Monday, July 30, 2018

TRỨNG MUỐI

TRỨNG MUỐI




Tịnh Anh làm trứng muối vì có rất nhiều món ăn sử dụng trứng muối. Làm trứng muối không khó chút nào cả. 

Trứng tươi rửa sạch, để khô hoặc lau thiệt khô. Ngâm ít nhất 1 tháng trong Nước, Muối, Rượu mạnh. Quế, hoa hồi, thảo quả, gừng, mỗi thứ 1 miếng nhỏ. Ít đường.
TA không thích ăn nguyên quả nên bóc ra xử lý nướng 160 độ trong 10 phút, rồi để ngăn đông. Khi nào dùng thì lấy ra dùng liền. Nếu không thì để y trứng như thế trong nước muối ngâm, có thể dùng trong 8 tuần.
Món đầu tiên là đậu khuôn trứng muối.
ÔI, thiệt ra là không thể nói nó ngon như thế nào.
Ngắm thôi cũng thích hén. 

Sau đó là tôm chiên trứng muối. Tuyệt luôn 



 
tôm chiên trứng muối.



đậu khuôn trứng muối.



 Cháo trắng trứng muối


Cơm chiên trứng muối  


Cơm chiên trứng muối  



Cơm gạo lức chiên trứng muối 





CẦU NGUYỆN.

CẦU NGUYỆN.


Nửa đời người nhìn lại chợt thấy mình quá mong manh. 
Giữa mênh mông đất trời, mình không là gì cả. 
Giữa bão tố phong ba, mình tung như hạt cát.
Người ta nói cầu nguyện là hơi thở của sự sống. 

Ai trong chúng ta cũng vậy, nhất là khi mình đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc đời, mình càng ý thức thân phận bé nhỏ và yếu đuối của mình.
Đối với mình, cầu nguyện là một sự hướng lòng lên, một cái nhìn đơn sơ hướng lên trời thể hiện lời nguyện xin, lòng tri ân, niềm tín thác tuyệt đối vào tình yêu và sự quan phòng của Đấng Tối Cao trước những khó khăn cuộc đời, trước những cơn thử thách cám dỗ, cũng như trong những lúc an vui, hạnh phúc với những ơn lành được ban. 


Cầu nguyện có thể bất cứ lúc nào, giờ nào và bất cứ nơi đâu.
Chỉ cần một phút lắng lòng là đủ huống chi mình có tới 5 tiếng dành riêng cho mình?
Cầu nguyện có vui không? Có hạnh phúc không ?
Câu trả lời sẽ là có.
Có cầu nguyện , có an vui.



Wednesday, July 25, 2018

HÀ NỘI 2018

HOMESTAY



Homestay thì cũng bình thường. Nhưng trải nghiệm tôi chọn ở Hà nội lần này là một homestay nằm trong một khu tập thể của Bộ giáo dục, mang đậm màu sắc bao cấp cũ mà tôi chỉ mới thấy được trong phim truyền hình. 
Homestay nằm ở tầng 2, lối lên bằng xi măng cũ kỹ sứt mẻ nhưng sạch sẽ. 
Nhận chìa khoá từ tay cô chủ Hà nội dịu dàng, nhiệt tình. Wow, nhà là của mình với 2 phòng ngủ, gian bếp chút xíu và phòng vệ sinh thiết kế độc đáo, đầy đủ tiện nghi. Vật dụng và khăn sạch sẽ đầy đủ.
Vậy đó !
Tôi ngủ ngon trên tấm nệm dày, sạch.
Tôi đọc sách và nhâm nhi ly cafe bên khung cửa nhỏ nhìn xuống khoảng sân rộng.
Tiếng mưa rơi đều trên mái tôn.
Yên tĩnh, sạch sẽ.
Thò đầu ra khỏi phòng, một ông già tập thể dục ở hành lang. Những chậu hoa treo trong gió sớm. Góc sân và khoảng trời bé xíu yên ắng.
Chỉ một ngày thôi, nhưng tôi thấy dễ chịu vô cùng.
Check out: Đặt chìa khoá lại trong phòng ngủ. Khép cửa ra vào.
Điện thoại cho cô chủ : "Anh chị về em nhé". "Vâng ạ. Anh chị về. Em cám ơn anh chị".
Hà nội đáng yêu một cách rất riêng.
Thế thôi.
Hà nội mưa và mát lành.
Tôi nhận ra tôi vẫn yêu Hà nội.












ĂN - CẦU NGUYỆN - YÊU


Có một bộ phim như thế Eat-Pray-Love, Julia Robert thủ vai chính (mình thích cô đào có cái miệng rộng quyến rũ này)
“We don’t realize that, somewhere within us all, there does exist a supreme self who is eternally at peace.”
(Chúng ta không nhận ra rằng, ở đâu đó bên trong tất cả chúng ta, đều tồn tại một sự bình an của riêng mình (người ta dịch rứa)
Mình chợt nhận ra ngoài việc ĂN, mình còn biết CẦU NGUYỆN và mình biết YÊU 
Mọi thứ đều nồng nàn à nha  
Ôi thời gian !
Có vẻ như mình muốn sống chậm lại, lặng lẽ và an yên.
Mình muốn thời gian ngừng trôi để cảm nhận mỗi giây phút bên nhau thật là quý giá.
8 tiếng làm việc (thật ra bây giờ mình làm việc 6 tiếng thôi). 8 tiếng ngủ ( thật ra cũng là 6 tiếng thôi).
Thời gian còn lại thì cho mình 5 tiếng , và cho nhau 5 tiếng.
Ơ hờ, 5 tiếng! Có bao nhiêu đâu mà không dành cho nhau?
ĂN
Đam mê nấu ăn thuở còn bé, mà công việc và lo toan làm mình không theo đuổi được. Những bữa sáng vội vàng hoặc bỏ bữa. Những buổi trưa bận mổ không ăn. Chiều ăn nhanh đỡ đói cho buổi khám ngoài giờ. Buổi tối muộn màng. Ăn mà không biết mình ăn chi. Vừa ăn vừa ngủ.
Tất cả đã qua.
Phải qua!
Giờ thì quay lại thôi. Mình thích chăm chút cho bữa ăn, dù bữa ăn hết sức đơn giản, dù thời gian hết sức hạn chế. .
Mình thích vừa ăn vừa chuyện trò. Giọng mình hơi nhỏ. Khi nào nghe mình nói to, nghĩa là lúc đó mình đang ré 
Vì thế ngại đến nơi ồn ào và đông người vì khi muốn nói phải cố gắng, dây thanh quản phải căng lên một cách không đáng .
Ăn cùng nhau !
Ăn cùng nhau ở nhà.
Tụi mình có thể mặc áo quần hết sức thoải mái. Có thể co cả hai chân lên ghế, gác chân lên bàn. Có thể ăn mà không lo son môi trôi đi mất...
Chỉ có hai người.
Có nhạc hoặc không.
Có hoa hoặc không .
Chỉ có nhau.
Thi thoảng ra ngoài ăn. Chút ngại ngùng vì sự không an toàn bởi cơ thể mình không đủ mạnh để chống lại các chất không tốt.
Vậy thôi. Cứ thế mà mình nấu ăn mải miết.
Mỗi người có một niềm vui.
Mỗi người có một đam mê.
Sống có niềm vui , sống có đam mê là quý lắm rồi.
Rứa thôi. Mình mừng vì cả hai cùng thích như thế.

Monday, July 16, 2018

BÁNH CANH NAM PHỔ.




Tịnh Anh nấu bánh canh Nam Phổ, món ăn đặc trưng của Huế, không giống với những loại bánh canh khác.

Nước dùng lấy vị ngọt từ nước luộc vỏ tôm, đầu tôm, nêm nếm vừa ăn. 
Tôm tươi quết nhuyễn, nêm gia vị. Nước sôi nhào nhào, thả từng cục tôm quết nhuyễn vào. 
Nước dùng pha thêm chút bột năng để tạo độ sánh. 
Bột gạo, pha thêm ít bột năng, quấy đều trên bếp ấm cho tới khi hoà quyện. Bỏ vào túi, vắt sợi vào nước sôi. Sợi bánh canh thường không đều do mình vắt tay, càng không đều hơn vì tay mình vắt hơi dở nữa.
Khi sợi bánh chín độ 70% thì đổ ra xả lại qua nước, để ráo.
Khi ăn, bỏ sợi bánh vào tô, nước dùng sôi, chế vào tô, rắc hành ngò.
Xong. 


Ai ưa ăn cay thì thêm cay.
Màu hồng của tô bánh canh thường phải là màu tự nhiên của tôm chứ không phải là của màu ớt, màu điều. 


Hì, rất vui vì có cơ hội làm lại những món ăn của Huế thương yêu.

Thursday, July 12, 2018

BẮP CẢI



BẮP CẢI 

Bắp cải hay người Huế gọi là su bắp, bắp su. Bạn mình nhắc mình mới nhớ rằng mình xa Huế đã rất lâu. Từ ngữ vùng miền khác nhau quá. 

BẮP SU !
Thứ rau có hình dáng rất đẹp: tròn trĩnh, trắng trẻo, đôi khi là tím biếc.
Thứ rau rất dễ ăn, rất dễ nấu, thậm chí chẳng cần nấu nướng chi, bản thân nó đã là một món tuyệt vời rồi.
Luộc, lấy nước làm canh. Nếu không lấy nước làm canh thì đừng ăn bắp cải.
Nấu canh. nhiều kiểu
Cuộn, cuộn thịt hoặc cuộn chay với nấm và tàu hũ.
Ăn sống, xắt mỏng trộn gỏi, xào
...
Quá nhiều thứ để nấu với bắp cải.
Tôi yêu bắp cải.












Monday, July 2, 2018

MÙA HÈ 2018 CỦA BẢO 1




Phòng Family birth center được chia thành 2 tầng.  Bảo đọc thêm trên mạng thì nói chung có những khu như sau: phòng sinh đẻ (Labor and Delivery Unit), phòng để mẹ nghỉ ngơi ôm con (Mother and Baby Unit), phòng chăm sóc em bé sinh non (Neonatal Intensive Care Unit, NICU).  Cả hai tầng đều có khu NICU nhưng Bảo nghe nói một trong hai tầng này dành cho những em bé trong tình trạng nguy kịch hơn. 

Cả hai tầng treo những ảnh em bé dễ thương, hoặc ảnh bà mẹ, vợ chồng. Tầng này nằm ở đỉnh bệnh viện, các căn phòng nhìn ra cửa sổ cảnh cungz đẹp. Không như viện cấp cứu, phòng bệnh khu Family Birth Center có nhà vệ sinh, bồn tắm riêng tiện nghi, cửa kín đáo. Nội thất phòng cũng rất đẹp, như là ở nhà, chắc là để giảm căng thẳng. Có ghế nệm, ghế rocking chair kiểu sang. Tủ kệ làm bằng gỗ, nôi em bé là một cái giường nhỏ có thành bằng gương  trong suốt , đặt trên một cái kệ gỗ. Một số phòng có cái bồn tắm kiểu tròn, to , tường chung quanh lát gạch xanh khang trang, Bảo chưa rõ sự khác biết giữa phòng tắm này với phòng tắm thường khác.  Mother and Baby unit là phòng nơi mẹ và em bé nghỉ ngơi, khỏe mạnh, chuẩn bị ra viện. Phòng này cũng được thiết kế cho gia đình được bên nhau, có thêm giường dành cho khách nằm, thường là ông cha hoặc bà ngoại (giương này xếp lại để một bên, để gối mền sẵn ). Túi đựng áo quần của bệnh nhân có thêm hình màu sắc...

Bảo sẽ trải giường, chất dụng cụ, và một số việc nhẹ nhàng như trước. Bảo có nhiệm vụ đẩy bà mẹ trên xe lăn và phụ giúp người nhà mang đồ đạc xuống xe để xuất viện về nhà. Người mẹ và người nhà sẽ bồng em bé. Bảo không được được giúp đỡ đưa em bé vào xe hay động chạm vào xe đẩy/ghế ngồi của em bé. Nếu có trục trặc gì thì bệnh viện phải chịu trách nhiệm. Đã có một trường hợp người tình nguyện giúp đỡ đặt ghế em bé vào xe, nhưng rồi xe này bị tai nạn, và người nhà phát hiện ra ghế em bé bị đặt sai, nên đã kiện bệnh viện. Bảo cũng sẽ phải tập cách giao tiếp với bệnh nhân để giúp họ thấy thoải mái. Bạn huấn luyện nói có trường hợp người tình nguyện im lặng quá làm bệnh nhân không thoải mái. Nhưng cungz có trường hợp người mẹ không muốn nói chuyện; có một lần, bạn gặp một người mẹ khóc suốt từ khi ra viện cho tới khi đi xuống bãi đỗ xe. Trường hợp này thì để yên cho họ thôi. Bảo quan sát cách bạn huấn luyện nói chuyện với bệnh nhân. Bạn ấy hỏi han họ một cách tự nhiên: bé gái hay trai, sinh lần đầu hay sao, có định sinh thêm không; hỏi về gia đình , nhà có gần đây không  v.v  Bảo vẫn cần phải học cách giao tiếp. Hôm nay Bảo vẫn còn nói cứng nhắc quá. Bảo mãi nghĩ trong đầu cứ hỏi y chang các câu mà bạn huấn luyện hỏi mà chẳng quan sát. Ngay sau khi Bảo buột miệng hỏi bé gái hay bé trai, thì Bảo để ý cái bong bóng khi là It's a Girl. Ngay sau khi Bảo hỏi, đây là bé đầu hay sao, thì Bảo nhớ ra họ có thằng con nhỏ đi theo. Thất vọng quá! 

Hôm nay Bảo được huấn luyện tại khu NICU, nơi em bé được nằm cách ly do sinh non hoặc yếu vì lý do khác. Có khu dành cho em bé đang nguy kịch hơn, có khu dành cho em bé đang khỏe lại. Em bé nào nằm không có lồng kính thì khỏe hơn. Em bé nào nằm trong lồng kính tức là đang được nằm trong lồng giữ nhiệt (incubator) vì chưa tự giữ nhiệt cho bản thân được.  NICU đặc biệt cần tránh nhiễm trùng.  Nhân viên cần nhắc người nhà viếng thăm phải rửa tay trước khi vào. Bảo cần phải sát trùng tay khi đi từ giường bệnh này qua giường bệnh khác. Không được ăn ở trong này. 
Các bình sữa mẹ được để trong tủ lạnh. Bình sữa sát trùng trong microwave. Bảo nghe nói sữa được pha thêm các loại chất dinh dưỡng ; công thức của chất được ghi lại bên cạnh giường của em bé.

Hôm nay có một y tá nhiệt tình chỉ Bảo cách họ chăm sóc một em bé đang nằm trong lồng kính. Họ đang chuyển em bé sang một cái lồng mới vì sau một thời gian lồng kính sẽ bị bẩn/ẩm ướt, nấm và vi trùng dễ mọc trong đó . Lồng kính mới đã được chùi sạch và có đánh dấu Sạch. Y tá trải mền sẵn, sau đó bồng em bé kèm các dây nhợ qua lồng mới . Dây nhợ này đo huyết áp, nhịp tim, nhịp thở... của em bé. Y tá chùi nách, chùi cổ chùi đít em bé cho sạch, và quấn em bé vào mền. Bà sử dụng một dụng cụ hút để hút sạch cứt mũi của em bé, chứ không hắn không thở được. Bà nhỏ một ít nước muối vào mũi và đút ống hút vào mũi , hút tọt tọt mấy cục ra. Em bé có vẻ khó chịu, ngoặn ngoẹo. Y tá nói có loại ống thở, ống hút (Bảo không biết phải cái này không) làm lỗ mũi em bé bị to ra, lớn lên không nhỏ lại được, nhưng cũng đành chịu.
 Miệng lưỡi của em bé lấm tấm trắng , y tá nói là bị nhiễm nấm (yeast), nhiều khi do y tá nào đó sát trùng tay chưa sạch nên mới bị vậy. Cũng có thể vú sữa bà mẹ có nấm. Phải báo bác sĩ. Ngoài ra em bé còn bị sưng ở vùng thịt hai bên dương vật, bảo quên mất tên bệnh là gì rồi, nhưng y tá cho Bảo sờ thử.  Cũng sẽ báo bác sĩ . Cuối cùng y tá lật đầu em bé qua phía bên kia để đỡ móp đầu, và đậy nắp lồng. Bên trên lồng kính trải một chiếc mền mỏng cho nó đỡ chói. Y tá gắm sẵn ống chạy oxy, ống hút suction đề phòng trường hợp khẩn cấp. Chừng này tuần tuổi (sinh non) em bé chưa nuốt tốt nên dễ bị sặc, nghẹn, tím tái hồi mô không hay nên phải rất cẩn thận. 

Bà y tá nói em bé này song sinh với 1 bé khác nhưng bé kia bị nhiễm trùng ruột nên đã chết. Em bé này thì đã ổn định rồi. Vì sinh non, rất dễ bị nhiễm trùng, 50% cơ hội sống. Nhiễm trùng ruột , máu... đặc biệt nguy hiểm.

Bảo để ý có mấy lồng kính có chiếu đèn xanh, không hiểu vì sao. Hoá ra đèn xanh (bili light) này giúp phá vỡ cái gì đó trong máu để chữa bệnh Jaudice, bênh vàng da. 




Em bé sơ sinh nhỏ xíu mong manh, chưa mở mắt. Nhìn tội. 


THƯ MẸ TRẢ LỜI



Chúc mừng ngày đầu làm việc tại Bệnh viện. 
Đọc qua mà thấy Bảo quá giỏi trong quan sát và nhận định vấn đề. 
Đó là năng khiếu Y khoa 
Mẹ cầu mong mọi chuyện thuận lợi cho Bảo có thể học Y và thành bác sĩ. Điều này là ao ước. Còn thực hiện được hay không mình chưa biết và dù thế nào thì  mình cũng sẽ vui với mọi sự đạt được.
Thường thì khoa Sản , phòng Nhi sau sinh, Nhi hồi sức, Mẹ không nhớ rõ tiếng Anh, được gọi là phòng hạnh phúc. 
Tại đây người phụ nữ trải qua sinh nở đau đớn, để cho ra một em bé là niềm vui của gia đình. Bệnh viện nào cũng vậy, những phòng này luôn cố gắng trang trí đẹp nhất có thể. 
Công việc của Bảo thực cũng đã quen rồi, chẳng còn bỡ ngỡ như năm ngoái. 
Bảo đùng lo lắng chuyện giao tiếp, không nhất thiết phải hỏi han, chỉ cần giữ nét mặt luôn tươi cười khi giúp họ thôi. Chuyện trò, thuận tiện thì nói, không cần cố gắng . 

Chẳng có chi mà gọi là thất vọng cả. Tất cả đều vui vì sự nhầm lẫn nếu có. Vui vẻ là chính. Thực sự Bảo đang vui vì công việc nên chắc chắn Bảo sẽ ổn thoả cả. 

 Bảo không được được giúp đỡ đưa em bé vào xe hay động chạm vào xe đẩy/ghế ngồi của em bé
OK, có những quy định khi làm việc Bảo nên chấp hành. Tuy nhiên mọi sự không bao giờ là quá cứng nhắc. 
Ví dụ khăn trùm em bé sắp rơi, mình có thể nhẹ hàng giữ lại. Đừng quá căng thẳng nghe. 

Y khoa là vậy. Luôn uyển chuyển. 

Ở phòng em bé yếu thì Bảo sẽ làm gì ? 
 Đọc nguyên đoạn Bảo viết thật là quá vui. Trẻ con thật tuyệt . Đúng không ? 
Vậy là Bảo biết thêm rất nhiều rồi. Vệ sinh lồng kính, Hút mũi em bé. Rửa ráy em bé. Sữa cho bé...
Khi học Y khoa, mọi thứ này mình đều được hướng dẫn, làm trên vật thí nghiệm rồi qua người thật. 

Hồi mẹ học khoa sản, mẹ cũng học và tắm cho bé. Mình tới giường bồng bé đi tới phòng tắm. Tắm rửa thay đồ xong, bồng bé về giường , trả lại cho mẹ. Bà mẹ mới sinh xong thường được nằm nghỉ ngơi hoàn toàn. 

Hồi mẹ sinh Thảo và Bảo , cũng có nurse tới bồng 2 đứa đi tắm. Khi bồng đi, mang theo áo quần tả lót để thay. Xong mang về trả lại. 

Em bé có thể mắc phải một số bệnh, hoặc bị dị tật bẩm sinh các bộ phận bên ngoài hoặc bộ phận bên trong co thể. Bởi vậy, sinh một em bé ra, người ta kiểm tra toàn bộ tay chân mặt mũi xem có khiếm khuyết gì không. Nhiễm nấm miệng rất hay gặp. Có thể nhiễm từ ngoài hoặc do vệ sinh miệng không sạch cũng gâp ra nấm trắng trắng. 
Có thể nhẹ, thì chùi rửa (mình hay rà mật ong hoặc rà nước lọc cũng sạch. Nếu nặng hơn thì phải dùng thuốc đặc hiệu. 
Bảo Thảo thì mẹ hay rà lưỡi bằng mật ong. Chấm mật ong vào miêng gạc bọ đầu ngón tay, rà quanh miệng lưỡi. Hai đứa hay mút mút. 😁😁

Đàu em bé mới sinh , các khớp chưa đóng kín, xương còn mềm. Nếu không xoay trở đầu, đầu sẽ bị méo. Thảo thì mẹ hay xoay trở. bảo thì hay ngọ nguậy đầu , lắc đầu nên mẹ không cần trở đầu. Đầu hai đứa tròn xoay. 😁😁

Trẻ em  nào sinh ra cũng có vàng da nhẹ do các té bào máu nguyên thuỷ tan đi . Nhưng khi vàng da đậm và tăng lên hoặc kéo dài thì là bệnh lý. Nguyên nhân rất nhiều. Thường do bất đồng nhóm máu mẹ và con hoặc các bệnh lý về máu. 
Chất Bilirubin trong máu tăng cao nên da bé bị vàng. 
Theo dõi,đánh giá và chiều đèn ánh sáng xanh với bước sóng thích hợp để làm giảm Bilirubin máu cho tới khi bilirubin trở về bình thường. Đây là phương pháp hiệu quả và là điều trị nhẹ nhất để điều trị bệnh này.


Tóm lại, trời ơi, Bảo biết nhiều quá. 

Chúc Bảo một mùa hè ý nghĩa. 

Thương nhiều. 
Mẹ.