Wednesday, December 20, 2017

SAPA tháng 12/2017


Thị trấn Sapa.
Một chuyến xe limousine sau 6 giờ từ Hà nội, bạn đã có mặt tại phố núi mờ sương Sapa.
Quên ngay cái lao xao say say của những vòng cua dốc đèo, trong cái lạnh 8 độ C, trời trong veo, đất trong veo, tình tôi mở vào với Sapa hào hứng và trọn vẹn.
Tất cả những gì đã thấy ở trên sách báo hiện ra trước mắt tôi, Sapa vẫn còn đơn giản thô mộc.

Sân vận động sạch sẽ, dân địa phương và dân du lịch rảo bước, lượn lờ.
Nhà thờ Đức Mẹ Mân côi, giáo xứ Sapa (thường gọi là nhà thờ đá Sapa) tuyệt đẹp trên nền trời chiều với ngôi sao lấp lánh. Những cây gầy trơ xương in bóng.







Tôi đi loanh quanh nhà thờ. 
Nhà thờ Sapa cổ xưa tuyệt đẹp. Tôi chụp vài tấm hình ở đó. Đức Mẹ người Dao trên cao. Những ánh đèn lấp lánh. Tôi thấy mình bình yên. Tôi thấy mình vui. Mọi điều đã xảy ra, đang xảy đều không ngoài ý Chúa. 



Tôi gặp rất nhiều những em bé Sapa. Những bộ áo quần lộng lẫy sắc màu, không dấu được đôi chân khẳng khiu trong đôi dép cũ mòn không tất vớ.
Em chào mời tôi mua đồ lưu niệm.
Em mời. 
Nếu tôi mua, em sẽ cho tôi cùng chụp ảnh.
Nếu tôi không mua, em ngoảnh đi với vẻ mặt và ánh mắt hiền hòa nhưng nhuốm màu chai lì.
Tôi khen em đẹp. Thực sự em rất đẹp. Áo quần em xênh xang lộng lẫy như công chúa nhưng em lam lũ trong cơn gió lạnh đầu đông.
Lòng tôi gợn xót xa dù chẳng biết có nên xót xa không, khi em bán cho tôi mỗi cái móc khóa leng keng với giá 30.000 đ.










Sapa lạnh khô và trong vắt buổi chiều đầu tiên tôi đến.
Càng về tối, sương mù rơi .
Các em nhỏ vẫn miệt mài đón chào khách.

Sương rơi rất nhanh , nhanh đến nỗi ngay lập tức trước mắt tôi mọi thứ từ trong veo chuyển qua mờ bãng lãng  Tôi không thể ghi nhận được khoảnh khắc đó nhưng cảm giác này chắc không quên được.
Ôi! Sương mù Sapa!
Trong sương mù, ngôi giáo đường như lặng lẽ hơn.





Bản Cát Cát

Tôi dành buổi sáng đầu tiên để đi bộ đến bản Cát Cát. Đi bộ từ trung tâm thị trấn đến Bản Cát Cát mất khoảng 30 phút vừa đi vừa chơi.

Bản Cát Cát dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn,  nằm giữa thung lũng vây quanh bởi những núi đồi. Bạn cần có thể lực để có thể đi bộ xuống những bậc cấp bằng đá. Đi bộ để cảm nhận và ngắm nhìn bản Cát Cát trọn vẹn hơn. 
Giữa mây ngàn gió núi Bản Cát Cát không chỉ hấp dẫn du khách bởi phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, trữ tình mà còn bởi những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, đa dạng của đồng bào dân tộc H'Mông nơi đây.




Con đường đến Cát Cát khá đẹp, tôi đi qua những đoạn đường cua tay áo uốn lượn, hai bên là những thửa ruộng bậc thang và những ngôi nhà lấp ló. Sương trên đỉnh núi. Khói từ những nóc nhà dưới lũng cứ quyện vào nhau, tạo nên một bức tranh tuyệt mỹ của Sapa. 
Trung tâm Cát Cát là nơi hội tụ của 3 dòng suối: suối Tiên Sa, suối Vàng và suối Bạc.

Giữa núi đồi trùng điệp, tôi bỗng nhiên nhận ra mình không tự tin lắm khi nhìn thấy cái vẻ ung dung tự tại của những con người sống ở nơi đây. 
Tôi chọn một bộ áo người H'Mong màu sắc, với cây dù, lang thang đôi chút. Giữa vườn hoa, bên sườn đồi, trong ngôi nhà cổ, bên cối giã gạo bằng nước. 
Chụp những bức ảnh, lung linh để lưu giữ kỷ niệm, để hiểu biết thêm chút xíu về một dân tộc thiểu số của đất nước mình. 











............................

DAO CAFE - Sapa
Quán cafe nhỏ, đậm màu vùng cao. 
Ánh sáng vàng ấm áp. 
Ly cafe giản dị. Chiếc bánh qui xinh. Túi hạt dẻ nóng. 
Cùng người tình trăm năm. 
Vậy là quá đủ ấm, dù ngoài trời sương mù bãng lãng và lạnh tái tê.









Nhà ga Sapa- Phanxipang và Cây Noel

Nhà ga Phan xi păng: Tôi đến để chuẩn bị lên đỉnh Phanxipang. Nhưng trời quá nhiều sương mù nên không thể đi được. Lang thang quanh khu vực nhà ga, ngắm nghía kiến trúc kiểu Pháp  tuyệt đẹp của nhà ga. Một khu chợ nhỏ mang đậm dấu ấn chợ vùng cao, bán đủ các loại. 
Dãy hoa anh đào nở sớm, hứa hẹn một mùa anh đào đặc sắc ở đây. 
Ngay giữ nhà ga, một cây Noel to đùng được kết lại bởi những trái bắp. 
Bắp (ngô) là lương thực chính của người H'Mong. Bắp tạo ra nhiều món ắn mà điển hình nhất là món Mèm mén. Phụ nữ H'Mong ngoài việc đan lát thêu thùa, họ phải biết nấu Mèm mén, môn ắn từ bắp xay, như là cơm từ lúa. 😀
Bắp trở thành biểu tượng của người dân vùng cao Sapa này, không chỉ là biểu tượng ẩm thực mà còn là biểu tượng văn hóa nghệ thuật. 
Cây Noel dựng nên bằng rất nhiều trái bắp, ban đêm chắc là lộng lẫy không kém gì cây thông Noel.

Tôi thích Sapa và tôi chưa cảm nhận hết thành phố mờ sương này nên tôi nghĩ mình sẽ quay lại Rất gần thôi. 














Friday, November 17, 2017

Sang sông


Hôm qua dự đám cưới con gái của chị Q.H, người bạn hiền từ thuở còn là thiếu nhi. Lớn lên, mỗi người đi mỗi ngã, mỗi người làm mỗi việc. Tình cờ tìm gặp nhau lại đã là niềm vui lớn. Niềm vui ngày mỗi nhiều dần khi nhận ra rằng chị cũng như mình. Cái vốn liếng Huế xưa chẳng mờ đi một nét dù lập gia đình với người khác xứ và sống xa quê hương từ ngày theo chồng. Thi thoảng gặp nhau: “Răng em? Có chi lạ không em?”...”Cứ rứa em hí. An nhiên mà sống “...
Chị cũng có hai cô con gái. Thương nhau và ngoan hiền dịu dàng. Chị cũng có người chồng cao ráo, vui tính, yêu chị, và yêu cái Huế trong chị thật nhiều.
Thi thoảng đọc những tản văn ngắn chị viết, tôi nhận ra tôi trong đó.
Trước ngày đám cưới con gái, khuya lắm rồi, chị đưa lên facebook chị những tâm sự của người mẹ ngày mai đưa con gái sang sông. Tôi đọc mà nước mắt tôi rưng rưng.
Tôi nhớ mẹ ngày đưa tôi sang sông. Mẹ chỉ nói rằng, con còn thơ dại lắm, con phải coi gia đình người ta như gia đình mình để sống cho tốt với người ta. Dạ, con vẫn nghe lời mẹ để hôm nay gia đình người ta con đã gọi là gia đình mình.
Lời chị nhắn nhủ cho con gái trong một đêm mưa trước ngày con cưới, nghe như lời ru, thổn thức mà không buồn. “Con phải học lấy chữ yêu thương và hiếu hạnh đối với những người đã sinh ra cho con một người con trao cả thân tâm. Cái gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến trái tim và thẩm thấu những miền rung cảm chân thành. “
Tôi nghe như chị đang cười vui trong ngày hạnh phúc của con gái mà mắt chị vẫn vời vợi buồn. Vâng, xa rồi đứa con nhỏ xíu bé bỏng. Ngày mai, nếu con cười, mẹ sẽ cười. Nếu con khóc, mẹ sẽ ôm chặt lấy con.
Cuộc đời không ai nói được điều gì sẽ đến.
“Con phải học lấy tinh thần của NƯỚC để đi qua những khó khăn như lời mẹ dạy con đối nhân xử thế. Vì, nước không tranh giành với ai, nó lựa chỗ thấp để tới, gặp vật cản, nó uyển chuyển uốn mình chảy qua tựa như không, nên ở đâu nó cũng chảy tới được. Nước mềm mà kiên định, dũng mãnh …”
Ngày cưới con gái, chị cùng con gái hát Lời mẹ ru .
Nước mắt tôi chực tràn qua mi. Một lần nữa, tôi lại nhận ra tôi trong chị. “Thuở mẹ ru, mẹ ru con ngủ Con ngủ trên mây, con ngủ trên mây Tiếng khóc ban đầu Ban đầu còn đâu, còn đâu còn đâu.
Rồi một mai con đã lớn khôn rồi Con thôi thơ ấu Mẹ rời thật mau Mẹ rời chiêm bao. Đời mẹ ru con Bao lâu mỏi mòn Nên lâu cũng mỏi mòn Bây giờ mẹ nằm Lá đổ ngoài sân. Lá đổ ngoài sân. Lá đổ ngoài sân. Để ru mẹ ngủ.”
Cuộc đời cứ thế mà đi.
Qui luật của muôn đời trôi mãi, từ người phụ nữ này, qua người phụ nữ khác, qua người phụ nữ khác.
Qui luật tình yêu … trôi mênh mang.

Tuesday, November 14, 2017

KỶ NIỆM 115 NĂM ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI

Của bs Trần văn Phúc
===============================
Tôi đến Trường Đại học Y Hà Nội lần đầu tiên vào kì nghỉ hè năm 1987, khi tôi đang học lớp 10 ở quê. Nhìn qua khe cửa sổ, tôi thấy những sinh viên đang hăng hái thảo luận, một người trong số đó đang cầm trên tay tiêu bản bộ não.
Tôi thực sự ngạc nhiên, bởi đó là toàn bộ ý thức của con người, là sức mạnh của một cơ thể, là trí tuệ nhân loại; vậy mà nó đang nằm trọn trong bàn tay nhỏ bé của một sinh viên y khoa.
Hình ảnh ấy đã tác động mạnh đến tâm trí tôi, làm cho tôi suy nghĩ rất nhiều, nó trở thành một trong những lí do quan trọng nhất để tôi quyết định theo học ngành y.
Trước đó tôi muốn theo ngành toán để trở thành một nhà toán học.
Có nhiều lý do để các bạn của tôi lựa chọn nghề bác sĩ:
- Gia đình có người làm bác sĩ truyền cảm hứng.
- Bản thân hoặc người thân đã từng mắc căn bệnh nghiêm trọng.
- Chứng kiến một ai đó bị tước đoạt sinh mạng do những hoàn cảnh éo le.
- Có cái nhìn sâu sắc hơn thông qua hệ thống y tế.
Gia đình tôi không có ai làm bác sĩ, tôi cũng chẳng hiểu gì về ngành y; nhưng bản thân tôi đã mấy lần trở về từ cõi chết vì bệnh tật, tôi cũng từng chứng kiến không ít những người nghèo nằm ở nhà chờ chết giống như tôi lúc bé. Nhưng chỉ đến khi tôi tò mò muốn khám phá Trường Đại học Y Hà Nội, thì những suy nghĩ của tôi về công việc này mới trở nên rõ ràng nhất.
Trở thành sinh viên y khoa, tôi bắt đầu thấm hiểu đó là một môi trường vô cùng khắc nghiệt. Học y là những năm tháng kỉ luật và kiên nhẫn, cường độ học căng thẳng, hầu hết chống lại nhịp sinh học. Phần lớn thời gian ở trong bệnh viện. Không biết mấy giờ mới trở về nhà. Những cơn buồn ngủ sẽ được khắc phục bằng trà đặc và cà phê. Những thân hình gầy gò giống hệt những hài nhi thiếu tháng đang chiếu đèn, mũi bị ép vào những trang sách chứa đầy những biểu đồ, tay liên tục vẽ ra những từ viết tắt dài như vô tận.
Học y không phải là những năm tháng thú vị và vô tư, càng không phải là xu hướng dành cho những người muốn theo chủ nghĩa tự do, nên hầu hết học sinh ở lứa tuổi 20 không muốn lựa chọn.
Để làm bác sĩ không phải dễ. Bác sĩ phải biết chấp nhận những cuộc khủng hoảng đức tin và lòng tự tin. Chấp nhận kiệt sức, bởi cường độ làm việc sẽ nhiều hơn 8 giờ mỗi ngày, nhiều hơn 50 giờ mỗi tuần, làm cả ngày nghỉ thứ 7 và chủ nhật, làm nhiều hơn vào các ngày lễ và ngày tết.
Đây cũng không phải là sự nghiệp của những người thích di chuyển. Và đây càng không phải là sự nghiệp của những người thiếu trách nhiệm, ít sự tập trung.
Tiêu chuẩn lựa chọn để trở thành bác sĩ bao giờ cũng nghiêm ngặt nhất. Tại sao vậy? Tại vì hành nghề y khoa luôn phải đối diện với những rủi ro đặc biệt cao, nhiều khi là sự sống và cái chết. Nhiệm vụ của bác sĩ là chấm dứt sự đau khổ cho người bệnh, nhưng có thể là chấm dứt cuộc đời, nên đòi hỏi trí tuệ và sáng suốt, cùng với lòng nhân từ.
Bù lại, nghề y cũng đã cho tôi nhiều thứ. Đầu tiên là tôi có một nghề nghiệp vững chắc, có khởi đầu cuộc sống yên bình và tốt hơn so với những ngành nghề khác. Bác sĩ là tuyệt vời. Bác sĩ là thú vị. Các bác sĩ có thể giải quyết vấn đề của con người mỗi ngày. Và bác sĩ có thể tự cứu mình.
Trở thành bác sĩ là cách tốt nhất để tôi theo đuổi một công việc liên quan đến sự sống và cái chết của con người. Nghề y giúp tôi chứng kiến nhân loại một cách tốt nhất và tồi tệ nhất.
Tôi đến Trường ĐHY Hà Nội 30 năm trước vì tôi đang có nhiều câu hỏi lớn. Nhưng lần trở lại trường nhân dịp kỉ niệm 115 năm ngày thành lập này, thì tôi đã là một bác sĩ không còn ít tuổi, đã trải qua nhiều năm công tác.
Tôi đã gặp lại rất nhiều bạn bè đồng nghiệp, gặp tập thể lớp Y6C thân yêu của tôi với bao nhiêu những cảm xúc vụng dại như chính thuở ban đầu.
Đêm lửa trại ở Vườn chim Thung Nham thật là ấm áp. Và tôi sẽ chẳng thể nào quên những khoảnh khắc, bàn tay tôi mở ra, ngay lập tức có một bàn tay khác trượt xuống, gấp lại rồi úp vào tay tôi, hai lòng bàn tay hôn lấy nhau, để tôi cảm nhận được sự rung chuyển xuyên qua con tim đang thổn thức.
Nhưng có một điều tôi muốn nói, những thành công của tôi hôm nay chính là công lao to lớn của những người thầy, là bề dày truyền thống lịch sử của một trường đại học đầu tiên toàn xứ Đông Dương; và tôi chỉ muốn được bày tỏ lòng biết ơn vô hạn!
Xin được kính chúc các thầy, các anh chị, các bạn học, các bạn đồng nghiệp và các em; chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
XIN ĐƯỢC CÁM ƠN TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI!

Friday, November 10, 2017

Mưa Huế



MƯA HUẾ 
-------------
Ra Huế đúng ngày Huế có thời tiết rất Huế: lạnh và mưa lâm thâm. Người Huế ở Huế co ro xuýt xoa vì lạnh. Người Huế ở xa Huế chợt thấy mình may mắn khi trở về mà gặp lại cái lạnh buốt ẩm ướt thấu trong xương như ri.
Một buổi tối ấm áp và vui với bạn bè.
Sáng hôm sau, từ chối lời mời ăn sáng cafe vì sợ bạn mình vì mình mà phải lạnh quá. Bạn nói " Huế da diết quá". Ừ, đúng đó bạn. Huế da diết rứa đó mà răng thương chi lạ.
Mình quyết định đi lang thang một mình trong lạnh trong mưa. Mưa bay đủ không ướt.
Sống xa Huế mới thấy Huế thật gần. Xếp cây dù, để mưa lất phất trên mặt. Mưa lạnh dẫn người ta đến nhiều nỗi nhớ. Nhớ tuổi thơ, nhớ bạn bè, nhớ nghĩa, nhớ tình.
Dầm trong mưa, mình nghĩ đến cái tình của người xứ Huế. Không ồn ào, không nóng bỏng. Cái tình của Huế đằm thắm, nồng nàn và rất sâu.
Ghé mua vài trái vả, ít rau thơm, rau quế, thứ rau ở đâu cũng có mà không ở đâu thơm đậm đà như ở Huế.
Cô bé bán hàng vừa kiên nhẫn lựa rau cho một người khách lớn tuổi, vừa ngẩng lên nói với mình: " O đợi cho em xí hí. Mệ lựa hơi lâu chút O nghe!" bằng cái giọng không thương mới là lạ.
Rứa đó.
Xa Huế mới thấy Huế thật gần.
Xa Huế mới thấy Huế thương chi lạ nghĩa là thương ra răng.
Không một tấm hình nào chụp được ở Huế ngó cho đẹp vì dường như ảnh không ghi được nỗi nhớ trong mưa.

Tháng 1/2016

Thi Y khoa

Y KHOA


Nghe tới tên gọi thôi là đã thấy ngày dài đêm thâu rồi.
Tôi không so sánh với các ngành học khác bởi thực sự tôi không biết để so sánh. Tuy nhiên điều rõ ràng ai cũng biết là ngành y học dài ngày nhất trong tất cả các ngành . Và việc học Y không hề dừng lại, không thể dừng cho dù tóc nhuốm hai màu, học Y khoa vẫn không có chuyện ngưng lại.
Người học Y ngoài trí thông minh và tính cần cù , còn đòi hỏi sức bền trong suốt thời gian học và hành nghề Y.
Ôi Y khoa!
Chuyện rất dài và rất nhiều.
Nhưng hôm nay chuyện tôi muốn nói chỉ khoanh vùng vào viêc thi vào ngành Y như thế nào.
Cũng chẳng dám lạm bàn việc thi vào Y khoa ở các nước khác, riêng Việt nam thôi, việc thi vào Y khoa cũng hết sức là gian khổ.
Bạn muốn thi vào Y khoa để trở thành bác sĩ trước tiên bạn phải là người học xuất sắc ở các cấp học.
Bạn học giỏi. Nhưng không phải bạn chỉ là người quá thông minh. Quá thông minh đôi khi họ học ngành khác.
Bạn thông minh vừa đủ. Và bạn phải chăm chỉ, chăm chỉ cần cù thật sự.
Bạn phải có sức khỏe.
Không có sức khỏe bạn không thể làm việc từ sáng hôm nay, xuyên trưa, trực suốt đêm, sáng mai vẫn khám bệnh cho người ta. Họa may tới trưa bạn mới được về nhà. Đó là thời gian làm việc tối thiểu của dân Y khoa. Có lẽ không có ngành nào làm việc suốt ngày đêm mà hiệu quả không tính bằng tiền như Y khoa.

Chính vì vậy mà việc thi vào Y khoa, trải làm 2 ngày. Sáng thì Tóan 4 tiếng. Nghỉ 2 tiếng, chiều thi Sinh 4 tiếng. Sáng hôm sau thì Hóa 4 tiếng. Sau ngày thi, học trò vẫn cảm giác lâng lâng, như trang thái thi cử vẫn còn đâu đó.
Thời gian thi dài ngoằng này này cũng được xem như là một test khởi đầu . Và rõ ràng rằng:  bạn không qua được, bạn đừng học Y khoa

Cho nên bây giờ tôi nghe con gái dự định thi MCAT 7 tiếng / ngày, tôi thấy cũng bình thường.
7 tiếng/ ngày chẳng là gì để rèn luyện sức chịu đựng của cơ thể và não bộ.

Quay lại chuyện của tôi.
Tôi học xuất sắc toàn bộ các cấp học.
Tôi thông minh vừa phải (có phần hơi đáo để thôi)
Tôi chăm chỉ cũng ... khá là vừa phải.
Sức khỏe tôi tốt.
Thần kinh tôi tốt bởi tôi có khả năng cân bằng mọi thứ.

Và tôi thi Y khoa. Lần thứ nhất tôi thi rớt.
Việc tôi thi rớt nhiều nguyên nhân xuất phát từ sự chủ quan. Tôi đã không tận dụng hết thời gian làm bài của mình. Tôi đã không làm hết sức lực của mình.

Nhận ra được lý do đó tôi nghĩ mình sẽ thi trở lại với một kế hoạch rõ ràng hơn.
Kế hoạch của tôi, đơn giản là sự sắp xếp việc học đều , đủ các môn
Kế hoạch của tôi là sắp xếp thời gian học tối đa có thể
Nghỉ ngơi đủ.
Khi học, đầu óc không được rơi vào trạng thái mụ mị. Nếu cảm thấy mờ mịt, lập tức ngưng lại việc học để lấy lại sức khỏe cho não bộ.
Học Y khoa nhưng năm cơ bản rất chán vì thuần lý thuyết. Khi đã chuyển qua ứng dụng rồi thì thật là tuyệt vời.

Cố gắng



Monday, October 30, 2017

HƯƠNG CỐM MÙA THU HÀ NỘI


HƯƠNG CỐM MÙA THU HÀ NỘI




Bạn đừng chờ một bài viết dịu dàng về mùa thu Hà nội nghe. Đối với những người có tâm hồn ăn uống hết sức sâu sắc như mình thì mình hoàn toàn chưa đủ để hý hoáy về mùa thu Hà nội nói chi đến hương cốm mùa thu Hà nội.

Chuyện kể là như ri:
Lần đầu tiên cầm trên tay món quà cốm tươi của một người Hà nội, mình thực bất ngờ vì sự tinh tế của gói cốm được bọc trong nhiều lớp lá sen từ non đến già, buộc lại bằng những sợi lúa cốm. Mở bung ra, mùi cốm thơmdịu dàng.
Lâu lắm rồi. Thực sự lúc đó mình rất xao lòng vì món quà mùa thu dễ thương được tặng .


Chiều nay một bệnh nhân mang món quà gợi nhớ, gợi thương như thế từ Hà nội về, xuống máy bay, đem tới ngay vì sợ cốm khô.
Ôi chao, cốm Hà nội!
Vẫn thế, những hạt cốm tươi bọc trong nhiều lớp lá sen, buộc bằng lúa cốm.
Chuối ăn cùng cốm. Cắn miếng chuối, vốc miếng cốm nhai cùng nhau. Vậy đó. Nhưng thiệt ra mình thấy không ngon lắm . Cảm giác cứ hơi lạc lõng?
Chả cốm.Thích nhất món ni. Thịt xay, nêm vừa ăn, lăn qua cốm chiên lên , chấm cùng tương ớt. Wow, thực sự là ngon.
Chiều ni làm thử món chè cốm. Ngon bất ngờ luôn. Hương cốm thơm lừng, thêm chút béo của nước cốt dừa. Ông xã khen nức nở.
Xôi cốm! Hôm nào có lại cốm tươi mình sẽ nấu vì mình nấu 2 lần xôi cốm bị hư mất rồi. Hic.

Vậy thôi, kết thúc hương cốm.
Hẹn mùa thu sau.





Wednesday, October 25, 2017

BÚN CÁ RÔ ĐỒNG






Nhiều lần đến Hà nội, nhưng dường như chẳng ai giới thiệu cho mình món bún cá rô đồng. Tình cờ đi loanh quanh, thấy quán bún với bảng hiệu bún cá rô đồng lạ hoắc và rứa là mình đòi ăn. 

Không sang trọng như phở Hà Nội, không tinh tế như bánh tôm Hồ Tây, không tiếng tăm như bún chả, bún ốc Hà nội..., món bún cá rô đồng mang đậm chất dân dã của vùng đồng bằng Bắc Bộ với những nguyên liệu rất "quê" như cá rô, rau cải, rau cần, hành hoa, thìa là...Cá rô có thể chiên vàng giòn hoặc lăn bột chiên. Ăn chung với bún sợi nhỏ, bánh đa cắt sợi hoặc miến, vắt thêm trái tắc (trái quật) đã cắt sẵn một đầu.
Hơi bối rối vì món ăn lạ lẫm và bối rối vì phong cách quán ăn bình dân của Hà nội, nên mình chỉ kịp ghi nhận lại và thốt lên: "Ố, răng ngon dữ ri mà lâu ni không ai cho em ăn ?"
Nghe rằng bún cá rô đồng vốn là một món ăn đặc sản của Xứ Đông - tên gọi xưa kia của Hải Dương. Hiện tại thì món ăn bình dị này nổi tiếng khắp nơi và tất nhiên là cả Hà Nội.

Rứa mà chừ mình mới biết.
Hứa lần sau ra Hà nội sẽ thưởng thức nó một cách bình tĩnh hơn.




Tuesday, October 24, 2017

Tản mạn nhớ Sao Khuê




Tản mạn nhớ Sao Khuê

Năm 1979, Câu lạc bộ sáng tác văn học ra đời, tập trung những cô cậu đội viên nhà văn hóa thiếu nhi có năng khiếu và đam mê văn chương để chăm sóc dạy dỗ và dưỡng nuôi mầm văn học.
Tham gia vào câu lạc bộ sáng tác, lần đầu tiên mình được đi ra khỏi nhà một thời gian để tham dự trại sáng tác. Ăn uống, ngủ nghỉ không với mẹ nữa. 
Một thời gian ngắn thôi, nhưng có lẽ  tất cả chúng tôi vẫn không thể quên những ngày tháng thân thương cùng nhau đó. Những bài thơ, những đoản văn non dại ra đời từ đó. 
SAO KHUÊ, tên của câu lạc bộ sáng tác, cái tên dễ thương vô cùng. Theo quan niệm truyền thống của người Việt Nam, Sao Khuê là biểu tượng của sự thông minhtrí tuệ và học vấn

Sau gần 40 năm trôi qua, chúng tôi lớn lên, mỗi người một ngã, mỗi người một việc . Nhưng trong chúng tôi, đam mê văn chương như là máu thịt. 
Văn chương làm tâm hồn mình dịu dàng, phong phú cho dù cuộc đời có nghiệt ngã bao nhiêu đi nữa. 
Hôm nay ngồi đây, tôi nhớ lại những đoản khúc tự tình thơ dại cũ. 
Bài thơ đầu tiên tại trại sáng tác mầm non văn học, để lại chút dấu ấn cho bạn bè: LÁ THU. 
Gió mát lạnh vuốt ve từng chiếc lá. 
Những chiếc lá mỏng manh như dãi nắng nghiêng nghiêng. 
Thay lớp áo xanh, lá khoác màu vàng úa. 
Lá thật buồn khi phải rời tay mẹ mến thương. 
Nhưng em sẽ không để lá buồn đâu. 
Lá rơi nhiều khắp cả vườn em đó.
Bàn tay em cho chúng họp với nhau 
Dưới bóng râm của Mẹ 
Và trên từng chiếc lá 
Em sẽ đề chữ  THU

Tôi đã mơ màng về hình ảnh chiếc lá thu vàng rơi xào xạc dưới chân người từ bài thơ của bậc tiền nhân Lưu Trong Lư..., dù chưa được tận mắt nhìn thấy hình ảnh này lúc đó mãi cho tới lớn.
Vâng , hình ảnh lá thu dịu dàng mà tôi những đã muốn nó sống mãi với chữ THU ngay từ dạo đó. 

Những ao ước nhỏ bé của cô học trò nhỏ, ngoan ngoãn dạo đó dường như chỉ xoay quanh việc làm vui lòng ba mẹ, ông bà anh chị. Nên tôi có bài thơ NẾU EM LÀ... như là một ao ước dâng tặng người thân. 

Nếu là gió,
em sẽ làm tan
những giọt mồ hôi đổ trên lưng ba
nhọc nhằn. 
Nếu là mây,
em sẽ kết thành chiếc áo,
 thay chiếc áo sờn vai
của mẹ. 
Nếu là thời gian,
em sẽ ngừng lại
trên vầng trán của ông
và trên mái tóc của bà. 
Nếu em là...
Không, em không là gì cả. 
Nhưng bàn tay em sẽ quạt mát cho ba. 
bàn tay em sẽ kết áo hoa cho ẹm
Và trang vở này, là niềm vui, em xin tặng ông bà. 

Những mơ mộng của thời học trò, chỉ với con đường ngày hai buổi đến trường, cũng đủ cho tôi bâng khuâng khi giã từ tuổi thơ 

Con đường trải sỏi phẳng lì. 
Em đi mỗi sáng xanh rì bóng cây. 
Trắng hồng phơn phớt áng mây. 
Nghe không gian thắm ngọt đầy tiếng chim. 
Nắng vàng óng ả êm đềm 
Dõi theo từng bước chân em đến trường. 

Rồi mùa phượng thắm ngát hương, 
Không gian rộn rã hát mừng hè sang 
 Ôi hè, lòng chợt thiết tha. 
Đường ơi, bụi có xóa nhòa chân chim?  

 Lòng dặn lòng sẽ không bao giờ quên những ngày thơ ấu êm đềm bên mái trường xưa, trên con đường nhỏ.

Nhớ kẻ cho đều ô vuông vở
Và chia cho đủ chút hương thừa.
Mai nhé rồi xa,  em vẫn nhớ
Con đường dẫn đến cổng trường xưa

Tôi lớn lên, không theo nghiệp văn chương, mặc cho nhiều thầy cô và bè bạn ngạc nhiên, tôi học Y khoa.
Nhưng nói như anh Võ Quê nói 
" Võ thiếu tinh hồn văn, võ thành vỏ. 
Văn không dũng khí võ, văn hóa văng "
An nhiên và hạnh phúc trên con đường mình chọn. Mọi con đường đều cần dũng khí và tâm hồn. Đủ để đầy. Tôi mang trong tôi nợ văn chương.
Như các bạn, những năm tháng sinh viên, những năm tháng sống và làm việc. viết văn như là một cách dàn trải trái tim mình. 
Những câu thơ ngắn ngắn cho tình yêu , nhưng đoản văn ngắn ngắn cho cuộc đời, tôi vẫn thi thoảng ghi chép lại. 

Phía bên ngoài nhiều mưa hay nắng. 
Chim có về bay theo những hàng cây.
Anh đi qua  đó anh về ngang đây. 
Có nhìn ra em tâm hồn nhỏ buồn này. 
Phía bên ngoài làm sao anh biết được. 
Áo trắng tóc nâu và mắt đen buồn ướt. 
Anh đi qua đó anh về ngang đây. 
Có nhìn ra em, tâm hồn nhỏ buồn này. 

“Tình yêu như trái phá con tim mù lòa”( Trịnh Công Sơn), tôi cho ra đời vài đoạn văn tình tự, tôi cho ra đời vài khúc ngâm vụng về kỷ niệm mối tình dài.

Thời gian trôi đi.
Công danh sự nghiệp gia đình cuốn tôi theo thời gian. Tôi bỏ quên văn chương vào xó nhà.
Hôm nay, khi cuộc đời đã nghiêng dốc chiều, tôi chợt tỉnh giấc, nhìn lại và nhớ vô cùng  những  năm tháng dịu dàng qua.
Tôi tâm niệm rằng mình sẽ dành những tháng ngày còn lại của cuộc đời cho niềm đam mê đã từng có của mình
Vậy thôi, tôi quay lại với SAO KHUÊ.
Và mong nó rực sáng.

20.10.2017