Saturday, March 30, 2019

DƯA HẤU

DƯA HẤU



Nhớ hồi bé B còn nhỏ, nó ốm yếu và hay đau lắm. Đi mẫu giáo vài hôm, đau vài hôm. Sốt, biếng ăn. Thức ăn thức uống mà bé B dùng được nhiều nhất là dưa hấu. Ăn miếng, ép lấy nước uống. Đôi khi cả ngày sốt là nguyên ngày ăn dưa hấu, uống dưa hấu. 
Mà dưa hấu hồi đó thơm và ngon lắm. 
Cái màu đỏ vừa phải, vị ngọt vừa phải, mùi thơm dưa hấu thì không lẫn vào đâu được cả. 

Giờ thì bé đã lớn. 
Dưa hấu Việt nam cũng không còn như xưa nữa. Ngại ngùng lắm khi được mời ăn dưa hấu mà không rõ nguồn gốc.
Dưa hấu VN, giờ đẹp, đỏ , ngọt lịm như đường.
Dưa hấu VN giờ đôi khi bên ngoài xanh mướt mà ruột cứ nhũn ra.
Lâu lâu mới có trái dưa hấu ăn được.







Monday, March 25, 2019

GIÀ


"Vợ chồng mình sẽ cùng già với nhau" (Hương).

Cảm xúc đến từ người bạn hôm qua, để hôm nay mình cũng nhìn lại mình. 

Buổi sáng, mình quen dậy sớm, rất sớm, quen đi nhà thờ, quen đi thể dục, quen ăn sáng cùng nhau,
Trong khi mình chuẩn bị đồ ăn thì anh chuẩn bị đồ uống, chuẩn bị thêm ly nước lọc, vĩ thuốc huyết áp, viên thuốc bổ.
Ăn, chuyện trò về những việc của hôm qua, việc của hôm nay.
Chào nhau đi làm, nhìn nhau, cười.
Không lời cám ơn.
Không ôm hôn thắm thiết.
Còn lại trong nắng mai nỗi mong ngóng gặp nhau vào giờ trưa, giấc tối.
Nghe thiên hạ lao xao hỏi nhau. Tình yêu là gì? Hạnh phúc là gì?
Tình yêu là thế đó.
Hạnh phúc là thế đó.
Để nụ cười tròn vành.
Để có thể bớt những lo toan cho con cái, cho ngày mai.
Ngày nào cũng vậy, đã từ lâu rồi.
Ừ, vợ chồng mình cũng sẽ cùng già với nhau. 




Friday, March 22, 2019

NHÀ THỜ PHÚ AN - NAM ĐỊNH

NHÀ THỜ PHÚ AN - NAM ĐỊNH

Thuộc giáo phận Bùi Chu, nằm giữa một khu dân cư, nhà cửa đơn giản và sạch sẽ, nhà thờ Phú An nổi bật lên với kiến trúc cầu kỳ mang gam màu thổ hoàng, bên cạnh hồ nước trong xanh.
Cung Thánh cầu kỳ sơn son thếp vàng.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, công trình xuống cấp trầm trọng và được xây dựng lại khang trang hơn vào năm 2007.
Đến Nhà thờ giáo họ Phú An, giật mình nghe tiếng kinh chiều vào lúc 13g40. Vậy đó, đời sống giáo dân Nam định thật sốt mến. Họ biết Chúa luôn ngóng đợi họ từng giây phút nên họ không muốn Chúa ở một mình.
❤️❤️❤️
Không khó chút nào để đến đây. 
Chỉ cần có ước muốn.










NHÀ THỜ CHÍNH TOÀ BÙI CHU–NAM ĐỊNH

NHÀ THỜ CHÍNH TOÀ BÙI CHU–NAM ĐỊNH




Thuộc Giáo phận Bùi Chu, Nhà thờ Chính Tòa Bùi Chu nằm trong làng Bùi Chu bé nhỏ vùng châu thổ sông Hồng, được xây dựng từ năm 1885, nổi bật với gam màu thổ hoàng cũ xưa mà tuyệt đẹp.
Trải qua hơn 100 năm, ngôi nhà thờ này vẫn đứng vững với hàng cột gỗ lim đen bóng. Mái vòm oval mang phong cách kiến trúc Ba-rốc nhưng vẫn đậm nét Đông Phương cổ kính.
Mình đến đây vào khoảng 2 giờ chiều. Những phụ nữ Bắc bộ, ngoan đạo, lặng lẽ cầu nguyện trong nhà thờ. Chợt nhớ “Người mẹ Bùi Chu”, hình ảnh của một người mẹ xưa, trên đường đi chợ, tay dắt đứa con nhỏ đến trường, đầu đội cái thúng có nải chuối và con gà, tay kia cầm tràng hạt, vừa đi vừa lần chuỗi.
Cung Thánh chạm khắc tinh xảo, sơn son thiếp vàng, xung quanh đặt các ảnh tượng diễn tả về mầu nhiệm Mân Côi.
Trong khuôn viên nhà thờ, còn có Viện Dục Anh Bùi Chu chăm sóc trẻ mồ côi khuyết tật và Hội dòng Đa Minh Bùi Chu.
Bên cạnh Nhà thờ là trung tâm mục vụ và Toà Giám mục Bùi Chu, một công trình vĩ đại của giáo phận. Tiếc là mình không có thời gian tại đây nhiều hơn.
Hẹn lần khác thôi 
---------
Nói thêm một chút về:
CHIẾC ĐỒNG HỒ CỔ - BÁU VẬT CỦA NHÀ THỜ BÙI CHU
Chiếc đồng hồ cổ nằm phía sau nhà thờ, trên một tòa tháp hình vuông, mỗi chiều chừng 4 m, cao gần 10 m. Đây là một báu vật của nhà thờ Bùi Chu.
Trên hai quả chuông của đồng hồ còn đúc nổi số 1922, tức là được sản xuất năm 1922. Nhưng thú vị ở chỗ tòa tháp này cũng được xây dựng vào năm 1922. Như vậy có nhiều khả năng đây là chiếc đồng hồ được đặt riêng cho Nhà thờ Chính Tòa Bùi Chu.
Từ đó đến nay, chiếc đồng hồ chưa một lần bị hư hay phải sửa. Cứ 15 phút, lại có một tiếng chuông. Và cứ mỗi một giờ lại có số chuông bằng với số giờ.











ĐỀN TRẦN NAM ĐỊNH

ĐỀN TRẦN NAM ĐỊNH


Mình hơi bất ngờ khi đến Đền Trần. 
Không thể tin được một không gian cổ kính và đẹp như thế này lại có thể là nơi người ta leo trèo, dẫm đạp lên nhau mỗi mùa Xuân xin ấn .

Ôi, Đền Trần ! 
Được xây dựng từ năm 1695, Đền Trần là một kiến trúc cổ xưa, xinh đẹp và thật sự hài hoà. 
Qua cổng ngũ môn, hồ nước hình chữ nhật rộng với những hàng cây xanh rũ bóng. 
Chính giữa và phía sau hồ là đền Thiên Trường, bên phải là đền Cố Trạch và bên trái là đền Trùng Hoa. Tất cả đều được làm bằng gạch và gỗ lim được chạm trổ tinh vi. 
Đền Trần là nơi thờ các vua nhà Trần cùng các quan lại có công. Hiện tại vẫn còn nguyên bài vị của TướngTrần Hưng Đạo cùng vợ, cha mẹ và con cái. 
Ngoài nơi thờ phượng đượm màu sắc cúng bái thì Đền Trần thực sự là một chốn an yên để đến thăm. 

Mình tới đây vào buổi chiều không lễ hội. Lác đác có những người vào bái lạy và dâng lễ vật một cách thành kính. 
Trời trong veo và đất trong veo. 
Mong sao mùa xuân tới mình sẽ không thấy những bài báo dẫm đạp nhau tranh ấn Đền Trần như trước nữa .
Mong, mong là như rứa. 
Hic hic












NHÀ THỜ PHÚ NHAI - NAM ĐỊNH

VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI PHÚ NHAI - NAM ĐỊNH









Đến Nam định, xin bạn đừng bỏ qua Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên Tội Phú Nhai, nằm ở huyện Xuân trường tỉnh Nam định. 
Toạ lạc trên một vùng đất rộng, mà con đường dẫn từ cổng làng Phú Nhai đến cổng nhà thờ, chung quanh là nhà dân, được bê tông hoá sạch sẽ đến ngạc nhiên. 
Không thùng rác trước nhà. Không mẩu rác trên đường. 
Nhà thờ Phú Nhai - uy nghi và tráng lệ. 
Bên trái nhà thờ là tượng Thánh Đaminh. Bên phải là lăng hài cốt của 83 người tử đạo thuộc họ đạo xứ Phú Nhai
Suốt dọc phải nhà thờ là các tượng và phù điêu thể hiện 14 chặng đường Thánh giá.
Suốt bên trái nhà thờ là các phù điêu thể hiện các giai đoạn của cuộc đời Đức Giê su. 
Các bức phù điêu được khắc chạm công phu, tinh tế và tuyệt mỹ.
Nội thất nhà thờ đẹp mênh mang.
Mình đến đây vào một sáng đẹp trời : lạnh và khô ráo. 
Tạ ơn Chúa từng giây từng phút của cuộc đời vì những diệu kỳ mà Chúa đã thương ban.








Wednesday, March 13, 2019

Sáng tháng 3



Sáng tháng 3, trời vẫn còn se se lạnh. Chút nắng hanh hao không đủ làm hồng đôi má. 
Co chân lên ghế, thưởng thức ly ca cao nóng đơn giản cho buổi sáng. Chợt nhớ đoản khúc tháng 3 êm như ru của nàng Ph.
"...Tháng Ba, muộn phiền như xác trà lăng tăng, lắng chìm đáy cốc. Còn đây hương vị thanh thanh của chất nước xanh dịu đọng đầu lưỡi như lời nói ru tâm..." 
 chợt nhận ra rằng mọi cơn sóng đều sẽ tan thành bọt nước, để lòng mình nghe thiệt bình yên.

TU VIỆN BỎ HOANG Ở ĐÀ LẠT


TU VIỆN BỎ HOANG Ở ĐÀ LẠT


Không chỉ là một chút nghẹn ngào mà thực sự là một nỗi đau, khi lại nhìn thấy một công trình tôn giáo tuyệt mỹ đã trở nên u tối, hoang vu.

Tu viện bỏ hoang nằm trong khuôn viên của trường Đại học Kiến trúc Đà lạt, hay nói đúng hơn là trường Đại học Kiến trúc Đà lạt đã sử dụng toàn bộ khuôn viên nguyện đường dòng Franciscaines trong nhiều thập kỷ nay.
Nằm trên ngọn đồi nhỏ, tu viện được xây dựng từ năm 1932, vốn là tập viện của dòng nữ tu Franciscan Missionaries of Mary - FMM (Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ). Đến năm 1979 tập viện bị buộc phải đóng cửa. Kể từ ngày đó, 40 năm rồi, tu viện chìm vào hoang phế.

Tôi lang thang ở đây vào một buổi trưa. Không thể xâm nhập vào sâu thêm bởi nhiều gia đình đang cư ngụ một cách tạm bợ ở đây.
Được bao quanh bởi hàng thông xanh mướt, tu viện mang lối kiến trúc xưa cũ chìm trong cỏ dại. Những ô cửa mang đậm bóng dáng kiến trúc Gothic. Những bức tường cổ kính đổ dài, liêu xiêu bóng rêu
Dãy tập viện bỏ hoang mà tượng Đức Mẹ vẫn sáng bừng nguyên vẹn.
Toàn bộ tu viện phần lớn bị bỏ hoang. Phần còn lại là nơi cư trú của công nhân, vài gia đình nghèo không nơi trú ngụ.


Đi loanh quanh một hồi, nắng đã chiếu xiên làm má tôi bừng đỏ. 

Ngồi nghỉ dưới chân Đức Mẹ. tôi nhận ra bình an vẫn hiện hữu cho những ai biết nương bóng bên Người.
Chúa còn đó. Thánh giá vẫn sừng sững uy nghiêm
Đức Mẹ ngự trên cao, nhẫn nại, dịu dàng ban phát những yêu thương.
Tôi tin rồi cũng như những công trình tôn giáo khác trên đất nước Việt nam, tại đây, tu viện này, sẽ không có một thế lực nào có thể đập phá và sửa chữa cho mục đích sử dụng khác.
"Của Caesar, trả về Caesar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa"
Tôi tin là như thế.