Tuesday, August 29, 2017

Hành trình Mỹ lần đầu 05/2013

13/5/2013: mẹ lên đường đi MỸ. 




Không thể không nói lời Tạ ơn Chúa khi ngày hôm nay mẹ ngồi viết lại hành trình của chuyến đi ngập tràn ân sủng . Tạ ơn thì không biết nói sao cho vừa. Tạ ơn Chúa đã thương ban cho chúng con những ân sủng vượt quá những gì chúng con mơ ước.

Thảo Bảo qua Mỹ học vậy là 1 năm.
Giấc mơ Mỹ, một giấc mơ mà không phải ai có tiền là có được.
Ngày phỏng vấn visa ở Sài gòn, mẹ cầu nguyện, nếu thực sự điều mẹ sắp làm là cần thiết, Chúa sẽ giúp mẹ.
Cuộc phỏng vấn visa trôi qua nhẹ nhàng.  Những gì xảy ra trong 2 ngày phỏng vấn lại là một trải nghiệm tuyệt vời về sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa bên cạnh. Chúa - ở - bên - cạnh, gần thật gần, rõ thật rõ.

Ngày lên máy bay, có ba, mẹ thật là yên tâm. Cho đến khi mẹ vào phía trong phòng cách ly, mẹ hơi lo. Chào ba từ xa, mẹ tự nhủ: Thảo tồ của mẹ cũng đã một mình như thế này. Mẹ thương Thảo quá. Mẹ nhớ hai đứa quá. Niềm thương nhớ hai con giúp mẹ vượt qua nỗi lo lắng khi bắt đầu một cuộc hành trình dài không có ba bên cạnh. Ba thương yêu của mẹ, hình như mẹ chẳng bao giờ xa ba lâu và nhiều đến thế.

Ôi, yên vị trên máy bay mẹ bắt đầu hành trình bằng những chuỗi mân côi liên tục cho đến khi ngủ quên. Tạ ơn Chúa , tạ ơn Đức mẹ đã ban bình an cho con.

Máy bay quá cảnh ở Seoul, sân bay Incheon rộng mênh mang. Qua kiểm tra, mọi người tỏa ra qua nhiều hướng. Mẹ bối rối đến gặp hướng dẫn viên của sân bay hỏi đường đến cổng 17. Phải đi tàu điện, phải qua những dãy hành lang dài, và 1 cổng kiểm tra, mẹ đến G17.  Phù, lạnh quá! Mẹ hắt hơi, chảy nước mắt nước mũi liên tục. Mẹ nghĩ người ta sẽ nghĩ mẹ đang có chuyện buồn gì đó. Nhờ chai dầu gió Nhị thiên đường ba mua trước giờ lên máy bay, mẹ mới đỡ. 4g quá cảnh tại sân bay Seoul, mẹ biết làm chi ngoài đọc kinh, đi quanh quẩn, nhâm nhi vài thứ còn lại trong túi xách. Mẹ buồn ngủ nhưng không dám ngủ. Cái áo khoác mang đi hơi mỏng làm mẹ lạnh run. Các tiếp viên hàng không Hàn quốc quá đẹp và quá dễ thương. Họ mặc đồng phục xanh nhạt và kem kín đáo, tóc đen búi cao, gọn gàng, thêm một cái nơ xanh. Dễ thương quá đi mất. À, mẹ chẳng thấy ai tóc nâu hay vàng cả.
Rồi cũng đến giờ lên máy bay. Hãng Korea phục vụ chu đáo . Theo mẹ, có lẽ nên chọn hãng máy bay này, phục vụ tốt và tiếp viên quá đẹp.
15g bay, mẹ ngủ, mẹ ăn, mẹ uống đúng giờ giấc. Cứ 3,4 tiếng gì đó, đèn lại sáng lên. Tiếp viên hàng không mời ăn, uống, ân cần. sau đó đèn mờ đi. Người thì ngủ, người thì coi film, nghe nhạc…Mẹ ngủ.

Đến Mỹ, sân bay JFK New york bình thường quá.
Thủ tục nhập cảnh nhanh. Vì có khai mang trái cây nên họ yêu cầu kiểm tra và vất bỏ lô ổi xá lị ngon tuyêt vời.
Trời lạnh . Mẹ ở trong sảnh, điện thoại cho Thảo không được . Điện thoạị Bảo, điện thoại cậu Khánh không được. Điện thoại ba không được. Mẹ đến gặp 1 an ninh sân bay nhờ điện thoại. Ông già dễ thương đổi tiền lẻ, hướng dẫn cho mẹ. Mẹ cũng không làm được . Nhờ ông điện thoại cho Thảo cũng không được. Trong sân bay ngày càng ít người. Không thấy Thảo, mẹ ra ngoài đợi. Trời lạnh quá. Mẹ bắt đầu mệt vì lạnh. Mẹ đến gặp 1 anh chàng người Mỹ dễ thương xin gọi điện thoại nhờ cho Thảo. Không được. Mẹ viết 1 cái mail cho Thảo qua điện thoại của anh ta. Anh chàng Mỹ dễ thương có vẻ ái ngại. Khi biết mẹ là người VN mới đến Mỹ lần đầu, anh ta dùng điện thoại song ngữ Anh Việt nói chuyện với mẹ. Công nghệ thông tin hay thật. 2 tiếng đồng hồ trôi qua. Không còn ai ở sảnh. Mẹ nhờ gọi Taxi về khách sạn Pan American.
Một điều không nói ra cho đến bây giờ là mẹ mất $100 để về khách sạn. Hic hic

Đi trên đường  sực nhớ email của Thảo mẹ in ra, có số điện thoại của Thảo. Mẹ phát hiện ra ba đã đưa nhầm số điện thoại của Thảo cho mẹ. Nhờ điện thoại của ông tài xế, mẹ liên lạc được với Thảo. Thôi không trách gì ai cả. Vậy là tốt rồi.

Đến khách sạn Pan American, không có Thảo, không có thẻ đăng ký tên Thảo, người ta chưa cho mẹ vào. Mẹ đợi Thảo ở tiền sảnh khách sạn và ngủ ngồi trên ghế Khách sạn thật ấm.
Thảo về. Mừng quá. Thảo vẫn thế. Tưng tưng tồ tồ. Sau khi tắm rửa, Thảo học bài mai thi. Mẹ ngủ một giấc. Tối hai mẹ con ăn nhẹ nhẹ rồi mẹ ngủ, Thảo lại học bài. Sáng mai, mẹ khỏe, mẹ vui quá. Hai mẹ con ra đợi bus đến trường St. John.
Thảo hơi căng thẳng vì sắp thi. Mẹ thì thấy vui. Đường phố NY không có gì lạ mắt lắm có lẽ vì mình cũng đã nhiều lần đi nước ngoài.




NY rất lạnh và nắng chói chang. 
Cả 2 mẹ con đi bus 2 chặng tới trường Thảo , mất khoảng 45 phút. Bus trật tự, có ghế, có chỗ dành riêng người đi xe lăn rất hay.Họ di chuyển độc lập tự tin.
Sân trường St. John Thảo học, trường công giáo thuộc Dòng Vinh sơn , đẹp lạ lùng. Thật không biết diễn tả thế nào, chỉ biết tạ ơn trời, cám ơn đời, cám ơn người.
Sáng đầu tiên, Thảo đi thi , mẹ vào ký túc xá. KTX sạch sẽ, phòng bảo vệ nghiêm ngặt, có thẻ rà hiện cái mặt lên màn hình. Mẹ xin vào phải gởi Passport.Trong phòng bảo vệ KTX có tượng Thánh cả Giuse tượng trưng cho người cai quản gia đình như xưa Thánh cả Giuse cai quản thánh gia vậy.
Trong khi chờ Thảo thi môn cuối cùng , mẹ nằm ngủ ở KTX một chút, rồi dậy đi vơ vẩn.
Trưa Thảo đi thi về, Cha Hùng, môt Cha VN đang học ở đây, cũng năm thứ nhất , mời mẹ và Thảo ăn cơm trưa. Ngon. Vui vẻ. Chiều lên dọn đồ, đến tối xuống ăn tối ở canteen trường. Đồ ăn quá nhiều đủ món, kể cả trái cây, kem, nước ngọt, nước trái cây. mẹ ăn hơi nhiều .
Don dẹp xong cũng đã rất trễ. Hai mẹ con về lại KS.


Sáng hôm sau, khởi sự đi Mahattan bằng tàu điện ngầm. Đi tàu điện ngầm nếu không quen cũng sẽ dễ lôn đường (mẹ đã lộn ở Singapore 1 lần). Trên đường phố NY, người đi bộ rất nhiều, đi bộ nhanh. Mẹ thấy mẹ đi cũng giỏi dù chân có bị đau. 
Thảo dẫn đi loanh quanh đến nhiều nơi,viện bảo tàng, times square. mẹ không vô vì cũng chẳng mua sắm chi.
Tình cờ tìm được Nhà thờ St.Patrick, Ny, nhà thờ chính tòa. Đẹp ơi là đẹp. Nhà thờ đang trong giai đoạn sửa chữa nhưng vẫn hoạt động bình thường. Mẹ chụp nhiều hình ở đó. Có ảnh nhiều vị thánh được đặt ở đây. Mẹ chưa biết nhiều.
Mẹ đến Rockefeller center, rất rộng và đẹp. Mẹ và Thảo tò mò một chút trong tòa nhà nhưng thấy mênh mông quá nên ra ngoài chụp hình trước mấy khối đá, biểu tượng của Rockefeller. Mẹ ngồi ở một băng ghế dài, có con bồ câu đậu cạnh mẹ,  Sau lưng mẹ có 1 ông Mỹ đang nói điện thoại. Thảo vui vẻ chụp hình và nói : Thật là Mỹ.
Chiều về lại trường Thảo để gởi đồ và trả phòng KTX. Việc trả phòng thực hiện rất kỹ, SV trả phòng được đăng ký theo giờ. Đúng giờ người phụ trách đến phòng và kiểm tra tủ gường, tường, WC. Một sự hư hao gì đều được ghi lại và chi phí sửa chữa sẽ được trừ vào tiền đặt cọc trước cho việc này (250$). Phòng khi được trả phải nguyên vẹn, sach sẽ như lần  tiếp nhận. Sau khi gởi đồ, 2 mẹ con lại ăn tại canteen. 
Khách san Pan American thật tuyêt, gần trạm xe bus và tàu điện ngầm. 
Các Inn mình ngắm lúc đầu nằm trên đường cao tốc, có lẽ dành cho các xe tải là đúng. 
Phòng ở rộng rãi. Họ không quan tâm có bao nhiêu người ở trong phòng vì sau khi làm thủ tục và thu tiền ban đầu, họ không giữ bất cứ cái gì của mình. Mình đi , về họ cũng không quan tâm. Hàng ngày họ cứ dọn phòng.
Phòng ở 2 người mà ở 6 người cũng kệ . Vì người Mỹ họ không có thói quen ở chung nên họ không nghĩ thiên hạ có thể ở chung chắc ? Thảo nói nếu họ thấy mình ở nhiều người cho 1 phòng 2 người , họ thấy tội nghiệp mình vì mình quá thiệt thòi.
Trong phòng có 1 tủ lạnh. muốn nấu gì có lò vi sóng. Mẹ  có đem mì gói khá nhiều. Thịt gà rô ti mẹ mang đi được Thảo chiếu cố tận tình. Thảo lấy đồ ăn nước uống ở trường về thêm. 

Hôm sau đi đến Staten Island thăm Tượng nữ thần tự do. Tàu đi vòng quanh tượng vì Tượng đóng cửa để sửa chữa. Tân mắt nhìn thấy, nói thiệt tình sao mà mẹ thấy rất là bình thường. Nhìn tượng Đức Mẹ đẹp hơn vạn lần.
Sau một vòng , bước ra công phà, béThảo hỏi bây giờ vào công viên ăn gì mẹ nhé. Mẹ đứng ngẩn ngơ, nói mẹ muốn đi nhà thờ. Ngay sau đó thì nhận ra mình đang đứng trước nhà thờ nhỏ bé khiêm tốn nằm đối diện cổng vào phà http://en.wikipedia.org/wiki/Our_Lady_of_the_Holy_Rosary_Church_(Manhattan)
Lúc đó là 12 giờ. 12g 15 có Thánh lễ. 
Nhà thờ nhỏ, đẹp dịu dàng.
Mẹ thấy mình quá hạnh phúc. Một Cha lớn tuổi dâng lễ, rất nhiều người dự lễ. Mẹ thấy ngạc nhiên nhưng có lẽ dân du lịch cũng nhiều. Tạ ơn Chúa biết mấy cho vừa. Những thừa tác viên ở đó dễ thương quá, cách họ thực hiện công việc thật đặc biệt: Thiêng liêng và Hân hoan . Thấy thật tuyệt vời. 

Nơi kỷ niệm tòa tháp đôi 11.9 và nhà thờ St. Pauls, một nhà thờ công giáo  nhỏ bé trở nên nổi tiếng sau vụ 11.9. Nhà thờ ở cách tòa tháp đôi con đường nhỏ xíu mà không hề bị vỡ 1 tấm kính nào. Nhà thờ cũng là nơi đón nhận những người lính cứu hộ suôt thời gian này. rất nhiều kỷ niệm được lưu giữ tại đây. Rất cảm động. Những hy vọng vào cuộc sống đời sau của những nạn nhân này được gởi gắm tại đây. Phải tận mắt nhìn mới thấy được cuộc đời hôm nay chẳng là gì, phút chốc có thể tan tành.

Hôm sau đi central park và lại gặp 1 nhà thờ đẹp nữa, St Joseph Church. 
Chúa dẫn đến các nhà thờ rất lớn và lâu năm của NY, cũng là những nhà thờ nằm trong các điểm đến của NY. vì thế gặp nhiều khách du lịch. Rất tuyêt vời. mẹ vẫn tham dự đươc thánh lễ hàng ngày. Thật là một bất ngờ.
Ngày ra sân bay, xe bận đưa khách nên họ đưa lại mình 20 $, nói tự đi taxi. 
sân bay JFK tự check in nên khá vất vả cho Thảo và mẹ nhưng sau vì chỗ Thảo máy hư nên họ check in giùm. Hơi mệt. lên máy bay ngủ đến Los thì ổn. Chuyến bay từ Los về SEA thì đơn giản hơn. Sân bay SEA rộng hơn nhiều .Không gặp trở ngại. cậu mợ đón . Vui vẻ.
Nhà nhỏ nhưng gọn gàng. Bảo rất ổn. 
Vậy đó. 
Nói chung, Thảo giỏi lắm

Dễ thương như một buổi sáng con tìm ra nhà thờ Visitation of the blessed virgin mary catholic church. 
Thật là ơn Chúa khi nhà thờ cách nhà ở 30 phút đi bộ nhanh.
Hôm qua đi lễ lần đầu ở đó. Bây giờ mới gặp Cha quản xứ. Sau lễ nói chuyện một chút với Cha. Cha nói nếu cần Cha nhờ người đến chở cho con đi lễ hàng ngày  (He he , con thấy sao mình khéo nói quá ) Nhưng thấy ngại, lễ hàng ngày toàn ông già bà lão, nên con nói thôi con đi bộ để tập thể dục. Cha cười quá trời. Cha chắc cũng cỡ tuổi Cha thôi.
Nhà thờ rộng nhưng thiết kế sao mà con nghe giọng Cha vang vang. Có những đoạn ngân nga nghe rất hay, mặc dù không dùng micro.
Đi lễ về thấy đường cũng xa thiệt. 
Thôi ráng đi bộ về

Bé Thảo nói :chắc sau chuyến này Thảo sẽ thiết kế tour hành hương nhà thờ quá . 
Các nhà thờ công giáo ở đây đẹp . 
Người đi nhà thờ hàng ngày là những người thực sự mong ước đến nhà thờ.
Họ thân thiện bất ngờ. Chúc bình an, họ cười , bắt tay quanh cả, giơ tay chào người ở xa,người hàng bên này chạy qua bắt tay hàng bên kia.
Thánh lễ trang trọng nhưng không cứng nhắc.  
Con thấy mình hạnh phúc lắm.
Con nghĩ con phải cám ơn Cha nhiều, nhiều lắm.
Tạ ơn Chúa thì suốt ngày thôi. Chúa cho con sao mà nhiều quá.
Hôm nay, con đi lễ. Người ta đông hơn. Có 1 nhóm người (gia đình) họ dự lễ bình thường nhưng đến phần rước lễ thì họ không rước lễ . tất cả họ đi lên quỳ trước tượng Đức mẹ. Hết phần này , họ đi xuống ghế lại. Không rõ họ thuộc tôn giáo như thế nào? 
Có chuyện này cũng phải hỏi Cha: Cạnh nhà có 1 nhà thờ Tin lành. Con chưa bao giờ vào nhà thờ tin lành nên không rõ trong đó ra sao. Chắc là phải có Thánh giá. Ví dụ như con muôn cầu nguyện riêng 1 mình, con có thể vào đó không?
Có gì sai quá không?
Vậy thôi, con viết thư nhiều cho Cha ,Cha có phiền không? Cha đọc nhiều, Cha có phiền không? Tất nhiên Cha chẳng dám nói phiền rồi. 
Đôi khi con viết như 1 nhu cầu dàn trải lòng mình thôi. Cha có thể trả lời hoặc không cũng đươc. Cha cũng đừng quan tâm quá. trừ những gì con muốn hỏi, Cha chịu khó trả lời nghe.

Mấy hôm nay, trời tacoma, seatle mưa lạnh. Người nhà lại bận đi làm nên con và Thảo tự đi bộ và bus khám phá quanh vùng, đến một số trường học ( High school, TCC, university). 
Chúa thương, thương lắm nên con cũng ngẫm ra được vài điều. Những gì đang có là điều tốt nhất Chúa dành cho mình. Những gì mình mơ ước và muốn thay đổi mà chưa được thì xem ra không phải là điều tốt .
Con vẫn cầu nguyện hàng ngày để có đủ khôn ngoan hướng mình theo những điều Chúa muốn dành cho mình.
Tạ ơn Chúa mỗi giờ mỗi phút mỗi ngày. 
Cám ơn Cha đã quan tâm thăm hỏi 2 mẹ con.
Ngày ni, mẹ và Thảo đi nhiều.
Đến Covenant HS: 
Tiền nộp 10.400 1lần vào ngày 15.8. Trừ trường hợp quá khó khăn thì tự liên hệ Thầy hiệu trưởng để thỏa thuận thôi. 
Ăn trưa tự bới đi.Có phòng ăn, có lò vi sóng.
Tập thể dục ở 1 trung tâm gần đó (OK)
Không có lớp Piano.
BHYT tùy gia đình muốn mua hay không thì tùy.
Học giỏi không có học bổng .
Đi bus đi học khá thuận tiện. 2 chặng xe. Đoạn đi bộ bằng từ nhà mình đến Chính trạch. Sẽ mua vé tháng cho Bảo đi bus. Đi bus một lượt bình thường tuổi Bảo là 75 xu.
6h15 Bảo ra đợi bus. 6h30 bus chạy. Đến TCC đổi bus, đến Covenant lúc 7h10. 7h30 vào học. 
Xe bus đúng giờ không nhanh, không chậm 1 phút nào.
Bảo không hề phải băng qua đường. Trên đường nhiều học sinh TCC cùng đi.
Á, trang phục quy định: mặc gì cũng được nhưng váy phải dài quá đầu gối và áo thì phải có cổ.
Ôi, nước Mỹ! gì cũng có thể có. Thật lạ và thật tuyệt.
Đến Puged sound:
Trường đẹp gần St.J. Rộng lớn hơn.
Học bồng tối đa cho SV quốc tế transfer là $19.000. 
Need-base gì đó không dành cho SV quốc tế.
Chi phí học cao .Chi phí ăn ở thấp.
Nên trừ ra,  tóm lại SJ còn rẻ hơn nhiều.
Thắng lợi lớn cho việc đến PS là Thảo rèn luyện khả năng giới thiệu mình và hỏi thông tin. Thảo giao tiếp tốt đối với việc của  em , nhưng đối với viêc của Thảo thì chưa rõ ràng lắm. Mẹ nghĩ cũng mừng là thấy được điểm yếu, mạnh trong giao tiếp của Thảo để hướng dẫn thêm.
Đến TCC Tacoma Community College:
Đã đến St.J,, Puged Sound thì tới TCC thật ....một trời một vực. Tuy nhiên thật sự mà nói thì TCC vẫn là 1 trường cao đẳng cộng đồng lớn và có uy tín .
Tóm lại, mặc dù mưa và lạnh suốt mấy ngày ni, Thảo và mẹ vẫn cố gắng đi và tìm hiểu được khá nhiều. Thảo mạnh mẽ và hiểu biết.
Thời tiết ở đây có tiếng là ướt nhất nước Mỹ nên quả thật: Ướt, lạnh. 
Mấy hôm nay ngày nào cũng đi bộ, nhưng mẹ lại không đau chân nữa.

St. Joseph Church của Tacoma tròn 400 năm. Ôi Chúa ơi, sao mà Chúa thương em dữ vậy. Ôi em nghĩ rứa đó Ms. Nhà thờ  rộng và đẹp quá. Nhiều thứ trong nhà thờ em không rõ. Giá như em có Ms ở đây …, ms sẽ phải giải thích cho em nhiều thứ.

Con gặp một biến cố lớn. Con nhận ra được Tình yêu Chúa dành cho mình và quyền năng của Chúa làm thay đổi nhiều  điều quanh con. Nhận ra, tin tưởng, phó thác và ...yêu mến là những cảm xúc (con chưa tìm ra từ khác hợp hơn), mà phải mất một thời gian dài mới có đươc. 

Mọi sự đối với con còn rất mới mẻ . Tình yêu Chúa trong con cũng mới mẻ, tinh khôi. Nên đôi khi con vẫn lo. Khi tất cả mọi chuyện đã quen thuộc thì tình yêu có vì vậy mà phai đi không? Đây là một kiểu suy nghĩ ngớ ngẩn của thế gian thôi, không thể áp đặt với Tình yêu tuyệt vời của Chúa.
Con sợ Chúa không vừa ý về mình. Sợ những gì Chúa muốn mình làm, mà mình không làm được, hay không biết để mà làm theo ý Người.
Điều này đầu tiên con nghĩ chỉ như là một sự đền đáp những ân sủng Chúa ban. Nhưng bây giờ con nghĩ đơn giản hơn : Con không muốn mất lòng người yêu thương mình. 
2 năm được làm con Chúa, Mỗi một giai đoạn con cảm nhận được điều Chúa muốn con làm. Làm điều Chúa muốn thì mọi sự đâu vào đấy.
Năm nay lại một cảm giác khác mà con trăn trở nhiều.Con muốn 2 con gái con nhận ra Tình yêu của Chúa ( con nói Tình yêu chứ không phải là Ân sủng).
Vói những trải nghiệm của con và trong môi trường St.John, mà bé Thảo vẫn hững hờ với Chúa thì là lỗi của con. 
Con không ao ước gì nhiều, chỉ mong Thảo biết trông cậy vào Chúa, để biết đứng dậy khi vấp ngã, để biết bình an khi gặp chuyện không vui. 
Con ở xa con gái.  Cái nếp nghĩ Á đông trong con còn nguyên vẹn nên cứ lo nhiều điều. Chỉ có một cách bám vào Chúa, Đức Mẹ, mọi chuyện mới ổn, đặc biệt trong xã hội Mỹ hiện đại này.

Trời lạnh và mưa nhiều ở Seattle.  Em chẳng đi đâu được ngoài việc đi lòng vòng quanh vùng.
Có 1 ngày em lên 1 trường Đại học lớn trong vùng, đến nhà thờ St. Patrick , đẹp quá đi. 
Ngay trong nhà thờ có 1 hồ nước. Không biết có phải là nơi rửa tội không . Đẹp lắm Ms à.
Chắc em không bao giờ quên cuộc hành trình này. Khởi đầu chuyến đi với nhiều lo lắng. Nhưng nỗi lo lớn nhất là không tìm thấy nhà thờ để dự lễ.
Vậy mà em đến được Mỹ, đến được nhiều nhà thờ tuyệt vời. 
Em nghĩ Chúa thương em quá. 
Mỗi lần em nhận được ơn gì em đều nghĩ làm sao để tạ ơn Chúa cho xứng đáng? Thật là tuyệt vời vì có Chúa bên mình. Em ao ước cho 2 đứa bé của em cũng được như vậy. 

Ngày chủ nhật, anh chị con đưa con đến Seattle,  Space Needle, biểu tượng của WA state. Vì không tiện nói đây là chủ nhật, em muốn đi nhà thờ, nên thôi, nghĩ bụng, Chúa ơi, Chúa biết vì sao con không thể. 
Đến Seattle, con điện thoại cho 1 người quen, là cô ruột của 1 thầy phó tế ở Đà nẵng, chỉ để thăm. Cô ấy vội vàng tới đón và vì còn đúng 30 phút nữa có lễ tại nhà thờ Việt nam nên cô cũng vội mà con thì mừng quá. Vậy là 12g con đến nhà thờ của giáo xứ Thánh tử đạo VN ở Seatle tham dự Thánh lễ chủ nhât vừa rồi. 
Ôi chao,vậy đó rồi Chúa cũng thương. 
Vậy là con cũng dự được Thánh lễ của người Việt nam tại Mỹ.
Thật lòng dù không muốn cũng phải có một sự so sánh giữa 2 Thánh lễ Mỹ và Việt nam mà con được dự. Con nghĩ người Việt nam rồi ở đâu cũng là người việt nam. Thật ..... 
Các Cha thì như nhau thôi. Nhưng giáo dân Việt nam trong Thánh lễ so với người Mỹ thì ...mọi thứ hơi bị nghi thức quá. cảm giác như họ không có đủ tâm tình khi đến nhà thờ. Cảm giác họ có quá nhiều điều trong đầu phải lo toan khi tham dự Thánh lễ. 
Bản thân con , con cũng bị chia trí theo cái nhốn nháo trong nhà thờ Việt nam.
Sáng nay, dự lễ tại Visitation Church, dù không nghe, không hiểu gì, nhưng con vẫn thấy mình thật bình an, dễ chịu. Sự nhẹ nhàng và thiêng liêng của Thánh lễ Sự thân thiết, niềm hân hoan của những người tham dư thánh lễ. Tất cả những cái đó con không thấy ở nhà thờ Việt nam tại Mỹ.
Con cảm giác những người Mỹ họ đến nhà thờ thực sự vì tình yêu. Nhà thờ như là một nơi thật vui tươi, thật bình an. Họ cười với nhau. Linh mục vàThừa tác viên khi trao Mình và Máu Thánh Chúa, họ trao cả Tình yêu của Chúa và của chính riêng bản thân họ vào đó. Họ luôn giữ nét mặt tươi cười và nhìn vào người được nhận. 
Con tạ ơn Chúa vì tất cả những điều đó. Tạ ơn Chúa vì con nhận ra Tình yêu thật sống động trên đất nước xa lạ này

Wow, con ở nhà với bé nhỏ. Bé nhỏ đi học, con với bé lớn đi loanh quanh. Ngày thứ 7, chủ nhật, anh chị con rảnh thì chở đi chơi. Đi nhiều.
Có những vấn đề mà con nghĩ ở VN chắc còn rất lâu mới có được là sự quan tâm đặc biệt tế nhị và sâu sắc đối với trẻ con, phụ nữ lớn tuổi, phụ nữ có thai và có con nhỏ, người ngồi xe lăn. (đàn ông nằm ngoài sự quan tâm đặc biệt này. Các linh mục chắc lại càng nằm ngoài nữa. ).
Gần nhà con ở có 1 elementary school. Đến giờ trẻ con đi học, có đèn báo hiệu để tất cả các xe phải đi với tốc độ 20km/h trong suốt chiều dài của trường. Sau khoảng cách này duy trì 30km/h thêm 1 khoảng cách nữa . Mọi xe luôn dừng lại cho chỉ 1 đứa trẻ đi qua. Ba mẹ chở con đến đều đứng ở một vị trí nhất định . Đứa trẻ sẽ tự đi qua đường, tự vào trường. 
Ở High school, college, university, sự tế nhị đến từ cả restroom nam và nữ. Ôi, Mỹ!
Đi bus, ngoài việc có chỗ ngồi riêng, việc đi xe lăn lên xuống bus đều tự thực hiện. Khi có người đi xe lăn đợi bus, bus dừng lại, cửa mở, bậc cấp sẽ hạ xuống làm đường cho xe lên. Họ sẽ tự di chuyển xe lăn đến vị trí và tự cố định xe. Tài xế chỉ ngồi tại chỗ nhưng luôn đợi cho đến khi ổn định mới chạy. Họ quan sát toàn bộ xe với 2 kính chiếu hậu trong xe. 
Have a good day, thank you, you're welcome....là những câu cửa miệng.  
Con muốn chụp hình hoặc quay video những hình ảnh đó mà không dám.
Vâng, còn quá lâu để VN có được điều đó.

Con đi nhà thờ khá thường xuyên. 
ở đây, mỗi nhà thờ thường có kèm 1 trường mang tên cùng với nhà thờ. Vd: Visitation Church, Visitation school. Trong tuần sẽ có 1 ngày Cha dâng Thánh lễ cùng với học sinh.
Con dự lễ cùng các bé này 1 lần, quá dễ thương. Visitation School là trường có lẽ có từ mẫu giáo đến cấp 1. Các bé mẫu giáo đọc bài đọc, bên cạnh có 1 chị cấp 1. Chữ nào quên, chị nhắc thì thầm. Cha đọc phúc âm xong thì giảng chủ yếu cho các bé. Cha hỏi, các bé thay nhau trả lời. Trước khi người lớn rước lễ, Cha ban phép lành từng bé một . Không khí Thánh lễ vui vui. Cha xứ nhà thờ này đến nhà thờ bằng quần tây, áo sơ mi đen, cao ráo dễ thương, như ...Cha vậy. Con vẫn nghĩ đến Cha mỗi lần tham dự Thánh lễ ở đây

Ở đây có một loại cửa hàng gọi là Goodwill. 
Đây là cửa hàng bán đồ cũ. dành cho những người thu nhập thấp. Đến đây, có thể tìm được mọi thứ vật dụng của gia đình. Những người có thu nhập khá, có những món đồ không dùng nữa, họ đem đến Goodwill bằng một lối khác.(một hình thức cho đồ từ thiện). Tại đây, nhân viên Goodwill sẽ làm sạch, phân loại và đem bán lại với giá rất mềm.
Tại các trường đại học, cuối niên học, có các thùng lớn đặt trong trường để các sv bỏ lại những đồ không sử dụng nữa nhưng còn tốt. Các thùng này được chuyển tới Goodwill.
Con đến thấy cách người ta làm thật đáng ngưỡng mộ. Người nghèo vẫn có thể đi vào mua sắm chứ không xin gì của ai,
Hôm nay thứ 5, ngày 6.6. Con đi lễ buổi sáng ở Visitation Church. Sau lễ con ngồi lại lâu hơn bình thường vì con vẫn có một chương trình cầu nguyện chút xíu dành cho các Linh mục vào sáng thứ 5. (không được cười con. Con cầu nguyện rất chân thành đó). Con phát hiện ra là có một nhóm giáo dân ngồi lại trong 1 phòng riêng nhỏ cùng cầu nguyện riêng cho Cha quản xứ ở đây. Cha cũng cùng ngồi với họ. 
Ôi, con nghĩ thương yêu là thế đó thôi. Ước mong tất cả những gì tốt lành nhất cho người mình yêu. 
"Yêu người như yêu chính mình", con nghĩ còn hơn thế nữa chứ.  Chúa yêu con người còn hơn cả chính bản thân Người thì sao?
Con lại bâng khuâng một chút về các linh mục, nhân hôm nay đọc bài  http://thanhlinh.net/node/49916.
Thực lòng con không hiểu tất cả những gì người viết đề cập có quá đáng không? 
Chúa cho con trải qua 3 giai đoạn cảm xúc khi tiếp xúc với linh mục:
1. Ngỡ ngàng và ngưỡng mộ trước vẻ đẹp của linh mục
2. Tan vỡ niềm tin yêu vào linh mục. Thật tình là thế
3. Ngắm nhìn linh mục ở một góc nhìn khác. Con nghĩ là góc nhìn của Chúa.

Ơn Chúa là con luôn có Chúa dù con ở giai đoạn nào.

He he, bây giờ thì ...con yêu linh mục bằng tất cả tình yêu mình có, độ lượng với những mỏng dòn của linh mục, 
Và nếu chỉ có một câu nguyện trong ngày thì con sẽ dành cho linh mục.Với ước mong, linh mục luôn là Chúa giữa đời thường.
Tối nay mở lại trang giao phận Kontum xem một đoạn Video Thánh lễ phong chức Linh Mục , con nhận ra Cha.  Lúc nào Cha cũng mang kính bảo vệ mắt vậy sao ? Ôi thế cũng phiền cho Cha quá. 
Thôi con chào nghe. Con cũng gần về VN rồi. Nếu không có gì thay đổi, con đi Kontum vào trung tuần tháng 7. 
Sáng nay, Lễ Thánh tâm Chúa, con đi lễ Visitation Church. Chúa vẫn thương yêu con như đã từng thương yêu.
Bây giờ thì quen hơn với Thánh lễ tiếng Anh. Có các câu đáp và câu nguyện bằng tiếng Anh trong sách để sẵn. Trong sách hát , phần sau có bài đọc của những ngày lễ trọng và chủ nhật. Con vui vì mình theo dõi được bài đọc (tất nhiên có đọc trước bài tiếng việt để hiểu hơn). Cha giảng thì hầu như không nghe gì cả. Con vẩn vơ theo chuyện của mình. 
Con nghĩ đến tình yêu Chúa dành cho mình. Con biết mình là con chiên lạc, Chúa thương tìm về. Con nghĩ đến tình yêu mình dành cho Chúa. Con nghĩ đến các linh mục. Con cầu nguyện cho các Cha.  Các linh mục con quen biết , mỗi người một vẻ. Không ai giống ai. 
Sáng nay về, vào một The Home depot cùng với anh, con tìm mấy cái kính cho Cha (safety glasses). Mua một lốc 4 cái. Không biết Cha mang có vừa không? Không vừa trả lại nghe. 
Một ngày tốt lành đang qua đi. Con thấy mình thật ổn. Mọi khó khăn, ưu tư cũng còn đó thôi, nhưng con thấy mình thật bình an. 
Ngày mai con đi Cali,  4 ngày.
Con có vài việc ở Cali nên phải đi chứ thấy mệt vì đi lại quá. Không biết Chúa có cho con đi nhà thờ Chủ nhật không? 
Con nhớ nhà lắm rồi. Nhớ ông xã con. He, bình thường thôi. Đó là tình yêu của thế gian mà Chúa ban cho con.

Cali,
Em cũng ngạc nhiên mà nghĩ, Chúa muốn gì khi em đi  đến nhiều nhà thờ vậy. Em cũng không biết . Nhưng rõ ràng là em vẫn ao ước như thế và em được như thế.
he he. tạ ơn Chúa thôi. biết nói gì hơn.

Em vẫn tồn tại và phát triển. Em vẫn đi dòng dòng để kiếm dòng tu.
Hì, Chúa vẫn ở bên em, khỏe mạnh và vẫn yêu em nồng nàn thiết tha. Sorry, sorry!!!!!!!!! Hì hì. Đừng la em nha.
Em đang ở Cali, Chino hills, nhà một người bạn. Chồng chị ấy là bác sĩ đã về hưu. Chị ấy là Dược sĩ. Nghe qua đã thấy giàu không tưởng được rồi. Họ là phật tử. Hai con trai không sống cùng họ nữa.
Khi biết em muốn đi nhà thờ, vì hôm sau là chủ nhật, chị ấy nhanh chóng điện thoại cho bạn và sáng hôm sau, chở em đến nhà thờ. Một Cha có lẽ là người Phi dâng lễ ở đây. Em bình an , em nghĩ là em bình an tuyệt đối. Em ngồi lại nhà thờ hơi lâu sau lễ. Em chẳng biết nói chi với Chúa. Em chỉ nhắm mắt và Chúa thì ngồi với em.
Chị ấy bận đi làm nên cho người chở 2 mẹ con đi Los Angeles, Hollywood. Đại lộ danh vọng, Little Sài gòn, Phước lộc thọ…làm em hơi mệt. Cali nóng như VN vào thời điểm em ở đó. Em đến 1 nhà thờ trẻ , 10 năm, được xây dựng thật hoành tráng, đường nét hiện đại, mạnh mẽ khác với những nhà thờ Công giáo khác thường có cấu trúc cổ điển kiểu Châu Âu. Phòng chầu Thánh thể. Phòng cầu nguyện với Mẹ Maria. Phòng cầu nguyện với Thánh Cả Giuse. Phòng có ảnh, có lẽ là ảnh khăn in khuôn mặt Chúa Giê su, từ nhạt đên đậm. Phòng cầu nguyện với Đức giáo hoàng Phanxico…Giếng rửa tội với hình ảnh Gioan Tẩy giả làm phép rửa cho Chúa Giê su.
Ôi, tự nhiên em muốn có một linh mục bên cạnh. Chắc chắn em sẽ được giải thích nhiều thứ. Ôi, em biết ít quá.
Trên đường từ Los Angeles về lại Chino Hills, em thấy trên một ngọn đồi, một cây thánh giá chơ vơ. Một cái ảnh chụp nhanh. Em không hiểu.

Ngày mai em về lại Seattle. Vài chuyện ở Cali đã xong. Em đến vài trường Đại học, Có một trường dành cho nữ, như một tu viện dịu dàng. Em ao ước . Nhưng mọi việc không như em mong muốn.
Em  nghĩ Chúa đang xếp đặt một chương trình khác cho em. Em nói với Thảo nhiều thứ . Trong đó em nhấn mạnh việc phải nhận ra Chúa trong mọi sự của mình để bình an và tín thác.
Em Tịnh Anh

Vừa rồi qua Cali, con ở nhà 1 người bạn lớn tuổi hơn tại Chino Hills. Họ qua Mỹ từ còn trẻ . Anh chồng là Bác sĩ đã về hưu. Chị vợ là Dược sĩ. Có 2 con trai đã lớn. Mặc dù giàu có nhưng họ sống đơn giản.
Người nhà cũng đưa đi chơi nhiều lắm. Chỉ có con từ chối thôi vì cũng mệt. Con dành 1 ngày để lo chuyện cho bé Thảo. Chúa cho mình tự do. Nhưng gần hết hành trình tìm hiểu nhiều điều cần thiết cho việc học của 2 đứa bé, con lại càng cảm thấy những gì Chúa chọn lựa cho mình luôn là điều tốt nhất. 
Con nghĩ mình cũng còn quá mỏng trong đời sống đức tin nên con không dám nói nhiều với ai.Con không khẳng định được những gì mình suy nghĩ cảm nghiệm về sự hiện diện của Chúa ở bên mình mỗi nơi, mỗi lúc có đúng không? Chắc khi nào có dịp con nói chuyện Cha nghe. Đôi khi con thấy buồn cười. Con cũng thấy như mình cười với chính Chúa Gieessu, khi con nhận ra Chúa xoay chuyển vấn đề của mình. 
Con ngẫm nghĩ về việc nhận ra Chúa hiện diên trong mọi sự của mình. Nghĩ ra rồi lại cười với Chúa Giêsu

Chúa thật sự quá thương khi đưa con đến Mỹ , đến nhiều nơi của nước Mỹ. Không phải để chơi, để tận hưởng cuộc sống văn minh, hiện đại mà để nhận ra được rất nhiều mảng cuộc sống ở đây. 
New York, Washington State- Seatle- Tacoma, Califonia- los angeles -holywood, Chino hills , con tạ ơn Chúa vì con thấy con gái mình hiền hòa và mạnh mẽ. Tạ ơn Chúa vì con nhận ra được nhiều mặt  đời sống của nhiều thành phần dân ở đây : Giàu có, trung lưu, nghèo, vô gia cư.; nhận ra được đời sống văn hóa của dân Việt nam ở đây: văn hóa cao, vừa và thiếu văn hóa. Và ở đâu con cũng có Chúa bên canh. Con đi nhà thờ Mỹ, Việt nam. Ở đâu cũng gần nhà thờ để đi. Không xa quá, không gần quá. Chúa muốn con thể hiện niềm khát khao có Chúa. Đôi khi con nhắm mắt lại , con nghĩ về Chúa, con thấy Chúa như một anh chàng dễ thương, 33 tuổi, luôn chu đáo, chân tình chăm sóc mình, quanh quẩn bên mình. Cha đừng la vì ý nghĩ đó. Con không nói với ai như vậy đâu. Thiên hạ la con mất thôi. 
Vậy đó. 
Thật chẳng biết phải tạ ơn Chúa như thế nào mới phải. 
Thôi, con viết hơi dài rồi. Nhiều chuyện muốn nói , chỉ sợ Cha đọc mệt

Sự ví von về việc khấn của tu sĩ như là một hôn ước với Đức Kito, con có biết . Con cũng có biết người ta dùng từ Tân lang, Tân nương hay cái gì đó tương tự. Không biết có chính xác không? Con cũng dự vài lễ Vĩnh khấn của các Sr quen biết và nghe được như thế.
Thật tình nếu đúng vậy thì...con thấy ...kỳ.
Tình yêu vợ chồng đồng nghĩa với sự thăng hoa trong tinh thần và thể xác. 
Tình yêu đối với Đức Kito không phải thế. Có thể nói là khi tu sĩ dâng mình cho Chúa , họ dâng hiến cả hồn và xác cho Chúa. Nhưng sự hy sinh mọi cảm xúc khác sự hiến dâng mọi cảm xúc.
Nói chung là không thể so sánh như vậy. Đó là lý do tại sao có những tu sĩ không vượt qua được việc hy sinh mọi cảm xúc, dù chỉ là nhất thời.
he he, đó chỉ là ý nghĩ của riêng con. Sai hay đúng con chẳng biết. 
Bởi vậy hy sinh được mình để yêu người khác vô điều kiện là khó vô cùng.
Mọi thứ có thể nghi ngờ, có thể mơ hồ. Nhưng cảm giác có Chúa bên mình của con là cảm giác thật. Nhưng không phải lúc nào con cũng có được. Nghĩ về Chúa suốt ngày, Chúa vẫn ở đâu đó mất rồi? Con nghĩ chắc có ai cần Chúa lúc này hơn mình. 
Nhưng không sao, lúc đó con bình an mà.
Có những người bỏ gia đình riêng để đi tu, có những vị Thánh như vậy nữa. Có nhiều Sr và Cha đùa với con vậy rồi. He he, con thường cười nói: "con cũng tiếc tình yêu thế gian. Chúa biết con lắm mà". 

Dạ, Người nghèo thì lúc nào anh em cũng có với anh em; 
Điều đáng nói là : còn Thầy, thì không phải lúc nào anh em cũng có đâu!
Vậy nên không mấy ai nhận ra người khốn cùng quanh mình. Quá nhiều cái nhìn hững hờ đối với họ. 
Càng ngày cái ý thức: nhìn bằng đôi mắt của Chúa, hoạt động bằng đôi tay của Chúa sau khi nghe lời Chúa , sau khi cảm nhận tình yêu Chúa trong mình, càng lớn dần trong con.  
Vậy đó, tạ ơn Chúa mãi vì những gì mình có được, mọi thứ, mọi thứ, những điều nhìn thấy được và những điều không nhìn thấy được.
Tịnh Anh
Hôm chủ nhật, con đi lễ ở Visitation Church. 13/7/2013 này là kỷ niệm 100 năm của Visitation Church. Sau lễ con chào Cha để về lại VN. Cha hỏi có nghe Cha giảng đươc không . Con phì cười, nói thưa Cha con  nghe được ít thôi. Cha thông cảm cho con. He he. 

Con có sẵn 1 tấm card Đức Mẹ Sao biển và 1 móc khóa có hình Đức mẹ Măng đen, con tặng Cha và nhờ bé Thảo nói sơ lược về Đức Mẹ Măng đen, Đức mẹ Sao biển. 

Kết thúc cuộc hành trình cũng gọi là lớn của con, tạ ơn Chúa vì con có Chúa suốt cả cuộc hành trình.Thật con không thể hình dung Chúa thương con đến vậy. 
Con không thể không nhận ra Chúa ở bên con. Chúa biết con ao ước gì, muốn gì.Con không biết những gì con mong muốn mà con chưa có được, Chúa sẽ dành cho con như thế nào , nhưng con vẫn tin Chúa chỉ làm điều tốt nhất cho con. 
Ngay lúc này đây, con viết cho Cha, con vẫn nhận ra Chúa ở bên mình.
Chúa vẫn sẽ mãi mãi là người tình tuyệt vời, để con cười , để con khóc cùng. 
Con nhớ những ngày đầu biết Chúa, nhận ra tình yêu Chúa dành cho mình, con cố chống lại điều đó như thế nào. Rồi con nhận ra Chúa vẫn nhẫn nại thương yêu mình dù mình thế nào đi nữa, vâng, dù mình như thế nào đi nữa. 

Một trăn trở về 2 con gái, con ao ước 2 đứa bé được như con. Con vẫn cầu nguyện để 2 bé biết yêu Chúa như Chúa đang yêu thương nó. Có lẽ 2 nhóc vẫn nhận ra ơn Chúa dành cho nó. Nhưng từ TIN đến YÊU lại là một khoảng cách. 
Biết ơn và yêu thương là 2 cảm xúc khác nhau, sẽ dẫn đến 2 thái độ khác nhau. Con cầu nguyện và con tin Chúa sẽ làm môt lúc nào đó. Nhanh thôi. 
Con sắp về VN. Con thực sự muốn về nhà. Chỉ thương 2 bé cứ quẩn quanh với mẹ. 
Con chào Cha nghe. Sẽ điện thoại cho Cha, sớm thôi. 

Cha thân mến, 
Con đã về. Chuyến đi về quá cảnh ở sân bay Incheon, seoul (lần trước cũng vậy), về thẳng Đà nẵng. Sân bay này cũng thuộc loại sân bay rất  lớn. Tiếp viên hàng không Hàn quốc nữ đẹp, đẹp ngất ngây . He he. 
Cũng mệt vì chuyến bay dài, và cũng lệch múi giờ nên chiều nay con ngủ từ 12g trưa đến 10g tối. Bây giờ 2g sáng, tỉnh táo mất rồi. Hôm nay con hơi mệt vì trời nóng quá. Bước ra khỏi phòng có điều hòa là con cảm thấy ngột ngạt. Chắc vài bữa sẽ bình thường. 
Tạ ơn Chúa vì mọi điều, những điều như ý mình và những điều chưa  như ý mình. Dù con còn rất nhiều việc phải làm, phải lo lắng, phải tính toán, con vẫn tin Chúa sẽ vẫn ở bên con. Con cũng nói chuyện với 2 bé vậy. Không phải tất cả những ước muốn của mình đều có thể thực hiện được dù mình đã cố hết sức. Phải chấp nhận những khó khăn nếu đó là ý Chúa. Điều đó cũng không có nghĩa là mình buông xuôi mọi việc. 
Cầu nguyện. Cầu nguyện. Cầu nguyện. Và chỉ cứ cầu nguyện.  Con chợt nhận ra một điều là mình có thể cầu nguyện bất cứ lúc nào, giờ nào, nơi nào. 
Con rất vui về chuyến đi này. Không phải chỉ vì được đi Mỹ, được thăm con gái. 
Con vui , vui lắm và con tin Cha hiểu được niềm vui của con.
Con cũng không thể không nói cám ơn Cha. 
Cám ơn Cha rất nhiều vì Cha đã chịu khó theo con từng bước, cầu nguyện cho mọi sự của con trong suốt cuộc hành trình. 


Vậy thôi, con cũng phải đi ngủ để lấy lại thăng bằng. 

Friday, August 18, 2017

KHI HƠI THỞ HÓA THINH KHÔNG (When breath becomes air) của Paul Kalanithi

KHI HƠI THỞ HÓA THINH KHÔNG

-------------------

https://med.stanford.edu/news/all-news/2015/03/stanford-neurosurgeon-writer-paul-kalanithi-dies-at-37.html

Tôi đọc KHI HƠI THỞ HÓA THINH KHÔNG (When breath becomes air) của Paul Kalanithi, bác sĩ ngoại thần kinh tại Stanford.

Sách được tờ New York times bình chọn là 1 trong 10 truyện hay nhất năm 2016.

Bản dịch tiếng Việt của Trần Thanh Hương mới ra vào tháng 7/2017.

Paul Kalanithi, bác sĩ ngoại thần kinh tại Stanford, bắt đầu viết cuốn sách này như một tự truyện, trong thời gian phát hiện bản thân bị ung thư. Bị ung thư một cách ngỡ ngàng, một cách không tin được.

Sách chia làm những phần gọn gàng mạch lạc.

- Phần tựa của Arbaham Verghese.

- Phần mở đầu.

- Phần I: Khởi đầu từ một sức khỏe hoàn hảo.

- Phần 2: Không dừng lại cho tới chết.

- Phần kết thúc: Lucy Kalanithi, bác sĩ nội khoa ở Stanford, vợ của Paul Kalanithi, viết tiếp lời bạt về những ngày cuối cùng của Paul cùng với lời cảm ơn.

Có lẽ mình nên đọc từng phần. Phải đọc từng phần. Chậm, chậm như thế thôi.

Bởi mỗi một phần đều chạm vào trái tim mình với những cảm xúc khác nhau. Có những cảm xúc buộc mình phải gấp sách lại, để nhắm mắt rưng rưng.

Các bạn là đồng nghiệp của tôi, bạn sẽ tìm thấy chính bản thân các bạn trong đó: Những đam mê, những hạnh phúc, những nhọc nhằn, những tê tái, những đổ vỡ ...tất cả đều có đủ, tất cả làm nên bản lĩnh y khoa cho tôi và cho bạn.

Tôi nhớ những người bạn bác sĩ mắc bệnh ung thư của tôi: Những người đã ra đi, những người còn vật lộn với nó.

Những bác sĩ bước vào bệnh viện không với chiếc áo blouse trắng nữa mà với bộ áo quần bệnh nhân.

Những bác sĩ nằm trên bàn mổ, nghe tiếng dao kéo và hình dung được mọi thứ mà người bạn đồng nghiệp đang làm trong cơ thể mình.

Tôi hình dung nỗi đau thể xác lẫn tinh thần mà Paul và bạn tôi phải chịu.

Tôi cảm được những trách móc của Paul với Thượng đế : "Sau tất cả những gì con cống hiến mà Ngài để mặc con như vậy sao ?"

Cuối cùng thì, Paul chấp nhận, Paul chiến đấu và Paul chiến thắng khi thở hơi thở cuối cùng của mình vào với thinh không, trong tiếng chuông giáo đường Stanford an lành.

Mình thấy buồn.

Mình nhớ những người bạn đã đi xa.

Trạng thái tâm lý con người thật kỳ diệu.

Buồn vui như những phím đàn đen trắng. Cứ nhảy lên từng phím thì tạo nên bản hoà âm cuộc đời.

Ô, Thú vị hay đau buồn cũng do tay mình gõ phím mà thôi






Wednesday, August 2, 2017

MỘT GÓC KÝ ỨC ĐỒNG KHÁNH.



Năm lớp 6, mình học trường Trung học Đồng Khánh, cũng là lần đầu mặc áo dài trắng đến trường. 

Một lần, đi loanh quanh gần phòng giáo viên cùng nhỏ bạn tên Th Chi, một cô giáo vẫy tay gọi cả 2 vào. Eo ui, sợ! Cô giáo nói rất nhỏ : "Về nhà nói mạ mua thêm áo lá mà mặc ở trong nghe !". Ơ ơ, lúc nớ thiệt tình không hiểu lắm. Chỉ là vâng lời thôi. 

Rồi một lần, vẫn áo dài trắng, theo bạn ra khỏi trường chơi, bị khóa cổng. Cả bọn, cột túm áo dài, chui qua cái lỗ tròn tròn ở bức tường ni. 

Giờ bức tường Đồng Khánh cũng còn y như rứa.
Tự hỏi không biết vì răng hồi nớ mình có thể chui qua được cái lỗ nhỏ nhỏ ni. 


Ôi, thời gian và ký ức dấu yêu !