Argyle Street để trang trải học phí những năm học y khoa. Tôi có nghe y trình diễn đôi ba lần và y chơi đàn hay thật, quá hay lẽ ra không nên phí tài năng ở một nơi như thế.
Khi đánh đàn, y như chìm vào một giấc mộng, một thế giới xa xăm lãng mạn mà tôi chỉ loáng thoáng thấy. Tôi chỉ có thể cảm nhận thế giới ấy, một nơi chốn sâu thẳm trong nội tâm, mà từ đó âm nhạc của y thoát ra. Y có đủ tài năng để trình diễn trên sân khấu, nhưng y đã chuyển đôi tay tuyệt vời ấy sang ngành y. Vâng, có hai con đường mở ra cho y, thế mà y đã đi sai đường. Có ai biết tại sao một người có thể tạo ra thứ âm nhạc tuyệt vời như thế và có một tương lai rạng rỡ như một bác sỹ phẫu thuật lại trở thành một kẻ siết cổ giết người?
Nhưng tôi muốn biết. Tường thuật vụ án giết người của y là nhiệm vụ đầu tiên tòa soạn giao cho tôi, và vài năm sau tôi đã viết về vụ hành quyết. Đấy là một bài báo hay—chứa đầy những lời lẽ đạo đức hoa mỹ về một người trẻ tuổi có đôi tay vàng đi lầm đường lạc lối—nhưng chưa đủ hay như đúng ra nó phải thế. Tôi đã không viết rằng cái cơn xung động lãng mạn mà đã khiến âm nhạc của y đáng nhớ cũng chính là cơn xung động đã xui y giết người.
* * *
Tôi đã tìm cách gặp mặt Engler suốt nhiều tháng. Cuối cùng, một ngày trước cuộc hành quyết, tôi nhận điện thoại từ vị luật sư của y do tòa chỉ định. Engler bằng lòng gặp tôi.
Viên luật sư hy vọng tôi có thể tìm ra câu chuyện thật, mà ông có thể trình lên cho thống đốc để xin giảm án cho y vào phút chót. Cũng như tôi, viên luật sư không hề tin rằng một kẻ mà những ngón tay điêu luyện có thể tạo ra thứ âm nhạc như thế lại có thể dùng chúng để giết người.
Engler gặp tôi trong phòng thăm phạm nhân nhỏ hẹp của nhà tù. Bàn tay y nắm lại rồi duỗi ra một cách bất giác.
Tôi nói, “Đây là cơ hội cuối cùng để anh kể hết những gì đã thực sự xảy ra.”
Y có vẻ không nghe tôi nói gì.
Tôi bàng hoàng khi thấy y đã già đi như thế nào. Tôi vẫn nhớ mái tóc vàng hung của y trông ra sao dưới bóng đèn chiếu duy nhất đằng sau cái quầy tối. Trong phòng xử án tôi chỉ nhìn thấy phía sau đầu y hoặc vẻ mặt nhìn nghiêng khi y ngẩng đầu lên khỏi đôi tay. Chỉ khi y được giải đi sau lời tuyên án tôi mới thấy cái nhếch mép đã khiến tôi nghĩ y đang cười nhạo tất cả chúng tôi. Nay ở trong tù, cái kiểu nhếch mép ấy đã biến mất và cái óng ánh của mái tóc cũng không còn. Ba năm chờ đợi trong khu biệt giam tử tù có thể làm một người già sọm đi.
Tôi nói, “Anh muốn được người ta nhớ đến như thế này hay sao? Kể cho tôi nghe câu chuyện của anh—câu chuyện thực, chứ không phải như nội dung lời thú tội.” Y vẫn xoắn hai bàn tay lại với nhau. Tôi muốn thét lên—để bắt y đừng xoắn hai bàn tay nữa mà hãy nhìn tôi. “Tôi đã nghe anh đánh piano. Anh chơi bài ‘Sweet Lorraine’ và một số bài hát khác mà tôi không biết. Tôi vẫn luôn nghĩ những bài ấy là sáng tác của anh.”
Bấy giờ y mới nhìn tôi. Đôi mắt y trông còn già hơn phần còn lại của gương mặt.
“Những bài ấy do tôi sáng tác, đa số. Những bài ca không lời, không tên.” Y nhếch mép. “Ông có thể viết thành chuyện như thế. Một người viết những bài ca không lời, đón nhận cái chết không cần giải thích.”
“Không bài nào có lời cả hay sao?”
“Ban đầu thì không. Rồi cô ấy bước vào quán bar, và tất cả lời bài hát đều nói về cô ấy.”
“Cô ấy?”
“Cô ấy đang mặc một cái váy màu xanh nhạt. Tôi chưa từng thấy nàng mặc gì ngoài cái váy xanh mỏng manh ấy. Nàng bảo tôi xanh là màu nàng ưa thích. Màu này tương phản rất gắt với mái tóc đen của nàng.
“Nàng luôn ngồi ở cái bàn nhỏ gần quầy bar, gọi những món uống mà nàng không hề đụng tới. Như thể nàng đang thuê một chỗ ngồi. Nàng không hề nhấp ngụm nào. Khi ấy tôi không biết nàng không thể uống được.”
Không phải Engler đang nói với tôi. Thậm chí y cũng không để ý rằng tôi đang ghi chép. Y đang hồi tưởng và đôi mắt bất an của y không nhìn thấy tôi nữa.
“Đa số các cô gái vào quán bar để tìm người trò chuyện. Nàng không hề trò chuyện với ai. Tôi cảm thấy nàng chỉ muốn có mặt nơi đông người. Có vẻ như nàng đang cô đơn và không biết phải làm gì với nỗi cô đơn của mình. Tôi đã không thể hiểu được một cô gái xinh đẹp nhường ấy lại có thể cô đơn, nhưng tôi hiểu cảm giác là thế nào khi không bao giờ có thể dễ dàng chuyện trò với người khác. Tôi đã từng như thế. Cho đến khi tôi gặp nàng.”
Lắng nghe y, tôi nghĩ rằng cô gái ấy hẳn là rất đặc biệt. Có cái gì đó, gần như là một sự kính cẩn trong giọng nói của y, mà nói lên được nhiều điều hơn ngôn từ.
Một thứ Bảy nọ, khi y rời khỏi chỗ làm, cô gái đang chờ bên ngoài quán bar. “Không phải chờ tôi,” y nói. “Chỉ là tôi tình cờ đi ra và thấy nàng đứng đó, có vẻ như không biết phải đi đâu về đâu.”
Y mời nàng uống cà-phê, nhưng cô gái nói cô thích đi dạo hơn. Dưới ánh trăng rằm, chiếc váy xanh của nàng trông gần như màu trắng, và bước chân nhẹ nhàng đến độ trông nàng như đang trôi lơ lửng.
Cô gái tỏ ra ngạc nhiên khi Engler hỏi tên nàng. “Nàng cười lớn và nói tên nàng là Catherine. Nàng rất ngạc nhiên là tôi không hề biết đến nàng. Nàng nổi tiếng lắm. Tên nàng đã từng xuất hiện trên tất cả các báo.” Y ngừng nói, như thể đang lắng nghe.
Hai người đã đi bộ về hướng tây đến Ravenswood rồi ngược lên hướng bắc. Y cứ hỏi đi hỏi lại họ của nàng là gì, nhưng nàng chỉ nói về gia đình—rằng cha mẹ nàng đã buồn như thế nào kể từ khi vụ việc xảy ra, và rằng nàng nhớ người em gái như thế nào. Đến gần một nghĩa trang nàng dừng chân, cảm ơn y đã đưa nàng về. Rồi nàng đẩy mở cánh cổng sắt gỉ sét, biến mất vào trong bóng tối đằng sau bức tường. Y chờ một lúc, nghĩ rằng đây là một trò đùa gì đó, nhưng nàng không trở lại.
Nàng ghé quán bar vào mỗi dịp cuối tuần, nhưng nàng không để y đưa về nhà nữa. Nàng bảo nơi nàng đến rất đáng sợ, nhưng nàng có thể xoay xở một mình và nàng muốn y chỉ đi bộ cùng nàng đến nhà ga đường sắt trên cao thôi.
Engler nói, “Lần nọ nàng hỏi tôi có đọc báo viết về nàng hay chưa, và có vẻ phật ý khi tôi bảo chưa. Nhưng nàng vẫn trở lại. Khi tôi đánh đàn, nàng nhìn tôi chăm chăm bằng đôi mắt xinh đẹp ấy. Nàng biết tôi đang đánh đàn chỉ để cho nàng nghe thôi. Dẫu sao, chúng tôi hiểu nỗi cô đơn của nhau. Một đêm nọ nàng nói hôm ấy là ngày giỗ của nàng. 27 tháng Sáu. Đúng 5 năm kể từ khi tên nàng xuất hiện trên các báo.
Y tìm được câu chuyện ấy trong thư viện đại học. Ảnh của nàng chiếm hai cột báo trên trang nhất. Catherine Kirbie. Mười chín tuổi. Bị một cảnh sát viên sát hại. Viên cảnh sát—Pattan—đã chặn nàng vì tội lái xe quá tốc độ cho phép trên Đường Sheridan. Nàng đã cố trốn chạy. Súng của hắn ta vô tình phát nổ khi hắn tóm lấy nàng. Viên đạn dội vào tường của một tòa nhà rồi nẩy ngược trở lại trúng đầu nàng.
“Tôi yêu nàng, và nàng là một hồn ma,” Engler nói. “Tôi hiểu vì sao giọng nàng đôi khi văng vẳng mơ hồ và hổn hển, và tại sao gương mặt nàng, dưới ánh trăng, bừng lên một thứ ánh sáng siêu thực, như thể được đánh phấn màu ánh bạc. Nàng đã chết 5 năm rồi.” Engler nhìn tôi, mắt y nhuốm một niềm đau xót.
“Pattan bị đình chỉ công tác 30 ngày. Một tên cớm hiếu sát giết một cô gái xinh đẹp đầy sức sống mà chỉ bị đình chỉ 30 ngày. Nàng không phải là thiếu niên đầu tiên bị hắn nã đạn. Vài năm trước đó có một cậu bé, nhưng thằng bé không chết.”
Engler không nhận biết tôi đã ngừng ghi chép. Tôi không dùng được những gì y kể. Tuy nhiên, nếu tôi đã dùng để viết ra, liệu rằng luật sư của y có thể đem bài viết của tôi trình cho thống đốc tiểu bang để xin giảm án? Y có thể vẫn còn sống nếu như tôi đã viết ra những sự việc theo lời y kể.
Nhưng nếu còn sống thì cuộc sống của y sẽ ra sao? Nghề bác sỹ của y kể như chấm hết. Và y có thể đã biết rõ về hồn ma mà y yêu thương.
Tôi biết được đôi điều về Catherine Kirbie mà y không biết. “Bạt mạng” là từ thích hợp hơn “đầy sức sống” để mô tả cô ấy. Cô ta đã bỏ chạy vì bằng lái đã bị tịch thu sau quá nhiều lần vượt quá tốc độ cho phép. Cô ta là người ích kỷ và ngổ ngáo khó bảo, nhưng ở nơi cô ta toát ra một sức mê hoặc nào đó. Cha mẹ rất cưng chiều cô ta. Cô em gái, Carole, 14 tuổi lúc Catherine qua đời, chưa bao giờ nguôi ngoai được cái chết của chị mình. Anh chàng người yêu thời trung học của Catherine vẫn đều đặn hằng năm đem hoa đặt lên mộ vào dịp sinh nhật nàng.
Cô em gái cũng có sức mê hoặc tương tự khi cô ấy lớn lên. Yêu một trong những cô gái nhà Kirbie có nghĩa là yêu đến trọn đời.
“Đấy là cố sát!” y hét lên. “Pattan thoát tội cố sát chỉ vì hắn là cảnh sát.” Hai bàn tay y nắm chặt lại lần nữa. “Đôi lần nàng khóc khiến tôi tan nát cõi lòng. Tôi không muốn nghĩ đến cảnh nàng nằm trong cái nơi lạnh lẽo ấy và khổ sở đến nhường ấy.” Y đứng lên đi tới đi lui. Rồi y quay sang tôi. “Nếu là anh thì anh sẽ làm gì?”
Tôi muốn bảo y rằng y là một kẻ ngốc không ai bằng—rằng dùng đôi tay ấy để giết người là một sự phí phạm. Nhưng tôi không biết hẳn tôi sẽ làm gì nếu như cô ấy chọn tôi làm công cụ trả thù.
“Nếu là anh thì anh sẽ làm gì?” y lập lại. Tôi không trả lời được. Tôi đã yêu cô em nhà Kirbie trong thời gian diễn ra vụ xử Engler, khi mà cô em này ngồi đằng sau, đội một cái mũ rộng vành để che mái tóc nhuộm và phần lớn gương mặt. Đôi khi không biết phải làm sao mới đúng.
Tại lễ cưới, khi Carole Kirbie được hỏi nàng nghĩ gì về vụ án Darrin Engler, nàng trả lời rằng công lý đã được thực thi. Không ai rõ ý nàng muốn nói đến Engler hay Pattan. Tôi nghĩ Engler không đọc được bài báo này trên trang sinh hoạt cộng đồng. Bức ảnh cưới thì khá mờ nhòe.
Tôi thắc mắc tại sao Engler không hề nói cho ai khác biết về Catherine.
“Nếu tôi nói tôi giết Pattan vì hồn ma cô ấy nhờ tôi giết, thì hẳn người ta cho rằng tôi là kẻ điên khùng. Tôi thà chết hơn là trải đời mình trong nhà thương điên. Tôi đã làm những gì cần làm. Bây giờ tôi cũng muốn tìm sự bình an. Có lẽ bình an cùng nàng.” Khi ấy tôi mới hiểu nụ cười nhếch mép của y sau khi thẩm phán tuyên án.
Cửa phòng giam mở ra và nhân viên trực nói thời gian thăm viếng của chúng tôi đã hết. Tôi sợ Engler sẽ đưa tay phải ra cho tôi bắt. Nhưng không, tay trái y siết lấy tay phải rồi y quay đi. Đến cửa y dừng lại.
“Tôi có một vài cuộn băng—không phải thu bài ‘Sweet Laraine’, mà là những bài khác tôi thường đánh đàn, và một vài bài hát do tôi sáng tác. Tôi sẽ nhờ quản giáo chuyển cho anh.”
* * *
Tôi nghĩ y biết tôi sẽ không viết về hồn ma của y. Thay vào đó tôi đã viết những điều y đề nghị—về một người sáng tác những bài ca không lời và đã chết, mà không nói ra điều gì đã xui khiến y giết người để trả thù. Làm sao tôi có thể viết khác đi được?
Tôi không thể thú nhận rằng vợ tôi—gần giống hệt những bức ảnh của người chị, ngoại trừ màu tóc—đã xui khiến một người đàn ông giết người.
Ít nhất, tôi nghĩ chắc hẳn đó là Carole trong chiếc váy xanh mỏng manh và mặt đánh phấn màu ánh bạc. Tôi không bao giờ hỏi. Tôi chẳng hề dám mở nghe những băng nhạc của Engler khi vợ tôi ở nhà. Tôi chỉ muốn tin hồn ma của Catherine đã đòi công lý.
Tuy nhiên đôi khi, lúc nửa đêm, tôi nhớ đến hai bàn tay của Engler và rồi tôi không ngủ lại được nữa. Và trong đầu tôi, tôi đang viết một câu chuyện thật—chính là chuyện này.


Friday, July 22, 2022

𝗔 𝗖𝗛𝗔𝗡𝗚𝗘𝗗 𝗠𝗔𝗡 - Patrick Scaffetti

MỘT NGƯỜI ĐÃ THAY ĐỔI 



Trích từ tạp chí 𝗔𝗟𝗙𝗥𝗘𝗗 𝗛𝗜𝗧𝗖𝗛𝗖𝗢𝗖𝗞’𝗦 𝗠𝗬𝗦𝗧𝗘𝗥𝗬 𝗠𝗔𝗚𝗔𝗭𝗜𝗡𝗘 số tháng Tám, năm 1978.

Dịch giả: Vĩnh Bá

--------------
Hạ sỹ cảnh sát John Trask, hết phiên trực, dừng lại trước ngôi nhà của người hàng xóm, quan sát cái thảm cỏ luộm thuộm lác đác vài hoa bồ công anh, ô kính cửa sổ còn vệt dơ, và những tờ rơi quảng cáo vương vãi trên hàng hiên. Anh thấy chiếc xe Chrysler màu lục vấy bẩn đỗ trên lối xe ra vào và một dãy thùng rác đầy ắp xếp dọc theo hàng rào. Buồn bã, Trask lắc đầu, ngạc nhiên thấy nỗi đau khổ làm biến đổi một người như thế nào.
Stan Shields đã từng chăm sóc thảm cỏ và khu nhà của y rất kỹ lưỡng đến độ những người hàng xóm trong khu dân cư phải cảm thấy xấu hổ. Trong khi những người kia chỉ làm công việc bảo dưỡng ở mức tối thiểu vào dịp cuối tuần, thì Stan bò quanh thảm cỏ, tay cầm sẵn bay và kềm cắt, giẫy cỏ, cắt tỉa cây. Y sơn trắng những đường viền cửa mỗi mùa xuân và rửa chiếc xe khi nó đã sáng bóng rồi. Các bà vợ trong khu dân cư này thường đem Stan Shields ra làm gương cho các ông chồng lười việc.
Mọi sự quả thực đã thay đổi, Trask nghĩ thầm. Anh không còn thấy Stan làm việc bên ngoài nhà kể từ khi kẻ lái xe đâm người rồi bỏ chạy khiến Norma, vợ của Stan, thiệt mạng cách đây 3 tháng. Sau bi kịch này, Trask và vài người hàng xóm cố kéo Stan ra khỏi cơn đau khổ của y, nhưng y không muốn dự phần vào những đề nghị ân cần ấy. Y nhã nhặn nhưng kiên quyết nói rằng y chỉ muốn một mình ôm nỗi đau buồn, và rồi y trở thành một kẻ sống ẩn dật đúng nghĩa.
Nhưng ai trách cứ được con người tội nghiệp này? Trask tự hỏi. Stan và Norma lấy nhau đã hơn 20 năm. Không con cái, họ gắn bó với nhau theo một cách đặc biệt.
Trask tần ngần thêm một lát, rồi quyết định rằng điều anh sắp làm có thể bị cấp trên khiển trách, nhưng phép cư xử đúng đắn buộc anh phải làm tới. Anh hít vào thật sâu, sải bước theo lối đi đằng trước nhà, rồi bấm chuông.
Không ai trả lời. Viên cảnh sát nhấn chuông lần nữa, và cửa bật mở. Trask hấp háy mắt nhìn người đàn ông đứng trong bóng tối nhờ nhờ đằng sau lớp cửa lưới, tự hỏi có phải đây là Stan Shields, người hàng xóm sát bên nhà suốt 13 năm qua.
“Chào John,” chủ nhà nói. “Anh khỏe chứ?”
Sự thay đổi nơi khu nhà của người hàng xóm này đã không chuẩn bị tinh thần để cho Trask đón nhận sự thay đổi nơi chính Stan Shields. Đã từng là người ăn mặc chải chuốt, người đàn ông trước mặt anh đang mặc một cái quần rộng thùng thình dơ dáy và một cái áo phông bẩn thỉu. Một đầu tóc bạc bù rối, và mảng râu không cạo làm sẫm màu da ở phần dưới gương mặt.
“Tôi vẫn ổn, Stan ạ,” Trask nói. “Còn ông thì sao? Dạo gần đây tôi ít gặp ông.”
“Tôi cũng ổn. Anh cần tôi giúp gì không?”
“Tôi muốn nói chuyện với ông một lát. Tôi vào được chứ?”
Stan nhún vai. “Được chứ, sao lại không?” Y mở rộng tấm cửa lưới cho Trask bước vào.
Khi anh bước vào phòng khách, Trask cố giữ vẻ mặt tỉnh bơ nhưng anh cảm thấy sốc trước sự đổi thay. Norma Shields đã từng giữ một ngôi nhà sạch bóng. Trước đây khi Trask có dịp đến nhà, những món nội thất thì sáng bóng và không một cái gối dựa hay món đồ trang trí nào để lệch chỗ. Căn nhà hồi ấy gần như mang vẻ không có người ở. Giờ đây nó có vẻ như đang bị một bầy đàn man rợ chiếm đóng.
Áo quần bẩn, báo chí, những vỏ lon bia vương vãi khắp nơi. Thảm trải nhà ố bẩn và đầy vụn bánh mì. Mạng nhện rủ xuống từ trần nhà. Một trận bóng đá náo nhiệt đang phát từ cái Ti-vi trong góc nhà.
Stan vặn nhỏ bớt âm thanh. “Anh ngồi đi,” y nói, lùa một chồng báo trên ghế xuống sàn nhà. “Uống bia nhé?”
“Không, cảm ơn ông.” Trask không nhớ có lần nào thấy người hàng xóm này uống gì khác hơn một lon Cô-ca.
Stan ngồi phịch xuống ghế sofa và gác một chân lên mấy cái gối tựa. “Thế anh muốn nói chuyện gì?” y hỏi.
“Sáng nay chúng tôi đã bắt được tên lái xe tông chết Norma,” Trask nói ngay không cần rào đón.
Stan nhướng mày, lộ vẻ ngạc nhiên. “Đã bắt được hắn,” y hạ giọng.
Viên cảnh sát gật đầu. “Hắn chưa nhận tội, nhưng không nghi ngờ gì nữa. Một tên côn đồ 23 tuổi. Hắn đã từng có khá nhiều tiền án. Xe của hắn có kiểu dáng và màu sắc đúng như mô tả của các nhân chứng, và cản trước bị lõm vào. Tên này không có bằng chứng ngoại phạm cho đêm ấy. Hắn đã li dị và sống một mình. Chúng tôi có được manh mối từ hàng xóm sống cạnh nhà hắn. Hắn giấu xe trong ga-ra suốt 3 tháng qua. Hắn không dám đem xe đi sửa cản trước.”
“Hiện hắn ở đâu?”
Trask thở dài tỏ vẻ chán ngán. “Tôi không muốn nói ra chuyện này, Stan ạ. Nhưng hắn hiện được tại ngoại sau khi đóng tiền thế chân. Như thế cũng công bằng cho ông. Hắn đã có một luật sư sắc sảo, và hắn sẽ được tự do cho đến ngày xử án. Nhưng ông đừng lo—hắn không thoát tội được đâu. Thoát sao được với bằng chứng chúng tôi hiện có.”
“Hắn tên gì?”
“Stan này, về mặt kỹ thuật lẽ ra tôi không nên cho ông biết chúng tôi đã tóm được hắn, nhưng tôi biết ông đã đau khổ như thế nào kể từ sau—” Trask cố tìm từ thích hợp “—tai nạn. Tôi nghĩ biết được thủ phạm đã bị tóm sẽ giúp ông lấy lại cuộc sống thăng bằng. Nhưng cứ để những việc còn lại cho luật pháp. Quan trọng gì một cái tên?”
“Vì tò mò thôi, John à, cho tôi biết tên hắn.” Giọng của Stan không lộ chút cảm xúc nào.
“Ôi, thôi cũng được. Chẳng bao lâu nữa tên hắn cũng lên báo. Hắn là Sam Lavis. Hắn sống trên miệt Dexter.”
“Và hắn được tại ngoại bằng tiền thế chân?”
“Chỉ đến ngày ra tòa thôi. Tôi cam đoan với ông thế nào hắn cũng vào tù.”
Stan nhấc lon bia lên khỏi tay dựa của đi-văng, đưa lên môi, ngửa cổ, nốc ừng ực. Y dùng lòng bàn tay quẹt qua môi rồi nói, “Cảm ơn, John. Tôi rất cảm kích sự thành thật của anh. Biết tên lái xe ấy đã bị bắt khiến tôi cảm thấy dễ chịu trong lòng hơn.”
“Tôi cũng nghĩ thế,” Trask nói. “Chính vì thế mà tôi đến cho ông hay. Chuyện như thế có thể khiến người ta mãi day dứt khôn nguôi.”
Stan nhìn chăm chú cái vỏ lon bia trong tay và gật đầu.
“Tôi biết ông đã phải chịu đựng cái mất mát quá lớn này, Stan, và tôi không thể trách ông được. Nhưng đến lúc nào đó ông phải bình tâm lại để sống tiếp. Ông vẫn còn trẻ. Ông nên nghĩ đến việc đi làm trở lại và ra ngoài nhiều hơn. Nhớ cho, Marge và tôi ở ngay bên cạnh nhỡ khi nào ông cần chúng tôi giúp gì đó.”
“Đương nhiên. Và cảm ơn lần nữa, John.”
* * *
Ngay sau khi John ra về, Stan tắt Ti-vi. Cái áp lực cũ vỗ đập từng nhịp nay đang bóp chặt lấy đầu y như thể hai thanh sắt đang đâm xuyên qua thái dương. Suốt mấy tháng qua, y hầu như đã quên cái cảm giác này, nhưng nay nó tái phát thật dữ dội. Y ngã vật xuống đi-văng, nhắm mắt lại.
Nhưng vừa bước vào cái bóng tối riêng tư của y thì cảnh tượng quen thuộc tái hiện trong đầu y rất sinh động. Y nhìn Norma từ trong siêu thị đi ra với chỉ một gói hàng mua sắm ôm trước ngực. Luôn luôn là một người cẩn trọng, bà dừng ở mép lề đường, xem chừng xe cộ ở cả hai hướng, rồi bước xuống đường. Một tiếng động cơ gầm lên. Giật mình, bà nhìn sang phải, rồi khựng lại vì kinh hoàng. Một chiếc xe màu beige lao tới, hất bà lên cao đến mấy feet, rồi vụt chạy mất, để lại bà dập nát và đổ máu trên vỉa hè. Dầu đánh bóng đồ gỗ, nước hoa khử mùi không khí, và bột giặt vương vãi quanh người bà.
Nằm trên đi-văng, tim đập thình thịch và trán toát những giọt mồ hôi lóng lánh, Stan biết rằng y sẽ phải làm gì đó, nếu không y sẽ không bao giờ có thể sống với chính mình. Ý tưởng này khiến y lợm giọng, nhưng không tránh vào đâu được. Quá nhiều điều đang rơi vào thế nguy. Y sẽ phải hành động trước khi luật pháp kêu đòi công lý của chính nó.
Y ngồi dậy khỏi đi-văng, cố lờ đi những triệu chứng của mối lo âu, rồi đi theo hành lang đến phòng ngủ. Y kéo cái hộc dưới cùng của bàn viết, lục lọi trong mớ đồ tạp nham, lấy ra khẩu súng lục y đã thu giấu trong đó. Y quan sát kỹ khẩu súng và biết chắc súng đã nạp đạn. Khẩu súng này không được đăng ký và chưa từng bắn phát nào. Stan vẫn nghĩ có ngày y sẽ dùng đến súng này, nhưng đây không phải là cái mục đích y đã từng nghĩ đến.
Y đem khẩu súng vào nhà bếp, để nó lên cái bàn bề bộn đồ đạc, rồi trở lại phòng khách lôi cuốn danh bạ điện thoại từ trên tầng kệ xuống. Y lướt nhanh qua vần L, tìm được Lavis, Samuel, và ghi nhớ cái địa chỉ bên phải cái tên. Đồng hồ tay của y chỉ 6:38. Còn dư dả thời gian để lau chùi khẩu súng và vạch kế hoạch trước khi trời đủ tối để ra khỏi nhà.
* * *
Khoảng sau 11 giờ một chút, Stan Shields lách người ngồi vào sau tay lái và bắt đầu đoạn đường đến thành phố Dexter kế cận. Áp lực từ hai thanh sắt ép vào thái dương của y đã trở thành sức ép của một cái ê-tô. Stan chưa bao giờ là một người đặc biệt quả quyết, nhưng một cảm nhận mới mẻ về sự có chủ đích trở thành kim chỉ nam cho hành động của y.
Chẳng khó khăn gì để y tìm đúng địa chỉ. Đấy là một căn nhà trệt bằng gạch khá giống nhà của y. Có ánh đèn mờ mờ ở đâu đó trong nhà. Stan đỗ xe bên đường, mang găng tay vào, rồi đi bộ ngược về phía căn nhà. Sức nặng của khẩu súng trong túi gây cảm giác là lạ. Y biết y sắp hành động liều lĩnh, nhưng y sẽ mất gì đã chứ?
Stan bước theo lối xe ra vào và lặng lẽ xoay thử cái nắm cửa hông. Y ngạc nhiên khi thấy cửa mở ra, nhưng rồi đây là khu dân cư yên tĩnh và những gia chủ có lẽ bị ru ngủ bởi một cảm thức về sự an ninh giả tạo. Hoặc có lẽ Sam Lavis đang lo lắng những việc gì khác nên quên khóa cửa.
Y bước vào nhà, rút súng ra. Y đứng im một lát, cảm thấy may mắn là nhà không nuôi chó. Chậm rãi, y bước vào bếp. Ngôi nhà im lặng. Y len lén đi từ bếp ra hành lang và nhìn thấy một ánh đèn chiếu ra từ một căn phòng phía cuối nhà. Y thận trọng tiến về chỗ ánh đèn và nghe tiếng người đang ngáy.
Căn phòng bày biện như một phòng riêng tư, và một người cao gầy đang ngồi trên ghế, ngủ say, đầu ngả ra sau, miệng há hốc. Một chai rượu Scotch và một cái cốc để trên cái bàn bên cạnh hắn.
Stan không dừng bước để ngẫm nghĩ về vận may của y. Y vào phòng tiến về phía Lavis. Cẩn thận, y đặt khẩu súng vào bàn tay mềm nhũn của kẻ say rượu, dí những đầu ngón tay vào báng súng, nòng súng, cò súng. Lavis nói mớ, hai cẳng chân co giật. Như một cảnh phim quay chậm, Stan nhấc bàn tay và khẩu súng lên ngang thái dương của Lavis vừa lúc Lavis mở mắt. Bốn mắt gặp nhau, và trong thoáng chốc ngắn ngủi ấy, vẻ mặt của Lavis chứng tỏ hắn đã hiểu. Stan bóp cò.
Khi tiếng súng còn âm vang trong đầu, Stan thả rơi khẩu súng, thoát nhanh ra khỏi nhà, khép cửa lại sau lưng, rồi đi bộ tới chỗ đỗ xe. Sau khi ngồi vào sau tay lái, y lột đôi găng ra, ném vào ghế bên cạnh. Y xoay chìa khóa khởi động bằng những ngón tay run rẩy, lái xe lìa khỏi mép lề.
Mọi sự diễn biến hoàn hảo, y nhủ thầm; y đã an toàn. Sẽ không ai thắc mắc về sự thể rằng Lavis thà tự sát hơn là phải đối mặt với một phiên xử và bản án tất yếu cho một tội ác ghê gớm. Không có cách gì để liên kết khẩu súng không đăng ký với Stan. Vận may đã theo y từ đầu đến cuối.
Nhưng lý lẽ không trấn áp được nỗi sợ của y.
Chỉ khi rẽ vào lối vào nhà và nhìn thấy cái thảm cỏ um tùm trước nhà thì y mới cảm thấy an tâm. Lớp cỏ hẳn đã được cắt tỉa gọn gàng nếu như Norma còn sống, y nghĩ thầm. Nhưng những ngày ấy đã vĩnh viễn qua rồi. Y đỗ xe, nhét đôi găng vào túi áo khoác, rồi mở cửa vào nhà. Y hít thở thật sâu, hít vào mũi bụi bặm và những mùi hôi kỳ lạ. Không còn hương chanh nữa. Y quan sát đống đồ bề bộn, biết rằng sẽ không bao giờ còn nghe châm ngôn của Norma, “Có chỗ cho mọi thứ, và thứ nào phải đúng chỗ thứ ấy.”
Mỗi lúc mỗi cảm thấy dễ chịu hơn, Stan bước nhanh vào phòng ngủ và thay vào chiếc quần bẩn nhưng thoải mái. Y vứt số quần áo thay ra thành một đống dưới chân giường. Y trở lại căn bếp, lấy trong tủ lạnh ra một lon bia, kéo khoen mở nắp, nốc hết nửa lon. Norma đã chẳng bao giờ cho phép bất kỳ thức uống có cồn nào ở trong nhà. Stan mỉm cười. Cơn nhức đầu đã hết, và lon bia làm dịu cái dạ dày.
Chỉ có một nỗi cay đắng làm hỏng sự hài lòng của Stan. Khi mang lon bia vào phòng khách, y nghĩ thầm, ta cũng đã có thể tự tay giết vợ còn hay hơn là mướn cái gã Lavis vụng về ấy.

Saturday, July 16, 2022

NGÀY CON LẤY CHỒNG.

Viết cho Thảo 

Ngày 16/7/2022 con lấy chồng. 

Ba mẹ không ở bên con trong ngày vui trọng đại này. Nhưng ba mẹ tin Chúa và tất cả những người thân đều hướng về con để chúc phúc cho con. 

Lúc mang thai con, mẹ chưa có việc làm ổn định. Mẹ đi học tiếng Anh, nghe nhạc, may áo đan áo cho con. Con lớn rất nhanh trong bụng mẹ. Con bắt mẹ ngủ, con bắt mẹ ăn. Mọi người nói mẹ đẹp hơn khi có con. Chắc rứa. Vì mẹ vui quá mà. 

Thời gian này ba đi học xa, mẹ ở nhà với ông bà nội. Buồn vì không có ai gần gũi tâm sự. Bà ngoại ở xa. Thỉnh thoảng mẹ viết thư. Mà mẹ cũng ít viết thư lắm. Giờ mẹ là mẹ của con, nên mẹ thấm thía ra một điều là lẽ ra mẹ nên tâm sự nhiều với bà ngoại hơn. Lúc đó những buồn vui không nói ra, vì sợ bà ngoại buồn. Nghĩ lại thì lẽ ra mình nói nhiều hơn. Vì bà ngoại rất muốn nghe mẹ nói. Như bây giờ mẹ luôn ngóng tin từ con. 

Con sinh ra ở Huế. Mẹ đã viết nhiều về điều này. Nên mẹ không nói nữa. 

Con lớn và con ngoan. 

Con học giỏi và con chăm chỉ. 

Mẹ tự hào về con rất nhiều. 


Wednesday, July 13, 2022

𝗪𝗛𝗘𝗥𝗘 𝗧𝗛𝗘𝗥𝗘’𝗦 𝗔 𝗪𝗜𝗟𝗟 - Gilbert Schechtman

NƠI NÀO CÓ DI CHÚC

Dịch giả: Vĩnh Bá

Trích từ nguyệt san 𝗘𝗟𝗟𝗘𝗥𝗬 𝗤𝗨𝗘𝗘𝗡’𝗦 𝗠𝗬𝗦𝗧𝗘𝗥𝗬 𝗠𝗔𝗚𝗔𝗭𝗜𝗡𝗘, số tháng 11, năm 1957.

[Tác giả mượn một nửa câu châm ngôn “𝑾𝒉𝒆𝒓𝒆 𝒕𝒉𝒆𝒓𝒆’𝒔 𝒂 𝒘𝒊𝒍𝒍, 𝒕𝒉𝒆𝒓𝒆’𝒔 𝒂 𝒘𝒂𝒚.” (“Nơi nào có ý chí, nơi ấy có con đường”, tương đương với tiếng Việt: “Có chí thì nên”). WILL vừa có nghĩa “ý chí”, vừa có nghĩa “di chúc”.]
--------------------

Cô Cantwell, nhân viên lễ tân, ngẩng lên khỏi cái máy đánh chữ khi cửa văn phòng ngoài bật mở. Người đàn bà bước vào ăn mặc giản dị nhưng ngay cả Cô Cantwell cũng biết bộ đồ vét may đo bà ta đang mặc có thể lên đến 300 đô-la. Phải có tiền, Cô Cantwell nghĩ, mới ăn diện được khi bước vào độ tuổi 30. Nếu cô cũng có tiền, Cô Cantwell thường nói, thì cô đã có thể là Bà Gì Đó thay vì chỉ là Cô Cantwell.
“Tôi cần gặp ông Bartman,” người đàn bà nói khẽ. Rõ ràng bà ấy không được bình tĩnh.
“Bà có hẹn trước không?” Cô Cantwell hỏi.
“Không,” người đàn bà nói, “nhưng việc này rất quan trọng.”
“Tên?” Cô Cantwell hỏi, cây bút chì chờ sẵn trên tập giấy.
Người đàn bà do dự. “Jones. Rachel Jones.”
Cô Cantwell nhún vai. “Luật sư đang ở tòa án. Hoặc có thể đang trên đường về, trừ phi ông ấy ghé đâu đó ăn trưa. Luật sư có thể dành cho bà một vài phút giữa các cuộc hẹn buổi chiều.”
“Rất cảm ơn cô,” người đàn bà nói, vẻ nhẹ nhõm. “Tôi có thể. . .” Bà ta nhìn quanh căn phòng lễ tân chật hẹp để tìm ghế ngồi nhưng chỉ có hai ghế, cả hai đều ở đằng sau khoảng diện tích nhỏ ngăn lại bằng lan can sắt. Cô Cantwell ngồi một ghế và chiếm ghế kia là Bà Epperson, mỗi tháng ghé lại một lần để kiểm toán sổ sách cho một người làm nghề môi giới diễn viên với bầu sô, dùng chung văn phòng với ông Bartman.
“Trong kia,” Cô Cantwell nói, ra dấu về phía một trong hai văn phòng ngăn lại bằng kính phía sau phòng lễ tân. “Bà có thể vào đợi trong văn phòng luật sư. Bà cứ vào ngồi trong đó.”
“Này,” Bà Epperson từ bên bàn của mình nhoài người sang. “Không rõ bà ấy gặp rắc rối gì. Tại sao lại cần đến luật sư?”
“Nhìn bà ấy là thấy tiền,” Cô Cantwell nói. “Những người có tiền thường gặp lắm rắc rối.”
“Tôi thì mong được rắc rối như thế,” Bà Epperson nói.
* * *
Sau khi Lydia Peacock đã đóng lại cánh cửa kính mờ sau lưng mình, bà càng mất bình tĩnh hơn nữa. “Đáng lý ra Jerry nên đích thân đến,” bà nghĩ thầm. “Việc này của ông ấy mới đúng.”
Khi ngồi xuống, bà để cho đầu óc nghĩ ngợi lan man. Tốt hơn đừng nghĩ đến những việc sắp phải làm. Mấy ngày qua có quá nhiều chuyện để nghĩ đến—nào là những bức điện tín, những người bà con, các bữa ăn tối . . . đám tang bố chồng, cái lão già ương bướng tồi tệ . . . Ông lão đã không thích bà ngay từ đầu.
Bà liếc nhìn những cuốn sách luật xếp thành hàng trên tường. Làm luật sư có khó không, bà tự hỏi—có khó như làm doanh nhân như Jerry, hay một bác sỹ như Alfred anh trai của bà? Liệu có sai trái để làm cái việc bà sắp làm? Liệu có phi pháp, phi đạo đức . . .?
Không, bà biện minh, chẳng qua là để bảo đảm những gì nên xảy ra cần phải xảy ra.
Cửa mở ra và một người đàn ông bước vào. Bà đứng bật dậy.
“Thưa ông Bartman,” bà bắt đầu, “tôi là Lydia Peacock.”
Ông này trẻ hơn bà đã tưởng tượng. Ông ta ăn mặc tươm tất, gần như là chải chuốt, may bằng vải fla-nen màu xám và không hút loại xì-gà điếu dài như thói thường, mặc dù trong tay ông ta là một cái cặp đúng như thói thường.
“Tôi xin lỗi đã đường đột vào đây,” bà xin lỗi. “Tôi biết chúng ta không có nhiều thì giờ, nhưng việc tôi muốn thảo luận là việc có thể . . . có thể làm lợi cho ông.” Bà tỏ ra lúng túng khi nói những lời này.
Người đàn ông ngồi xuống.
“Bố chồng tôi mất cách đây ba hôm. Chắc chắn ông đã đọc tin trên báo.” Ông luật sư này không thể nào không thấy những cái cáo phó về H. D. Peacock—“có lẽ là thương nhân tiên phong đặc sắc nhất của thành phố,” các báo đã mô tả ông cụ như thế.
“Vâng,” ông ta nói.
“Chúng tôi biết,” bà chậm rãi nói tiếp, “về cái di chúc mới hơn. Chúng tôi biết cách đây gần một năm, trước khi qua đời, bố chồng tôi đã nhờ ông thảo một di chúc mới nêu tên một hội từ thiện nào đó như là người thụ hưởng—một di chúc mới thay thế di chúc cũ, mà di chúc cũ này để lại tất cả cho chồng tôi.”
Bà nhìn thẳng mặt ông ta. Ông ta có thể đoán biết, dĩ nhiên, những gì bà sắp nói ra. Nhưng ông ta sẽ phản ứng ra sao? Như một đặc trưng nghề nghiệp, vẻ mặt của ông ta không biểu lộ một cảm xúc gì.
“Lý do bố chồng tôi làm thế là do ông tưởng tượng ông bị coi thường, vì ông cảm thấy rằng ông bị phớt lờ khi chồng tôi làm một số thay đổi rất cần thiết cho cửa hàng.” Bà không nhắc đến những thay đổi ấy đã tước đoạt chút quyền kiểm soát cuối cùng của ông bố chồng đối với công việc kinh doanh.
“Thưa ông Bartman,” bà tiếp tục, “di chúc ấy không công bằng và sẽ không có giá trị ở tòa án. Mặc dù có lẽ ông đã không chứng kiến, Stella và Tom—cặp vợ chồng, chắc ông nhớ, đã sống cùng ông cụ và làm chứng cho di chúc—hai người này biết rằng ông cụ đã không còn ‘tỉnh’. Dĩ nhiên, họ cho chúng tôi biết ngay sự việc này, nhưng đã quá muộn không thể dung hòa được nữa.
“Nếu di chúc này được đưa ra, thì nó sẽ làm dấy lên tranh chấp, và ông cũng biết điều này có nghĩa là gì, thưa ông Bartman. Có nghĩa là hai, ba, hay thậm chí năm năm trước khi xác lập được ai sẽ là người thụ hưởng hợp pháp số bất động sản. Cũng có nghĩa là một cuộc tranh chấp dai dẳng và không đem lại lợi lộc gì cho cái hội từ thiện hiện đang là người thụ hưởng. Tôi biết, thưa ông Bartman, rằng những người làm chứng cho di chúc này sẽ sẵn sàng khai rằng bố chồng tôi lúc đó đang trải qua tình trạng lão suy rất trầm trọng khiến ông cụ không thể nào tự mình xử lý công việc—thậm chí không thể, đúng thế, tự mặc quần áo hoặc không nhớ chuyện này chuyện kia, hoặc tên tuổi mặt mày của người này người nọ.”
“Hồi nãy bà có nói gì gì đó về chuyện việc này . . . có lợi.”
Có lẽ, bà nghĩ thầm, mọi sự sẽ êm xuôi như Jerry đã tiên đoán. Ông luật sư đang tỏ ra quan tâm vì bà đã cho ông ta biết lập trường của hai người làm chứng. Đó chính là việc mà ông ta lo ngại nhất.
“Thưa ông Bartman, tôi thắc mắc không rõ ông có nhận thấy cái di chúc mới không những vô giá trị mà còn phi đạo đức nữa. Chẳng phải chuyện số tiền hoặc bất động sản—chúng tôi đã có cả rồi. Chỉ là, phần bất động sản, một căn nhà và các món sở hữu mà ông nhà tôi nhớ rõ từ hồi còn bé và luôn luôn được để lại cho người con trưởng, hiện đang bị ách lại vì cơn bốc đồng lúc sức tàn lực kiệt của một ông lão.” Ồ, không, chẳng phải số tiền 250.000 đô-la ấy—chỉ thuần chuyện tình cảm thôi.
“Thực tế là,” bà nói, nhìn thẳng vào mắt ông ta, “cái mong muốn thực sự của ông cụ là chúng tôi thừa kế tất cả.”
“Thế ư?”
Bà nín thở một lát. “Chúng tôi nhận ra rằng ông đã hoàn tất một dịch vụ cho bố chồng tôi và rằng khi giúp chúng tôi ông sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết khối bất động sản của ông cụ theo đúng cách mà hẳn ông cụ thật sự mong muốn. Chúng tôi sẵn sàng trả thù lao cho mọi dịch vụ của ông.”
Bà lấy từ trong ví tay ra một phong bì trao cho ông ta.
Ông ta đưa tay ra do dự cầm lấy. Rồi ông ta mở cái phong bì không dán kín, lôi số tiền ra. Ông ta nhìn chăm chăm số tiền trong tay, nhưng không đếm, và trong một phút chốc hồi hộp, bà lo sợ mọi sự sẽ kết thúc.
“Chỗ ấy là mười ngàn đô-la,” bà nói khẽ, “gồm toàn giấy bạc 100 đô-la.”
“Thôi được,” ông ta nói vẻ tư lự, ngẩng mặt nhìn cái cửa sổ, không nhìn bà. “Thôi được.”
Ông ta đã chịu nhận tiền. Jerry đã nói đúng. Nhưng còn một việc nữa.
“Thưa ông Bartman,” bà nói, bây giờ đã vững tâm hơn. “Cho chúng tôi nhận cái di chúc ấy.”
“Ồ, vâng,” ông ta nói, “cái di chúc. Xin chờ tôi một lát.” Ông ta đứng lên đi ra cửa, cẩn thận đóng cửa lại.
Jerry đã nói đúng, bà nghĩ thầm. Họ đều giống nhau cả—có tiền là được tất.
“Ủa,” cô Cantwell nói khi nhìn thấy ông ta bước ra khỏi văn phòng, trở lại phòng lễ tân. “Ông về sớm thế sao? Có lẽ luật sư sắp về thôi. Ông ấy chỉ ghé quán ăn trên đường về.”
“Không sao cả,” người đàn ông nói. “Tôi không chờ nữa.” Y nháy mắt với bà Epperson rồi đi ra.
“Hồi nãy y nói y chào bán món gì nhỉ?” bà Epperson hỏi.
“Tôi quên rồi,” cô Cantwell trả lời. “Cà-vạt hay thiệp chúc mừng hay gì gì đó.”
“Cái bọn chào hàng ấy,” bà Epperson nói. “Cô có thấy cái kiểu y nháy mắt với tôi không? Thực hỗn xược!”