đ𝑎̂̀𝑢 𝑡𝑎𝑦
Bài viết và ảnh chụp của anh Mido (Bội Anh) _____
Nói chính xác hơn là một trong các bức ảnh đầu tay còn sót lại. Những bức trước đó 2 - 3 năm thì hoặc là xấu quá hoặc là không lưu lại được.
Rồi hai mươi năm sau, không hiểu sao vẫn còn bức ảnh này để scan vào máy tính, in thử ra coi chơi và sau đó mất bản gốc luôn. Bản này chụp lại từ tờ giấy in ra lúc đó.
Nếu người nào tha phương từ Huế vào Sài gòn rồi về Đất đỏ, qua Phước Tỉnh, lên Bà rịa rồi lên lại Sài Gòn, sáu lần chuyển nhà với bao nhiêu trần ai của đời thường... cái gần hai mươi năm sau đó, tức là sau gần 40 mươi năm, thấy lại nó cũng là cái duyên. Bởi vì nó là một bức ảnh tào lao (như ai đó đi ngang nói khi mình đang lom khom chụp) chứ không phải những bức ảnh chụp người thân, gia đình hay bạn bè... mà phải lưu giữ.
Bức hình tác giả muốn mô tả cô gái hay cô công chúa nào đó đi lang thang trong rừng với hoa lá và muôn thú (ẹc ẹc). Con búp bê là quà tặng của chú Lý cho Doni hồi nó chưa đi học (chắc giờ Chú cũng không nhớ nổi), con gà con và con thỏ là quà của học sinh tặng Mạ, bình hoa hơi héo vì mới hết Tết. Tất cả đặt trên cái kệ đựng giày của anh Kim.
Một người bạn xem hình đã hỏi "Em đến từ một tiểu hành tinh xa xôi, lạc bước vào vườn hoa, rồi em thắc mắc: Thỏ có ăn hoa cúc trắng không nhỉ? Chắc là em phải làm một cái rọ mõm cho Thỏ quá!". Có lẽ Saint Exupéry cũng không biết trả lời người khách nhỏ bé này nên hay không.
...
Nhớ hồi xưa lúc mới tập tành chụp chẹt (1979 - 1980 gì đó) với cuốn "Bước đầu chụp ảnh" của Nguyễn Cao Đàm - Trần Cao Lĩnh, thì ở Huế chỉ có hai loại phim trắng đen, tốt thì Orwo của Đức, kế tới là phim bành Liên sô. Không có những nhãn hiệu quen thuộc như Fuji, Kodak hay Konica...
Hồi đầu ráng mua Orwo, sau ít tiền nên mua phim bành chụp cũng thấy đẹp mà rẻ nên kết với nó. Tại sao gọi là phim bành? Tự vì nó là 1 cuộn to như cái bành. Mỗi lần tới tiệm ảnh của ông Mỹ Vân bên chợ Bến ngự mua phim thì ông vào trong cái phòng tối của ông, mò mò cái bành phim kéo ra 1 đoạn phim đo đúng chuẩn 36 pô, lắp vào cái lõi nhựa đen cũ. Bữa nào ổng thương (hay ổng đo không kỹ) thì cuộn phim chụp nó dôi ra thêm được 1 hay 2 pô (hiếm lắm).
Phim cuộn vào trong cái lõi rồi là coi như kín, ánh sáng không vào được. Phim là một dãi nhựa tẩm hóa chất bắt sáng gì đó, mép trên và mép dưới có hai hàng lổ người ta đục sẳn để máng vào các gai của trục lên phim. Khi lắp phim vào máy, mở nắp lưng máy ra, lõi phim sẽ nằm bên trái, trục lên phim nằm bên phải máy, ở giữa là khung ống kính. Phải kéo cái mép phim ra khỏi lõi chừng hơn nửa gang tay lấy kéo cắt bớt một nửa chiều cao của đoạn đó để kéo ngang qua ống kính, gắn vào mấy cái gai của trục lên phim. Xót xa lắm, đoạn đó coi như bỏ đi vì nó đã bị phơi ra ánh sáng. (thường nó tương đương với 2 hoặc 3 pô)
Mình chuẩn bị sẳn 1 đoạn phim cũ dài chừng nửa gang tay, xin miếng băng keo dán nó vào đầu cuộn phim rồi lắp vào trục kéo của máy ảnh. Khỏi phải mất đoạn phim mới bị kéo ra sáng. Đóng nắp máy, lên phim bấm 2 lần. Rứa là có thêm được hai pô.
Nói chung phim bành khéo lắp thì có thể chụp lên tới 38 - 40 pô. Cái thời mà gạo mỗi tháng mỗi người chỉ được mua 12 ký thì chuyện gì cũng phải đong đếm, kể cả 1 pô phim chụp ảnh.
...
Cảm ơn anh Khiêm đã cố vấn thêm việc đặt tờ lịch giờ mới biết được nó chụp khi nào. Nhớ luôn cái máy Canon AE1 của anh Khiêm cho mượn. Tờ lịch ghi ngày 06 tháng Giêng năm Nhâm Tuất (30 tháng 1 năm 1982). Đúng ngày này và nơi này năm năm sau là một kỷ niệm riêng.