Tuesday, December 31, 2019

TÂM TÌNH CUỐI NĂM


Mẹ muốn viết một tâm tình cuối năm, để nhìn lại những ngày tháng qua của gia đình mình. 
Cho tới ngày hôm nay, mẹ vui với tất cả những gì mình đạt được, và bằng lòng với tất cả những gì mình mất đi. 
Những ngày cuối năm cận kề, Bảo Thảo vẫn còn ở thật xa, xa mẹ tít tắp. Hối hả, bận rộn với công việc của mình.
Mẹ nhớ hai đứa nhiều lắm. 
Trong lòng mẹ, luôn tồn tại hình ảnh hai đứa lúc còn nhỏ xíu
Thảo luôn là cô bé mập tròn, ham học và nhẫn nại chịu khó và chịu đựng trong mọi hoàn cảnh. Mẹ  nghĩ cho tới bây giờ, mẹ vẫn không hiểu hết được con. Nhưng một điều chắc chắn là mẹ luôn muốn làm mọi thứ, mọi thứ vì con, cho con. 
Trong lòng mẹ, Bảo vẫn mãi là cô bé ốm yếu lúc còn nhỏ nhưng mạnh mẽ mập mạp trong ngày rời xa mẹ. Dù rằng bây giờ Bảo đã là một cô gái trưởng thành với cá tính mạnh mẽ thì trong mẹ con vẫn là "bé nhỏ" là "Bảo bẻo" của mẹ. 
Nhớ thương con, mẹ nghĩ tới bà ngoại. 
Có lẽ, mà thật sự là chắc chắn, bà ngoại đã nhớ thương mẹ rất nhiều khi mẹ đi học xa. Như mẹ đang nhớ con bây giờ. Mẹ nhớ hai con, và mẹ hiểu ra là bà ngoại đã nhớ mẹ như thế nào. Nhưng hầu như mẹ bận rộn học hành, thi cử, bạn bè yêu đương, mà quên đi bà ngoại. Mẹ đặt lại hai con vào đó. và mẹ hiểu hai con không có thời gian để bận lòng tới tâm tình của mẹ. Dù hai con vẫn luôn thương yêu mẹ. 
Y như mẹ, luôn thương yêu bà ngoại. Nhưng không bận lòng lắm và mải miết lo việc của mình. 
Thành công lớn nhất trong đời mẹ là có Bảo Thảo và cho Bảo Thảo được một cuộc sống mà rất nhiều người mong ước . 
Những ngày cuối năm xôn xao, Đà nẵng trời rất đẹp. 
Mẹ bằng lòng về những gì quanh mẹ. Chỉ một điều duy nhất làm chạnh lòng mẹ là mẹ vẫn còn ở xa Bảo Thảo. 
Mẹ không đòi hỏi điều gì, chỉ ngày đêm cầu nguyện cho gia đình mình sớm gần nhau. 
Một năm mới sắp đến, mẹ lại thêm một tuổi. Mẹ chợt nhận ra mẹ lẩn thẩn với kỷ niệm xưa nhiều hơn. Dấu hiệu sớm nhất của tuổi già đó. 
Mẹ thấy mình lạc hậu dần với mọi thứ của con. 
Mẹ không còn có thể cho con những lời khuyên nhủ như trước. Vì nó không còn thích hợp với con nữa. Con vâng dạ cho mẹ vui lòng nhưng mẹ biết con có quyết định của riêng con. 
Mẹ nói chuyện với con cũng trở nên dè dặt vì sự thiếu hiểu biết về cuộc sống hiện đại mà con đang có. 
Nhưng mẹ vui. 
Mẹ vui mừng vì mẹ biết hai con đã đối diện với rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, trong đời sống tình cảm. Và hai con đã hết sức nỗ lực để vượt qua. 
Có quá nhiều điều vượt khỏi tầm hiểu biết của mẹ. 
Có quá nhiều điều vượt quá khả năng chăm sóc con của mẹ. Hai con đã phải tự mình bương chải và chiến đấu để vượt qua. 
Biết những gì mà hai con đã phải trải qua, mẹ vừa đau lòng vì bất lực,  vừa khâm phục vì sự hiểu biết và nghị lực phi thường của hai con. 

Ngày cuối năm. 
Mỗi người thêm một tuổi. Một già đi. Một lớn lên. 
Tất cả đều là Hồng Ân. 

Mẹ tiếp tục cần mẫn nguyện cầu cho hai con và cho gia đình mình. 

Sunday, December 29, 2019

NGƯỜI BẠN NGÀY THÁNG

 NGÀY THÁNG 



Cuối năm.
Bao nhiêu lần cuối năm đi qua cuộc đời, mà có được mấy lần mình ngồi yên suy ngẫm ?
Cuối năm !
Nhớ những tháng ngày xưa cũ.
Không có gì tiếc nuối cho những gì đã qua, những điều giúp mình trở nên hoàn hảo theo cách của mình bây giờ.
Ngày Tháng đã êm trôi bên đời mình.Ừ, dù đời mình từng nghiêng từng ngã..,thì Ngày Tháng cũng vẫn cứ êm và vẫn cứ trôi.
Vẫn cứ êm.
Và vẫn cứ trôi.


Ngày Tháng đến. 
Bình yên, lặng lẽ.
Không ồn ào, không lên tiếng. Đến nỗi dường như có lúc thảng thốt giật mình. Ô hay, đông đã sang mùa ?

Ngày Tháng đi.
Khúc tình ca giao mùa chợt sâu lắng hơn, buồn hơn nhưng nhẹ nhàng hơn.
Những giấc ngủ đến nhanh hơn và sâu hơn.
Những giấc mơ không còn giật mình, trăn trở.
--------------
Cuối năm !
Rồi ngày mai, một năm mới lại đến.
Ngày Tháng vẫn thế.
Miệt mài, dịu dàng và êm trôi.
Xóa nhòa mọi vết thương.
Nâng niu những hy vọng.

Mình nghe tim mình gõ đều từng tiếng;
như chưa từng lỗi nhịp bao giờ.


Wednesday, December 18, 2019

NGÔN NGỮ CỦA CHÚA - THE LANGUAGE OF GOD - Francis S.Collins

NGÔN NGỮ CỦA CHÚA (THE LANGUAGE OF GOD)
Tác giả : Bác sĩ Francis S.Collins
Chuyển Việt ngữ : Lê Thị Thanh Thuý


"Nghe là một nghệ thuật, không thể qua một buổi sớm, đến một buổi chiều mà quen. Vấn nạn là con không cầu nguyện. Chỉ khi cần đến Chúa, con mới đến hỏi Chúa đôi câu. Không quen ngôn ngữ của Chúa nên con cho rằng Chúa không nói. Lạy Chúa, vấn đề là con phải học nghe, chứ không phải là Chúa có nói hay không?"
(Lm Nguyễn Tầm Thường SJ)
——-
Buổi sáng đầu tuần an yên với
NGÔN NGỮ CỦA CHÚA -
Tác giả Bác sĩ Francis S.Collins
Chuyển Việt ngữ : Lê Thi Thanh Thúy
———-
Nếu bạn dành cho mình một chút tĩnh tâm, để nhìn ngắm những gì quanh mình, bạn sẽ nhận ra thế giới tuyệt đẹp và kỳ diệu biết bao. Bạn có nhớ những khoảnh khắc bất an và mình đã vượt qua nó một cách đặc biệt không ? Bạn nghĩ đến những điều tốt đẹp mà bạn nhận được một cách nhưng không, mà bạn gọi tên là may mắn...??
Bạn có buồn không khi mọi thứ lo toan của bạn vẫn còn đó ?
Đau khổ là không thể tránh khỏi, nhưng đau đớn hay không là do mình lựa chọn
Đọc lại NGÔN NGỮ CỦA CHÚA, THE LANGUAGE OF GOD, tác phẩm best - seller của Francis Collins là bác sĩ y khoa và nhà di truyền học người Mỹ.
Ông đưa ra một cách giải quyết hoàn hảo cho tình trạng khó xử của những người vừa tin vào Chúa, vừa coi trọng khoa học.
Đức tin vào Chúa và niềm tin vào khoa học có thể hòa hợp – cùng kết hợp trong một thế giới quan. Đức Chúa mà ông tin là một Đức Chúa có thể lắng nghe lời cầu nguyện và quan tâm đến phần hồn của chúng ta.
"Tôi không có đề án tôn giáo nào, nhưng tôi nghĩ rằng hầu hết các nhà khoa học đều có niềm tin tôn giáo và họ đang làm việc rất tốt”
“Thiên Chúa của Kinh Thánh cũng là Thiên Chúa của hệ gen người. Chúng ta có thể tôn thờ ngài trong giáo đường cũng như trong phòng thí nghiệm. Sự sáng tạo của Ngài thật uy nghi, kỳ vĩ, tinh tế, và hoàn mỹ”.
Francis Collins
————————————
Đọc NGÔN NGỮ CỦA CHÚA, để thấy mọi sự là của Ngài.

Friday, December 13, 2019

TÔI NÓI GÌ KHI NÓI VỀ CHẠY BỘ - HARUKI MURAKAMI

TÔI NÓI GÌ KHI NÓI VỀ CHẠY BỘ.
Tự truyện của nhà văn Nhật bản HARUKI MURAKAMI
Chuyển ngữ tiếng Việt : Thiên Nga.
-------------------------------


Cuộc sống bình dị trở nên quyến rũ và dịu dàng biết bao trong TÔI NÓI GÌ KHI NÓI VỀ CHẠY BỘ của nhà văn Nhật bản Haruki Murakami.

“Ở cái tuổi mà Jesus Christ chết. Cái tuổi mà Scott Fitzgerald bắt đầu xuống dốc", thì Murakami bắt đầu chạy bộ và viết văn
Người ta hay nghĩ rằng sống phải là một điều gì đó thật cao cả và lớn lao. Nhưng đôi khi nó lại được định nghĩa đơn giản rằng chỉ cần một sớm mai thức dậy là đủ.

Chạy bộ với Murakani là một sự mở mình ra với thiên nhiên và cuộc sống. Chạy bộ chỉ cần đến đích, không hơn thua với ai.

Vài triết lý Murakami đưa ra thật giản dị
“Đau khổ là tự nguyện” Chính xác hơn thì “Khổ đau là không thể tránh khỏi. Nhưng đau đớn hay không là một sự lựa chọn.”
“Hầu hết những người chạy bộ chạy không phải chỉ vì họ muốn sống lâu hơn, mà vì họ muốn sống trọn vẹn hơn”
Sự khắc nghiệt trên đường đua cũng y như sự khắc nghiệt trên đường đời.
Khởi đầu chạy, chúng ta muốn chạy nhanh và về đích. Sau đó chúng ta thấm mệt đôi khi bỏ cuộc và lạc đường. Vượt qua được điều này, mọi mệt mỏi sẽ dần quen thuộc, thì đường tới đích chỉ còn là vấn đề thời gian.

TÔI NÓI GÌ KHI NÓI VỀ CHẠY BỘ được đặt tên dựa vào cuốn : Mình nói gì khi nói về chuyện tình” (What we talk about when we talk about love) của Raymond Carver để thấy việc chạy bộ đối với HARUKI là một tình yêu. Mình sẽ tìm đọc cuốn này.
Nếu bạn chưa bao giờ là người chạy bộ , bạn cũng có thể đọc và yêu thích nhân sinh quan mà tác giả trải ra trên từng câu chữ.

Tôi nghĩ bạn đọc đi. 
Biết đâu sau đó, bạn xỏ chân vào giày và bắt đầu chạy.



Saturday, December 7, 2019

NƯỚC GỪNG KHÔ.

NƯỚC GỪNG KHÔ.


Ở thị trấn Dăk glei hiền hòa đầy nắng đầy gió và ngút ngàn lạnh với mưa, có một ngôi nhà chung của cộng đoàn Dòng Thánh Phaolo.
Thường thì khi tới đây, mình phi vào giường, nhắm mắt ngủ một chút, trong khi Soeur phụ trách lục tung nhà bếp cho tụi mình mọi thứ có sẵn.
Hic, bánh xèo, bún, cơm...nước chanh, chanh muối, chanh dây, cafe, rượu nho, rượu chuối, ớt dầm....
Và gần đây nhất, các soeur hớp hồn mình bằng vị thơm mộc mạc, vị ngọt thanh thanh từ ly nước gừng khô nguyên chất.
Gừng được chính các soeur trồng tại đây, úm ba la với đường nâu đóng thành những hũ bột gừng nguyên chất. 😀😀
Mùa mưa tới rồi, không chi cho bằng ly gừng ấm mỗi sáng mỗi chiều. Chỉ 2 muỗng cho một ly nước nóng, bạn sẽ nghe thời gian như ngừng trôi. 😀😀
Không có nhiều đâu, nên chi ai muốn mua thì liên lạc người cần liên lạc (inbox nha), để có được những hũ gừng khô nguyên chất với giá yêu thương (hì hì, học ở trang mạng bán hàng online).
Nếu bạn nhờ mình mua thì mình sẽ tăng giá, để có tiền thêm cho các em dân tộc đang được các Soeur chăm sóc tại đây.

Ps, ly nước mình pha hơi loãng nên có màu nhạt vì mình uống nhiều lắm, tới 4 ly / ngày lận. 😀😀

Friday, November 29, 2019

RỪNG NA UY của HARUKI MURAKAMI



RỪNG NA UY của HARUKI MURAKAMI
Bản dịch tiếng Việt của Trịnh Lữ
----------------------------
Tôn giáo ở Nhật Bản, chủ yếu là Thần đạo - Shinto và Phật giáo.
Theo điều tra năm 2008, thì có dưới 40% dân số của Nhật Bản tự nhận là có theo một tôn giáo có tổ chức. Trong đó chủ yếu là Phật giáo, một số ít Thần đạo và Kito giáo chỉ 1%-2%

Vậy còn trên 50% người Nhật không có tôn giáo?

Nhật bản là một đất nước kỳ lạ.
Bên cạnh những điều tốt đẹp thì Nhật bản là đất nước có tỷ lệ tự tử rất cao.
Một người sống và nghiên cứu văn hóa Nhật bản kể với mình rằng 1 ngày ít nhất có một người tự tử. Những hàng rào tại các đường tàu được dựng lên ngày càng nhiều.

Lạ không ?
Có lẽ mình chỉ có thể mơ màng hiểu được lý do sau khi đọc RỪNG NA UY của HARUKI MURAKAMI.
Đây là một kiệt tác tình cảm của Nhật bản, là một tuyệt bút của HARUKI MURAKAMI.

HARUKI MURAKAMI là một nhà văn Nhật bản, nổi danh sau sự thành công của Rừng Na uy, cuốn sách được giới thiệu là 7 người Nhật thì có 1 người đọc.
Ông gửi đến người đọc một chân lý giản đơn thấm thía, rằng “sự chết không phải là đối nghịch của sự sống, mà là một phần sự sống”. Ông không ngừng đổi vị trí ngồi, xoay chuyển tầm nhìn của chính mình để có góc chiếu đa diện hơn cho Rừng Nauy.
"Điều gì xảy ra khi con người chịu khó mở lòng họ?”. “Họ sẽ tốt hơn”. Bởi vì mỗi một con người đều sẽ tìm thấy chân thân bất toàn của mình trỗi dậy từ đầm lầy của những buồn đau rất đỗi đời thường nhưng cũng đầy mê hoặc, huyền ảo và siêu thực của tuổi thanh xuân. Đó là một ta rất mới, rất đẹp, rất dũng cảm và hy vọng vào mọi điều tốt đẹp sẽ đến trong cuộc sống này"
“Khi tôi thức giấc, tôi chỉ còn lại một mình
Cánh chim đã bay đi
Tôi châm một mồi lửa
Vậy có ổn không, Rừng Na Uy?
Vậy có được không, Rừng Na Uy?”

Khám phá Rừng Na Uy của Haruki Murakami.
Cũng là khám phá nỗi buồn Nhật bản hiện đại. Nỗi ưu tư cô đơn như định mệnh của những tâm hồn trong trắng. Tình yêu là nơi trú ngụ duy nhất . Họ yêu nhau bằng tất cả những gì có thể trong cuộc đời.

RỪNG NA UY của HARUKI MURAKAMI đã được chuyển thể thành phim bởi đạo diễn Trần Anh Hùng.
Tên tác phẩm được lấy cảm hứng từ Norwegian Wood (This Bird Has Flown). The Beatles hát

Friday, November 22, 2019

NHÀ THỜ CHÍNH TÒA TOKYO

NHÀ THỜ CHÍNH TÒA TOKYO


Tọa lạc tại quận Bunkyō, nhà thờ Chính tòa Tokyo, còn gọi là Nhà thờ St Mary là một điểm đến rất đẹp cho mọi người đặc biệt là người Công giáo.


Nhà thờ được thiết kế bởi kiến trúc sư người Nhật Kenzo Tange, lấy cảm hứng từ sự nhẹ nhàng của cánh chim, cũng là hình ảnh Chúa Thánh thần.

Mình đến đây vào một buổi sáng tinh mơ. Đi tàu mất 15 phút nhưng từ ga tìm về nhà thờ mất thêm 20 phút nữa nên mình không tham dự được Thánh lễ tại đây.


Chất liệu chủ yếu của nhà thờ là nhôm hợp kim để sẽ không bị đổ sập và không làm tổn thương nặng đến bất kỳ ai nếu như động đất xảy ra.










ĐỀN YASUKUNI TOKYO

ĐỀN YASUKUNI TOKYO

Đền Yasukuni Tokyo - nơi thờ phượng những người lính tử trận vì đã chiến đấu cho Thiên hoàng.
Tiền thân của đền thờ này là Tōkyō Shōkonsha (Đông Kinh Chiêu Hồn xã - "đền gọi hồn người chết), được xây dựng tại cố đô Kyoto .
Đến năm 1875, Thiên hoàng Minh Trị quyết định dời Tōkyō Shōkonsha về Tokyo, sau đó đổi tên thành Yasukuni Jinja .
Đền trở thành một trong những biểu tượng đặc biệt cho Thần đạo Nhật Bản, và là một trong những nơi linh thiêng được lựa chọn cho việc thờ phượng những chiến sĩ hy sinh cho nước Nhật.

Mình tới đây. Nghe kể thấy hơi run 😀😀
Bạn có thể đọc thêm nếu thích nghe

https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%81n_Yasukuni…














Thursday, November 21, 2019

CHỤP ẢNH Ở NHẬT



Ở Nhật không được giương máy ảnh lên chụp người ta bạn nghe.
Để chụp được ảnh này, bạn phải chụp từ xa. 

Bạn cần nhìn thấy đối tượng , đặt máy ảnh hay điện thoại canh cho vừa. Khi đối tượng vừa đi tới, hãy nhìn chỗ khác cười nói gì đó, và bấm máy.

He he, đối tượng chụp nếu là trai xinh gái đẹp thì chắc cũng không nên bỏ qua khoảnh khắc này. 😁😁😁
❤️ Nữ sinh trên tàu điện.
❤️ Nam sinh trường làng đi học.





ĐỒ ĂN GIA ĐÌNH NHẬT


ĐỒ ĂN GIA ĐÌNH NHẬT 



Hành trình Nhật bản còn nhiều thứ hay. Mình sẽ viết lại. Cho chính mình và cho ai muốn đọc vui.
Giờ mình chỉ nói một chút về những món ăn gia đình và món ăn thông thường của dân lao động Nhật mà mình đã ăn trong những ngày lưu trú tại đây. Tất cả đều rẻ tiền nghe.

❤️ Đầu tiên phải nói là mặt mình luôn hớn hở khi thấy đồ ăn.Thức ăn mới lạ đối với mình là một sự khám phá lớn về ẩm thực, về văn hóa và nghệ thuật. Tham ăn chắc cũng có nhưng mình nghĩ mình không tệ đến thế. He he.

❤️ Điều thứ hai là mình chỉ chọn những quán ăn nhỏ cho người lao động Nhật. Giá phải chăng và rất Nhật.

❤️ Thứ ba là mình cũng được xách giỏ đi chợ nấu ăn với người quen tại Nhật. Chuyện đi mua hàng hóa ở Nhật cũng phải là một bài cần viết về thực phẩm, về tính trung thực, kỷ luật và tốt lành của người Nhật.

❤️ Mình nhận xét là cho dù ăn rất nhiều nhưng người Nhật hoàn toàn không thấy những bóng dáng béo phì. Có lẽ là do họ đi bộ nhiều hơn đi xe.Và thực phẩm của họ không giàu chất béo có hại.
Thực phẩm của họ an toàn và giá cả không hề đắt.

❤️ Và cuối cùng là mình lỉnh kỉnh ôm về một số gia vị và thực phẩm Nhật.
Giờ đang nhìn và quên mất là nó dùng để nấu cái gì. 🤣🤣🤣