Saturday, October 29, 2022

𝐋𝐔𝐃𝐌𝐈𝐋𝐀

 𝐋𝐔𝐃𝐌𝐈𝐋𝐀

David Montross
Dịch giả Vĩnh Bá.



Thường thường Bà Nội tru tréo với con bé ngay khi cửa mở, hỏi Ludmila tại sao nó lang thang trong rừng, hoặc có phải nó học kém ở trường nên bị phạt không cho về sớm. Đôi khi bà lão không đợi nói hết những điều trên thì đã ném gối vào Ludmila, mà nó thì luôn luôn sẵn sàng để nhảy sang bên này hoặc bên kia để tránh. Nhưng hôm nay thì khác. Không có chiếc gối nào ném ra lúc chiều muộn này. Cũng không có tiếng tru tréo.
“Babushka?” Đánh liều nhìn Bà Nội, nó thấy những bím tóc mảnh mai màu trắng tết con rít lòa xòa bên dưới cái gối, và những chiếc chăn kéo cao như nó đã đắp cho bà nhiều giờ trước đó. Nó muốn nói, “Bà hãy tha lỗi cho cháu về chuyện sáng nay, Babushka nhé. Cháu không cố ý làm một đứa bé hư. Xin tha cho cháu và hãy nói gì đi. Cháu xin bà đấy.”
Bởi vì nếu Bà Nội không nói gì, thì bà sẽ không lên tiếng suốt nhiều ngày liền. Không nói một lời. Có lẽ im tiếng cho đến sau khi tuyết đã rơi, sau khi căn nhà nhỏ trở nên chật chội vì Papa và các anh của Ludmila đã trở về sau chuyến đi gặt lúa.
Lặng lẽ để khỏi đánh thức Bà Nội, nó để lên bàn một cái túi lưới chứa củ cải đường và bắp cải và một miếng thịt heo muối mỏng tanh quý báu, rồi vội vã đun thêm củi vào lò. Babushka thường than phiền là cảm thấy lạnh ngay cả khi thời tiết nóng nực nhất, và giờ đây khi việc kiếm cành cây rơi rụng trở nên khó khăn hơn, Ludmila phải lang thang xuyên rừng theo những vòng tròn mỗi ngày mỗi rộng hơn. Mùa xuân năm sau, nó sẽ dặn Papa và các anh nó để lại cho nó một đống củi lớn hơn trước khi họ đi gặt lúa vào mùa hè. Nếu Babushka muốn căn nhà mùa hè này ấm hơn mùa hè năm trước, thì bà sẽ muốn nhà ấm hơn nữa vào năm sau.
Nhưng khi ấy thì Ludmila sẽ lên mười ba tuổi, và chắc chắn nó sẽ tự đi đốn củi được. Ít nhất là những cành thấp của những cây linh sam hoặc bạch dương mọc đến sát khoảng đất trống. Nếu nó làm được việc này, đám đàn ông sẽ rảnh tay để đào một cái giếng mà ngày nào đó sẽ đưa nước vào tận nhà, hoặc dựng một cái rào chắn gì đó bao quanh đám đất trồng rau để ngăn thỏ và hươu nai phá vườn như chúng mới phá gần đây. Chà, gần như không có chút thức ăn nào cho mùa đông sắp tới. Ý nghĩ này khiến nó cảm thấy đói hơn thường lệ. Cũng không còn đồng rúp nào, phải chờ cho đến khi Papa về mới có tiền.
Cẩn thận không nhìn Bà Nội vì bà ghét bị bắt gặp đang ngủ, Ludmila rán miếng thịt heo, gọt vỏ củ cải đường và xắc bắp cải rồi luộc tất cả trên bếp lò, dùng chỗ nước cuối cùng trong xô. Hết sức im lặng, nó quàng lại chiếc khăn san rồi băng qua khoảng đất trống tới nơi dòng suối đang trào bọt qua những tảng đá, phát ra âm thanh như tiếng đàn 𝐛𝐚𝐥𝐚𝐥𝐚𝐢𝐤𝐚 của Shura.
Nếu nó cứ ở bên ngoài một lúc, Babushka có thể ngủ tiếp, và như thế sẽ rút ngắn khoảng thời gian bà ca cẩm trước khi hai bà cháu đi ngủ. Dù sao, ở ngoài nhà một mình như thế này thì thú vị hơn, suy nghĩ và nhìn những bụi cây và cây cối chung quanh. Ở đây mùi cũng dễ chịu hơn; bên trong nhà mùi rất khó ngửi.
Khi trở vào lại, nó giả vờ như mới ở trường và ở cửa hàng thực phẩm về, và Bà Nội có thể tru tréo hoặc ném gối như thường lệ. Sau đó thì hai bà cháu ăn xúp rồi đi ngủ; một hai ngày nữa hay một tuần nữa Papa và những cậu con trai sẽ về nhà. Có họ trong nhà Babushka sẽ bớt ồn ào hơn.
Nhưng như Papa đã nói mùa xuân vừa rồi, “Nếu con phải nằm liệt giường vì một đôi chân vô dụng, Ludmila bé nhỏ yêu dấu của ba, con cũng sẽ bức bối, than vãn và bẳn tính như bà.”
Papa mà nói thế thì hẳn phải thế. Chẳng phải ông là người cha tuyệt vời nhất trên đời hay sao? Giúp nó học bài và luôn luôn có mặt ở trường vào những ngày mùa đông u ám đúng ngay lúc nó bắt đầu cuốc bộ đoạn đường rất dài xuyên rừng để về nhà. Đồng chí Varvara, thầy giáo, nói rằng người ta phải sản xuất theo năng lực và hưởng theo nhu cầu. Nhưng Bà Nội thì chỉ ăn mà không sản xuất chút lương thực nào hết. Papa nói ở tuổi bà thì chuyện ấy là đương nhiên; hồi còn trẻ bà đã sản xuất rất nhiều.
Mùa hè này khi chim chóc và động vật ăn hết vườn rau và không còn ngũ cốc hoặc bất kỳ thức ăn nào cho bò hoặc cừu hoặc heo hoặc gà, thì ông cụ Nikolai ở cửa hàng thực phẩm nói rằng mùa đông sắp tới chó sói chắc chắn sẽ xuất hiện. Tối thiểu cũng ba năm rồi không ai trong làng trông thấy con sói nào, nhưng ai cũng biết khi người ta chết vì đói, sói sẽ luôn kéo tới.
Ludmila cũng chưa hề thấy con sói nào, nhưng nó đã nghe tiếng sói tru nhiều lần. Và Babushka hay nói rằng những đứa bé gái hư chỉ nên làm thức ăn cho dã thú là tốt thôi.
A, sẽ rất vui khi Papa và bảy người anh trở về. Có thể là vào tuần này, như cụ Nikolai đã nói, buồn bã lắc lắc cái đầu hói, bởi vì về sớm có nghĩa là mất mùa, và không đủ lương thực cho mọi người. Tuy nhiên Papa sẽ ngăn không để lũ sói đến gần ngôi nhà; ông đã luôn làm được như thế.
Một khi tất cả đã về thì sẽ không còn những buổi sáng tối tăm và cô đơn khi mà Ludmila, ngủ chung giường với Babushka, phải trở dậy, cạy cho vỡ lớp nước đá trên mặt xô nước để sẵn bên cạnh bếp lửa được ủ tro, rồi nấu món cháo 𝐤𝐚𝐬𝐡𝐚 sau khi nó đã chuồi cái bô vệ sinh vào dưới thân mình của Bà Nội.
Đôi khi bà cụ ngồi trên bô rất lâu và lải nhải mãi về cái cách Ludmila xếp chăn không gọn và xóc gối không tròn, đến độ con bé, sợ trễ học, phải chạy suốt cả chặng đường băng qua những cây bạch dương vàng hoặc linh sam xanh đến con đường chính, rồi ngang qua ngôi làng để đến lớp học ở trong hội trường tập thể. Rồi thì Đồng chí Varvara cho thêm bài tập về nhà để nó làm trong ánh đèn cầy. Giá như Bà Nội biết sản xuất đèn cầy và đừng ngồi quá lâu trên cái bô vệ sinh.
Ồ, ngôi sao đầu tiên đã mọc. Và những ngôi khác xa hơn, sáng dần lên mặc dù trăng đang lên, mà đêm nay trông vàng như những cây bạch dương vào ban ngày. Một đêm đẹp trời có những tiếng thì thầm vọng lại từ khu rừng.
Năm ngoái Papa và mấy cậu trai về muộn hơn một tháng so với thời điểm này, cất tiếng hát vang khi họ xuống khỏi mấy chiếc xe tải, bước mạnh bạo băng qua đám cây để vào làng. Khi thấy con bé vẫy tay chào, cả bọn phóng chạy để xem ai tới chỗ nó trước tiên. Ai tới trước sẽ nhấc bổng con bé lên, hôn nó tới tấp, dìm mất tiếng kêu ré của nó, một lúc lâu mới chịu buông nó ra cho người kế tiếp đang chờ đến phiên. Nhưng không ai trong bọn chạy đua để vào hôn Bà Nội.
Năm nay họ mà về sớm, như cụ Nikolai đã nói, thì vui biết mấy. Nhưng buồn thay cho những người phải chết đói mùa đông này. Có thể là một số người trong chính nông trang tập thể của họ.
Ai trong gia đình có thể phải chết?
Không thể là Papa vì ông rất khỏe mạnh. Mấy cậu trai cũng không bởi vì họ trẻ và khỏe. Cũng không phải Bà Nội, vì tuy không khỏe mà cũng chẳng trẻ, nhưng bà là người mạnh mẽ nhất nhà. Papa thường nói thế. Mỗi khi bà hỏi ông.
“Ai là người khỏe nhất trong nhà này?”
“Là mẹ, Mẹ thân yêu ạ.”
Babushka gật đầu và nhe răng cười, phô ra hàng nướu teo tóp, và bảy cậu con trai và Ludmila cũng cười lớn và reo hò, vì Papa luôn đứng ở vị trí mà Bà Nội không thể thấy ông, và ông nháy mắt khi trả lời để báo cho biết ông thực sự nghĩ gì.
Nhưng nếu tất cả đều mạnh khỏe thì chỉ còn một kẻ yếu đuối. Một con bé hư không biết tự đốn củi, và thường bực tức cái việc Babushka ngồi trên bô vệ sinh quá lâu mỗi buổi sáng, và ghét phải mang nước cho bà rửa ráy, phải đắp chăn cho ngay ngắn và lót gối xuống dưới những bím tóc trắng tết con rít.
Bà lão tội nghiệp, rất dễ để ghét bỏ bà, rất khó để nhớ rằng bà đã lớn tuổi và tàn tật. Nhưng ai có thể yêu được bà khi bà hôi hám như thế và hay tru tréo như thế? Sáng nay khi Ludmila đã trễ học mà Babushka còn ném gối vì, bà nói, gối cứng và không tròn đều, và Ludmila bắt đầu khóc. Nó đã ném trả cái gối về phía Bà Nội, nhìn cái gối rơi ập xuống gương mặt già nua. Vài phút sau nó cắm đầu cắm cổ chạy tới trường, khóc suốt cả quãng đường.
Thêm nhiều sao nữa. Và trong ánh trăng, những bóng đen trải dài rồi thu ngắn trước mặt nó khi nó rời khỏi dòng suối, rồi băng qua khoảng đất trống để tới cửa ngôi nhà nhỏ. Nó đặt cái xô xuống, không muốn bước vào trong.
Một tiếng mắng tru tréo hoặc một cái gối ném vào mặt nó? Một lời than phiền hoặc một đòi hỏi? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu nó mắng lại? Hoặc ném gối trả lại? Nếu nó không vào nhà, mà cứ ở ngoài này đợi Papa và các anh về thì sao?
Khi nào họ về nó sẽ vào nhà. Khi ấy thì căn nhà nhỏ sẽ vang tiếng nói tiếng cười, và đêm đến tiếng vĩ cầm của Oleg sẽ hòa cùng tiếng 𝐛𝐚𝐥𝐚𝐥𝐚𝐢𝐤𝐚 của Shura và tiếng vỗ tay theo nhịp của Papa. Rodion và Vukuly và Kyril sẽ nhảy điệu 𝐠𝐨𝐩𝐚𝐤, rồi sau đó nó sẽ nhảy điệu 𝐯𝐚𝐥𝐬𝐞 với mọi người, nhớ thứ tự từng người để bảo đảm các anh nó không tranh nhau làm người kế tiếp nhảy với nó. Không phải đêm nào họ cũng chơi nhạc và nhảy múa vì mỗi tuần một lần đám đàn ông sẽ tới làng để uống bia và chuyện trò với bạn bè.
Nếu nó chết vì đói mùa đông này thì họ sẽ nhảy múa cùng ai? Nó thút thít khóc rồi lau mũi vào một góc chiếc khăn san. Chết có lẽ không hẳn là một điều tồi tệ. Trên thiên đàng nó sẽ biết mặt mày mẹ nó ra sao mặc dù Đồng chí Varvara bảo rằng không có thiên đàng. Khi nó nói lại với Papa như thế, ông bảo, “Có thể là thế, nhưng mẹ của con là một thiên thần.” Chỉ có điều ông không nhớ bà ấy nhỏ người hay to béo, bình thường hay xinh đẹp, chỉ biết rằng bà ấy rất hợp với ông, và ông sẽ không bao giờ tìm được ai như bà ấy.
Babushka nói không một phụ nữ nào, và chắc chắn không phải người vợ kế của con trai bà, xứng đáng được yêu thương như thế. Dẫu sao, con trai bà không cần đến một người vợ kế, khi ông đã có đến bảy đứa con trai rồi. Một người vợ kế phỏng có ích gì cho ai ngoài việc sinh ra một đứa con cặn con còi vô dụng.
Cách đây hai năm khi Babushka trở dậy một sáng nọ, bà té từ trên giường xuống đất, cái giường mà bà và Ludmila cùng chia sẻ. Papa chạy vội vòng qua tấm màn chia hai căn nhà, còn Ludmila hoảng sợ đến nỗi nó ngậm ngón tay cái vào miệng, một cử chỉ nó đã quên làm từ lâu. Babushka nằm nhắm nghiền mắt và tiếng thở của bà vang như tiếng ngáy. Khi Papa quỳ bên bà và bắt đầu khóc, Ludmila cũng khóc theo.
Nhưng cuối cùng Bà Nội mở mắt rồi đảo mắt nhìn quanh. Rồi sau đó nữa bà gằn giọng, “Ludmila . . . Ludmila . . . nó xô tao . . .”
Một viên bác sỹ đến khám để đưa bà vào bệnh viện nhà nước, nói rằng bà bị đột quỵ và sẽ không còn đi lại được nữa. Ông còn nói thêm rằng không đủ giường bệnh cho người sống, huống hồ là người sắp chết, nên không cần đưa bà đi viện. Bà có thể ra đi bất kỳ lúc nào, vì một cơn sốc hoặc chỉ vì tim bà ngừng đập, hoặc bà có thể nấn ná thêm vài năm nữa cũng nên. Nhưng đó là vấn đề của gia đình; mối bận tâm của ông chỉ dành cho những người sẽ hồi phục và sẽ sản xuất trở lại.
Ludmila đã muốn hỏi: thế còn cháu thì sao? Bởi vì những mùa hè đã tồi tệ như thế rồi, nếu Bà Nội phải nằm liệt giường, thì mùa hè tới đây sẽ dài hơn và vất vả hơn bao giờ hết khi những người đàn ông đi vắng.
Hai năm trước. Một quãng thời gian vô tận, và không hề một lời “cảm ơn” hoặc “xin vui lòng” từ nơi cửa miệng Babushka. Chỉ có mắng mỏ và ném gối trừ khi Papa ở nhà và nổi giận. “Thôi đi cho, bà già. Mẹ quá khắc nghiệt với Ludmila. Nó đang làm nhiều việc hơn mẹ sẽ có thể làm.”
Babushka hầu như im tiếng suốt cả mùa đông, bà cảm thấy phật lòng. Rồi bà quay sang trò véo vào ban đêm, những ngón tay độc ác của bà tìm kiếm cánh tay, cẳng chân hoặc vành tai của Ludmila để véo. Bà cứ véo mãi cho đến khi Ludmila không chịu nổi nữa, đành phải xô bà ra xa. Nhưng bà già không bao giờ té xuống đất một lần nào nữa.
Ludmila thở dài, cúi xuống xách cái xô dưới chân lên. Mở cửa xong, nó do dự, chờ đợi cái gối bay vù về phía nó. Nhưng Bà Nội vẫn nằm yên như trước đó. Và cái gối vẫn áp chặt trên mặt từ sáng đến giờ.
Rất cẩn thận, Ludmila đặt cái xô xuống, nhấc cái nồi khỏi bếp lò, dùng vá múc xúp ra tô. Rồi nó lấy một cái muỗng và thưởng thức từng muỗng một. Không liếc nhìn cái giường lấy một lần, nó đứng dậy, múc ra tô phần xúp còn lại rồi ăn hết luôn.

Saturday, October 22, 2022

Love and Light.

 My parents were married for 55 years. One morning, my mom was going downstairs to make dad breakfast, she had a heart attack and fell. My father picked her up as best he could and almost dragged her into the truck. At full speed, without respecting traffic lights, he drove her to the hospital.

When he arrived, unfortunately, she was no longer with us.
During the funeral, my father did not speak; his gaze was lost. He hardly cried.
That night, his children joined him. In an atmosphere of pain and nostalgia, we remembered beautiful anecdotes and he asked my brother, a theologian, to tell him where Mom would be at that moment. My brother began to talk about life after death, and guesses as to how and where she would be.
My father listened carefully. Suddenly he asked us to take him to the cemetery.
Dad!" we replied, "it's 11 at night, we can't go to the cemetery right now!"
He raised his voice, and with a glazed look he said:
"Don't argue with me, please don't argue with the man who just lost his wife of 55 years."
There was a moment of respectful silence, we didn't argue anymore. We went to the cemetery, we asked the night watchman for permission. With a flashlight, we reached the tomb. My father caressed her, prayed, and told his children, who watched the scene moved:
"It was 55 years... you know? No one can talk about true love if they have no idea what it's like to share life with a woman."
He paused and wiped his face. "She and I, we were together in that crisis. I changed jobs ..." he continued. "We packed up when we sold the house and moved out of town. We shared the joy of seeing our children finish their careers, we mourned the departure of loved ones side by side, we prayed together in the waiting room of some hospitals, we support each other in pain, we hug each Christmas, and we forgive our mistakes...
Children, now it's gone, and I'm happy, do you know why?
Because she left before me. She didn't have to go through the agony and pain of burying me, of being left alone after my departure. I will be the one to go through that, and I thank God. I love her so much that I wouldn't have liked her to suffer..."
When my father finished speaking, my brothers and I had tears streaming down our faces. We hugged him, and he comforted us, "It's okay, we can go home, it's been a good day."
That night I understood what true love is; It is far from romanticism, it does not have much to do with eroticism, or with sex, rather it is linked to work, to complement, to care and, above all, to the true love that two really committed people profess ".
Peace in your hearts.
Love and Light.

Credit: Michelle M on quora

Friday, October 7, 2022

PHẢI ĐÀO LÊN THÔI - 𝗗𝗜𝗚 𝗪𝗘 𝗠𝗨𝗦𝗧 - Jeff Heller

PHẢI ĐÀO LÊN THÔI - 𝗗𝗜𝗚 𝗪𝗘 𝗠𝗨𝗦𝗧

Jeff Heller
---------
Trích từ tạp chí 𝗔𝗟𝗙𝗥𝗘𝗗 𝗛𝗜𝗧𝗖𝗛𝗖𝗢𝗖𝗞’𝗦 𝗠𝗬𝗦𝗧𝗘𝗥𝗬 𝗠𝗔𝗚𝗔𝗭𝗜𝗡𝗘, số tháng Tám, 1961, nxb Davis Publications Inc., N.Y. 1961.
Vĩnh Bá dịch.


Đầu gối, lưng và hai cánh tay của Lorna Powell đau nhức, nhưng bà cảm thấy rất vui. Khuôn mặt đầy đặn, không nếp nhăn bên dưới cái mũ cói rộng vành biểu lộ vẻ tập trung mãn nguyện. Những cơn đau nhói vì chứng thấp khớp không làm chậm đi những động tác mạnh mẽ của cái xẻng làm vườn khi nó xóc vào lớp đất đã xới lên sẵn. Bà đang nghĩ đến những bông hoa uất kim hương.
“Buổi sáng tốt lành, bà Powell,” người đưa thư nói, tựa người vào cọc hàng rào. “Chưa xong hở bà?”
“Vẫn đang trồng, ông Forbes ạ,” Lorna vui vẻ nói. “Ông có thấy hoa dạ yến thảo của tôi mọc tốt ghê không? Nhờ cái nắng bấy lâu nay đó.”
“Quả thực bà đã làm nên phép lạ,” ông Forbes cười khẽ. “Cái gã Wally Birch ấy, chủ cũ nhà này, chỉ trồng được rác mà thôi. Biến nơi này thành một bãi rác. Chắc bà đã phải dọn cả một đống to tướng.”
“Vâng, đủ loại rác.” Lorna mỉm cười bao dung. “Tôi chưa gặp lại ông Birch từ khi nhận bàn giao nhà. Tôi biết ông ta sống đâu đó trong thị trấn.”
Người đưa thư càu nhàu. “Đúng. Một trong hai nơi, quán bar Keely hoặc là nhà tù. Thực may là bà đã ở trên tuyến đường đưa thư của tôi thay vì hắn, thưa bà Powell. Tôi nói thật đấy.”
“Ôi cảm ơn ông,” Lorna nói.
Khi người đưa thư đi khỏi, bà nghỉ tay một lát rồi tiếp tục công việc càng hăng say hơn nữa. Bà đã bón phân, nhưng đất không tốt hơn như lẽ ra phải thế; nhiều năm bỏ hoang và pha tạp với rác thải đã làm đất xấu đi. Vẫn còn những lon thiếc cũ, giấy báo, những cái đinh gỉ sét và đủ loại rác bên dưới bề mặt, và không tránh được những viên đá chạm lạch cạch vào cái xẻng. Cạch một viên nữa, bà chép miệng và gắng sức cạy nó lên.
Một viên đá trắng một cách kỳ lạ. Bà xới cho tơi lớp đất bám quanh cho nó long ra. Bà cầm nó, đứng lên, nhìn dáng bên ngoài kỳ lạ của nó, nhìn vào hai cái hốc rỗng mà trước đây hẳn là đôi mắt người đang nhìn lại bà.
Một cái sọ người.
Lorna thả rơi nó. Nó lăn theo kiểu lạ lùng và bà cố nén một tiếng thét. Rồi, sau một chốc ngẫm nghĩ, bà làm điều duy nhất hợp lý. Bà cúi xuống, nhặt cái vật rùng rợn ấy lên trong đôi bàn tay mang găng. Không dám mở lớn mắt, bà mang nó đi về phía cái thùng các-tông chứa rác rồi bỏ vào.
Nhưng giờ đây bà cảm thấy rúng động không thể tiếp túc việc xới đất. Bà buồn bã đưa mắt nhìn mảnh vườn lần cuối, rồi vào nhà để tự trấn tĩnh bằng một tách trà.
Chiều hôm ấy, bà ghé vào cửa hiệu Heather’s Gift Shoppe trong làng. Heather cũng là một người mê làm vườn, nhưng ngoài hạt giống và củ giống uất kim hương, Lorna còn nghĩ đến chuyện khác. Bà tiến đến quầy, và Heather, một bà cô không chồng cao lênh khênh, đeo một cặp kính lớn bên ngoài đôi mắt sáng, mỉm cười niềm nở. “Chào Lorna thân mến. Vườn tược ra sao rồi?”
“Ồ, cũng được,” Lorna hững hờ nói, nhìn những cái cốc bằng hợp kim thiếc.
“Nghe giọng bà không hăng hái lắm. Cái lưng lại hành chứ gì?”
“Ồ, tôi quen với cái lưng đau rồi.” Bà nhìn xéo qua người khách duy nhất trong cửa hiệu rồi hạ giọng. “Heather này, có lần bà nói với tôi gì đó về ông Birch, phải không? Bà cũng biết, người đã bán nhà cho tôi ấy?”
Heather cau mày. “Birch! Ừm. Về hắn thì có khối chuyện để nói, nhưng hồi trước bà chẳng có vẻ quan tâm gì. Tôi chẳng hiểu bà ra sao cả, Lorna ạ, một nửa niềm vui sống trong một thị trấn như thế này chính là buôn chuyện thiên hạ.” Bà ta cười khẽ rồi nói thêm, “Thế bà muốn biết chuyện gì?”
“Ờ-ờ, tôi nhớ bà có nói gì đó về vợ ông ta—”
“Vợ chết rồi,” Heather nói tỉnh khô. “Chèo thuyền ra hồ lúc sáng sớm và khi thuyền trôi về thì là thuyền không. Bà biết chuyện ấy rồi chứ?”
“Tôi biết ông ta trở thành góa vợ năm ngoái. Tôi cho rằng đó là lý do ông ta bán nhà.”
“Vấn đề là, người ta không tìm được xác bà vợ. Hồ sâu quá, họ nói. Dẫu sao, họ rà lưới suốt mấy ngày, rồi đành bỏ cuộc.”
“Có phải đó là lúc—” Lorna tế nhị ngừng nói. “Là lúc ông Birch bắt đầu uống rượu?”
“Birch ư?” Heather phá ra cười. “Wally Birch không cần có cớ để say sưa. Hắn đã nát rượu khi vợ còn sống. Người ta vẫn thuê hắn làm việc thì kể cũng lạ.”
“Hắn làm nghề gì?”
“Ai thuê gì làm nấy. Có lần tôi thuê hắn gắn mấy tầng kệ và hắn làm khá tốt. Nhưng cả nhà nồng nặc mùi rượu suốt cả tháng.” Bà ta nheo mắt nhìn Lorna. “Này, sao bà bỗng dưng quan tâm như thế. Hắn không quấy rầy bà đấy chứ?”
“Không, không,” Lorna nói ngay. “Tôi không gặp ông ta mấy tháng nay. Chỉ là—tò mò thôi.”
“Ờ, nếu muốn biết thêm điều gì, bà chỉ việc hỏi Pauley ở cửa hàng thực phẩm. Y biết hết mọi chuyện về mọi người trong thị trấn này. Đâu phải đàn bà mới hay buôn chuyện! Lorna này, bà nghĩ sao về những cái cốc có quai ấy. Chỉ một đô-la rưỡi thôi và làm bằng hợp kim thiếc thứ thiệt đó.”
* * *
Ông Pauley quay lui khỏi những cánh cửa kính của tủ ướp lạnh, hai má đang phình ra vì đang nhai một lát giăm-bông.
“Nhiều ngày không gặp, thưa bà Powell. Người ta bảo tôi bà đang biến mảnh vườn thành một điểm tham quan đấy.”
“Vẫn đang làm,” Lorna mỉm cười. “Ồ, tôi cần mua thêm ít trà, ông Pauley ạ. Mà này,” bà nói vẻ bâng quơ khi ông chủ tiệm đi tới chỗ kệ hàng, “một người bạn vừa kể cho tôi nghe về gia đình Birch. Khách hàng của ông, phải thế không?”
“Không thường xuyên. Ngưng mua hàng khi họ không thanh toán các hóa đơn, mà chuyện này thì cứ vài tháng xảy ra một lần, đều đặn như đồng hồ.”
“Tội nghiệp bà Birch, đúng không? Bà ấy ra đi như thế chắc hẳn làm ông chồng đau buồn lắm—”
“Wally đau buồn ư?” ông chủ tiệm cười lớn. “Hắn mừng hết lớn khi trừ khử được bà ấy. Sao chứ, hai người ấy gấu ó nhau hơn cả hai con chó giành xương. Cứ cách một đêm là bà ấy lại vứt một trong những cái tẩu thuốc hôi hám của hắn ra đường, sau đó tống khứ hắn ra theo luôn.” Ông ta dằn mạnh cái hộp các-tông trà lên quầy. “Đừng lo cho Wally. Hắn ăn mừng từ khi bà ấy chết.”
“Một cái chết—kể ra cũng lạ, phải không?”
“Một số người không nghĩ thế,” ông Pauley nói, nhoài người về phía bà đầy vẻ bí ẩn. “Một số người—và tôi không có ý nói có tôi trong đó, Wally Birch là bạn tôi—một số người nghĩ không phải là tai nạn. Rằng là Wally có nhúng tay vào.”
“Ôi trời!” Lorna thốt lên. “Ý ông không phải là án mạng đấy chứ?”
“Một số người nghĩ như thế đấy,” ông Pauley nói nghiêm trang.
Lorna rời khỏi cửa hàng thực phẩm với tâm trạng gần như bị sốc. Liệu lòng căm ghét của Wally Birch dành cho người vợ giải thích cho màu sắc rất rực rỡ của những đóa uất kim hương của bà, cái lộng lẫy khác thường của hoa dạ yến thảo? Đấy là một ý tưởng hãi hùng, và bà chuyển sang một cách suy luận hợp lý hơn. Liệu cái sọ người ấy có thể là một di cốt của người da đỏ, một vật hóa thạch của một thời đã bị lãng quên từ lâu? Cần gì phải vội vàng kết luận, để rồi cảnh sát kéo tới khắp trong vườn với cuốc xẻng, phá nát công trình suốt một mùa của bà, làm hỏng mất cơ hội tham gia lễ hội hoa?
Về lại nhà, bà mang vào đôi găng tay làm việc, rùng mình, lấy cái sọ người trong thùng rác ra. Tốt nhất là nên cất cái sọ vào trong cái tủ chứa chổi quét, chờ cơ hội thuận tiện để trình cho cảnh sát. Rón rén, quay mặt sang hướng khác, bà bỏ nó vào trong một cái xô, lấy mấy miếng giẻ bẩn đậy lại, rồi ra phòng khách ngồi đọc tập danh mục các loại hạt giống.
Vài phút sau, tiếng gõ cửa bất ngờ khiến bà giật mình, đánh rơi tập danh mục.
Bà ra mở cửa, và đối mặt với một gương mặt râu ria không cạo, bẩn thỉu, một cái hàm hung dữ, đôi vai to lớn của Wally Birch. Hắn mặc bộ áo liền quần lấm sơn và dầu mỡ, và đang bập lấy bập để một cái tẩu thuốc cũ bẩn thỉu.
“Tôi muốn nói chuyện với bà,” hắn gằn giọng.
“Về việc gì—về việc gì—”
“Tôi vào được hay không được?”
Bà tránh sang bên và hắn xộc vào, dấu chân vấy bùn lên tấm thảm. Một đám khói mù mịt thoát ra từ nơi tẩu thuốc, và mùi hăng nồng khiến bà không chịu nổi.
“Tôi nghe nói bà đi dò la khắp thị trấn,” hắn nói. “Mục đích gì? Bà mua căn nhà này với giá rất hời. Vậy còn tò mò tọc mạch làm gì nữa?”
“Không phải thế đâu, ông Birch ạ. Nếu có ai trong thị trấn này chỉ biết lo chuyện của riêng mình thôi, thì đó chính là tôi.”
“Ờ, cứ tiếp tục lo việc của riêng bà và để cho tôi yên! Thắc mắc chuyện gì thì hỏi tôi.”
“Ông không cứ gì phải gay gắt thế. Tôi biết đến—bi kịch của ông chỉ mới hôm nay, nên đương nhiên tôi tò mò. Không tò mò sao được?”
Hắn tiến đến cạnh bà, mang theo mùi thuốc lá và rượu whiskey nồng nặc. “Nghe đây, này quý bà. Sẽ có bi kịch tệ hơn nữa nếu bà cứ tiếp tục xen vào chuyện người khác. Tôi nói cho bà biết một lần dứt khoát: hãy để quá khứ ngủ yên! Tôi gặp đủ rắc rối với đàn bà rồi!”
“Đến thế sao, ông Birch!” bà hoảng hốt.
Hắn dứ một nắm đấm như cái búa tạ vào mặt bà. “Liệu hồn đấy, không nghe lời tôi thì bà biết tay!”
Hắn quay người bước ra khỏi nhà, để bà đứng đấy nín thở vì sợ.
Khi bà thở lại được, việc đầu tiên là bà mở hết mọi cửa sổ, tim vẫn đập như trống trận. Việc tiếp theo là gọi điện cho Letitia Daley để xin lời khuyên. Letitia là thành viên của câu lạc bộ làm vườn, và anh bà ấy là cảnh sát trưởng. Letitia không có nhà, nhưng cuộc điện thoại này khiến bà quyết định. Bà đội cái mũ rơm đẹp nhất, đeo găng tay da vào và lên đường để đưa Wally Birch vào sau bộ song sắt chắc chắn nhất của thị trấn, vĩnh viễn.
* * *
Cảnh sát trưởng Daley là một người thấp bé, với đôi mắt xanh thân thiện và một cái đỉnh đầu nhẵn thín lơ thơ vài sợi tóc vàng. Lorna ngồi đối diện ông ta qua một mặt bàn bề bộn, và bà vào đề ngay.
“Có phải,” bà nói, “nhiều người nghĩ rằng Wally Birch giết vợ ông ta?”
Daley cau mày. “Bà đang nhìn vào mặt một người trong số ấy đấy, thưa bà Powell. Vụ đó là nỗi thất vọng lớn nhất trong đời tôi. Tôi biết hắn có dã tâm, động cơ, cơ hội. Tôi nghĩ hắn đã giết vợ, nhưng đừng bắt tôi chứng minh. Có phải bà đến đây vì Wally Birch?”
“Wally Birch—và có lẽ có cả bằng chứng mà ông đang cần.”
Daley mỉm cười tỏ vẻ không tin. “Bà nói thật chứ?”
“Tôi đã có bằng chứng, ông đừng lo.” Bà vuốt chiếc váy cho thẳng. “Nhưng vì một số lý do, thưa ông cảnh sát trưởng, tôi chưa thể cho ông biết là bằng chứng gì. Đợi một lúc nữa cái đã.”
Ông ta tỏ vẻ băn khoăn. “Bà tìm thấy gì trong nhà hắn à? Một lá thư? Vết máu?”
“Hiện giờ tôi chưa thể nói ra được.”
“Chưa thể?” Daley lập lại, vẻ bực dọc. “Và trong khi chờ đợi tôi phải làm gì, thưa bà Powell?”
“Đương nhiên là giam hắn lại.”
“Bà nghiêm túc đấy chứ, thưa bà Powell? Tôi không thể tống giam Birch với những bằng chứng mà tôi không có. Nếu bà thực sự khám phá được gì, tôi khẩn thiết yêu cầu bà giao cho tôi!”
“Tôi không thể làm thế được,” bà khăng khăng, nghĩ đến những bông hoa mỏng manh của bà, đã được chăm bón cẩn thận cho cuộc triển lãm.
“Bà Powell này, thế là bà chẳng giúp được gì—”
“À, ông không thể giam hắn lại vì đe dọa tôi ư? Hắn làm như thế đấy, ông biết không. Ngay chiều hôm nay.”
“Birch đe dọa bà? Tại sao?”
“Vì tôi hỏi han này nọ, lí do là thế. Hắn bảo tôi lo mà ngừng đi nếu không sẽ gặp rắc rối. Ông không thể giam hắn lại vì hành vi ấy ư?”
Daley thở dài. “Tôi rất tiếc, bà Powell ạ, làm thế không được đâu. Tốt nhất là bà cho tôi biết những gì bà biết. Nếu không tôi đành bó tay.”
“Nhưng hắn có thể—làm hại tôi!”
“Vậy thì cách tốt nhất là thành thật với tôi!”
Lorna đứng dậy. Thoạt đầu bà phân vân giữa việc nói hay không nói. Nếu nói ra, khu vườn sẽ nát bét vào ngày hôm sau, khi người ta tìm kiếm số xương còn lại của bà Birch. Nếu bà không nói—ít nhất cho đến sau khi lễ hội hoa kết thúc—
“Tôi rất tiếc, thưa cảnh sát trưởng. Tôi không có ý đánh đố, nhưng ông cũng biết phụ nữ đôi khi hành xử ra sao. Nhưng cũng rất cảm ơn ông.”
Bà đi ra, suýt va phải ông Pauley, chủ tiệm thực phẩm, người đang chờ ở văn phòng ngoài. Ông ta đưa tay lên chạm mũ và mỉm cười ngượng nghịu, chỉ vào cái túi chứa thực phẩm để trên băng ghế. “Giao thực phẩm thường kỳ cho phạm nhân, thưa bà,” ông ta nói. “Rất vui được gặp lại bà.”
“Chúc ông ngày lành, ông Pauley,” Lorna nói gượng gạo.
Lorna không hề sợ cô đơn hay bóng tối; nhiều năm góa bụa đã giúp bà quen với cả hai. Nhưng đêm ấy, mùi thuốc lá hôi hám của Wally Birch vẫn còn phảng phất trong phòng trước, cái mùi nhắc nhớ bạo lực và nguy hiểm. Bà cố trấn áp mùi hôi bằng cách nướng một mẻ bánh quy hạt óc chó đen, và mánh lới này công hiệu cho đến giờ đi ngủ. Nhưng đúng lúc bà chuẩn bị tắt đèn để lên lầu thì có tiếng đập cửa trước.
Tim bà vẫn dội lại tiếng đập khi bà mở cửa. Lần này, Wally Birch đã quên cái tẩu thuốc của hắn, và nếu mùi nồng nặc của hắn là một chỉ dẫn, thì có lẽ đã bỏ quên nơi quầy của quán rượu. Đôi mắt đục lờ, đỏ ngầu, mí mắt cũng đỏ. Hắn đang say khướt; hắn bước vào phòng như muốn ngã chúi, và Lorna hét lên vì sợ hãi.
“Con mẹ già,” hắn lẩm bẩm. “Mụ già lắm chuyện. Tao đã cảnh báo mụ phải thôi quấy rầy tao? Đúng không?”
Bà lùi vào giữa phòng, sợ quá không thể phân bua gì với hắn. “Tôi không làm gì hại đến ông—xin để tôi yên—”
“Mụ tưởng tôi sẽ bỏ qua cho mụ ư? Hả?”
“Ra khỏi đây!” bà ra lệnh, giọng run run. “Ông ra khỏi đây ngay, ông Birch. Tôi không muốn ông ở trong nhà này!”
“Mụ đi gặp cảnh sát, phải không?” hắn gằn giọng. Rồi hắn bước tới một bước dài, lảo đảo, suýt té nhào. “Mụ tới báo cho cảnh sát về tôi!”
“Xin làm ơn đi cho!”
“Pauley cho tôi biết,” hắn nói. “Pauley đã nghe những điều mụ nói với thằng Daley còi ấy. Thế ra mụ phát hiện được gì, hả?” Hắn cười khan một tiếng. “Được rồi, nói ra đi—”
“Không đúng đâu. Tôi chẳng phát hiện gì cả!”
“Đừng nói dối với tao!” hắn hét lên. “Nói cho tao biết nếu không tao đập vỡ đầu mày!
Hắn chộp lấy cái gì đó nơi bàn để củng cố lời đe dọa; chỉ sau này Lorna mới biết đấy là kỷ vật thu nhỏ nhân Hội Chợ Quốc Tế của bà. Bà ôm mặt, co rúm lại.
“Thế ra ông giết bà ấy thật,” bà nói tức tưởi. “Ông đã thực sự giết vợ—”
“Và tao sẽ giết mày luôn!” hắn gầm lên. “Tao sẽ giết luôn mày, mụ già lắm chuyện. Mày cũng chẳng khác gì vợ tao! Y hệt vợ tao!”
“Xin làm ơn, ông Birch, xin đừng! Làm ơn, làm ơn—”
Hắn loạng choạng bước thêm một bước, và Lorna thét lên. Cái phản ứng mà tiếng thét này gây ra khiến bà ngạc nhiên nhiều hơn cả Birch. Cửa trước bật mở, và Birch nặng nề quay lui, đôi mắt hấp háy ngờ nghệch nhìn sững cái bóng người mặc đồng phục đang sải bước vào phòng. Không khẩu súng nào được rút ra; nơi người mới vào toát ra một thứ uy quyền lớn đến mức Birch chỉ còn biết hạ cái vật bằng đồng thau đang cầm trong tay xuống, rồi chậm rãi lắc đầu, một cử chỉ van nài và chịu thua.
“Tôi không làm gì cả,” hắn lắp bắp. “Thật thế, tôi chẳng làm gì cả . . .”
“Ơn Chúa!” Lorna gần như khóc, chạy tới chỗ viên cảnh sát. “Ơn Chúa, anh đã nghe tiếng tôi—”
Viên cảnh sát chạm nhẹ vào cánh tay bà. “Ổn rồi, thưa bà Powell, tôi canh bên ngoài nhà bà cả tiếng nay rồi. Cảnh sát trưởng Daley bảo tôi canh chừng nhà bà trong vài ba đêm, bảo rằng có thể bà cần được bảo vệ.” Anh ta trừng mắt nhìn Birch. “Và cảnh sát trưởng đã nghĩ đúng . . .”
“Hắn giết vợ!” Lorna nói, chỉ một ngón tay run run vào Birch. “Hắn thú nhận với tôi. Hắn giết bà ấy—”
“Vâng, hắn sẽ không quấy rầy bà nữa; chắc chắn là thế rồi.” Anh ta chộp lấy một cánh tay của Birch, lôi hắn ra phía cửa trước. “Tôi đưa hắn về đồn giao cho cảnh sát trưởng xử lý.”
* * *
Sáng sớm hôm sau, một vài cụm mây xuất hiện, nhưng đến 8 giờ thì mặt trời xuyên qua mây tỏa nắng xuống khu vườn. Lorna ra khỏi giường lúc chín giờ rưỡi và quyết định nuông chiều bản thân thế là đủ. Bà thay quần áo, ăn một bữa ăn sáng nhẹ, rồi trở lại làm việc giữa những bông hoa.
Khi xe của cảnh sát trưởng Daley đỗ lại trước hàng rào, bà ngừng tay, ngẩng lên nhìn, gạt sang bên mớ tóc lòa xòa che mắt.
“Chào bà Powell,” giọng Daley vui vẻ. “Rất tiếc không nói chuyện được với bà tối qua, vì chúng tôi khá bận rộn.”
Bà đứng dậy. “Tôi muốn cảm ơn ông đã cử anh cảnh sát tử tế ấy đến canh chừng nhà tôi. Trời mới biết chuyện gì đã có thể xảy ra nếu—”
“Vâng, khá nhiều chuyện đã xảy ra, nhờ có bà.” Ông tựa người vào hàng rào. “Wally Birch thú tội tối qua. Rốt cuộc chúng tôi cũng biết được sự thật. Đúng là hắn giết vợ.”
“Thật khủng khiếp,” Lorna nói. “Tôi mừng là mọi sự đã qua . . .”
“Còn một điều tôi vẫn thắc mắc là bà đã tìm thấy gì, thưa bà Powell. Điều gì khiến bà tin chắc đây là một vụ giết người?”
“Ông sẽ không xới vườn tôi lên nếu tôi nói ra chứ? Ý tôi là, chờ ít nhất là sau lễ hội hoa đã?”
“Xới vườn bà lên? Tôi không hiểu.”
“Ông sẽ hiểu,” Lorna thở dài. “Chờ tôi một lát.”
Bà vào nhà, tới chỗ cái tủ đựng chổi, mang cái sọ người ra cho cảnh sát trưởng.
“Đây,” bà nói, trao cái vật ghê rợn ấy. “Đây là lý do tôi biết chắc, thưa cảnh sát trưởng. Tôi tìm thấy vật này trong vườn hôm qua.”
Ông nhíu mày, tay xoay xoay vật ấy.
“Lạ thật, Birch thú nhận giết vợ, đúng thế, nhưng hắn nói hắn dìm bà ấy xuống nước mà.”
Những ngón tay ông chậm rãi xoay cái vật ấy, như thể đang tìm cái gì, cuối cùng ông bóp mạnh cái hộp sọ. Phải mất một lúc mới thấy xuất hiện một kẽ nứt, và rồi đỉnh hộp sọ bật mở trên một cái bản lề nhỏ.
Daley thò tay vào đáy hộp sọ, mấy ngón tay vân vê những sợi lá vụn khô và đen.
“Thuốc để hút tẩu,” ông nói. “Cái này chỉ là hộp giữ ẩm kiểu cổ thôi, bà Powell ạ.”