Tuesday, February 28, 2017

Vậy làTết chính thức đã qua. 
Trở về công việc hàng ngày, mình nhận ra là mình rất thích Tết. 
Tết được nghỉ ngơi, được thăm gặp nhau, được về quê, gặp bà con ở xa, bạn bè xưa cũ. 
Tết được diện đồ làm duyên chụp hình. 
Tết được nằm dài ngủ nướng bên nhau, quên thời gian, mặc kệ không gian. 
Tết có dịp làm bánh mứt, làm nem chả, nấu món này, nấu món kia.
Lục lọi ảnh, thấy mứt dừa, mứt gừng, chả thủ, chả heo, thịt bò khô và vả ngâm chua ngọt mà mình lúi húi tự tay làm từ những ngày giáp Tết năm nay.





Giờ post lên đây chỉ để nhớ Tết thôi.
Ps: Sau Tết lên 2 ký cùng với ngập tràn niềm vui. Phải lên kế hoạch giảm số cân này trong 2 tháng. Hic

Sunday, February 26, 2017

Thăm khám bệnh phong làng Tang, Pleiku

2/6/2014
Ngày đầu tháng 6, chợt nhớ lũ nhóc ở xa thật xa. Ký ức về những mảnh đời khó tả cứ ùa về làm xao lòng mình.
"...Tôi đến Pleiku vào một ngày trời thật diu dàng, lạnh se se và gió hiu hiu. Trọng đón tôi tại sân bay. Trọng trẻ hơn nhiều so với giọng nói nghe qua điện thoại. (Chúng tôi đã làm việc qua điện thoại nhiều trước khi gặp nhau).
Chuyến đi này chủ yếu là để chọn bệnh đục TTT cho đợt mổ mắt sắp đến. Tuy nhiên, cái tính tranh thủ “mỗi lần đi mỗi lần khó” nên tôi ôm đồm theo thuốc bổ, kháng sinh, thuốc nhỏ mắt, kẹo bánh cho trẻ em.
Xe đưa chúng tôi đến 3 nơi trong một ngày . Đi xa nhưng đường không đến nổi khó quá nên tôi thấy khỏe. Cũng có thể vì tôi háo hức với khung cảnh lạ của Pleiku, với khí hậu dịu dàng của pleiku, và với mục đích tốt lành nên tôi thấy mình ổn.
Cô y tá đi cùng tôi hơi bối rối khi đến làng cùi đầu tiên, khi tiếp xúc với bệnh nhân cùi, nhưng những làng sau thì cô ấy mạnh mẽ hơn, không sợ hãi gì nữa.
Trọng giới thiệu tôi với mọi người và mọi người với tôi. Hầu hết không nói được tiếng Kinh hoặc chỉ nói tiếng Kinh bập bẹ.
Tôi khám bệnh, tôi muốn nói với họ thật dịu dàng. Tôi vành mắt họ ra để khám. Tôi để rơi bàn tay mình trên má họ. Hốc mũi trống hoác. Mi mắt kéo lệch .
Trọng thân thiện khám chân tay, kéo áo (nếu đó được gọi là cái áo) xem lưng.
Trọng ngắm nghía sờ mó các tổn thương ở chân rồi nói: Chà chắc phải lên lại để làm sạch lỗ đáo.
Trọng kiểm tra giày của họ. Ai đã thấy đôi giày dành cho người cùi chưa? Đôi giày dành cho những bàn chân không gọi là chân?

Trọng vui vẻ kể chuyện nhiều.
Trọng rầy một số bệnh nhân không chịu tắm rửa. Trọng giới thiệu một cô gái mắt mở to rất sáng nhưng hốc mũi trống hoác và tay chân , ngón còn ngón mất.
Trọng khen cô ấy hôm nay dễ thương. Cô ấy thì thầm vào tai Trọng gì đó làm Trọng cười ngất.
Trọng kể với tôi về mối tình của cô ấy và một chàng trai ở làng cùi kề bên. Họ chưa được đến với nhau vì họ đang là những bệnh nhân trong giai đoạn còn phải điều trị. Họ yêu nhau lắm và đang rất quyết tâm làm sạch mình.
Ôi tình yêu! Mọi thứ có thể méo mó, khiếm khuyết riêng tình yêu thì luôn tròn đầy. Mọi thứ có thể bạc màu như vết phong, xạm đen như lỗ đáo hoại tử trên thân thể người cùi, nhưng trái tim họ vẫn đỏ thắm thiết, và vẫn nồng nàn tình yêu.

Tôi không ngại bắt tay họ khi ra về ( đối với những người còn tay để bắt). Tôi không ngại ngồi bệt xuống thềm nhà với họ. Tôi không ngại trao cho họ những lời lẽ dịu dàng, những nụ cười đẹp nhất của mình.

Tôi bâng khuâng suốt đường về.
Lạy Chúa, sao vòng tay con nhỏ bé quá! Xin cho con thêm tình yêu, xin cho con biết phải làm gì cho những mảng đời này.
Tạ ơn Chúa ! Con biết con giàu có. Lạy Chúa, con xin dâng lên Chúa con người con, trái tim con, ước muốn của con . Mọi sự tốt đẹp mà Chúa đã ban cho con, con xin dâng lại cho Chúa. Xin Chúa hãy sử dụng con như Chúa mong muốn. Ngày xưa Chúa chạm vào người phong hủi để chữa lành cho họ. Thì nay , xin Chúa hãy ở trong con để giúp con tiếp tục công việc này..."


NHẬT KÝ TÍA TÒ

Bút ký của Bảo và Thảo




NHẬT KÝ TÍA TÒ
Sơ lược tiểu sử Tía Tò:
Tía về nhà tôi vậy mà đã gần 1 năm. 
Lúc Tía về, chị Thảo còn ở nhà. Ba mẹ quyết định nuôi Tía do ba mẹ không thể giết thịt Tía và ba mẹ cũng muốn tôi có bạn chơi sau khi chị Thảo đi Mỹ.
Tía rụt rè, hay sợ sệt trong những ngày đầu. Có mấy lần tôi chọc Tía chạy vòng quanh lồng luôn, tội nghiệp. Nhưng rồi thì cũng quen dần. Ba và tôi chịu trách nhiệm chính trong việc chăm soc , cho ăn và dọn dẹp chuồng. Mẹ mặc dù không nhìn đến Tía nhưng, luôn để dành thức ăn cho Tía.
Tía tính tình đằm thắm nhưng giọng gáy mỗi sáng thì tuyệt vời.
Tôi nhớ tôi để chuông báo thức nhưng không dậy nổi nhưng chỉ cần tiếng gáy của tía là tôi luôn thấy tỉnh táo
Chị Thảo đi Mỹ không lâu thì Tò về nhà. Ngày Tò về, Tía cắn Tò đến nỗi ba phải “chia cắt sơn hà”. Cậu Tò, hơi ngỗ ngáo và có chút gì đó nổi loạn. Mẹ bảo, Tò dữ hơn Tía và xem ra Tò ít tình cảm hơn Tía.
Những ngày đầu, Tía và Tò ăn cùng một tô. Cậu Tò cứ giành phần Tía, có khi đói quá lại đạp lên cả Tía nữa, đến nỗi sau này Tía phải cắn cho chừa. Thế là mỗi khi đến giờ ăn lại phải chia lồng ra.
7.5
Hôm nay ngày 25 tháng 6, năm 2011
Tía Hờn Bảo
Mẹ nói Tò dữ hơn Tía và còn ít tình cảm hơn Tía nữa. Bởi vậy cho nên, Thảo thấy tội cho Tò. Mà chắc mọi người cũng biết Thảo thích Tò hơn Tía, vì trước giờ chỉ thấy Thảo đòi làm thịt Tía chứ có thịt Tò bào giờ, phải không? Gà Tò là gà của Thảo, mặc dù Thảo không cho Tò ăn, cũng không dọn chuồng cho Tò, nhưng Thảo có sự đồng cảm với Tò. Tò không có thâm niên ăn ở trong nhà mình như Tía, Tò cũng không đẹp mã bằng Tía, (lúc mới nhìn còn tưởng Tò là gà mái, đuôi xác xơ mà mắt hốc hác tội nghiệp), Tò rất là thiệt thòi đó. Tuy nhiên Tò lại có tiếng gáy trong và rất vang dội. Tò mình có bệnh gáy đêm, chắc có gốc gác từ châu Mỹ!
Con Tía chị Thảo vừa thấy ghét lại vừa thấy sợ. Do con Tía có cái mào khiếp quá, to một cách dị thường, màu còn hơi tai tái. Bảo hay chọc chị Thảo bằng cách cầm tay chị Thảo dí vô cái mào của Tía, làm chị Thảo hét vang trời. Cái mào to, âm ấm, sần sùi, sờ vào tưởng như sờ con cá vàng chết khô!
À, để cho khỏi quên, chị Thảo kể chuyện Tía hờn giùm Bảo. Nhưng mà chị Thảo hứa với Bảo là chỉ kể 1 chuyện thôi, còn lại ai có kỉ niệm chi khác thì tự kể. Chị Thảo nói với Bảo, vì đây là nhật kí chung của nhà mình, nên cứ viết thoải mái tự nhiên, để cho cảm xúc tuôn trào. Mai mốt Bảo sẽ lấy nhật kí này ra viết lại làm luận văn vào đại học nước ngoài. Còn nữa, 6 tháng sau khi Tía chết (một ngày xấu trời nào đó), Bảo sẽ còn kéo chuột xuống từng dòng thống thiết này mà nước mắt rơi rơi.
Chuyện chị Thảo muốn kể, chị Thảo đặt tên là chuyện Tía Hờn Bảo.
Một buổi sáng, như thường lệ Bảo lại cho Tía và Tò ăn. Đồ ăn sáng ngày hôm đó là mấy cục bánh mì thúi chị Thảo và đem từ Sài Gòn về, sau mấy ngày thi căng thẳng vẫn còn nguyên. Mặc dù (chị Thảo biết) trong bụng Bảo cưng Tía hơn Tò, Bảo vẫn cố chia bánh mì thiệt đều ra hai cái tô nhựa giống y chang nhau, đó là do tình thương Bảo dành cho cả hai đứa vẫn to lớn vô cùng. Tò ăn tô ngoài, Tía ăn tô trong, đó là do sự chu đáo của ba, ba thấy Tía có cái mào vĩ đại gây vướng víu. Bảo chặn chuồng lại bằng ba cái ống nhựa, do hai đứa này hay cắn nhau mỗi khi có tranh cãi về vấn đề thực phẩm. Tía vẫn được ưu tiên nhiều hơn do bên phần của Tía có ly nước.
Đúng lúc đó, chắc do thời tiết nóng bức, Bảo nảy ra ý chọc cả hai con gà. Bảo nhón từng cục bánh mì rồi ân cần bón cho con Tò, giống như mẹ đút cho em bé! Tò khoái chí, còn Tía đang ăn phần hắn hết sức ngon lành, bỗng nhiên đứng nhìn sững, vẻ mặt ngơ ngác đáng thương trước sự bất công rõ ràng diễn ra trước mặt. Để chọc Tía thêm, Bảo còn dứ dứ ruột mì cho Tía, nhưng cố ý để Tía mổ hụt hoài. Tía phản ứng ngay lập tức. Khi Bảo sờ mào sở lông Tía, Tía lắc đầu quầy quậy, lại còn rúc vô lồng. Bảo thấy tội lỗi quá, quay qua đút cho Tía. Cái ni mới ghê nè: Tía làm bộ đang tự ăn say sưa trong tô, hông thèm nhìn tới Bảo nữa. Sau khi chứng kiến chuyện này, chị Thảo bị thuyết phục rằng đây là những con gà có trí tuệ và tình cảm. Về sau Thảo không dám đòi thịt Tía nữa.
Và Tía đã hờn Bảo.
Kí tên: Chị Thảo
Tiếp tục viết về chuyện Tía hờn Bảo
Qua chuyện vừa rồi, Bảo CHẮC CHẮN là gà có trí tuệ và tình cảm!!! Bảo sẽ viết một bài văn về Tía Hờn Bảo trong đề văn “Kỉ niệm về vật nuôi” lớp 8! Viết cục mỡ heo vô nữa. Y như chị Thảo đã kể.
À chị Thảo không đòi thịt Tía cũng đúng. Vì Tía già rồi, thịt dai không ngon.. Còn Tò, như ba nói, là giống gà quí, thịt thơm ngon đặc biệt đó! J
Bảo kể chuyện đây:
Trưa ăn cơm xong, Bảo lên lấy áo đầm cho mẹ, tiện thể ra thăm gà một tí. Tò bữa nay tội lắm, đứng yên cho Bảo rờ mặt rờ mào nữa, chớ hồi trước thì cứ quay qua quay lại. Chắc là bắt chước theo Tía, tại thấy Bảo chơi với Tía mãi mà. Mào Tò chừ cũng khá to rồi, đụng vào lồng sụp xuống cả mắt phải. Nhưng tất nhiên vẫn không thể so được với cái-mào-cá-vàng-chết vĩ đại của Tía (như chị Thảo nói) J. Chị Thảo nói vậy chớ Bảo thì thấy mào Tía dễ thương lắm lắm. To đùng mà đỏ tươi như lửa. Ơ có khi tím lại, chắc do Bảo bóp nhiều quá, hèn chi mấy bữa lơ gà thấy mào Tía hồng hào khỏe mạnh  Mào to thì đẹp nhưng lại khổ, đụng cả lồng chẹp xuống, ăn uống gì cũng vướng víu. Lúc Tía ăn đậu nành, cả cái mặt dính đầy bột trắng nhìn ngố J
Sau khi rờ cái đầu bé xíu của Tò chán rồi, Bảo lại qua rờ mào Tía, thì Tía bỗng lắc đầu quầy quậy, rồi lại thụt lui ra sau Tò. Hứ, Tía ni giận dai quá. Mà thôi, thấy Tía tội tội, Bảo xin lỗi Tía, khen Tía dễ thương nữa. Liền sau đó, Tía cho Bảo rờ mào thoải mái!
TÍA ĐÃ HẾT HỜN BẢO!!!! J
Kí tên: Bảo
Tía vẫn còn hờn Bảo, tuy nhiên Tía rất rộng lượng.
Kí tên: Chị Thảo.
26. 6
Hồi trước chị Thảo nhớ, Tía bị dính đồ trên mỏ, mình nhắc khéo, thế là Tía quẹt mỏ xuống sàn.
Chuột bới đất sạch từ cây ra. Ba lấy đất sạch cho gà bưi. Gà bón cho đất màu mỡ. Ba đem đất giàu dinh dưỡng bón vào cho cây. Cây làm sạch đất, trổ cành xanh mơn mởn. Chuột lại bới đất sạch từ chậu cây ra. Ha ha ha ha. Vòng tròn của cuộc sống J Circle of life.
Thế là Bảo hết tức vì bún cho gà bị chuột ăn sạch!
Sáng nay chị Thảo cho gà ăn lần đầu tiên. 2 con gà im ro, chẳng có phản ứng gì đáng kể. Thảo nghi quá, Thảo nghi gà không ăn vỏ tôm. Nhưng đến trưa thì thấy trong lồng sạch trơn không còn 1 cục.
Kí tên: Nhảo Mảo
Tối nay Tò làm một chuyện động trời khiến chị Thảo bây giờ giận Tò lắm lắm.
Nhưng đó cũng là do có nhiều chuyện liên quan tới kĩ năng chăn gà mà chưa ai nói với Thảo, bao gồm
1. Tía hay bắt nạt Tò và Tò rất sợ Tía.
2. Cửa chuồng có 2 cái móc.
3. Cả Tò và Tía đều có khả năng bước qua ba thanh nhựa chắn dễ như chơi.
4. Gà không cắn người bao giờ, trừ khi bị quáng gà.
5. Lùa gà phải lùa bằng đồ ăn, không lùa bằng roi. Nên nhớ, mật ngọt chết gà.
Như vậy, chuyện xảy ra do nhiều sự thiếu hiểu biết. Đầu tiên, chị Thảo để tô Tò xuống trước (lần sau tránh), thế là Tía chạy qua tranh, Tò sợ quá đứng xớ rớ ra xa, đó cũng là chỗ ăn của Tía. Chị Thảo tưởng Tò lì lợm đáng ghét, lấy que lùa gà (lần sau kiêng). Tò hoảng hốt, kêu toang toác rồi khui cửa lồng chạy (lần sau gắn cả 2 cái móc). Tò vừa chui nửa người ra, chị Thảo đã bỏ chạy một nước. Thảo tưởng có la, nhưng dường như không ai nghe. Thảo xui quá vì:
1. Em tắm
2. Ba qua ông nội
3. Mẹ bận
4. Chú Cường làm kính
5. Thảo mặc đồ “xấu” đến nỗi chạy ra mẹ đuổi vào.
Lúc đó, Thảo có một hình dung là con gà sẽ trở nên vô cùng dữ tợn, hung hăng, sẽ xông vào tấn công chị Thảo bằng cái mỏ và đôi mắt vằn lửa.
Chuyện đã yên. Bảo thích thì kể chi tiết chuyện ba bắt gà. Chỉ biết là con gà ta thấy ăn là mờ mắt. Con người hơn con gà ở chỗ nhìn xa trông rộng, biết hi sinh cái trước mắt cho những mục tiêu vĩ đại hơn, ví dụ tự do và độc lập.
Thảo bỏ một phiếu diệt con Tò để trừ hậu họa.
Kí tên : Chị Thảo.
Tiếp tục kể chuyện gà xổng chuồng :
Lẽ ra phải dặnTò bằng tiếng Anh, như ba nói. Tò chắc là gà Mỹ thiệt rồi. Bảo nói mấy lần bằng tiếng Việt là không được bay ra ngoài lồng kẻo người ta sẽ đem bắt, rứa mà Tía thì ngoan ngoãn vâng lời còn Tò cứ lọt tọt chạy ra. Mà cũng tại Tía dọa Tò, chặn tới 4 cây mà còn sợ. Hứ.
Ba đang ở nhà ông Nội thì phải về nhà lo chuyện gà. Xong rồi thì ba đi lại. Hic. Có ba là Bảo thở phào. Ba lúc mô cũng tài. Làm răng mà ba lùa gà được rứa nhỉ ????
Chán, 3 lần gặp gà xổng chuồng mà vẫn không biết cách lùa gà vô lại được. Kĩ năng lùa gà Bảo mới đúc kết ra, theo thứ tự. Tuy nhiên vẫn chưa làm được : L
1. Hãy bình tĩnh và cẩn thận
2. Không chạy tới bồng gà.
3. Nhớ chặn lồng cho gà Tía khỏi chạy ra theo trong lúc mở toang lồng.
3. Dùng gạo nhử gà vào lồng(Gà lâu rồi chưa ăn gạo. Tía vừa ăn vừa kêu cúc cúc cúc sướng quá trời)
4. Xem 1
5. Hành động dứt khoát, đóng cửa cái RẦM.
6. Cột chặt dây và khóa chặt móc
Mà lâu thiệt lâu rồi Tò mới được xổng chuồng lại, phẩy cánh phạch phạc nhìn thật là sung sướng. Nhiều lúc nhìn gà xòe cánh, vươn chân trong cái lồng chật chội mà thấy tội tội. Không biết gà có bị mỏi chân, giống cái kiểu mình bị mỏi chân khi ngồi nhiều quá không nhỉ ?
Thôi thì cho hắn ăn sơn hào hải vị bù lại vậy.
Ghét con Tò. Nhưng Bảo không bỏ phiếu diệt Tò đâu. Rồi làm răng để tối tối khuya khuya lại được nghe tiếng gà gáy ? Còn con Tía thì nhác gáy lắm, đã rứa lại còn gáy dở. Thích giọng Tò hơn, thanh thanh, cao cao, dài nữa. J Với lại Bảo mê rờ đầu Tò rồi .Cái đầu nhỏ nhỏ, lông lông, mào thì xẹp xuống, khi dựng lên thấy mặt Tò đẹp hẳn ra J. Bảo mê rờ Tò nên lâu lâu Tía hờn.
À để viết thêm cái kĩ năng cho gà ăn. Cái ni thì Bảo rành J
Hmm, nếu đói thì Tò cũng liều chạy qua chỗ Tía đang đứng mà ăn. Bảo nhớ có hôm Tò thấy bánh gatô thơm quá chạy qua ăn, bị Tía cắn 1 phát, QUÁC !
Nhưng mà lỡ hắn sợ không chịu qua thì chị Thảo bỏ tô cho Tía trước vậy. Mặc dù đồ ăn khiến gà mờ mắt nhưng cũng khiến gà có sức mạnh phi thường, chui qua 3 que một cách dễ dàng, chớ bình thường có khi không được mô ! Tía sẽ vù qua, và Tò sẽ sợ rồi tự động chạy qua bên kia lồng. Xong! J
Ơ mà lỡ có trường hợp ngoại lệ nữa thì phải dùng roi.
Tối ni Bảo không chế nước cho gà, không rút cả que ra nữa. Phạt Tía dọa Tò và phạt Tò xổng chuồng. Ngày mai phải dặn Tò bằng tiếng Anh mới được.
Kí tên : Bảo





N

Saturday, February 25, 2017

CÂY MAI NHÀ̀ NỘI


Cách đây 83 năm, ông nội, Quan huyện huyện Phú Lộc, tự tay trồng một gốc mai nhỏ. 
83 năm trôi qua, cây mai vẫn sừng sững trước sân dù trải qua bao mùa chiến tranh loạn lạc với biết bao thay đổi của ngôi nhà xưa. Đây là loại mai đặc biệt tự thay lá, tự nở hoa mỗi xuân về. Năm ni Huế mưa lạnh nhiều, cây mai vẫn cố gắng thay lá trổ bông. 

Nhà không còn bao nhiêu người, chú vẫn một mình lụi hụi chăm sóc vườn. "Giữ gìn cây là giữ gìn linh hồn của ngôi nhà"
Hai hàng cau dọc lối vào nhà. Cau cao và cau lùn. Hoa nhiều loại trong sân. Và vô vàn cây ăn trái.
Tết !
Nhớ rất nhiều những ngày còn nhỏ xíu.
Biết bao buồn và biết bao vui !






Gà nhà mình

Khởi đầu cho bài viết về những con gà dễ thương chỉ có thể  là Tía.


Tía của Bảo, và bây giờ Tía của mẹ.
Ai đã thấy Tía trong những mới về? Ai cũng thấy và không ai nhớ nhiều bởi vì Tía chỉ là một con gà, như mọi con gà khác. Đến nhà mình không vào dịp gì để giết thịt cả nên Tía được giữ lại. Có lẽ chỉ có ánh mắt Bảo muốn nuôi gà thiết tha quá nên ba mẹ giữ lại.
Cái chuồng lụp xụp xách từ nhà ông nội về để nhốt Tía cũng chỉ với ý nghĩ vài hôm nuôi cho vui .
Vậy mà Tía đã sống cùng gia đình từ giữa 2010, trước khi chị Thảo đi Mỹ.
1 năm chị Thảo đi Mỹ, Tía là người bạn , được xem là duy nhất và thân thiết nhất của Bảo. Bảo cần mẫn cho Tía ăn. Tía lớn lên nhiều với cái mào đỏ to làm nhiều người ngạc nhiên , không ít người sợ hãi. Mẹ thấy Tía ngộ ngộ . Thương Tía ? Chưa, mẹ chưa thương. Mẹ chỉ mừng vì có Tía cho Bảo chơi.

Tò về. Lại ước muốn nuôi gà cúa Bảo làm ba mẹ xiêu lòng. Vả lại cũng phải có một con gà nữa cho Tía vui , Tía làm bạn chứ. Những ngày đầu Tò về, ba và Bảo vẫn hy vọng tràn trề rằng Tía và Tò là đôi bạn chí thân . Có mình mẹ nhìn Tò chăm chú rồi buộc miệng . Tò mặt dữ quá.
Tía Tò được nhốt chung 1 chuồng, ăn cùng, ngủ cùng và …rồi thì chúng đánh nhau mãi. Mẹ vẫn nhớ có một lần Tía Tò đánh nhau quá dữ , mẹ và Bảo đã phải cột chân Tò chặt vào một góc chuồng cùng với những lời la rầy không tiếc.
Với tính khí ngược nhau, Tía Tò đâm ra có những tình cảm hờn ghen nhau khi Bảo chăm sóc đứa nọ quên đứa kia. Nhật ký Tía Tò ra đời đã kịp ghi nhận những thời khắc rất người của Tía Tò.

Giò về. Ôi Giò, cô gà xinh đẹp dịu dàng lại trở thành một lý do cho những cuộc xung khắc dữ dội của Tía Tò.
Vừa thương , vừa buồn cười, nhưng chân thành mà nói: Gà là một loài động vật cao cấp , chí ít là Tía Tò.
Tò được nhốt chung với Giò. Tía hờn ghen giận dữ với Tò. Tía bị tách ra một mình ở chuồng nhỏ tạm bợ. Tía ăn uống bình thường cho tới một ngày Tía đau. Lúc đó Tía ở cùng gia đình đã hơn 1 năm. Chị Thảo đi Mỹ về, chị Thảo đi học Sài gòn.
Tía đau. Mẹ không muốn nhắc lại những ngày đau yếu của Tía. Nước mắt mẹ cũng ứa ra theo những giọt nước mắt cố nén lại của Bảo. Mẹ cố an ủi Bảo, Tía già rồi. Có con gà nào sống với gia đình hơn 1,5 năm đâu. Đó là quy luật của cuộc sống.
Tuy nhiên mọi sự Thiên Chúa đều có thể làm được. Mẹ tin vậy nên mẹ cùng Bảo cầu nguyện liện tục cho Tía. Tía uống nước Đức mẹ La vang. Tía tỉnh lại sau vài ngày nằm bẹp trong thùng carton trên cỏ và hoa. Lời cầu nguyện nhiệm màu cùng với sự chăm sóc ân cần đầy thương yêu, những cọng giá ba mua về được Bảo đút Tía từng chút một. Từng chút nước Đức mẹ và thuốc ba cho , Bảo đút Tía từng chút một.
Tía tỉnh lại, nhưng Tía liệt 2 chân. Tía chỉ nằm bẹp. Thôi cũng vui rồi. Mẹ và Bảo tạ ơn Chúa, tạ ơn Đức mẹ . Nhưng Chúa còn thương Tía nhiều hơn, thương Bảo và mẹ nhiều hơn nên Chúa cho Tía hồi phục dần.
Tía đi chập chững chêch choạc từng bước. Tía quá dễ thương. Tía được ở trong 1 cái thùng. Tía muốn ra ngoài lúc nào cũng được . Rồi Tía hồi phục hoàn toàn. Phép lạ của Chúa.
Bảo và Tía trở thành một cặp tuyệt vời.

Nhưng, Chúa muốn Tía độc lập mạnh mẽ đúng như bản chất Tía, Chúa đưa Bảo đi Mỹ. Buồn không Tía ơi?  Tía một mình, Tía buồn một thời gian dài. Bỏ ăn. Thẫn thờ. Già cỗi.
Mẹ thương Tía vì Tía là Bảo, nên mẹ chăm sóc Tía ân cần. Nhưng mọi chuyện theo đúng quy luật phát triển, Tía có Mơ. Mơ làm Tía vui và Tía trở lại là Tía như những ngày đầu về nhà mình. Bây giờ thì Mẹ vui. Tía hạnh phúc.
Tạ ơn Chúa.
(còn tiếp)
Một ngày đi Hội an, mẹ và Bảo xém mua một bầy gà con. Họ chỉ bán 1 chục con, bỏ vô bao nilon cho mình. Nghe thấy hoảng vì sợ về đến nhà 10 con còn 5,7.
Bác Cảnh thấy thương tình Bảo thích gà, lặn lội về quê đem ra tặng Bảo 2 con gà con to bằng nắm tay. Dễ thương, mặt ngác ngơ, kêu loạn xạ, cùng ăn, cùng…
Nhớ hình 2 chú gà đậu trên tay Bảo. Ôi chao, bây giờ nhìn lại chúng mới thấy nhà mình có tay nuôi gà. Còn có tên gọi nào hay bằng tên Chíp Choi (ba gọi đầu tiên). Mẹ gọi trại ra là Chíp Choài, rồi hay quá nên mọi người gọi theo.( mẹ mình mà).
Chíp Choài còn nhỏ, thân thiết nhau như hình với bóng. Về nhà mình, 2 đứa còn nhỏ tới độ 1 con chuột đã cắn gãy cánh Choài. Đó cũng là một kỷ niệm lớn trong đời Choài và cũng là một dấu chỉ cho biết linh cảm của mẹ là tuyệt vời.
Vêt thương làm Choài đau . mẹ nghĩ Choài đau .
Sau đó thì Choài hồi phục nhưng dường như, không mạnh mẽ như ngày xưa> Chíp Choài vẫn ăn cùng nhau chơi cùng nhau, cùng lớn lên . CHíp mạnh mẽ xông xáo. Choài bẽn lẽn nhẹ nhàng rụt rè trong mọi chuyện. Có vẻ như quy luật của muôn đời: nam luôn mạnh mẽ hơn nữ. Chíp là một chú gà trống oai hùng. Choài là cô gà mái xinh xinh.
Bảo xem Chíp Choài như Tía nên Bảo thả Chíp Choài đi tùm lum trong nhà. Ôi thôi…, nhưng không sao, cả nhà mình đều thương gà nên những vết tích của gà có đầy đủ mặt khắp nhà mình.
Rồi cũng thế, Bảo Thảo đi Mỹ , mẹ dồn hết tình thương cho Tía , Chíp Choài. Sáng mẹ bồng Tía xuống bếp đút ăn, thả Chíp Choài lung tung. Sau 1 thời gian ngắn, mẹ không đủ sức dọn dẹp , nên khu trú sinh hoạt của 3 đứa ở tầng trên, và khu trú tiếp ngoài balcon. Thôi thế đi. Có vẻ như đã ổn. Phù…
Thời gian trôi. Tía vẫn ngủ trong nhà. Chíp Choài ở ngoài trong 1 chuồng.
Mẹ thấy Tía buồn, mẹ mơ có 1 con gà mái cho Tía làm bạn.
Chíp Choài vẫn ở cùng nhau. Choài khảnh ăn, mảnh mai hơn Chíp. Chíp ăn nhiều lớn nhanh như thổi. Chíp trụi lông , hóa ra đó là 1 con gà cồ. Chân  Chíp to và cứng cáp. Chuồng chật ,mẹ đành tách 2 đứa ra, nhưng vẫn cạnh chuồng nhau.
Rồi một ngày nọ, Mơ về nhà mình. Mơ trẻ đẹp. Mẹ đặt tên vì Mơ là con gà mẹ đã mơ cho Tía . Ô Chúa thật tài tình. Chúa biết Tía cần bạn nên Chúa ban Mơ cho Tía.
Một lần nữa, mẹ thấy Chúa yêu thương mẹ và tất cả những gì thuộc về mẹ
Lúc đầu Chíp Choài vẫn ở cùng nhau, Mơ 1 mình Tía một mình. Sau thì ba mình làm một chuồng mới cho Tía và Mơ ở chung.
Gà là động vật cấp cao, chí ít là gà nhà mình. Tía hùng hổ khi chưa gặp Mơ. Sống cùng Mơ, Tía trở nên bẽn lẽn đến là ngộ nghĩnh. Mơ là chị gà cũng khá ngang tàng. Mơ giành ăn của Tía. Buổi sáng mẹ đành thu xếp thời gian ngồi đút Tía ăn qua lồng. Mơ cũng dành ăn, đớp luôn cả miếng thức ăn trên miệng Tía khi Tía chưa kịp nuốt. Mẹ thương Tía già đầu rồi mà còn bị con gà mái nhỏ ăn hiếp.
Thế nhưng, bản chất phụ nữ trỗi dậy khi Mơ đẻ trứng. Mơ hiền hẳn đi, dịu dàng hẳn đi. Không nhào tới nhào lui dành ăn với Tía nữa Ngược lại Tía trở nên mạnh mẽ, đẹp đẽ và dịu dàng với Mơ. Tía ăn được, ăn cùng Mơ. Mơ đẻ trứng , Tía bảo vệ trứng. Thật là …cảm động và …đau tay ba mẹ vì Tía cắn ba mẹ hết hồn khi ba mẹ thò tay lấy trứng.
Mẹ có ý định kể chuyện Mơ Chíp Choài . Nhưng Tía là linh hồn của đàn gà nên bất cứ đoạn nào, kể về ai, bạn cũng sẽ thấy Tía.
5/6.2015
Suôt nửa tháng nay trời nóng, nóng quá. Dù vẫn được chăm sóc kỹ càng nhưng Tía vẫn bỏ ăn, mệt mỏi. Ba mẹ đưa Tía vào nhà. Tía yếu rồi không đứng dậy được. Không ăn không uống, Tía vẫn cố nhìn mẹ mỗi lần mẹ lên thăm. Ba cho Tía uống sữa. mẹ chẳng biết làm chi cho Tía.
Lâu rồi, mẹ quen với cái mạnh mẽ của Tía. 3 năm nay, Tía sống vui, khỏe, ăn, uống, cắn tay mẹ, nhảy nhót tưng bừng mỗi lần mẹ ra cho Tía ăn hoặc thăm Tía. Mẹ hay la : Tía hư lắm, nhảy chi dữ rứa? Mẹ đứng trong cửa sổ phơi áo quần, nhìn ra Tía, mẹ hello với Tía. Tía ngáo ngáo nhìn mẹ.
Thật buồn khi ngày hôm nay thấy Tía nằm gục đầu. Mẹ vuốt ve Tía , Tía chỉ chớp mắt được một cái. Tía không ăn, không nuốt được. Những thức ăn Tía thích , Tía không ăn nữa.
Sau 3 ngày nổ lực chăm sóc, sáng nay Tía chính thức rời bỏ nhà mình. Ba mẹ đã chuẩn bị cho Tía một chỗ nằm trên sân thượng bên cạnh Choài.
Tía 6 tuổi.
Nhật ký Tía Tò vẫn chưa chấm dứt.
Tò vẫn mạnh khỏe ở với bà nội. Còn Chíp, chú gà con ngày nào mới về nhà mình, giờ cũng cao lớn mạnh mẽ.

Tò, Chíp sẽ vẫn được ba mẹ chăm sóc. 

Chíp Choài


Một ngày đi Hội an, mẹ và Bảo xém mua một bầy gà con. Họ chỉ bán 1 chục con, bỏ vô bao nilon cho mình. Nghe thấy hoảng vì sợ về đến nhà 10 con còn 5,7.
Bác Cảnh thấy thương tình Bảo thích gà, lặn lội về quê đem ra tặng Bảo 2 con gà con to bằng nắm tay. Dễ thương, mặt ngác ngơ, kêu loạn xạ, cùng ăn, cùng…
Nhớ hình 2 chú gà đậu trên tay Bảo. Ôi chao, bây giờ nhìn lại chúng mới thấy nhà mình có tay nuôi gà. Còn có tên gọi nào hay bằng tên Chíp Choi (ba gọi đầu tiên). Mẹ gọi trại ra là Chíp Choài, rồi hay quá nên mọi người gọi theo.( mẹ mình mà).
Chíp Choài còn nhỏ, thân thiết nhau như hình với bóng. Về nhà mình, 2 đứa còn nhỏ tới độ 1 con chuột đã cắn gãy cánh Choài. Đó cũng là một kỷ niệm lớn trong đời Choài và cũng là một dấu chỉ cho biết linh cảm của mẹ là tuyệt vời.
Vêt thương làm Choài đau . mẹ nghĩ Choài đau .
Sau đó thì Choài hồi phục nhưng dường như, không mạnh mẽ như ngày xưa> Chíp Choài vẫn ăn cùng nhau chơi cùng nhau, cùng lớn lên . CHíp mạnh mẽ xông xáo. Choài bẽn lẽn nhẹ nhàng rụt rè trong mọi chuyện. Có vẻ như quy luật của muôn đời: nam luôn mạnh mẽ hơn nữ. Chíp là một chú gà trống oai hùng. Choài là cô gà mái xinh xinh.
Bảo xem Chíp Choài như Tía nên Bảo thả Chíp Choài đi tùm lum trong nhà. Ôi thôi…, nhưng không sao, cả nhà mình đều thương gà nên những vết tích của gà có đầy đủ mặt khắp nhà mình.
Rồi cũng thế, Bảo Thảo đi Mỹ , mẹ dồn hết tình thương cho Tía , Chíp Choài. Sáng mẹ bồng Tía xuống bếp đút ăn, thả Chíp Choài lung tung. Sau 1 thời gian ngắn, mẹ không đủ sức dọn dẹp , nên khu trú sinh hoạt của 3 đứa ở tầng trên, và khu trú tiếp ngoài balcon. Thôi thế đi. Có vẻ như đã ổn. Phù…
Thời gian trôi. Tía vẫn ngủ trong nhà. Chíp Choài ở ngoài trong 1 chuồng.
Mẹ thấy Tía buồn, mẹ mơ có 1 con gà mái cho Tía làm bạn.
Chíp Choài vẫn ở cùng nhau. Choài khảnh ăn, mảnh mai hơn Chíp. Chíp ăn nhiều lớn nhanh như thổi. Chíp trụi lông , hóa ra đó là 1 con gà cồ. Chân  Chíp to và cứng cáp. Chuồng chật ,mẹ đành tách 2 đứa ra, nhưng vẫn cạnh chuồng nhau.
Rồi một ngày nọ, Mơ về nhà mình. Mơ trẻ đẹp. Mẹ đặt tên vì Mơ là con gà mẹ đã mơ cho Tía . Ô Chúa thật tài tình. Chúa biết Tía cần bạn nên Chúa ban Mơ cho Tía.
Một lần nữa, mẹ thấy Chúa yêu thương mẹ và tất cả những gì thuộc về mẹ
Lúc đầu Chíp Choài vẫn ở cùng nhau, Mơ 1 mình Tía một mình. Sau thì ba mình làm một chuồng mới cho Tía và Mơ ở chung.
Gà là động vật cấp cao, chí ít là gà nhà mình. Tía hùng hổ khi chưa gặp Mơ. Sống cùng Mơ, Tía trở nên bẽn lẽn đến là ngộ nghĩnh. Mơ là chị gà cũng khá ngang tàng. Mơ giành ăn của Tía. Buổi sáng mẹ đành thu xếp thời gian ngồi đút Tía ăn qua lồng. Mơ cũng dành ăn, đớp luôn cả miếng thức ăn trên miệng Tía khi Tía chưa kịp nuốt. Mẹ thương Tía già đầu rồi mà còn bị con gà mái nhỏ ăn hiếp.
Thế nhưng, bản chất phụ nữ trỗi dậy khi Mơ đẻ trứng. Mơ hiền hẳn đi, dịu dàng hẳn đi. Không nhào tới nhào lui dành ăn với Tía nữa Ngược lại Tía trở nên mạnh mẽ, đẹp đẽ và dịu dàng với Mơ. Tía ăn được, ăn cùng Mơ. Mơ đẻ trứng , Tía bảo vệ trứng. Thật là …cảm động và …đau tay ba mẹ vì Tía cắn ba mẹ hết hồn khi ba mẹ thò tay lấy trứng.

Mẹ có ý định kể chuyện Mơ Chíp Choài . Nhưng Tía là linh hồn của đàn gà nên bất cứ đoạn nào, kể về ai, bạn cũng sẽ thấy Tía. 

Valentine's day


Tờ lịch ngày 12/02 có câu: "Hãy cho đi những điều tốt đẹp bằng mọi cách mà bạn có thể” ( John Wesley). 
Ngày 13/2, Phòng Khám Mắt Bs Tịnh Anh và quầy kính Minh Cường quyết định dành những điều tốt đẹp nhất của mình cho một vùng đất cao nguyên nhỏ bé xa xôi, đầy nắng, đầy gió, với rất nhiều những mảng đời khó khăn, bất hạnh : KONTUM.
Ngày Tình yêu nên đoàn đi là nhân viên của Phòng khám và quầy kính, cùng vợ, cùng chồng , cùng người tình. Chúng tôi chia sẻ tình yêu nồng ấm của mình với mọi người.

Một chút tình thôi, chúng tôi chỉ mong đem lại cho nhau những nụ cười, những viên kẹo ngọt, những manh áo ấm. Và trên tất cả, chúng tôi đã nhận lại được cho chính mình một niềm vui niềm hạnh phúc được biết đến, được cảm thông, được chia sẻ, và được phục vụ 



“Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy. Ta có thêm ngày nữa để yêu thương” (The Prophet, Kahlil Gibran)
Cám ơn bạn bè đã giúp chúng tôi có cơ hội chia sẻ những điều tốt đẹp.
Cám ơn những bạn bè của núi rừng đã đón nhận và chăm sóc chúng tôi.
"Chỉ mất 3 giây để nói lời yêu, nhưng phải mất cả cuộc đời để chứng minh điều đó” (Khuyết danh)
Ngày về, dưới nắng vàng óng ả, trong màu hoa cafe trắng tinh, trong hương hoa café thơm ngát, chúng tôi lòng đầy bình an.


NHÀ THỜ KON K'TU. KONTUM

NHÀ THỜ KON K'TU. KONTUM
14/02/2017
Sẽ là một tiếc nuối nếu đến Kontum mà không ghé thăm ngôi nhà thờ nhỏ bé đơn sơ, dễ thương tại ngôi làng cổ Kon K’Tu.
Qua cầu Kon Klor, rẽ trái, dọc theo bờ sông Dak Bla, làng Kon K'Tu được xem là làng cổ nhất trên địa bàn thành phố Kon Tum , hiện vẫn còn những ngôi nhà sàn được dựng theo kiến trúc truyền thống của người Ba Na. Trong những ngôi nhà dài, có ba đến bốn thế hệ người Ba na sinh sống với nhau. Đó là sự gắn kết cộng đồng dân tộc và là niềm tự hào của dân tộc Ba Na.




Nhà thờ Kon K'Tu, ngôi nhà thờ nhỏ bé, khiêm tốn đơn sơ làm bằng tre gỗ.
Kinh Lạy Cha bằng tiếng Ba na được khắc trên cửa chính. 

Toàn bộ cung thánh được làm bằng gỗ và tre
Thánh giá Chúa Giê su, Thánh Cả Giuse, Đức Mẹ Maria được đẽo khắc cùng trên một thân cây. 

Ánh sáng xuyên qua cửa kính với những sắc màu lộng lẫy và tràn đầy ý nghĩa.

Làng Kon K’Tu vẫn còn nghèo lắm. Dân làng sống đơn sơ, dệt vải, hái lượm.
Tôi đứng bình yên trong nắng gió xuân mà lòng vẫn cứ nao nao .

Friday, February 24, 2017

Mưa Huế


Ra Huế đúng ngày Huế có thời tiết rất Huế: lạnh và mưa lâm thâm. Người Huế ở Huế co ro xuýt xoa vì lạnh. Người Huế ở xa Huế chợt thấy mình may mắn khi trở về mà gặp lại cái lạnh buốt ẩm ướt thấu trong xương như ri. Một buổi tối ấm áp và vui với bạn bè. Sáng hôm sau, từ chối lời mời ăn sáng cafe vì sợ bạn mình vì mình mà phải lạnh quá. Bạn nói " Huế da diết quá". Ừ, đúng đó Phương. Huế da diết rứa đó mà răng thương chi lạ. Mình quyết định đi lang thang một mình trong lạnh trong mưa. Mưa bay đủ không ướt. Sống xa Huế mới thấy Huế thật gần. Xếp cây dù, để mưa lất phất trên mặt. Mưa lạnh dẫn người ta đến nhiều nỗi nhớ. Nhớ tuổi thơ, nhớ bạn bè, nhớ nghĩa, nhớ tình. Dầm trong mưa, mình nghĩ đến cái tình của người xứ Huế. Không ồn ào, không nóng bỏng. Cái tình của Huế đằm thắm, nồng nàn và rất sâu.
Ghé mua vài trái vả, ít rau thơm, rau quế, thứ rau ở đâu cũng có mà không ở đâu thơm đậm đà như ở Huế. Cô bé bán hàng vừa kiên nhẫn lựa rau cho một người khách lớn tuổi, vừa ngẩng lên nói với mình: " O đợi cho em xí hí. Mệ lựa hơi lâu chút O nghe!" bằng cái giọng không thương mới là lạ. Rứa đó. Xa Huế mới thấy Huế thật gần. Xa Huế mới thấy Huế thương chi lạ nghĩa là thương ra răng.
Không một tấm hình nào chụp được ở Huế ngó cho đẹp vì dường như ảnh không ghi được nỗi nhớ trong mưa.

THU



Trên xứ sở 2 mùa mưa nắng này, thì mùa thu nghe cứ như là một cái gì đó xa xôi lắm. Ở đây, nắng chỉ mới đủ dịu để gọi là đầu thu. Mưa chỉ vừa đủ nhạt để bảo rằng cuối hạ. Chút gió dịu dàng trên những tán cây, mà lá thì vẫn còn xanh rì. Thu! Khúc giao mùa quê hương chỉ có thế thôi! Lòng đa mang cảm xúc khi chợt nhớ bài thơ Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư. Chút màu hồng bừng lên trên má bởi những âm thanh nồng nàn của Tiếng Thu " Em không nghe mùa thu Dưới trăng mờ thổn thức? Em không nghe rạo rực Hình ảnh kẻ chinh phu Trong lòng người cô phụ?" Ôi! Mùa thu lao xao cháy bỏng cho những tình yêu xa xôi, thiếu vắng. Lại chợt nhớ. Nhớ ngày thu Hàn quốc. Chỉ là một kỷ niệm miên man cuối thu, những mảng màu cây lá. Trời trong veo. Tình trong veo.
Cũng lại nhớ ngày lang thang với tình yêu trên đất Nhật, rực sắc màu lá đỏ, lá vàng. Lần đầu tiên biết cảm giác lá thu kêu xào xạc khi dẫm trên vô vàn những chiếc lá vàng khô, khô, khô rơi ngập lối đi, trong tiếng cười pha lê vụn vỡ. Trời trong veo và tình thì trong veo
Rồi mùa thu về trên Seatle, hàng cây dài đỏ màu thương nhớ, thảm cỏ xanh ấm ức ngập lá vàng, để cô bạn gái thuở thiếu thời lái xe đi làm về, cầm lòng không đậu, phải dừng xe. Trời trong veo và tình cũng vẫn trong veo
Lặng ngắm. Vài chiếc lá vàng khẽ rơi xuống lòng phố, đơn giản chỉ vì thu về. Những cơn mưa lất phất trên tán lá, nén lòng chờ những cơn mưa ào ạt của mùa đông. Xòe tay đón những giọt nắng hao gầy, chút cảm xúc miên man, chẳng biết vơi hay đầy ? Chút nỗi nhớ những mùa thu qua, chẳng biết người còn nhớ hay không?

Đi Kontum


“The world is a book, and those who don't travel only read one page.” (St. Augustine of Hippo )
Mỗi lần đi xa, tôi như bước vào một thế giới mới, khác thế giới của tôi. Có thể thế giới tôi an toàn. Nhưng một cuộc hành trình mới sẽ giúp tôi sống một ngày khác hoàn toàn với những ngày bình thường của tôi.
Tôi sẽ cần một tâm hồn mới hơn, rộng mở hơn để đón chào mọi thứ, để thích nghi mọi thứ. Ra khỏi vùng an toàn giúp tôi trải nghiệm và thấm thía hơn những kiến thức mà tôi được đọc trong sách. Bao nhiêu kỷ niệm đáng nhớ được lưu giữ sau những chuyến đi : cảnh vật, món ăn, bạn bè mới. Ngay cả những điều tệ nhất xảy ra cũng giúp tôi học một điều gì đó có ý nghĩa.
Tôi thấy mình thật nhỏ bé giữa thế giới bao la này. Tôi thấy mình quá đỗi bình thường trước cuộc sống muôn màu này. Tôi nghĩ đi nhiều và tiếp xúc nhiều, sẽ giúp tôi dễ hiểu và dễ đồng cảm với người khác hơn, sẽ biết yêu thương chính mình và mọi người hơn. 
Tôi nghĩ như thế, tôi muốn như thế và tôi làm như thế.

1/ Hoa Cafe: 
Giữa rẫy cafe bạt ngàn, trong nắng, trong gió, tạ ơn Thiên Chúa vì những ơn ban nhưng không của Người. 
Hoa cafe trắng tinh. 
Hương hoa cafe thơm ngát, thơm ngát, thơm ngát. (Chẳng giống chi với mùi cafe mình uống cả).




CƠM HẾN HUẾ NÌ


Sáng ni đi chợ sớm, gặp hến ngon chi lạ. Mua về cặm cụi làm.
Cơm hến Huế như tình người Huế: Chắt chiu, giản dị và thâm trầm. Làm người Huế là một cái nghiệp. Biết ăn cơm hến là một cái duyên. Những người có chút duyên nợ với Huế tìm về nhau mà chan, mà húp, mà chảy nưóc mắt vì...cay!
Không phải người Huế nào cũng biết ăn, thích ăn và ghiền ăn cơm hến. Ăn cơm hến có “ăn dòng” và “ăn theo”. “Ăn dòng” là những người Huế chính cống, những người mới sinh hôm trước, sáng hôm sau đã có o bán cơm hến triêng gióng, nồi niêu ngồi lù lù ngay trước cửa rồi. “Ăn theo” là những người khác xứ có duyên nợ “ chân đi không đành “ với Huế. Tất cả đều bị mê hoặc bởi mùi thơm của rau, vị ngọt của nước hến, vị mặn nồng của ruốc, vị béo của tóp mỡ, vị chua của khế, vị chát của bắp chuối và …vị cay xé lưỡi của ớt. Mạ nói: Ăn cơm hến phải cay hít hà xa xít rứa mới ngon!
Cơm hến ! Món cơm đạm bạc của con nhà nghèo, mà nguyên thủy, chỉ gồm có canh của mớ hến xúc được bên sông, chan với cơm nguội ăn còn hay cố ý để dành lại từ bữa cơm hôm trước, thêm một chút rau tươi hái ngoài vườn và những gia vị rất đỗi bình thường mà bếp Huế khi nào cũng có sẵn.
Ăn cơm hến cũng như thương người Huế. Cần ăn thật bụng và cần thương thật lòng.
Đừng ăn thử, đừng thương thử! Vì thử là chưa hết mình: Tình sẽ không nồng và cơm hến sẽ không ngon.

SẦU ĐÔNG




Bẵng một thời gian, giờ mới quay lại công viên 29.3, đi bộ buổi sáng. Công viên vẫn thế, êm êm mặt hồ, những con đường nhỏ lượn quanh, những bồn hoa được chăm chút và ... cây sầu đông, vẫn nghiêng mình soi bóng. Sầu đông! Cái tên buồn như nước mắt, bao nhiêu năm qua, theo chu kỳ sinh học, vẫn rụng lá trơ trụi vào mùa đông và mọc lá non xanh vào mùa xuân, và rồi thì nở hoa, những chùm hoa trắng nhỏ xíu, mong manh. Đều như điệp khúc! 
Sầu đông! Cái tên buồn như chuyện tình thời chinh chiến - Mưa trên cây sầu đông - Nhã Ca. Dáng sầu đông được ví với chuyện tình tan vỡ. "...Tình mình bây giờ, như sương buổi mai Nắng rồi lên, sương vội tan Tình mình bây giờ như cây sầu đông Kiếp buồn hiu, kiếp sầu đông..." http://nhac.vn/mong-sau-khanh-ly-soovPKN Cây sầu đông ở công viên Đà nẵng trải bao mùa qua, vẫn nghiêng xuống mặt hồ, không cần nâng, không cần đỡ. Những mùa sầu trụi lá chơ vơ. Và những mùa vui bừng lên trong nắng. Vậy mới biết mọi chuyện tình đau đều có thể vượt qua.