CÁI QUYẾT ĐỊNH SINH TỬ
𝗧𝗛𝗘 𝗗𝗘𝗖𝗜𝗦𝗜𝗢𝗡
Bản dịch : Vĩnh Bá.
“Chỗ này trông đẹp đây,” Mira Bagley nói khấp khởi hi vọng. Cô cảm thấy mệt, còn thằng bé Kit thì gắt gỏng; chuyến đi xe quá lâu và nhiều bụi bặm.
“Ờ, anh cũng không biết nữa,” chồng cô nói, giảm tốc độ khi họ quan sát đồng cỏ trước mặt. “Có lẽ chúng ta không được phép cắm trại ở đó.”
“Trời ạ, chúng ta đang ở bang Montana,” Myra nói. “Người ta nói chúng ta có thể cắm trại bất kỳ nơi đâu không có biển cấm. Anh cũng biết thế mà.” Cô không có ý gắt gỏng như thế.
“Chúng ta sẽ tung một đồng xu để quyết định,” John Bagley nói, nhưng thằng bé Kit liền than vãn, “Ôi, ba quyết định đi chứ.”
John mím môi và nhấn ga; và mặc dù trời đã về chiều, Mira vẫn muốn nói, “Kit, im lặng đi!”
Rồi một phép lạ xảy ra. Đi thêm một dặm nữa, qua khỏi đoạn đường cong, là biển báo của Cục Kiểm Lâm “Khu Cắm Trại Phía Trước”, rồi thêm một tấm biển hình tam giác vẽ một mũi tên chỉ xuống một con đường hẹp ngoằn ngoèo dẫn từ xa lộ tới bờ của một dòng suối ở phía dưới.
John lái xe chậm lại.
“Chỗ này được chưa?” anh hỏi. Myra mím môi không trả lời. Từ lâu cô đã quyết định rằng lấy một nhà khoa học làm chồng thực là rắc rối vì rằng mọi việc phải có tính khoa học. Trước hết là Giả Thuyết: Khu cắm trại này có hợp với chúng ta không. Tiếp theo là Xem Xét Các Dữ Kiện: Có nước không? Có nhiều rắn độc không? Có đầy đủ những tiện nghi vệ sinh không? Triền dốc có thoát nước tốt khi trời mưa không?
Đôi khi cô phản đối khi họ đang định mua một chiếc xe hơi mới (chiếc này có hệ truyền động rất tốt, anh nói, nhưng chiếc kia thì có hệ thống phanh tốt hơn) hoặc đồ nội thất mới (mút xốp có mau xẹp không) hay thậm chí là một cái dao mở lon cho nhà bếp (người tiêu dùng nói loại dao này làm rơi mạt sắt vào trong lon xúp). Rồi sau đó John im lặng có vẻ phật ý sau khi chỉ ra rằng anh được đào tạo để nghĩ đến tất cả mọi khía cạnh của một vấn đề trước khi đưa ra một quyết định.
Nhưng đây là lần đầu tiên cô không có lý do gì để mà hốt hoảng. “Chúng ta sẽ cắm trại ở đây,” John nói; Myra và Kit thở phào nhẹ nhõm.
Về phía hạ lưu tính từ chỗ cắm trại của gia đình Bagley, mặc dù ở phía bên kia của con suối rộng, có một khối đá khổng lồ, từ ngàn xưa, đã chễm chệ trên đỉnh một hẽm núi hẹp mà ở dưới chân vách núi này là một đường tàu hỏa. Đội lái tàu đôi khi dùng khối đá này như là một cột mốc không chính thức: “Tảng đá kia rồi. Hôm nay trễ mất hai phút.”
Gần vị trí nơi khối đá chênh vênh bên trên đường ray là một đường nứt nhỏ. Qua nhiều năm tháng, đường nứt này đã khiến khối đá trượt đi một chút rồi sau đó yên vị, nên giờ đây nó nghiêng thêm một chút về phía đoạn đường ray dưới kia xa khoảng 60 feet (18m). Không ai trong các đội lái tàu nhận biết sự gia tăng khó thấy nơi góc nghiêng của khối đá; và chắc chắn không ai trong số họ biết rằng khối đá đang ở vị trí rất bấp bênh, thế nên đường nứt chỉ dịch chuyển thêm một chút nữa thôi—quả thực, có lẽ chỉ cần một sự rung động vừa đủ do một chiếc xe tải chạy trên đường cao tốc hoặc một đầu máy trên đường ray—có thể khiến khối đá đổ ầm xuống.
Tại những địa điểm như hẽm núi hẹp này nơi có khối đá, công ty đường sắt đã duy trì những hàng rào bảo vệ; bất kỳ đất sụt hay đá vỡ nào lăn xuống cũng sẽ làm đứt một hoặc nhiều dây dẫn điện, khi ấy những thiết bị cảnh báo sẽ được kích hoạt. Khoảng một hoặc hai giờ trước khi gia đình Bagley tìm được địa điểm cắm trại, một thằng bé sống tại một nông trại hẻo lánh gần đó giương khẩu súng trường 5,6mm mới sắm, nhắm vào một cái trụ sứ cách điện ở trên đầu hàng rào điện. Viên đạn bắn vỡ trụ sứ cách điện nhưng không làm đứt dây điện, sợi dây chỉ võng xuống mấy phân thôi nên mạch điện không bị gián đoạn.
“Ngày mai chúng ta đừng nên đi tiếp quá nhanh,” Myra nói sau khi họ đã dựng xong cái lều hình dù còn Kit dựng xong cái lều tam giác của riêng nó ở bên cạnh. “Em thấm mệt rồi.”
“Nhưng—” John định nói gì đó. Rồi anh nhe răng cười. “Hợp ý anh đấy,” anh nói. “Anh cũng mệt. Và có lẽ ngày mai Kit và anh có thể đi câu cá đôi chút. Địa điểm này đẹp thật.”
Khu cắm trại này—họ hơi ngạc nhiên khi nhận thấy chỉ có họ một mình một cõi—nằm ở nơi khuất lánh so với xa lộ. Ngay bên cạnh là một con suối rộng cuồn cuộn chảy qua hẽm núi; ở bờ bên kia là đường tàu hỏa, và bên trên đường ray là khối đá lớn.
“Đi nào, con trai,” John nói sáng hôm sau. “Ta hãy qua cầu xem có kiếm được con cá hồi nào không.”
Cầu làm bằng những thân gỗ lớn cổ xưa; hồi trước dành cho xe tải chở gỗ sử dụng nhưng bây giờ đã gắn biển “Không An Toàn Cho Xe Qua Cầu.”
“Cẩn thận,” Myra Bagley nói. “Coi chừng bị tàu hỏa cán đấy.”
“Ôi, là Mẹ,” Kit nói, nhưng nó biết mẹ nó nói đùa thôi, hoặc ít nhất cũng gần như là đùa.
Hai cha con lấy cần câu, lên đường.
“Tối qua ba có nghe tàu chạy ngang qua không, hở ba? Con tưởng chừng tàu đâm xuyên qua lều của con luôn.”
John Bagley nhăn mặt. “Ba nghĩ nó thực sự đâm xuyên qua lều của ba mẹ. Nó đã làm mẹ con thức giấc rất ngon lành.”
“Không sai,” Kit nói, hai cha con cùng nhe răng cười, chia sẻ niềm vui đàn ông trước cái cách mà tiếng ồn của đoàn tàu đã làm cho Mẹ hoảng sợ.
“Con chắc chắn đó là lý do chỉ có chúng ta chiếm trọn khu cắm trại. Có lẽ dân địa phương quanh đây đã quá quen với những chuyến tàu.”
“Có lẽ thế,” ba nó đồng ý.
Họ đã qua bờ bên kia. Chiếc cầu cũ dành cho xe tải đã bị rào chắn lại, mặc dù còn giữ lại một lối đi bộ, và một biển báo: “LƯU Ý, đây là tài sản của công ty đường sắt Montana & Pacific Railway. Giấy Phép Qua Cầu Có Thể Bị Thu Hồi Bất Kỳ Lúc Nào.”
“Như thế nghĩa là gì?” Kit nói.
“Nghĩa là công ty đường sắt không muốn để mất cái quyền ưu tiên hợp pháp của nó,” John nói.
“Ồ,” Kit nói, sẵn sàng chấp nhận lời giải thích của ba nó mặc dù nó không hoàn toàn hiểu hết. “Chúng ta có thể đi bộ trên đường ray không?”
“Ba nghĩ công ty đường sắt không cấm đâu,” ba nó cười lớn. “Đi như thế chắc chắn là dễ hơn phải leo lên leo xuống dọc bờ suối.”
“Ta hãy đi về phía khối đá lớn. Ba thấy đấy không? Hòn đá ngay bên trên đường ray, đằng ấy. Con chắc chắn ở đó có cá để câu.”
“Tại sao?”
“À,” Kit nói, “à, khối đá tạo một bóng râm trên mặt nước và 𝘵𝘳𝘰𝘶𝘵𝘴 tụ tập ở đó.”
“𝘛𝘳𝘰𝘶𝘵,” cha nó nói. “Số ít số nhiều không đổi.”
[𝘵𝘳𝘰𝘶𝘵 – cá hồi nước ngọt. Kit thêm “s” để diễn tả số nhiều, bị ba nó chỉnh lại.]
“O.K.,” Kit nói, nghĩ bụng quan trọng gì chuyện đó.
Hai cha con cùng đi ngược lên đường ray. Đoạn đường ray này chỉ thẳng một quãng ngắn, rồi ở cả hai đầu đường sắt uốn cong, men theo dạng chữ S của con suối và của hẽm núi.
“Ta nên nhìn đường cho kỹ,” Kit nói, cảm thấy tự hào là mình cũng biết cẩn thận như người lớn. “Nếu có đoàn tàu ầm ầm lao tới, ta sẽ không thấy nó đâu.”
John nhìn trước nhìn sau. Trước khi hai đầu đường ray uốn theo vách núi đá, người ta chỉ thấy một đoạn đường ngắn chừng một phần tư dặm. Anh mỉm cười với con trai. “Chúng ta sẽ nghe được tàu khá sớm trước khi tàu tới,” anh nói. Nhớ lại tiếng gầm rú bao trùm của chuyến tàu đêm qua khiến anh tỏ vẻ lắng nghe, dù không chú tâm lắm. Rõ ràng tàu qua đây nhanh, nhanh hơn nhiều chứ không phải qua vùng núi thì chậm lại như người ta nghĩ. Bất chợt anh dừng bước, quỳ một chân xuống, áp tai vào một thanh ray.
“Ba làm gì thế?” Kit ngạc nghiên hỏi.
“Một mánh lới cũ ba học được hồi ba bằng tuổi con. Con đã từng làm thử chưa?” Rồi anh nhận ra rằng đương nhiên Kit lớn lên ở thành phố, chưa từng biết cách lắng nghe tàu hỏa. Kit lập tức áp tai vào đường ray. “Con chẳng nghe gì cả.”
“Ôi trời,” ba nó nói. “Đủ thứ âm thanh.”
“Đủ thứ,” Kit nói. “Thế ba nghĩ sẽ nghe thứ âm thanh gì?”
“Một thứ âm thanh o o, u u,” ba nó nói. “Thật ra, vừa rồi ba cũng chẳng nghe gì. Nhưng nếu có tàu sắp đến, dù còn cách đến năm dặm hoặc hơn, con vẫn nghe tiếng.”
“Ồ, năm dặm ư?”
“Có thể xa hơn nữa,” ba nó nói.
“Hòn đá lớn đây rồi,” Kit chỉ tay. Quả thật hòn đá đổ bóng xuống dòng nước; John để ý thấy có một cái vũng nhỏ lẹm vào bờ, và nước có vẻ khá sâu. Có thể có cá hồi.
“Ba này. Hàng rào ấy để làm gì thế?”
John nhìn theo tay chỉ của Kit. “À, ba không biết. Ắt là hàng rào điện, căn cứ vào mấy trụ sứ cách điện ấy. Có thể để ngăn động vật đến gần đường ray.”
“Như gấu hở?” Kit nói.
“Bò thì đúng hơn,” ba nó nói.
“Montana là một tiểu bang tự do chăn thả súc vật. Mặc dù ba không biết một con bò sẽ làm gì ở bờ suối phía bên này, hoặc một hàng rào để làm gì, giữa vách núi và đoạn đường ray. Dù sao cũng đừng chạm tay vào hàng rào.”
“OK, ba,” Kit nói. “Ta hãy móc mồi vào lưỡi câu.” Nó lôi từ trong túi ra cái lon đựng giun mà nó đã đào nơi bờ suối trước khi lên đường. Hai cha con đang đứng giữa đường ray ngay bên dưới khối đá. Kit chăm chú móc một con giun đang ngọ ngoạy vào lưỡi câu, ba nó thì đang buộc một con ruồi nhuế màu đen.
Ngay lúc ấy một chiếc xe tải khổng lồ, bên hông có ba chữ cái M.A.D, viết tắt của “Montana and Dakota”—“Xe Tải Điên” là lời nói đùa trong khu vực—vấp phải một cái ổ gà khá lớn trên đường băng qua dòng suối, vì bị che đằng sau những cây thông rất cao mọc bên bờ đối diện. Người lái xe chửi thề và chuyển xuống số thấp hơn.
John Bagley cảm thấy, hoặc nghĩ rằng mình cảm thấy, sự rung động rất khẽ nơi cái tà-vẹt dưới chân. Và cái gì đó, trong một thoáng chốc rất ngắn ngủi, gây cho anh cái cảm giác kỳ lạ về cái bóng đen che chỗ anh đang đứng. Nó đang—nó đang chuyển động, và tiếng thét của Kit và cú nhảy theo bản năng của John Bagley khi anh cố tóm lấy Kit (nhưng vì bàn chân anh dẫm phải một hòn sỏi nhỏ, nên anh đã chụp lấy khoảng không), tất cả là một phần của một cơn ác mộng hỗn loạn, hoảng hốt và những tiếng động lộn xộn khi khối đá khổng lồ trên kia ầm ầm đổ xuống, vỡ thành hai mảnh gây ra một tiếng động rất lớn, và một khối vỡ lớn dừng lại chỉ cách hàng rào điện chừng một tấc, ở một vị trí mà khối đá lớn hơn lăn xuống sau va phải nó, văng ngược lên trời, bay qua khỏi hàng rào chỉ cách mép trên hàng rào vài phân.
Nếu như khối đá đầu tiên không dừng lại nơi nó đã dừng, thì nửa kia đã không tình cờ va chính xác vào nó, hoặc là nếu như cái trụ sứ cách điện bị vỡ không làm chùng sợi dây điện vừa đủ để giúp cho khối đá lao qua mà không chạm phải sợi dây điện, thì hàng rào điện hẳn đã nháy đèn báo động.
Trong giây phút hoang mang, John Bagley ngơ ngác nhìn quanh. Bụi đá lơ lửng trong không khí và anh đã té ngã vì trượt chân trên hòn sỏi, và Kit đâu rồi?
“Ba ơi! Ba ơi!” anh đã nghe, và anh quay lại.
Kit đang nửa nằm nửa ngồi trên đường ray. Khối đá vỡ to lớn, gối một phần lên đường ray, đang vắt qua cẳng chân nó.
John Bagley chạy nhanh tới chỗ con trai. Mắt lộ vẻ kinh hoàng, anh ngồi thụp xuống cầm tay Kit.
John nhìn khối đá. Có lẽ, có lẽ nó đã không làm dập nát hay làm gãy chân con anh; dường như nó đang gối lên một thanh ray và một cái tà vẹt.
“Con đau lắm không?” anh khẽ hỏi, nhưng Kit đang khóc vì hoảng loạn, không thể trả lời.
“Kit!” anh hổ thẹn vì đã cao giọng gay gắt như thế, nhưng tiếng quát đã làm được điều anh hi vọng: Kit ngừng khóc.
“Không đau,” Kit nói. “Không đau lắm. Nhưng con không rút chân ra được. Đẩy hòn đá đi ba. Ba đẩy nó đi, làm ơn!”
John Bagley nhìn khối đá. “Xô nó ra đi ba,” Kit khóc thút thít. John kề vai vào tảng đá, biết rõ là vô ích, biết rõ không ai có thể lay chuyển được nó, nhưng cũng biết rằng vì con mà anh phải cố. Anh cố đẩy cho đến khi tim anh đập dồn dập và mắt anh mờ đi. Khối đá không nhúc nhích và John căm ghét nó vì nó lỳ lợm cưỡng lại sức mạnh cơ bắp của con người.
Anh nhận ra rằng anh không được buông xuôi cho sự hoảng loạn. Theo anh thấy, cẳng chân của Kit không có dấu hiệu bị biến dạng, và ơn Chúa, cũng không thấy máu. Anh cần phải tiến hành bình tĩnh, hiệu quả, khám phá mọi khả năng. Đừng mất bình tĩnh, anh tự nhủ, đừng, đừng.
Anh lại quỳ xuống bên cạnh con trai. Có vẻ như khối đá đang gối lên trên một thanh ray và lớp đá dăm nén chặt bên dưới những tà-vẹt, hoặc gối ngay trên một cái tà-vẹt cũng nên. Cẳng chân dưới của Kit khuất bên dưới khối đá trong cái khoảng hẹp giữa đáy khối đá, thanh ray, và mặt đất.
”Con nghĩ là bàn chân, ba à,” Kit thút thít. “Cẳng chân thì không sao, nhưng con không cựa quậy được bàn chân, con không thể rút bàn chân ra được.”
Rồi một cơn kinh hoàng ập đến với người cha, và mặt anh tái đi khi anh nghĩ, Ôi, lạy Chúa, xin giúp con ngăn Kit nghĩ đến việc này.
“Ba ơi!” Kit kêu lên. “Ôi, ba ơi, nếu như—nếu như—”
Muộn quá rồi. Kit cũng đã nghĩ đến điều ấy.
“Mạnh dạn lên con trai,” John nói, “Để ba gắng kéo con ra.” Anh chụp lấy hai vai của Kit.
“Ba làm thế con đau lắm,” Kit nói, lại thút thít khóc.
Vô ích. Giá như tìm được người đến giúp, đủ người để nhấc khối đá lên khỏi thanh ray để làm rộng thêm (ít nhất cũng tạ ơn Chúa lòng lành về việc này) cái khoảng trống mà chân Kit đang kẹt trong đó, thì Kit mới mong thoát nạn.
“Ba ơi, bây giờ ba sẽ làm gì?” thằng bé đã thôi khóc, nhưng nó đang run rẩy, run rẩy toàn thân, bần bật.
Đúng lúc ấy, hai cha con đều nghe vẳng lại, từ một khoảng cách không xác định được, tiếng còi hơi rền rĩ của đầu máy diesel.
“Tàu hỏa đấy,” Kit thì thào, hai mắt mở lớn vì kinh hoàng. “Ôi, Daddy, tàu hỏa đấy.” Đã từ lâu nó không hề gọi ba nó là “Daddy.”
Hãy giữ bình tĩnh, John Bagley nghĩ thầm. Đừng kê thân vào mà đẩy tảng đá, đừng cố di chuyển nó, ngươi không thể di chuyển nó được đâu, ngươi không thể kéo thằng bé ra, ngươi đã cố gắng đến hết, và còn vượt quá, giới hạn sức mạnh của ngươi. Ngươi thậm chí cũng không có một con dao hay một lưỡi rìu . . . Nhưng anh không thể tiếp tục mạch suy nghĩ này nữa.
“Kit này,” John nói, “ba sẽ để con lại đây rồi ba chạy theo đường tàu để chặn tàu lại.” Anh cố nói thật nhanh, đồng thời biết rằng anh không được để cho thằng bé biết anh đang sợ đến mức nào. “Rồi ba sẽ nhờ nhân viên đoàn tàu dời tảng đá đi.”
Tiếng còi khàn khàn lại vang lên. Nghe gần hơn hẳn.
“Ba ơi!” Kit la lên. “Tàu đến từ hướng nào? Nhỡ ba chạy sai hướng thì sao?” Nó vừa nói vừa vặn vẹo thân hình, vừa khóc vừa cố vùng thoát. “Tàu đang đến từ hướng nào?” Vẳng lại từ đằng xa, họ có thể nghe vang động tiếng ì ầm, dội đi dội lại trong hẽm núi.
“Tàu đến từ hướng ấy,” John nói và bắt đầu chạy nhanh về hướng mà từ đó âm thanh có vẻ như đang vọng lại, thì tiếng la của đứa con trai khiến anh dừng chân.
“Không, ba ơi, không! Từ phía kia, từ phía kia!” Kit chỉ tay theo hướng ngược lại. Giá như họ thấy được! Giá như đoạn đường sắt không uốn cong khỏi tầm mắt ở cả hai đầu! Giá như mọi tảng đá và mọi thân cây không làm biến dạng và hất ngược âm thanh, mà giờ đây dường như lớn hơn, khi đoàn tàu lao đến rất nhanh và vô hình—nhưng từ hướng nào? Giá như đầu máy diesel có nhả khói . . . . bây giờ thì anh không biết âm thanh phát xuất từ đâu, và anh sợ rằng con trai anh biết rằng anh không biết và dù xảy ra chuyện gì đi nữa, thì ít nhất con trai anh không nên biết điều này.
Toát mồ hôi, John Bagley áp tai vào thanh ray, cổ nén nỗi sợ hãi khi tiếng ì ầm rất lớn vang lên sát bên đầu anh.
“Ba biết được hưởng theo cách đó, phải không ba?” Kit nói. “Ba biết tàu đến từ hướng nào phải không?”
John đứng thẳng lên, nhìn con trai. Suốt đời anh, anh đã sợ hãi những giây phút như thế này. Anh biết—đã luôn luôn biết—cách đưa ra những quyết định ở trong phòng thí nghiệm. Luôn luôn có cái gì đó làm đầu mối để tiến hành, một tập hợp các dữ liệu để đánh giá, hay một hệ quả lô-gích của những gì đã xảy ra trước đó, hoặc một bảng gồm những con số mà cho dù đưa đến diễn dịch sai đi nữa, thì vẫn là có đó. Nhưng luôn luôn anh sợ rằng sẽ có lúc khi mà các dữ kiện hoặc hệ quả hoặc các con số đơn giản là không tồn tại, nhưng rồi phải chọn một bước đi cho dù bước đi ấy có nghĩa là lao đầu vào bóng tối.
“Ba biết hở ba?” Kit gần như hoảng loạn trở lại. John Bagley đã cố gắng đừng bao giờ nói dối, với chính mình hoặc với người khác.
“Ba biết, Kit,” John nói. “Bây giờ thì ba biết. Con đừng lo.” Nói xong anh tuyệt vọng cố chạy thật nhanh theo hướng ngược lại hướng mà anh và Kit đã đi đến, vừa chạy anh vừa cầu nguyện tiếng được tiếng mất.
Một tiếng còi nữa. Lớn hơn phải không? Hay nhỏ bớt? Và tiếng ì ầm lên cao–xuống thấp–lên cao . . . . nghe có vẻ như từ xa vọng lại. John Bagley suýt đứng hẳn lại, nhưng đã quá muộn rồi, quá muộn, hướng đi đã định, bước chân trong bóng tối đã thực hiện, và lần đầu tiên trong đời anh hiểu trọn vẹn thế nào là dấn thân không thể đảo ngược vào một hành động mà không có bằng chứng, không có lấy một mảy may chứng cớ rằng đấy là một quyết định đúng đắn. Tuy nhiên anh biết anh phải tới, chứ không thể lùi. Loé lên trong đầu anh cái hình ảnh điên rồ của chính anh đang hoảng loạn chạy theo hướng này, rồi chạy ngược lại hướng kia, bị đánh lừa bởi tiếng vọng lại từ núi, giống như một cầu thủ chạy bóng dại dột bị kẹt giữa cầu thủ thứ hai hoặc thứ ba trong môn bóng chày.
Hai bàn chân anh nện xuống lớp xỉ than rải giữa các tà-vẹt, mà anh nguyền rủa vì khoảng cách quá rộng giữa hai tà-vẹt khiến thỉnh thoảng anh lảo đảo. Anh đã té một lần, rách quần nơi đầu gối, rồi gượng đứng dậy chạy tiếp. Lại vang lên tiếng còi tàu, tim anh muốn ngừng đập, vì tiếng còi dường như nhỏ bớt đi. Nhưng anh gắng gổ chạy tiếp. Quyết định đã chọn. Đúng hay sai, thì cũng đã chọn.
Anh tới chỗ đường cong mà qua khỏi chỗ này đến một vị trí nào đó—nếu anh đi đúng hướng—sẽ thấy đoàn tàu. Sẽ phải thấy đoàn tàu. Ngoái lui, anh nhìn nhanh Kit lần cuối, đang bị khối đá ghìm chặt, trông như sát sau lưng anh (thật ra anh đã chạy một quãng đường khá dài) và anh chạy nhanh hơn nữa, mạch máu đập dồn, tim đập dồn, đầm đìa mồ hôi. Anh đã hy vọng rằng một khi tới được đoạn đường cong anh sẽ có thể thấy (và được người ta thấy) một quãng đường dài. Nhưng đoạn cong này rất ngặt, hoặc là hai vách núi được xẻ cho đường ray đi qua quá gần nhau, nên anh vẫn không thấy gì cả.
Anh dừng lại, thút thít vì kiệt sức. Anh không thể chạy thêm được nữa. Phải dừng ở đây thôi nếu anh muốn còn đủ sức để vẫy tay. Nhưng không có đoàn tàu nào cho anh vẫy. Hai thanh ray, sáng loáng trong nắng, uốn cong như trêu tức cho đến khi chúng mất dạng đằng sau vách hẽm núi, hoàn toàn trống trơn. Anh chú tâm lắng nghe, nghe bất kỳ âm thanh gì, nhưng trong tai anh chỉ vang lên tiếng vỗ đập của sự kiệt sức. Anh cảm nhận thân hình anh đang chao đảo bên mép rìa của ý thức; và lần đầu tiên, cố gắng giữ sự tỉnh táo nhưng đành chịu thua, anh biết rõ sự phí công và cơn tuyệt vọng rốt cuộc đang bắt đầu đánh bại anh.
Rồi đột nhiên át đi âm thanh đang gào thét trong tai là một tiếng động xa lạ dữ dội, tiếng thét của một chiếc còi hơi, rất gần, và cách chừng 300 mét, hiện ra trước mắt cái mũi to lớn bằng thép, anh thấy đoàn tàu đang lao tới. Đứng ngay ngắn giữa đường ray, anh cố thu chút sức tàn để vẫy tay và, thật ngớ ngẩn, hét lớn, và anh đứng yên tại chỗ khi anh nghe tiếng thét mỗi lúc mỗi lớn của còi tàu, nhảy tránh sang một bên rất muộn đến độ trong cái phút giây ngập tràn sợ hãi anh sợ rằng anh sẽ nát thây dưới những bánh xe.
Tạ ơn Chúa, là một đầu máy diesel, có nghĩa là không có gì làm vướng mắt viên kỹ sư lẫn người lái tàu: ắt hẳn họ đã thấy anh. Rồi anh nghe tiếng phanh ken két và thấy những tia lửa bắn ra khi những bánh xe bị khoá cứng trượt trên thanh ray và trước khi ngất đi anh mơ màng nghĩ. Họ đã nhận ra ta, họ sắp mài phẳng mọi bánh xe, Chúa ơi. Tạ ơn Chúa họ đã thấy ta, họ thấy ta và họ sắp dừng lại.
Anh tỉnh lại khi toa cuối cùng rùng rùng dừng lại và một thành viên của đội lái tàu, nhảy xuống, chạy về phía anh.
“Con trai tôi,” anh hổn hển, đưa tay chỉ. “Con trai tôi . . . đằng kia.”
* * *
Sau đó, khi đội lái tàu đã xeo khối đá lên đủ cao để Kit có thể rút chân ra và ông nhân viên trực phanh hãm tàu đã buộc một thanh nẹp nhỏ vào mắt cá chân của Kit, mặc dù nó chỉ bị trầy sướt nhẹ, và mọi người cùng nhau trở lại khu đất cắm trại (ông nhân viên trực phanh vạm vỡ nhất mực ẵm Kit đi trọn đoạn đường) Myra Bagley nhìn chồng nói khẽ, “Ôi, John, làm sao anh biết tàu sẽ đến từ hướng nào? Làm sao anh biết, ở vùng núi như thế này, nơi mà mọi âm thanh đều dội lại như thế?”
“Myra,” John mở lời, “Anh—”
Rồi anh nín bặt. Anh biết nói sao với cô ấy? Cái sự bất khả tư nghị của sự tình cờ của Số Phận, cái sự nhắc nhở đen tối rằng bên ngoài lãnh vực sáng chói của một thí nghiệm có kiểm soát, sự trưng ra bằng chứng, sự liều lĩnh có tính toán, là một cái gì đó không thể tính toán được. Sau này, có lẽ, sau này rồi sẽ nói. Bây giờ cứ để Myra (và Kit) nghĩ rằng anh đã biết.
“Anh đã dùng một cái mánh lới rất xưa của Hướng Đạo sinh,” anh nói, hơi mỉm cười, cảm thấy sức mạnh đã trở lại với anh. “Anh áp tai vào thanh ray.”
“Và anh biết được hướng tàu đến?” Myra hỏi.
“Đương nhiên,” anh nói dối. “Đương nhiên, nếu em biết cách.”
“Em nhẹ cả người,” Myra nói. “Ôi, John, nếu như anh đã phải đoán mò . . . .”
Lúc đó anh biết anh sẽ chẳng bao giờ có thể nói thật cho cô ấy biết.
No comments:
Post a Comment